Dòng nhạc xưa mà không cũ – Vũ Thanh Hoa

VTH – Bolero gần đây “trở lại và lợi hại hơn xưa”… Thử điểm lại những thăng trầm của dòng nhạc này cùng bài viết trên Báo BRVT ngày 11/9/2016 tại đây cùng VTH bạn nhé:

DÒNG NHẠC XƯA MÀ KHÔNG CŨ

Có một dòng nhạc đã trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử, luôn gây nhiều tranh luận trong giới sáng tác và thưởng ngoạn nhưng những giai điệu xưa cũ mà cũng có người cho là “sến”, là ủy mị ấy vẫn thong thả len lỏi vào bờ tre ruộng lúa, nơi quán vắng, phố khuya… kết nối các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu đến gần nhau hơn, đó là dòng nhạc Bolero.

ca si TT_TV

Thanh Tuyền, Tuấn Vũ là 2 giọng ca đình đám của dòng nhạc Bolero

SỨC SỐNG CỦA BOLERO QUA THỜI GIAN

Trước đây các bài hát viết theo thể loại nhạc Bolero được truyền tải đến công chúng qua các giọng ca nổi tiếng: Thanh Tuyền, Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường, Giao Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan… Theo nhận xét của nhạc sĩ Trần Thế Bảo: “Dòng nhạc Bolero ra đời vào những năm 1960 – 1965, ở miền Nam Việt Nam. Đến sau năm 1975, dòng nhạc này mới lan ra miền Bắc. Có rất nhiều bài hát sáng tác ở miền Bắc nhưng đến sau năm 1975 mới được phối khí theo phong cách Bolero.”

Vốn mang giai điệu bình dân, đơn giản và trữ tình nên dòng nhạc Bolero dễ đi vào lòng người. Nó chạm tới hoàn cảnh của số đông người nghe, tạo cho họ một khoảng lặng như được an ủi, vỗ về bởi những đồng cảm rất sâu và rất thực. Từ những bản hoan ca, tụng ca mang âm hưởng đồng quê (Xóm đêm – Phạm Đình Chương, Gạo trắng trăng thanh – Hoàng Thi thơ, Khúc ca ngày mùa – Lam Phương, Lối về xóm nhỏ – Trịnh Hưng, Nắng lên xóm nghèo – Phạm Thế Mỹ, Thương về miền Trung, Ai ra xứ Huế – Duy Khánh .v.v…) mà người nghe như được thấy quê hương Việt Nam đang “nối vòng tay lớn”; đến những bản tự sự trữ tình (Hàn Mặc Tử – Trần Thiện Thanh, Những đồi hoa sim – Dũng Chinh, Chuyện tình Lan và Điệp – Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh .v.v…); hay những bản nhạc hoài niệm về ngày tháng cũ, về thân phận cô đơn và chia ly (Đường xưa lối cũ – Hoàng Thi Thơ, Nắng chiều – Lưu Trọng Nguyễn, Xin thời gian qua mau – Lam Phương, Buồn trong kỷ niệm – Trúc Phương, Hoa mười giờ – Đài Phương Trang, Áo em chưa mặc một lần – Hoài Linh, Yêu một mình – Trịnh Lâm Ngân…
Ở miền Nam, hai thập niên 60-70 là đỉnh điểm phát triển thịnh hành của dòng nhạc Bolero. Thời gian sau đó, Bolero tưởng chừng bị lép vế trước nhạc Âu Mỹ, nhạc Hoa, nhạc Hàn và hàng loạt sáng tác trẻ trung của các nhạc sĩ 9X. Nhưng cũng đến lúc các ca khúc mang âm hưởng hiện đại với sự pha trộn nhiều dòng nhạc đang dần trở nên bão hòa: dễ nghe nhưng cũng dễ lãng quên. Giai điệu Bolero với đặc trưng là trữ tình, sâu lắng, da diết đã đem đến người nghe những cảm xúc mới từ những bài hát cũ.

Sau năm 1975, cũng có một số nhạc sĩ Cách mạng viết nhiều ca khúc rất hay mang âm hưởng tiết tấu Bolero như: Ngày mai anh lên đường, Gần lắm Trường Sa, Nhánh lan rừng… Đây là những ca khúc đã đi sâu vào lòng người vì có giá trị nghệ thuật cao. Thập niên 80, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng cộng tác với Đoàn Ca múa tỉnh Cửu Long. Thời gian này, ông có viết một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ trên nền nhạc Boléro, đó là bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Ca khúc này rất được nhiều người yêu thích, đã từng đoạt giải thưởng quốc gia.

Ca sĩ Lệ Quyên là giọng ca đương đại hát xuất sắc thể loại nhạc xưa

SỰ TRỞ LẠI MẠNH MẼ CỦA BOLERO

Bắt đầu bằng sự trở về của một số ca sĩ hải ngoại những năm đầu thập kỷ 2000, khán giả Việt Nam được nghe trực tiếp từ sân khấu những ca khúc một thời mình yêu quý và gắn bó. Họ cũng được giao lưu cùng những tên tuổi gắn liền với dòng nhạc này thời kỳ đầu như Giang Tử, Giao Linh, Phương Dung, Chế Linh, Hương Lan…
Các phòng trà tại TP Hồ Chí Minh tìm được hướng đi mới cho bài toán doanh thu khi những đêm nhạc có tên các ca sĩ trên luôn hút khách. Giao Linh, Phương Dung, Elvis Phương quyết định chọn trở về sống luôn ở quê nhà lúc tuổi già. “Ở hải ngoại, chúng tôi chỉ diễn hai ngày cuối tuần. Trong khi ở Việt Nam, tôi đi diễn hàng đêm, chưa kể những dịp hát chùa, hát tiệc, hát sự kiện. Tôi muốn được hát và chết trên quê hương”, ca sĩ Kim Anh chia sẻ.
Ảnh: Ca sĩ trẻ Lệ Quyên rất thành công với dòng nhạc Bolero.
Không thể phủ nhận, ca từ đẹp, giai điệu lãng mạn, với những chuyện tình day dứt đã làm nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm giàu chất thơ ở những thập kỷ trước. Hà Trần với Tình ca qua thế kỷ 1 cực ăn khách. Đàm Vĩnh Hưng thành công với Thương hoài ngàn năm – liveshow có phần lớn các ca khúc bolero. Tùng Dương chiêu đãi khán giả bằng liveshow đầy màu sắc “Áo mùa đông” – cháy vé chỉ sau vài ngày. Đặc biệt ca sĩ trẻ Lệ Quyên rất thành công với dòng nhạc này. Cô đã hát nhạc xưa bằng giọng ca tươi trẻ mà vẫn rất sâu lắng da diết với lối nhấn nhá “kiểu Hà Nội” làm người nghe thực sự thích thú.
Từ các quán cà phê, quán bar, phòng trà “tiết điệu bolero”, đến những chương trình ca nhạc tầm cỡ – mà “Duyên dáng Việt Nam 23” là một ví dụ – đã dành cho bolero những không gian trang trọng để đưa cảm xúc con người hòa vào cuộc sống.

Cơn sốt nhạc xưa khiến nhà sản xuất không bỏ lỡ dịp. Họ hiểu rõ đây là dòng nhạc vốn có một lượng khán giả nhất định, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi yêu thích nên các cuộc thi truyền hình thực tế lấy dòng nhạc xưa ra tranh tài bắt đầu nở rộ. Và họ quả không lầm. Mùa đầu, “Solo cùng bolero” đã gây choáng ngợp khi có gần 6.000 người chen chân, đội nắng đến đăng ký tham dự. Mùa hai con số đó là hơn 20.000 thí sinh!
Trong khi đó, “Thần tượng bolero” của VTV lại lập kỷ lục ngay mùa đầu với 40.000 người đăng ký tham gia. Chương trình “Nhân tố bí ẩn” cũng mừng như bắt được vàng khi có giọng ca bolero mùi mẫn là Hà Vân và Quang Đại. “Hãy nghe tôi hát” tạo được ấn tượng tốt với khán giả khi các ca sĩ vốn gắn bó với nhạc trẻ như Quách Thành Danh, Nhật Kim Anh, Chi Dân… thử hát lại ca khúc làm nên tên tuổi của các ngôi sao như Ngọc Sơn, Bảo Yến, Nguyễn Hưng… Riêng “Tuổi 20 hát” thu hút sinh viên khắp mọi miền đất nước vì làm sống lại những ca khúc nhạc đỏ hào hùng. Lớp ca sĩ trẻ dẫn đầu hiện nay như Hà Anh Tuấn, Uyên Linh, Quốc Thiên, Thảo Trang, Phương Vy, Phương Linh, Noo Phương Thịnh… liên tục thử nghiệm dòng nhạc xưa và nhận được phản hồi ngoài mong đợi.

Có thể thấy rằng, những nhạc phẩm đậm chất thơ, những giai điệu nhẹ nhàng, lắng đọng luôn có sức hút mãnh liệt đối với mọi thế hệ người yêu âm nhạc, đó chính là thế mạnh khiến cho dòng nhạc Bolero có một sức sống trường tồn, với những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc Việt Nam.

VŨ THANH HOA

Nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu

2 comments

  1. Chào Vũ Thanh Hoa,
    Vô tình đọc thơ chị Trần Thu Hà trong fb (bà con thúc bá) thấy website của em và đọc được những bài trên mạng, trình bày rất đẹp và nội dung phong phú
    hay quá! Nếu không có gì trở ngại xin phép em được chuyển bài Bolero cho một người bạn Phan Anh Dũng ở Virgina , USA, để anh ta cho lên “Cỏ Thơm” (www.cothommagazine.com) phổ biến khắp nơi.

    Chúc em năm 2017 mọi sự tốt đẹp. Mong hồi âm!
    Sẻ bookmark và vào đọc thường xuyên.

    Trần Phước Đạt
    Minnesota, USA
    December 28th, 2016

    1. Rất cám ơn anh Trần Phước Đạt và cũng rất vui vì bài viết của em được góp mặt trên trang “Cỏ Thơm” để bạn bè đồng cảm. Kính chúc anh cùng gia đình Năm mới 2017 an lành, hạnh phúc ạ! 🙂

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu