VTH – Chỉ sợ nhà văn, nhà thơ viết mà đồng nghiệp và độc giả thờ ơ, vô cảm, còn “bút chiến”, còn tranh luận có nghĩa là “tác phẩm” vẫn còn được để ý và tôn trọng. Mời bạn đọc quan tâm đến văn chương Việt đọc hai bài thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư và Du Tử Lê, đang nóng rực trên các diễn đàn văn học với nghi án… đạo thơ:
>>Hội Nhà văn Hà Nội chờ phản hồi của Phan Huyền Thư
>> Lại thêm một nữ tác giả “tố” Phan Huyền Thư “đạo thơ”
>> Dính nghi án “đạo thơ”, Phan Huyền Thư liệu có bị rút lại giải thưởng?
>> Ý kiến: Ai mang ai ra biển?
>> Phan Huyền Thư trả lời về nghi án ‘đạo thơ’
>> Phan Huyền Thư vừa đoạt giải đã bị nghi ‘đạo thơ’
Tập “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư mới đây được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 10/10/2015. Trong tập, bài số 18 “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” của chị có câu: “Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển …” đang bị dính vào nghi án “đạo thơ” Du Tử Lê bởi rất đông độc giả đã thuộc bài thơ nổi tiếng của nhà thơ hải ngoại: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã /hồn không đi sao trở lại quê nhà / Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi / bên kia biển là quê hương tôi đó / rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì…” Bài thơ nổi tiếng này của Du Tử Lê đã được phổ nhạc…
SO SÁNH HAI BÀI THƠ:
Bài thơ của Du Tử Lê:
KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
Những năm trước bao người ngon miệng cá
Thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Cho tôi về gặp lại các con tôi
Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
12-77
DU TỬ LÊ
Bài thơ của Phan Huyền Thư:
CÓ LẼ ĐÃ CHẾT VẪN TỐT HƠN
(Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)
Nếu tôi chết
hãy đem tôi ra biển
vì tôi là hạt muối buồn
kết tủa từ cô đơn
tự ăn mòn mình bằng mơ mộng
Nếu tôi chết
hãy ném tôi vào sóng
cào đến xước mặt hoàng hôn
nàng tiên cá hát ru con
mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ
trôi theo dòng hải lưu tình sử
giam hồn mình dương liễu Quán Thế Âm
Nếu tôi chết
xin gió hãy hồn nhiên
cuốn tôi về phương trời trống rỗng
một mình tôi sẽ làm cả cơn dông
xoáy vào đại dương nỗi đau bất tận
lặng câm đã muối thành lời
Nhưng vì chưa chết,
tôi sẽ là ai ?
Là ai nếu nhạt nhẽo
Là ai nếu giả tạo
Là ai nếu bon chen
Là ai nếu đớn hèn
Là ai nếu ngu dốt
Là ai nếu dị hợm
Là ai nếu …
Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn?
Giữa biển đời hạn hán tình thương
bạc thếch nỗi niềm
ươn nhờn ngộ nhận
mỏng như vết máu khô loang sa mạc
chờ tín hiệu giải thoát
từ cảnh giới màu xanh
Tình âm u
ảo giác thuỷ triều lờ nhờ
tuôn bầu ngực trăng
căng lỗ thủng
dòng sữa đen đặc quánh
nuôi nấng lỗi lầm
Có lẽ đã chết
vẫn tốt hơn !
Hoang vu mắt
người đàn ông tiền kiếp của tôi
linh hồn ngậm sợi cỏ buồn mằn mặn
hạt muối lưu lạc cánh rừng u uẩn
tiếng vọng tình nghìn năm
Có lẽ
đã chết vẫn tốt hơn!
Tôi đã gói ghém xác thân
niêm phong dấu môi, thuyền giấy ảo vọng
sẵn sàng hải trình yêu bằng hải lưu nước mắt
Triệu triệu
xô dạt
triệu triệu
va đập
triệu triệu dòng
trắng
điên cuồng
sóng
tung toé dấu vết một cuộc đời.
Để viết lên mặt biển
bài thơ một cuộc …người
Đã chết
có lẽ vẫn tốt hơn….
PHAN HUYỀN THƯ