Trần Hạ Vi: Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa

Nhà thơ Trần Hạ Vi

CĂN PHÒNG BÍ MẬT CÓ NHIỀU CÁNH CỬA – TRẦN HẠ VI

Bình thơ của Vũ Thanh Hoa

Tôi không thân với Trần Hạ Vi, kết bạn Facebook với cô ấy như tất cả các bạn thơ khác. Trước khi nhận kết bạn với Vi, tôi cũng xem qua phần giới thiệu nhân thân,  thấy chúng tôi có chung bao nhiêu là bạn viết văn, làm thơ nên hiểu rằng: chúng tôi đều bị “thơ văn nó ám kiếp này”! Tôi xem các status Trần Hạ Vi đăng tải lên Facebook thì biết cô ấy có chồng người Canada, đang sống và giảng dạy ở trường đại học St Francis Xavier tại Canada với học vị tiến sĩ và có một con gái rất dễ thương.

Cá tính Hạ Vi làm tôi nhớ đến mình hồi trẻ khi bắt đầu tham gia mạng xã hội: Bộc trực quan điểm, bộc trực suy nghĩ và nhất là khía cạnh yêu đương thì vô cùng đắm đuối, nồng nàn nhưng cũng rất mạnh mẽ, cương quyết… Đó là thái độ nữ quyền, bình đẳng giới của người phụ nữ sinh sống tại các nước văn minh, dám khẳng định bản thân và bảo vệ quyền được yêu của mình. Nay thì tuổi tác dày thêm, cộng với những kinh nghiệm đau thương với mạng xã hội, nên tôi đã khép kín hơn, thường đọc nhiều hơn là bày tỏ chính kiến và vì thế cũng “rén”, cũng “nhược” đi. Do đó, thấy Hạ Vi khí khái, chuyện gì cũng mổ xẻ cho rõ trắng đen, tôi vừa nể vừa… ngại ngại cho cô ấy! Nói dông dài quá lại thành ra lạc đề “bỏ bóng theo người” vì ý định của tôi muốn đề cập ở đây là một bài thơ của Trần Hạ Vi.

Tháng 7/2024 Hạ Vi về Việt Nam chuẩn bị ra mắt tập thơ mới có tên là Phiến Hạ (NXB Hội Nhà Văn), Vi có lời mời tôi tham dự. Cũng vẫn tính cách “bộc trực”, không làm bộ, làm dáng, Hạ Vi tự nhận xét: “Phiến Hạ là tập thơ hay nhất cho đến thời điểm này của em, thơ chủ yếu viết trong giai đoạn 2019-2023.” Tôi chưa có tập thơ nên chưa đưa ra ý kiến gì nhưng có một bài thơ được Hạ Vi đăng trên Facebook nằm trong tập thơ này, đặc biệt gây chú ý cho tôi:

CỦ HÀNH

Mỗi cuộc trò chuyện

của chúng ta

là một lần cởi vỏ

 

Áo quần son phấn vài lớp vải lớp sơn

chiều sâu tâm hồn

thăm thẳm

 

Anh cởi mở với em một lần

cũng là tự rọi vào lòng mình thêm lần nữa

Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa

Mở khóa một lần

lại thêm cửa bên trong

 

Rất nhiều câu chuyện đã thuộc nằm lòng

khi kể ra

lại mang nhiều ý nghĩa khác

Những ký ức ngỡ ẩn sâu phần vỏ não lười nhác

nhoi nhói phận mình

thở nhịp đau chung

 

Mỗi lần thổ lộ cứ ngỡ kết cùng

Chỉ để mở ra nhiều nhận thức mới

Thành La Mã không xây trong một ngày(*)

Hãy kiên trì cùng anh trên dặm dài vạn lý

Dẫu ta có thể yêu nhau

và chẳng cần hiểu gì nhau

 

Anh – củ hành mộc mạc

chiều nay

cởi thêm một lớp

làm mắt em cay…

……
(*)ngạn ngữ

T.H.V.

Củ hành không xa lạ gì với ai, nó quen đến mức ta có thể bỏ qua mỗi ngày. Hầu như mỗi lần nấu ăn tôi đều chế biến các món với củ hành và phải làm cái việc bóc hành thường lệ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ được như Hạ Vi, so sánh “bóc vỏ hành” như một cuộc chuyện trò:

“Mỗi cuộc trò chuyện

của chúng ta

là một lần cởi vỏ

 

Áo quần son phấn vài lớp vải lớp sơn

chiều sâu tâm hồn

thăm thẳm…”

Mừng cho tác giả đã chọn được tứ thơ đắt, góc quan sát độc đáo nơi “củ hành” – cái vật tưởng chừng “vô tri, tầm thường” để mở ra biên độ tư duy rộng và sâu, đem đến sự cảm thụ thú vị cho người thưởng thức:

“Anh cởi mở với em một lần

cũng là tự rọi vào lòng mình thêm lần nữa

Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa

Mở khóa một lần

lại thêm cửa bên trong”

Tôi không giải nghĩa bài thơ, hẳn mỗi người đọc đều cảm nhận thơ theo cách riêng của mình. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: “Cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ, và phải là những phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ.” (Báo Văn Nghệ VN số Xuân Giáp Thìn). Tôi và Vi có chung nhiều bạn thơ nên sớm mở mắt ra là thấy Thơ cho đến tối đi ngủ vẫn còn lạc trong… Thơ. Rất nhiều nhà thơ có khao khát gửi những thông điệp mới mẻ đến người đọc bằng hằng hà đại ngôn, những câu từ kì vĩ nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Những thông điệp của cuộc sống, của phận người, những khổ đau và dâng hiến… không cần cao sang, xa vời mà có khi nằm giản dị trong mỗi hạt thóc, cọng rơm, tia nắng, giọt mưa… gần gũi mỗi ngày, rồi bất ngờ khi thi sĩ gặp tần số mĩ cảm, sẽ cộng hưởng nên tiếng ngân đồng vọng…

“Rất nhiều câu chuyện đã thuộc nằm lòng

khi kể ra

lại mang nhiều ý nghĩa khác

Những ký ức ngỡ ẩn sâu phần vỏ não lười nhác

nhoi nhói phận mình

thở nhịp đau chung”

Ngôn ngữ bài thơ cô đọng, đủ độ nén, không vào loại quá bí hiểm, làm khó người đọc nhưng cũng không sa vào “văn kể” của “thơ mặt phẳng”. Tác giả cao tay tiết chế vừa vặn để ta có khoảng trống, khoảng lặng ngẫm ngợi về cuộc đời, về tình yêu, về sự sẻ chia giữa “anh và em” hay rộng hơn nữa về con người với con người trong thế giới đương đại, để rồi cảm thông, thấu hiểu mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh dù tận chân trời, góc bể xa xôi nào, cũng “nhoi nhói phận mình/thở nhịp đau chung”!

Mỗi lần thổ lộ cứ ngỡ kết cùng

Chỉ để mở ra nhiều nhận thức mới

Thành La Mã không xây trong một ngày*

Hãy kiên trì cùng anh trên dặm dài vạn lý

Dẫu ta có thể yêu nhau

và chẳng cần hiểu gì nhau…”

Cấu trúc thơ Trần Hạ Vi khá thoải mái, tự do theo mạch cảm xúc, tư duy phóng khoáng nên cô không cần cố gắng, thơ vẫn hiện đại, trẻ trung như vốn dĩ. Nhà thơ Thi Hoàng có lần chia sẻ quan điểm của mình :”Cách tân thơ không có nghĩa chỉ đơn giản là bẻ gãy câu thơ, phá bỏ cấu trúc, ngữ pháp, khoa trương ngôn từ… Làm như thế, thơ chỉ là một đống xác chữ chứ không tạo ra những câu thơ làm rưng rưng người đọc và cũng không thể tạo ra những câu thơ vui buồn khi cần người ta có thể mang ra ngẫm ngợi hoặc chia sẻ”.

Bài thơ chỉ cần thừa một tí, thiếu một tí sẽ khiến độc giả chưa thỏa mãn hoặc thất vọng. Thơ phải biết vừa đủ, “chốt hạ” ở những câu cuối cùng.

“Anh – củ hành mộc mạc

chiều nay

cởi thêm một lớp

làm mắt em cay…”

Tôi nghĩ “lớp cuối cùng” có lẽ đã lột ở cuối bài thơ hoặc nếu còn, cũng không cần lột nữa. Cuộc chuyện trò, tình yêu trao nhau bấy lâu từng trải qua nhiều trạng thái, nhiều cung bậc xúc cảm “Dữ dội và dịu êm/ồn ào và lặng lẽ” (Xuân Quỳnh) có lẽ đã đủ rồi.  Nó đi từ “yêu chẳng cần hiểu gì nhau” cho đến “yêu vì quá hiểu nhau” và tất nhiên nó sẽ đau. Cái cắc cớ của ái tình thuộc về loài người là khi yêu thật sự thì không thể “nhàn nhạt, trung tính”. Yêu để cả đời day dứt là thứ tình yêu vừa sung sướng, vừa đau khổ, vừa hi vọng, vừa tuyệt vọng, như một bài hát gọi là “thú đau thương”! Lúc này “mắt em cay” chỉ là cái cớ oan cho “củ hành”, là sự so sánh tài hoa của tác giả. Bài thơ kết thúc mà đâu đó, một dòng sông lệ không biết bao giờ mới ngừng chảy sau lớp vỏ cuối cùng ấy…

 

Vũng Tàu 26/7/2024

VŨ THANH HOA
Bài đã đăng trên Vănplus

2 comments

  1. Bài thơ của THV hay quá! Lời bình của VTH cũng hấp dẫn không kém. Sâu sắc và đẹp như vừa mở ra cánh cửa của căn phòng tình yêu. Chúc mừng hai nữ nhà thơ!.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu