“Văn học quê nhà” giới thiệu thơ Vũ Thanh Hoa


Nhan nhản thơ vì thơ đã thành lễ hội.

Lễ hội đông người nhưng người thơ thì khó tìm. Người thơ thực sự đã lìa hoặc mất hút khỏi đám đông.

Đọc “Trong em có người đàn bà khác” thấy rất “khác” với những giọng điệu đổi khác bây giờ. Thủy chung với truyền thống, với thân phận, Vũ Thanh Hoa chỉ với hai câu đã thành nữ sĩ:

ngoảnh lại lưng mình

bóng có bỏ đi không?

(Nỗi buồn mặc định)

Không, không, có, có; có, có, không, không. Câu hỏi thương như kiếp người.

Giới thiệu nữ sĩ Vũ Thanh Hoa trân trọng với những bài thơ rút từ tập “Trong em có người đàn bà khác”. More…

Nhà thơ Mai Linh

24 giờ

24 giờ vòng quanh tờ lịch mỏng

24 giờ trống rỗng

24 giờ ngổn ngang

24 giờ đấu đá từng giây từng phút

lơ lửng giấc mơ tỉa tót

loang lổ hồi ức gọt giũa

tất cả đàn bà đều giống nhau?

tất cả đàn ông đều giống nhau?

ngây thơ

giả dối

loay hoay

sấp ngửa

đánh đu

đủ

24 giờ

em chạy vào ngày

mặt trời sinh non

em chạy vào đêm

vầng trăng lão hoá

những ngôi sao rụng tơi rụng toé

24 giờ vòng quanh tờ lịch mỏng

em chạy vào anh

lạy Trời!

anh đừng là dị bản

18.7.2009

Định nghĩa anh

Anh hỏi: Anh là gì của em?

Là mặt trời

Là vì sao

Là một nửa

Tất cả vẫn đúng đấy

Nhưng anh yêu

Thiên hạ nói rồi…

Nốt ruồi nhỏ trên ngực em

Anh thấy

Từ lúc mẹ sinh em

Đến khi em chết

Em gọi đó là Anh!

6.11.2007

Chợ chữ

Lục tìm vốc chữ ngả vàng

Giật mình rơi một sẽ sàng tên anh

Chữ vàng nỗi nhớ bừng xanh

Nhú chồi ký ức mong manh rêu nhoà

Dập vùi ý nghĩ thẩn tha

Ném vào dâu bể thật thà mắt môi

Tô màu nhạt nước bạc vôi

Thả trôi ngày ấy thì thôi bây giờ

Chợ đông nào có ai chờ

Buôn bao giờ lãi một ngờ nghệch yêu

Đong phiêu diêu trả phiêu diêu

Nghiêng môi sểnh mắt chín chiều một đau…

28.3.2008

Duyên nợ

Mày nghiêng mắt ngả một giây

Ngờ đâu vay trả vơi đầy trăm năm

Đắp cùng nhau một góc chăn

Ngờ đâu bất tận dấu nằm thiên di

Vừa hò hẹn lại phân li

Nhùng nhằng chếnh choáng men si men khờ

Phong trần nặng nợ ngây thơ

Dốc ly cạn rượu thẫn thờ đáy chai

Ngọt chia đôi đắng chia hai

Chau mày duyên nợ đoạ đầy áo hoa

28.3.2008

Lục bát Internet

lạnh lùng con phím vô tri

gõ vào hư ảo thầm thì yêu thương

lim dim nỗi nhớ dặm trường

môi tìm môi giữa vô thường thủy tinh

chơi vơi em giữa màn hình

thênh thang ký tự giật mình mồ côi

anh đâu rồi giữa xa xôi

vừa như đối diện đã vời vợi xa

dỗ lòng ảo ảnh thôi mà

mong manh nối mạng như là chiêm bao

đường truyền bất chợt chênh chao

cúi đầu mật mã gánh bao la buồn

chập chờn ôm giấc tơ vương

vẽ vào sương khói…

một đường

nhân duyên

26.5.2008

Ký sinh

góa phụ

ký sinh hoài niệm

non nõn mộng hoa

nhập nhòe vàng hiu cuống lá

hổn hển hồi sức những chùm lông tơ

thoi thóp trên vết rạn của kỳ sinh nở

chuốt búp măng

những móng tay xây xát nợ nần

vẽ vệt cười

chập chùng mấy ngả gân xanh

đánh phấn tô son

nhằng nhịt chân chim nơi chân trời bí mật

vớt mùa

nhớ

quên

vương vãi

ký sinh trườn dậy

ký sinh giãy chết

hoài niệm vỡ tan giữa viện bảo tàng

góa phụ âm thầm

đếm

mảnh

vết thương

11.10.2009

Nỗi buồn mặc định

những câu thơ không thể cõng em qua nổi miền thao thức

con phím vô tri ghép con chữ vô hồn

dấu ngoặc xếp hàng trùng trùng dấu hỏi

ngoảnh lại lưng mình

bóng có bỏ đi không?

em nắm tay em

thầm thì gió gọi

mây đổ xuống chiều rưng rức mưa

em vuốt tóc em

diệu huyền lơi lả

dằng dặc

xa

tơi tả

nửa câu thề

úp mặt vào yêu

em đọc kinh sám hối

xin từ bi về ngụ cư

nhắm chặt mắt

nghe ồn ào số phận

người bước đi

bóng lại trở về

phủ trắng xóa lên long lanh cổ tích

hun hút đường hầm

còi tàu rên

thả rơi mình

về vô tận

chơi vơi

em

mặc định

nỗi buồn

20.11.2008

Năm phút

cho tôi bình yên năm phút

dõi theo vệt nắng cuối chiều

thoáng gió rung ngàn lá đổ

một ngày còn lại bao nhiêu…

cho tôi bình yên năm phút

chẳng buồn mà cũng không vui

lãng đãng theo làn mây trắng

thì thầm tôi với mình tôi

cho tôi bình yên năm phút

thả con thuyền giấy chơi vơi

trôi xuôi về nơi xanh thẳm

xa xưa thức giấc bồi hồi

cho tôi bình yên năm phút

giữa đời xoay những vòng xoay

ngẩn ngơ những gì được mất

tôi gặp chỉ với một tôi

4.5.2008

Nguồn: Văn học quê nhà

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu