Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ – Trần Dần

VTH – Thơ Trần Dần đưa ta đến những chân trời và ở nơi ấy ta bay… Dù cuộc đời Trần Dần đầy bi kịch nhưng với những nhà thơ đích thực, ông là tấm gương sáng cho sự nỗ lực cách tân Thơ cũng như ý chí kiên định, sự phản kháng đầy chất  trí tuệ  và sự  sáng tạo của nhà văn trước thời cuộc. Mời bạn đọc chùm thơ Trần Dần với vuthanhhoa.net:

  • Đôi dòng về tác giả:

    TRẦN DẦN
    Nhà thơ Trần Dần (1926-1997)

Trần Dần tên thật là Trần Văn Dần (23 tháng 8 năm 1926-17 tháng 1 năm 1997), nguyên quán thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha Trần Dần là một viên chức kho bạc Nam Định. Ông học qua bậc Thành chung ở quê rồi lên Hà Nội học tiếp và đỗ Tú tài Triết. Năm 1955, Trần Dần viết đơn đề nghị được giải ngũ, ra khỏi Đảng và kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê (gia đình bà Khuê có người di cư vào Nam, nên Đảng không cho phép đảng viên kết hôn vì lý lịch). Theo báo Nhân dân, việc Trần Dần đòi ra Đảng đã làm cho một số người đi theo. Ông tham gia Phong trào Nhân văn – Giai phẩm, Trần Dần lên tiếng đòi tự do, đòi xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân của mình, mặc dù đã bị Chính quyền lúc bấy giờ nhiều lần cảnh cáo nhưng ông vẫn giữ vững sáng tác, ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm phê phán như Lão rồng và chuyện Anh Cò Lấm phê phán cải cách ruộng đất để rồi sau đó bị bắt giam.

Năm 1961 ông trở về Hà Nội và từ đó đến năm 1986, kiếm sống bằng nghề dịch sách, tô màu ảnh, vẽ tranh, không tham gia đời sống văn học chính thống. Con trai ông, Trần Trọng Vũ, mô tả trong thời kỳ này ông sống cô đơn ngay giữa căn nhà mình, không có những chia sẻ thân thiết giữ người thân vì nỗi cô đơn quá lớn. Trong hồi ức của các con ông, Trần Dần ít khi buồn, không có một phàn nàn và không bao giờ kể chuyện đời mình.

Ông vẫn thầm lặng sáng tác, từ năm 1954 đến 1989 vẫn đều đặn viết nhật ký, những số đầu tiên có tựa là Ghi vặt, từ năm 1973 thành Sổ thơ và từ năm 1979 thành Sổ bụi. Nhận xét về giai đoạn này, ông có nói: “Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình.”

CỘT ĐÈN CÂM

Vào đời
tất cả
chỉ có vé: đồng hạng
mọi thứ đặc quyền đều
sặc sụa bất công.

Tôi có vệ tinh
rồi có nhà ga xanh
nhà ga tím
trong một vũ tru
chẳng hiền lành.

Cái lồng chim quá chật
tôi bay đâu
cũng cụng đầu.

Tôi có khả năng im lặng
như một cột đèn câm
đầu phố thơ ngây.

Nguồn: Trần Dần – Thơ, Nhà Sách Nhã Nam, NXB Đà Nẵng, 2008

BUỔI SÁNG

Ngoài kia,
Liên hồi phố.
Cây non hây hây
Con đường béo xụ.

Bộ hành rạng sáng
Ban mai thiếu tháng.
Những tích tắc mỏng tang
Ngọt lừ phố sạch.

Hàng phở sớm đốt lò
Than hồng góc phố.
Những tiếng động ban mai
Thơm – trong – ngọt lịm.

Em đi – áo len màu phi lao
Em đi – áo bông xù lót đỏ.
Xe điện lanh canh phố sớm
Vài ngôi nhà mới bật đèn.

* Bài thơ do NSƯT Trần Trọng Văn sưu tầm và công bố.
Nguồn: Trang Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 26-1-2013

SỔ BỤI 1988 – UẨN KHÚC GA CUỐI

ga cuối của lòng
chẳng nói –
sợ rằng như khói
– nói bay đi…
sợ rằng như nói
– khói bay đi…
ga cuối của lòng…

.ngày 23 tháng 1 năm 89. tức 10 chạp thìn.
dương đã 89 – âm vẫn chửa sang trang kỉ tị. thời gian châu Á vẫn tiêu sâm… tôi chẳng muốn mang sang gì cả. nỗi buồn ga cuối còn nguyên.

NGÀY MẶT PHẲNG

Ngày mặt phẳng – bão hoà phàm
Chẵn lẻ địa cầu không tham dự
Con số vô thức
Không gian chẳng thể
Những tác nghĩa không độ
Ở mỗi góc đường vẫn náu một cơn mơ.

 * Bài thơ do NSƯT Trần Trọng Văn sưu tầm và công bố.
Nguồn: Trang Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 26-1-2013

THƠ MINI

Tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao?
Ối ôi, luôn tam sao thất bản

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời

tôi khóc những chân trời – bụi đỏ
Ở đó: vắng người
không có người biết khóc – các chân mây

vô tư như thuở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa

Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ.
Đừng đau mứt lệ hạ huyền
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.

1988 – 1989

TRẦN DẦN

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu