>> Trần Hoàng Vy bình thơ Hoàng Quý
>> Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (Trích) – Hoàng Quý
>> Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức – Hoàng Quý
Viết ở Loa Thành
1.
Đất nước tôi
Đất nước ngày tôi sống
Trong hoa kia có run rảy máu hồng
Hoa đã trổ rất nhiều mê mải
Máu vón bầm quanh quất núi sông
Đất nước chọn Sơn Tinh lập Thánh
Đắp núi
Ngăn dòng
Kịch chiến ThủyTinh
Ngực thở Thái Bình Dương gió lộng
Lưng vồng thế đứng Thần Nông
Khi san sẻ dúm cà, túm gạo
Nhổ trúc, tre quyết chiến để thanh bình
Lúc hữu sự vẫn sẽ sàng thưa gửi
Ẩn thiết tha từng đọt đòng đòng
Xa xót cầm tay mượn đàn bầu buông bắt
Lựa cánh diều mang sáo sang sông
Lo nghĩ hóa hồn ca dao, tục ngữ
Nhịp đồng dao bày trẻ múa trên đồng
2.
Đất nước
Mảnh mai trăng nhiệt đới
Tôi lần lên dốc cha ông
Đoàn báo gấm
Đàn voi khoát nước
Bầy ong xòe nắng nguyên trinh…
Cha tôi dặn dè chừng nấm đẹp
Mẹ tôi khuyên miệng ngậm bồ hòn
Cha nghiêm khắc đời trai như tên nỏ
Mẹ nhuộm vải bền khâu ruột tượng tôi mang
Dải đất hẹp gánh quá nhiều bão tố
Nên chiêm bao cả tiếng thở dài
Tôi bưng kín lời dặn khuyên trong dạ
Loay hoay dò cạm bẫy người
Vấp váp sập sùi hoang rừng hoang suối
Đến tận tàn trơ vẹt tuổi trai
Câu cha nhủ coi chừng nấm đẹp
Mà nấm từng gieo độc mấy lần tôi
Tôi gắng ngậm bồ hòn đi mải
Ngỡ lau là mía bùi
Rồi tên nỏ
Rồi đời trai tên nỏ
Chung cục nhìn cung nỏ hóa đồ chơi
Chiếc ruột tượng mẹ khâu năm ấy
Gió giật!
Gió đay!
Xơ tướp
Ngậm ngùi…
3.
Đất Nước
Lật trang chinh phụ
Cung ai
Đá toát mồ hôi
Người đi sương xoá
Bơ thờ phấn vôi
Đất nước mấy phen bạo giặc
Nhìn sông núi máu xương dày
Mẹ dẵm rơm nhàu trước ngõ
Em trông lợt cánh chim gày
Đất nước phập phồng sú vẹt
Chân trần bợt bạt bùn hoai
Em nép nhìn sau khóm trúc
Nắng hoe đỏ mắt em rồi
Đất nước rồi im tiếng súng
Rồi im đạn nổ bom rơi
Ra ngõ ngó người quay gót
Mà bao khăn trắng tơi bời
Cứ nghĩ máu người không nhạt
Bãi đồng vang trẻ đùa chơi
Ruộng mật người rao, kẻ gạt
Cha buồn mang áo ra phơi
Chiếc áo trăm lần chinh chiến
Khoác như thần thánh lên người
Giờ áo bợt phai tơi tả
Tráo trơ nước mắt điệu cười
Áo ướt phơi thì hết ướt!
Hồn rách phơi làm sao nguôi?
4.
Ngược chiều Âu Lạc
Tìm hôn ước Mỵ Châu
Gió câm tiếng
Lòng rũ nhàu
Thần Kim Quy tăm bọt
Cật lau bào lá lau!
Thời cậy lẫy
Vua, Tướng hả hê
Đua kiệu
Đấu gà
Ném đúm
Gươm bỏ rỉ
Giáo quên lau
Đâu cũng gặp
Sáng phóng dật
Chiều uống vay
Rượu xiêu lỗ chuột
Cậy nỏ thần – sợ ai?
Vua phán cười rung sướng
Quan mượn dân nuôi hươu đẽo cày
Khanh Tướng Công Hầu hống hách
Phóng hứng ma chơi tối ngày
Phóng ngạo
Phóng ngôn
Phóng tiền
Phóng lệ
Thành Loa cỏ héo đầy
Tôi ngó trời lông ngỗng
Gọi vang hồn Mỵ Châu
Mỵ Châu!
Mỵ Châu!
Nàng ở đâu?
Đầu ở đâu?
Gươm cha oan ngiệt quá
Huyết loang
Tụ ngọc sầu
Nước – Giếng – Am – leo – lẻo
Ngọc – càng – chuốt – càng – đau
Cây si nghẹn rễ
Ngơ ngoái trong chiều
Lá rơi như máu
Vương đầy hào sâu
Vào Am
Vái tượng không đầu
Gặp lông ngỗng trắng hoa lau đến giờ
Phai phôi mờ ngấn đá thề
Khói Loa Thành ngút bốn bề chưa tan…
Am Mỵ Châu, Loa Thành
Tháng 9, năm 2007
Hoàng Quý
May thay vẫn còn ông nhà thơ tin yêu nhất, người con trung liệt của những tháng ngày này. Tôi đã đọc. Và tôi đã khóc!
Trời ơi! Thơ hay kinh khủng. Sao bây giờ tôi mới biết ông thơ này. Theo đường dẫn tôi được đọc cả “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc”, cả “Đêm nghe gió qua vườn”. Cám ơn trang web quý!
Thật là thứ thơ của một bậc thầy!
Cứ theo đường dẫn của chủ web sẽ đọc được “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” các bạn ạ. Bập vào cái khúc nhà thơ viết về tháng 2/1979, rượu “Mao đài” chỉ còn là nước lã. Rượu Hoàng Quý mới là tinh túy rượu!
Nhà thơ Hoàng Quý chào bạn đọc tập thơ đầu vào năm 1996, tập “Giấc phì nhiêu”. Ngay lập tức đã có bài viết của nhà thơ lão thành Ngô Quân Miện. Tập thơ này được trầm trồ trong giới ngay, bởi tư duy khác nhiều với cái số đông chủ yếu là đèm đẹp. Sức thơ báo hiệu thi đàn Việt xuất hiện một tiếng thơ khác thường, mới, đích thực tài năng với tư duy, ngôn ngữ đầy ma lực.
Tôi còn giữ được một trong những số của báo Văn nghệ trong năm 2007, không rõ có phải bài thơ gây xôn xao “Đi bên mùa lá rụng” là bài thơ đầu tiên của ông in trên tờ báo văn danh giá này. “Ta cả tin, ta rất nhiều hy vọng/ Kiên tâm trồng những tháp cát lên mưa/ Mê mải thúc những con tàu rỉ sét/ Phăm phăm hành khất – thế nhân- buồn!”. Bốn câu kết ám ảnh, rất lạ: “Thưa chị, lá trên cành rụng đấy/ Chúng loay hoay như một tiếng thở dài/ Mơ lên mỏi cõi nhân sinh rúm ró/ Giấc mơ vàng trong mắt lá mồ côi”. Khi ấy không ai viết thế, không ai viết cái hình ảnh con tàu rệu rã kia như thế, mà nó, cái “con tàu” ấy lại “Phăm phăm hành khất – thế nhân – buồn!”. Nếu tờ Văn nghệ khi ấy là giấy thông hành, thì ông ướm bàn chân lên vỉa văn bằng bài thơ đã nói. Mà báo văn thới kỳ ấy nó danh giá thật chứ không nhạt như bây giờ.
Vẫn biết thơ Hoàng Quý hay tới mức ám ảnh, nhưng cái xê – ri thơ ở vuthanhhoa.net của Hoàng Quý thật đặc biệt. Tôi đọc và cứ phải đọc đi, rồi lại đọc lại. Tôi đọc và kinh ngạc. Trong thi đàn ta, tôi thích bài thơ viết về đất nước và cũng mang tên “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Tất nhiên sau đó có một số bài thơ, hoặc chương của trường ca của một số tác giả viết cảm động hoặc không ít đoạn rất hay về đề tài lớn Đất Nước. Nhưng Hoàng Quý với “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” gây một rung chấn lớn. Cái “tứ” của NNBTMCTQ không một ai trước đó nghĩ được. Nó quá độc đáo. Những ngấn bùn, ông “định nghĩa” Tổ quốc – đất nước bắng hình ảnh những ngấn bùn, những ngấn bùn trải bao nhiêu bão giông, quật cường thành hình hài Tổ quốc – đất nước. Thơ rung lên, chói lọi, sang trọng, kiêu dũng ngay từ câu thơ đầu tiên. Ở cái khúc viết về cuộc đánh lén của bọn “giặc đồng chí ” đanh thép, không khoan nhượng nhưng điềm tĩnh như dồn vào câu chữ lực dân thế nước. Đây là nhà thơ tiên phong dám công khai và quyết lấp cái khoảng trống đáng xấu hổ của thi ca chúng ta vế nỗi sỉ nhục mang tên “đồng chí “. Khâm phục hơn, khúc bi tráng này được viết ở bậc tài văn với tầm văn hóa rất cao. Chưa bao giờ thi đàn Việt có những câu thơ yêu Tổ quốc đặc biệt và cũng đầy kiêu hãnh, đầy tự hào như Hoàng Quý. Những câu thơ : “Xin bạn cứ ruổi rong thỏa thích/ Suốt vòng cung đầy nắng nước non tôi/ Cùng vỗ chiêng, cồng/ Như vỗ những mặt trời nho nhỏ/ Sẽ gặp đàn chim cổ tích bay ra”v.v.. liên tiếp như sóng vỗ. Năm câu cuối khúc 3 là đất nước, là nhân dân nhân hậu, anh hùng viết hay từng chữ và sáng chói lên: “Một đất nước/ Giặc tan lại tới hồ trả kiếm/ Nhân dân tôi không trả oán bao giờ/ Lẽ nhân nghĩa tự hóa rừng kiếm sắc/ Kết như tràm, như đước ngút ngàn kia”. Các nhà thơ nghĩ gì khi đọc “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc?
Ở bài thơ “Viết ở Loa Thành”, có lẽ các bạn cũng như tôi được ông mời vào trận chữ. Có lẽ thêm lời là rất vô duyên. “Viết ở Loa Thành” là bài thơ tiếp nối trong thi cảm lớn của Hoàng Quý, và chỉ sinh ra ở một tài năng đích thực. Nó – một mảnh máu của lịch sử mà chúng ta phải thuộc, con cháu ta phải thuộc. Đau đớn càng phải thuộc. Tôi nghĩ thế!
Đất nước cần những nhà thơ như ông biết bao!
“Dải đất hẹp gánh quá nhiếu bão tố/ Nên chiêm bao cả tiếng thở dài” – “Cứ nghĩ máu người không nhạt/ Bãi đồng vang trẻ đùa chơi/ Ruộng mật người rao, kẻ gạt/ Cha buồn mang áo ra phơi/ Chiếc áo trăm lần chinh chiến/ Khoác như thần thánh lên người/ Giờ áo lợt phai tơi tả/ Tráo trơ nước mắt nụ cười/ Áo ướt phơi thì hết ướt/ Hồn rách phơi làm sao nguôi?”-“Phai phôi mờ ngấn đá thề/ Khói Loa Thành ngút bốn bề chưa tan”.
Đất nước và con người luôn thường trực trong thơ, trung thực trong thơ. Tôi thèm có thể viết được những câu thơ như anh! Người thơ này tâm sáng và tài năng hơn người.
Xin bạn hữu và nhà thơ thứ lỗi, tôi tự xin đính chính để chi tiết tư liệu về bài thơ “Đi bên mùa lá rụng” chính xác hơn. Bài thơ này in trên Văn Nghệ năm 1997 chứ không phải 2007. Có lẽ đây là bài thơ của ông lần đầu tiên được giới thiệu trên một tờ báo văn lớn. Trong sưu tập của tôi thì ông viết bài thơ kỳ tài “Ngẫu hứng qua Mướng” là vào năm 1982. Chưa tìm thấy bài thơ nào của ông khác viết trước đó. Thành thật cáo lỗi!
“Dải đất hẹp gánh quá nhiều bão tố/ Nên chiêm bao cả tiếng thở dài”. Thơ Hoàng Quý quả là hay rưng rưng, thấu thị, chiếu xạ qua câu qua chữ. Đến cả tiếng thở dài cố nén còn ngỡ giật mình trong cả giấc chiêm bao. Hay không tả nổi!
Thưa nhà thơ Vũ Thanh Hoa! Khi đọc được một số bài viết về Hoàng thi sĩ, tôi đã mấy lần thấy các nhà thơ, các tác giả nói tới bài thơ Nhân Dân, có khi lại gọi là khúc Nhân Dân của ông. Tôi rất bối rối trước hai cách gọi đó. Gần đây tôi có đọc được bài thơ cũng có tên là Nhân Dân của nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ này tỏ ra khí phách ghê gớm lắm. Vậy thì bài thơ Nhân Dân của Hoàng Quý ra đời trước hay Nhân Dân của Nguyễn Trọng Tạo ra đời trước. Có chỉ giáo nào có thể giúp tôi? Nếu không quấy quả, xin thi sĩ Vũ Thanh Hoa hoặc tác giả, bạn đọc nào hiểu rõ vấn đề này vui lòng chỉ dẫn.
Xin cảm ơn!
Do chưa có dịp đọc hệ thống một tiếng thơ mới của nữ nhà thơ Vũ Thanh Hoa, nên tôi dành gần như cả chiều nay và phần lớn buổi tối vào mục Tác phẩm VTH để đọc. Lướt lại trang thơ nữ thi sĩ trân trọng dành giới thiệu thơ Hoàng Quý, đọc được cái commet của bạn Thanh Lê đề nghị san sẻ thông tin. Do sưu tập về Hoàng Quý, nhà thơ tôi yêu thích đã lâu, vậy xin góp một tiếng đáp lời bạn Thanh Lê.
Đến thời điểm này, theo tôi biết là nhà thơ Hoàng Quý không (hoặc chưa) có bài thơ nào mang tên Nhân Dân. Khi web của nhà thơ Trần Nhương,(rồi sau đó được nhà văn Phạm Viết Đào chuyển đăng lại trên web Phạm Viết Đào) thì: Khúc 8 đến 13 trong trường ca Đối Thoại Trắng của Hoàng Quý được đăng tải và được người biên tập đặt tên là Nhân Dân. Đây là việc bình thường khi đăng trích một phần trong tác phẩm nào đó, để tạo ấn tương cho bạn đọc hoặc các lí do chính đáng khác người biên tập tạm đặt một cái tên bài cho bạn đọc nhận biết. Những khúc này trong một cái trường ca gây dấu ấn ngay từ khi mới được đăng trích 13 khúc vào cuối tháng Chạp 2008 của web Hội Nhà văn Việt Nam (Phiên bản cũ hay còn gọi là phiên bản thử nghiệm do Hà Đình Cẩn và Văn Chinh biên tập). Có thể vì những lời tấm tắc của nhiều nhà thơ và bạn đọc khi đó, nên nhà thơ Hữu Thỉnh đã có lời, và nhà thơ Hoàng Quý đã nhận lời dự Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng 2009 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Dư âm 6 khúc đoạn trong trường ca vang dội và gây sửng sốt này thế nào thì chắc bạn Thanh Lê có thể đã biết qua hàng núi thông tin.
Bài thơ Nhân Dân được phủ vài web mới đây của Nguyễn Trọng Tạo là hoàn toàn khác và khác tuyệt đối cả hồn lẫn xác với phần được biên tập đặt tên như đã nói rõ ở trên. Trong một số bài viết về Thơ Hoàng Quý quả là còn có sự được gọi khác là “Khúc Nhân Dân”. Khúc Nhân Dân gồm khúc đoạn: 8,9,10,11,12,13 trong trường ca Đối Thoại Trắng.
Nhân commet này, tôi muốn nói thêm vài suy nghĩ của tôi:
– Bài thơ Nhân Dân của Nguyễn Trọng Tạo làm tôi và rất nhiều người không ngạc nhiên. Nguyễn Trọng Tạo là một tiếng thơ có tài và còn đa tài nữa. Ví dụ như việc anh Tạo viết cái ca khúc phổ thơ Nguyễn Phan Hách là rất hay. Cứ khi nghe “Trên quê hương quan họ i…” là biết nhạc anh Tạo ngay. Anh Tạo còn có tài chọn từ thơ ra vài câu thích hợp cho việc làm ca khúc của mình, đến độ một ông nhà thơ có bài thơ kể lể chân chỉ hạt bột, tự dưng được lây thơm âm nhạc anh Tạo cứ sướng như thể mình đang là nhà thơ bất tử. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn nhiều tài vặt lắm, không thể kể cho đủ.
– Hoàng Quý là nhà thơ không tô biển “Tôi quảng cáo tôi”. Theo hiểu không riêng tôi, vệt thi cảm lớn máu thịt trong thơ ông là ký thác những nghĩ suy cùa ông về Tổ Quốc – Nhân Dân – Đất Nước. Thơ ông được ông viết như cuộn ra từ cốt tủy, giản dị, sáng trong, sang quý, thành kính, quyết liệt, không hề có một sáo từ nào. “Ôi nhân dân tôi/ Nhân dân cô đơn/ Nhân dân khiêm cung/ Kham nhẫn và dịu dàng/ Ngưới là nước mà luôn thiếu khát/ Ngưới như lúa khắp ruộng nương nước Việt/ Những hạt lúa dại vụng/ Ấm và xót/ Ngoi trên nắng/ Dạt trên nước/ Xác cháy trên tay chai/ Xướp ráp tận suột/ Lấm láp và tinh tươm/ Thơm tho sen súng/ Giấc mê mẩn người/ Thảng như ca dao/ Sum xuê như cổ tích” Hoặc “Ôi nhân dân kiêu dũng của tôi/ Nhân ái và thật thà/Cởi mở và bồng bột/ Ngưới nâng thuyền mà nổi trôi như lá”… vv.. và ..vv. Bởi ông mang tấm lòng trung thực nên mới có thể viết được những câu thơ thấu hiểu và rung vang về Đất Nước – Nhân Dân – Tổ Quốc. ví dụ: “Dải đất hẹp gánh quá nhiều bão tố/ Nên chiêm bao cả tiếng thở dài”. Tôi dừng lời trao đổi ở đây vì nói về những giá trị nhân văn và giá trị văn chương từ Thơ Hoàng Quý cần cả hàng nghìn trang giấy.
Bạn Thanh Lê có thể vào chimvietcanhnam (Một web có cấu trúc như một thư viện điện tử của kiều bào ta ở Pháp), tìm mục Tác giả, tìm vần N, tác giả cần tìm là Nguyễn Chính, sẽ đọc được bài “Hoàng Quý- người hát ru ca mùa đông”. Đây là bài viết công phu nhất trong nhiều bài viết về từ trước đến nay về nhà thơ Hoàng Quý của Nhà văn- Nhà báo – Nhạc sĩ Nguyễn Chính.
Cám ơn nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa luôn dành cho bạn đọc chúng tôi không gian trao đổi.
Và rất cám ơn web của nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa đã dành một tòa văn giới thiệu tác phẩm tinh hoa!
Lại xin lỗi:
Gửi cái com trao đổi cùng Thanh Lê đi rồi, xấu hổ quá vì bài của Nguyễn Chính (mắt mũi ở cái lúc đã kèm nhèm) đã gõ máy sai chính tả. “Hoàng Quý – người hát du ca mùa đông” chứ gõ máy thành ra cái “ru ca mùa đông” thì anh Chính “quát” cho dốt là cái chắc !
Cám ơn thông tin cung cấp của anh Trịnh Khắc Tuấn!
Cám ơn căn nhà văn phong phú và cởi mở của thi sĩ Vũ Thanh Hoa!