Ca khúc nhạc trẻ và những tựa đề “thảm họa”

VTH – Tựa đề của một tác phẩm nghệ thuật nói rất nhiều về đẳng cấp của nó, thực tế đã chứng minh qua lịch sử văn hóa nghệ thuật. Thếnhưng một số sản phẩm nhạc trẻ hiện nay hình như đang bất chấp điều đó. Bàn về vấn đề này, mới bạn xem bài viết của VTH trên báo bà Rịa-Vũng Tàu Chủ Nhật 1/10/2016 tại đây:

CA KHÚC NHẠC TRẺ VÀ NHỮNG TỰA ĐỀ THẢM HỌA

Khi bạn nhớ đến ai đó, điều đầu tiên bạn sẽ nhớ đến tên của người ấy. Với những tác phẩm văn nghệ, công chúng sẽ nhớ đến trước tiên từ cái tựa đề hay còn gọi là nhan đề, là “tít” bài.

Nhắc đến những bộ phim: Sân ga dành cho hai người (Liên bang Nga), Titanic (Mỹ), Bến Thượng Hải (Trung Quốc)…, những cuốn sách: Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)…, những bài thơ: Hai sắc hoa tigôn (T.T.KH), Lá diêu bông (Hoàng Cầm), Thơ tình cuối mùa thu (Xuân Quỳnh)…, nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta đã có thể mường tượng ra ngay nội dung tác phẩm đã ghi dấu trong lòng họ ngay chính từ cái tựa đề thân thuộc của tác phẩm đó.

Trong lĩnh vực văn học, nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng: “Một “bài thơ hay”, “bài thơ lớn”, ngoài nội dung cụ thể của nó đem lại, thì nhan đề cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tầm vóc tư tưởng của bài thơ. Dù đặt thế nào thì đầu đề của tác phẩm văn học phải thống nhất biện chứng với nội dung tác phẩm, thống nhất trong âm dương, trong phức điệu”.

Có rất nhiều cách để đặt tiêu đề cho tác phẩm, tùy vào ý tưởng của mỗi tác giả. Có người đặt tựa đề “lộ”, tức là hé mở phần nào chủ đề mà tác phẩm ấy phản ánh. Trường hợp khác, tựa đề tác phẩm lại kích thích trí tưởng tượng cho người xem, người đọc về sự huyền bí cần được khám phá sau đó. Cũng lại có tựa đề rất lạ, rất độc đáo gây hiệu ứng lập tức từ cái nhìn đầu tiên cho sản phẩm tinh thần ấy…  Cho dù bằng hình thức tiếp cận nào với công chúng thì tựa đề một tác phẩm nghệ thuật vẫn phải nêu bật được phong cách sáng tác và quan trọng là tầm văn hóa của tác giả sáng tạo ra nó.

Chỉ cần kể tên một số ca khúc: Dấu chân địa đàng, Ru em từng ngón xuân nồng, Nắng thủy tinh, Đêm thấy ta là thác đổ… (Trịnh Công Sơn), Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm, Dương cầm lạnh, Biển nỗi nhớ và em… (Phú Quang) và còn rất nhiều bài ca sống mãi trong trái tim người yêu nhạc Việt Nam, không chỉ bởi những ca từ đẹp được chắp cánh bằng những giai điệu, tiết tấu tài hoa, mà còn chính tựa đề bài hát cũng đã cho thấy phần nào đẳng cấp âm nhạc của người nhạc sĩ.

Thế nhưng thời gian gần đây, thị trường nhạc trẻ Việt đang có sự xáo trộn khá nhiều. Bên cạnh những bài hát có giai điệu hay, ngôn từ gần gũi với giới trẻ, tựa đề giàu chất thơ, được đông đảo người nghe yêu thích như: Nhật ký của Mẹ, Tình yêu màu nắng, Vết mưa, Phố không mùa, Hãy nắm tay anh… thì các ca khúc có lời lẽ thô vụng, nhảm nhí thậm chí phản cảm với giai điệu nghèo nàn, ngô nghê, một số còn bị bóc mẽ là nhái, đạo theo nước ngoài.  Một số nhạc sĩ trẻ còn “câu khách” bằng cách đặt những tựa đề bài hát theo tiêu chí “sốc, độc, lạ” cho các sáng tác của mình. Hãy thử đọc qua một số tên ca khúc như: Bụi bay vào mắt, Mượn xe nhớ đổ xăng, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Oh my chuối, Nắng cực… đã khiến cộng đồng yêu nhạc nhiều phen dậy sóng phê phán. Khán giả lo ngại, nếu tựa bài hát và nội dung ca khúc mà không được chính tác giả trân trọng, trau truốt thì những nhạc phẩm kém chất lượng cứ nhan nhản ra đời, và những “thảm họa” ấy liệu tồn tại bao lâu, khi nó thiếu cơ bản giá trị nghệ thuật và tư duy sáng tác?

ck nangcuc

Nắng cực – Ca khúc có tựa đề “thảm họa”

Nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha thẳng thắn: “Tựa đề bài hát rất quan trọng, nó như một cái mũ của khuôn mặt và liên quan đến thẩm mỹ bài hát. Đặt tên bài hát như thế nào, thì sẽ có sự đón nhận tác phẩm như thế.” Nhạc sĩ Trường Giang tâm sự: “Bản thân tôi khi sáng tác các ca khúc, việc đặt tên bài hát chiếm 50% chất lượng tác phẩm. Đọc tựa đề bài hát đã biết tác phẩm ấy có thành công hay không. Đúng là tên bài hát là Nắng cực nghe rất phản cảm, thậm chí tục (nếu dùng hình thức nói lái). Tôi cho rằng, khi sáng tác, người nghệ sĩ cần phải suy nghĩ kỹ về tác phẩm và tựa đề bài hát, bởi khán giả ngày nay nghe nhạc rất thông minh, nếu tựa đề bài hát “có vấn đề” là bị tẩy chay ngay…”.

Những sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng tồn tại tràn lan trên các kênh giải trí, truyền thông là điều đáng báo động, bởi tác hại không nhỏ của nó với đời sống xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lo ngại hơn khi đây lại đang là xu hướng có chủ đích của không ít người nổi tiếng. Để bắt kịp với xu hướng âm nhạc toàn cầu và đưa nhạc Việt ra thế giới thì cần có những sản phẩm nghiêm túc, đầu tư về chất lượng lẫn hình ảnh, và điểm nhấn quan trọng chính là từ cái tựa đề của nhạc phẩm đó.

VŨ THANH HOA

Nguồn Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu