Vanhoaviet.com phỏng vấn VŨ THANH HOA

Bước sang năm 2011, báo Vanhoaviet.com phỏng vấn VTH và nhà thơ Đặng Phú Phong tại đây, xin copy bài trả lời về blog chia sẻ cùng quý bạn đọc:

Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 5 năm YHVHV đến với bạn đọc sắp tới. Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo này đã được thực hiện qua email giữa Vũ Trà My và những tác giả được mời… Chủ đề trước tiên chúng tôi bàn về thể loại thơ. Hôm nay 2 vị khách mời kế tiếp của chúng tôi là nhà thơ Vũ Thanh Hoa và nhà thơ Đặng Phú Phong …

 

 

 

 

 

 

(Mời vào đây xem chùm thơ Vũ Thanh Hoa và Đặng Phú Phong trên YHVHV)

 

 

 

 

 

 

1.Vũ Trà My :Anh ( Chị ) đến với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của chính anh ( Chị) hoặc của một ai đã từng làm Anh ( Chị ) mê đắm , yêu thích đến tận lúc nầy ?

Vũ Thanh Hoa:
Tôi đến với thơ từ khi còn rất bé, vì gia đình tôi có truyền thống yêu Văn học và hoàn cảnh tôi khi nhỏ không được sống ở Việt Nam nên ít bạn bè, chỉ biết làm bạn cùng Văn Chương . Hồi ấy, tôi thích đọc thơ dịch rồi tập tành làm thơ khi mới 8 tuổi. Một trong những bài thơ tôi nhớ đến tận bây giờ là bài “Đàn Sếu” của nhà thơ thuộc Liên xô cũ – Raxun Gamzatop do dịch giả Thái Bá Tân chuyển ngữ:

ĐÀN SẾU

Tôi cứ nghĩ những chàng trai đẹp nhất
Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
Không phải chết đang nằm sâu dưới đất
Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao.

Và từ đó, đàn sếu bay, bay mãi,
Bay và kêu như muốn gọi ta cùng,
Chắc vì thế nhiều khi ta đứng lại
Ngước lên nhìn và suy nghĩ mông lung.

Cả đàn sếu xếp thành hàng lặng lẽ
Giữa hoàng hôn bay dọc phía rừng sồi,
Còn một chỗ trong hàng kia, có thể
Chỗ trống này đang để sẵn chờ tôi.

Và có thể một ngày kia mệt mỏi,
Cùng đàn chim tôi bay giữa trời chiều,
Bằng tiếng chim, tôi sẽ lên tiếng gọi
Nhắc những người phía dưới đứng nhìn theo.

Tôi cứ nghĩ: những chàng trai đẹp nhất
Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
Không phải chết đang nằm sâu dưới đất,
Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao…

(RAXUN GAMZATÔP-Thái Bá Tân dịch)

Đặng Phú Phong: Tôi đến với thơ từ năm đệ lục. Hảnh diện đầy mình khi đựoc ông thầy Việt văn, cứ thắc mắc , sao trò có thể làm bài thơ nầy, ai làm dùm, hay chép của ai. Tôi cự nự với ông thầy, không tin thì cứ việc ra đề, học trò sẽ làm thơ thất ngôn bát cú vừa học của thầy. Sai niêm luật, đối không chỉnh, sẽ chịu nhận hai con zero. Ông thầy sau đó phải khen. Khen cả với các lớp khác. Trong đó có một trò nữ mà trò thích. (có lẽ nhờ vậy mà cậu học trò có đựơc mối tình qua lại chỉ bằng trên giấy vở.

“Trang giấy trắng nét bút này
N. xin nhớ mãi những ngày… anh”)

Thế là cậu học trò một bước tới trời, tưởng  mình ngang với những thi thần, thi thánh. Tóc để dài , ăn ở dơ dáy (sém chút bị mấy ông cao bồi mang giày chicago đá cho lủng ruột) Làm thơ muớn cho mấy cô cậu bị bí tị mà không muốn ăn hột vịt lộn, lấy tiền uống cafe phin, hút thuốc Ruby. Và làm thơ lung tung, kể cả để tán gái. Rồi cứ vậy mà theo riết đến bây giờ, khỏang nửa thế kỳ, tuy rằng không full time.Cũng may là con-nhái- tôi không nổ tung.Vẫn là con nhái…mén.

Vẫn là con nhái nên tôi chỉ biết trừng trừng giương mắt nhái, thôi miên bỡi những bài thơ mà tôi” …mê đắm, yêu thích đến tận lúc nầy “. Hai bài thơ, nó theo tôi . Hay tôi theo nó, cũng không khác. Đủ cả 3 tiêu chuẩn mà tôi theo là : NGUYÊN. KHÍ .THẦN. như là điều kiện ắt có (nhưng  chưa đủ lắm) để trở thành một sáng tác tuyệt cú mèo.Bài Hồ Trừơng của Nguyễn Bá Trác thì khá phổ biến, nhiều người biết, tôi không chép lại đây. Chỉ xin chép bài Tống Giang Vận Hành, nguyên tác bằng chữ Hán của Thị Nại Am, đặt trên cây bút lông của nhân vật Tống Giang, thủ lãnh của Luơng Sơn Bạt. (Bản dịch của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải)

Trên núi cao có con thần điểu
Ba thu qua bặt  không tiếng kêu
Ngày hận mây trời che khuất bóng
Đêm hờn thỏ lặn trải thềm rêu

A ha, thần điểu còn nương náu
Chờ ngày thét vỡ núi khe sâu
Vỗ cánh xé tan bầu kinh khuyết
Vươn đầu đảo lộn cõi Giang Châu

Ta hận trò dâu bể
Ta hờn chuyện thương đau
Thần điểu ví chăng rời núi hiểm
Mặt nước Tầm Dương máu đỏ ngầu

Ngày xưa rạch núi có Hòang Sào
Ngày nay nghĩa sĩ buồn tiêu tao
Hỏa hớn chia đường theo mây bạc
Anh hùng thẹn tủi bóng trăng sao

Tầm Dương sóng réo
Đá dựng mài dao
Phương đông có khách rèn chính khí
Đại nghĩa ngang trời gió cuốn cao.

2.Vũ Trà My :Theo anh ( chị ) Khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả. Anh ( Chị ) có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốc hay chỉnh sữa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được và có thể chia sẻ cảm xúc nầy không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất thần đó ( có khi câu chử đến bằng một cơn đồng thiếp mê man của cảm hứng ) và đứa con tinh thần ra đời, để công bố rộng rãi

 

Vũ Thanh Hoa: Thơ giống như Yêu vậy, không thể lên kế hoạch và biết trước kết cục…(cười) nên chỉ có những cảm xúc bất ngờ và thành thật mới chạm được đến trái tim người đọc. Ngày nay việc truyền bá thông tin toàn cầu qua mạng, qua nhiều phương tiện hiện đại khác có lợi rất nhiều cho Thơ nhưng cũng không đồng nghĩa với việc những bài thơ hay và không hay bị đánh đồng. Độc giả tinh tường lắm, những thi phẩm được viết từ cảm xúc chân thành và bút pháp tinh tế mới thuyết phục được họ và khi ấy, giữa người viết và người đọc mới thực sự đồng cảm .

3.Vũ Trà My: Anh chị nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới . Anh ( Chị ) sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sữa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn theo trào lưu bây giờ . Như thơ cách tân dùng chử mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn , thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục… etc…

Vũ Thanh Hoa: Tôi nghĩ với một người đàn bà đẹp thì xiêm y chỉ là thứ yếu. Bài thơ hay cũng vậy, nó làm người đọc mê đắm đến độ quên đi bài thơ ấy thuộc trào lưu nào. Nhưng Nghệ thuật chân chính luôn đồng nghĩa với sáng tạo và đi tới. Tôi luôn ủng hộ sự “sáng tạo” và “mới lạ” nhưng không đơn giản như việc “thay áo” nghĩa là dùng những từ ngữ cực lạ, gây sốc hoặc dùng những hình thức tiếp cận đến mức phản cảm.  Tôi đánh giá cao những  bài thơ có ý tưởng và tư duy mới lạ, hiện đại nhưng vẫn luôn ngập tràn xúc cảm đẹp và sang trọng. Bản lĩnh của người sáng tạo thể hiện ở chỗ bạn dám bật tung cảm xúc nhưng lại điều khiển được nó.

Đặng Phú Phong: Hai câu hỏi 2 & 3 này tôi gộp làm một. Có cảm hứng thì mới làm thơ. Làm-viết  xong thì làm-lại. Ngoại trừ thấy nó như vậy là vậy. Tôi thay đổi, từ ngữ, ý tứ, tư tưởng là cho tôi. Không phải cho độc giả. Mê man của cảm hứng, nhiều khi nó có cái Khí, cái Thần nhưng  mất đi cái Nguyên. Hay ngược lại. Vậy thì phải cần có những câu nối. Thêm. Bớt. Nhiều quá đâm ra tào lao. Vậy thì phải làm sao? Quăng . Delete.

Hình thức ảnh hưởng đến nội dung. Có nội dung mới có tư tuởng. Do vậy mới phát sinh bao nhiêu là thay đổi, làm mới(?) từ xửa từ xưa. Có điều đừng bao giờ thúc ép, cuỡng bách. Phải gắn bó với con chữ nhưng đừng làm theo kiểu đãi vàng. Hãy làm sao cho thẩm thấu ngôn ngữ. Khi đụng chạm rồi sinh đẻ thì tự nó phát sinh,sắp xếp, tự nó hòan thành sứ mệnh. Tắm táp, kỳ cọ một chút. Thêm xinh.

Tóm lại , làm thơ chứ không phải làm biểu diễn. Nghĩ sao viết vậy. Chấm. Phết. Xuống hàng. Ngắt đọan, thấy thích thì cứ việc. Nhưng  luôn luôn biết rằng phải hữu chiêu rồi mới tính chuyện vô chiêu. Tự do, cũng phải học.

CÂU HỎI RIÊNG CHO VŨ THANH HOA


Vũ Thanh Hoa sinh quán tại Hà Nội.
Hiện cô là Luật sư làm việc tại TP Vũng Tàu. Việt Nam
Tác phẩm đã xuất bản
– Nỗi đau của lá ( Thơ, 2006)
– Trong em có người đàn bà khác (Thơ, 2009)

Vũ Trà My: Ý kiến riêng của chị về Thơ trẻ Việt Nam hiện nay? Nếu được nói với những người viết trẻ, chị sẽ nói gì?

Vũ Thanh Hoa: Tôi nghĩ để nhìn nhận công bằng khi đọc Thơ những người trẻ tuổi ở Việt Nam hiện nay thì nên đặt mình ở vị trí Bạn đọc thuần túy. Hãy tạm quên mình thuộc thế hệ “cha, chú” hay là “người đi trước với bề dày thành tích đã được ấn định” hoặc “một nội tâm đầy những vết thương hà khắc”. Tôi đọc thấy một số ý kiến đánh giá hoặc là quá kỳ vọng, hoặc là quá thành kiến về những người viết trẻ. Tôi vẫn hàng ngày đọc Thơ họ, những người rất trẻ thuộc đủ mọi ngành nghề. Tôi thấy trong ấy là những dòng chảy thời cuộc đầy ắp trăn trở, cái Tôi đau buồn, cái Tôi hạnh phúc được họ thể hiện chân thực, mới lạ và đầy trách nhiệm. Tuy nhiên họ đang chới với trước sự xâm thực ồ ạt của văn hóa Phương Tây, của sự tự nhiên chủ nghĩa hay là sự định hướng cứng nhắc, cũ mòn. Vừa để tồn tại kiếm sống vừa viết văn một cách nghiêm túc, đòi hỏi ở những người trẻ tuổi những thử thách lớn. Tôi nghĩ chúng ta hãy bình thản đón nhận và khuyến khích họ thể hiện bản sắc của thế hệ mới và tin rằng những tài năng thực sự sẽ định hình theo thời gian và lịch sử.
Tôi muốn nói với những người trẻ hơn tôi rằng: Các bạn hãy sống thật, viết thật và không ngừng tìm tòi sáng tạo. Sợ nhất là viết “Nhạt” và “Giả”, còn tài năng và sự chân thành thì sớm hay muộn sẽ được công chúng trân trọng và ghi nhận.

Vũ Trà My: Năm cũ đã qua, năm mới đến, chị có ước mơ và dự định gì cho riêng mình và cho Thơ Việt?

Vũ Thanh Hoa : Những khoảnh khắc chuyển mùa đón năm mới là thời điểm để tôi nhìn lại những vui buồn, thành bại mình đã có trong năm cũ và hy vọng tất cả những điều ấy sẽ là những giá trị thiết thực với tôi trong năm tới. Năm 2011, tôi sẽ ra mắt bạn đọc Tập Truyện ngắn với tựa đề “Người nhìn thấu linh hồn”. Tôi sáng tác song song hai mảng Thơ và Văn xuôi và có một số giải thưởng từ những năm 1993-1994.

Tôi luôn lạc quan và hy vọng trước hành trình Thơ Việt, đi đến đâu cũng nhận thấy người Việt Nam luôn yêu và trân trọng Thơ vô cùng.Tôi mong ước Thơ Việt sẽ không chỉ phát triển trong cộng đồng người Việt mà còn đến khắp nơi với bạn bè quốc tế. Mong Tình Yêu và Thơ ca luôn tuôn chảy trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Xin cám ơn VHV đã cho tôi có cơ hội  được trải lòng với Thơ và độc giả.

Vũ Trà My : Vâng , Chúng tôi rất cảm ơn chị về những chia sẻ  nầy

CÂU HỎI RIÊNG VỚI ĐẶNG PHÚ PHONG


Đặng Phú Phong sinh quán tại Bình Định
Trước 75 dạy học làm thơ viết văn
Hiện định cư tại  Mỹ
Đã có thơ văn đăng trên  :  Thời  Tập, Văn Học, Văn, Thế kỷ 21, Nguồn, Tân Văn, Hồn Việt, Người Việt…
Các báo online: damau.org. thuvienvietnam.com, dutule.com…
Tổng thư ký VietTimes Magazine USA ( 1995-1996)
Chủ  bút Thế  Giới Văn USA (1997-1998)
Chủ biên Văn học & Nghệ thuật Saigon Nhỏ News (2008)
Đã xuất bản :
-Cây Nghiêng Bóng Xế . Thơ (1970)
-Những  Đóa Mẫu Đơn. Thơ & Văn (2004)

Vũ Trà My: Thơ đối với anh như thế nào ?

Đặng Phú Phong: Cuộc đời, suy cho cùng cũng chỉ là cuộc chơi. Thơ cũng vậy. Thơ có thiết thân hay xa cách cũng tùy theo hòan cảnh, thời gian của từng chặng đuờng. Tôi đến với thơ hay thơ đến với tôi có khi cũng là khác biệt. Khác ở chỗ chọn Tôi hay Thơ làm vật chủ. Người chọn thơ thành cái job như Lý Bạch (ôi môt cái job thơm tho) thật vô cùng hiếm. Nghĩ một chút: Nếu ông vua Đuờng không cấp credit card cho Ông Lý thì việc gì sẽ xảy ra ?  Ba bài Thanh Bình Điệu, như : Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng.Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến, Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng. chắc chắn đã không có.

Nói ăn, ngủ, sống, chết với thơ là một cách nói hơi…xạo, cho vui vậy thôi. Hay ngôn ngọai ý tại.

Vũ Trà My: Anh làm thơ viết văn. Cái nào là chính?

Đặng Phú Phong: Không có cái nào chính cái nào phụ, cho đến giờ nầy, có lẽ đến hết đời. Nhiều khi định làm một bài thơ, viết riết, thành một bài văn và ngược lại.  .Chỉ biết tuân theo cảm xúc. Nhưng cũng lắm lúc rạch ròi.
A, sao cứ nói là Làm thơ, Viết văn nhỉ. Để hiện hữu cả hai thì cũng viết, gõ như nhau. Vậy là do thói quen. Do cái trận đồ ngôn ngữ Phải không cô phỏng vấn?

Vũ Trà My: Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc chuyện trò lý thú nầy.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu