‘Nơi bền lâu là nơi lắng sâu’ – Vũ Thanh Hoa

VTH – Nếu như khi mới tham gia làng giải trí, người nghệ sĩ muốn đem lời ca tiếng hát của mình đến khắp nhân gian thì khi đã đủ vinh hoa và cả cay đắng, họ lại hơn bao giờ hết muốn trở về cội nguồn… Quê hương, đó mới là nơi “bền lâu và lắng sâu” nhất trong lòng mỗi người. Mời bạn đọc bài viết qua góc nhìn của VTH trên Báo BRVT Chủ Nhật 14/5/2016 tại đây.

NƠI BỀN LÂU LÀ NƠI LẮNG SÂU

Khán giả trong nước vài năm trở lại đây khi xem các chương trình trên các đài phát thanh truyền hình hoặc thưởng thức trực tiếp các show văn nghệ tại các tụ điểm lớn nhỏ khắp toàn quốc đã không còn phân biệt ranh giới “nghệ sĩ trong nước” hay “nghệ sĩ hải ngoại”.

Ca sĩ Khánh Ly và Lệ Thu trong một lần biểu diễn gần đây tại Việt Nam

Không khó để gặp Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Khánh Hà… Những tên tuổi mà người mộ điệu đã tưởng như chỉ có thể nghe, xem qua các băng đĩa gửi về từ hải ngoại xa xôi, thì nay đã được tận mắt ngắm nhìn “thần tượng” của riêng mình hiện hữu trên những sân khấu tráng lệ, diễn tấu hài hoặc hát những bài hát đã làm nên danh tiếng một thời. Khán giả còn có những cơ hội giao lưu trực tuyến, thậm chí giao lưu trực tiếp cùng các nghệ sĩ trong không khí gần gũi, thân thiện và cập nhật mọi tin tức về cuộc sống đời thường của họ.

Không chỉ góp mặt trong các buổi biểu diễn nghệ thuật, những nghệ sĩ “Việt kiều” như Hoài Linh, Đức Huy, Bằng Kiều, Thu Phương, Tóc Tiên… còn tham gia các show truyền hình thực tế, làm giám khảo, huấn luyện viên cho rất nhiều chương trình tìm kiếm tài năng và luôn được khán giả yêu mến, ủng hộ nhiệt tình. Một số người còn đầu tư mạnh tay vào những dự án “dài hơi” như mở công ty giải trí, xây nhà hát, làm phim nhựa, kinh doanh nhà hàng khách sạn…. khẳng định thông điệp: “sau tất cả, mình lại về với nhau”.

Danh hài Vân Sơn – một trong những “cây đại thụ” của làng giải trí hải ngoại – cho biết sẽ xây nhà hát The V show ở TP.HCM và thẳng thắn chia sẻ về quyết định về Việt Nam lập nghiệp của anh: “Thật sự mà nói, giới nghệ sĩ hải ngoại đang gặp vấn đề. Những khán giả vẫn nghe nhạc và xem tấu hài của họ ngày trước giờ đã lớn tuổi, về hưu và dần mất đi. Trong khi đó, những khán giả trẻ tuổi ở hải ngoại bây giờ ít nghe nhạc Việt, chỉ nghe nhạc Mỹ. Vì vậy, văn nghệ hải ngoại ngày càng thu hẹp. Tình trạng này cứ tiếp tục, một thời gian nữa sẽ không còn trung tâm nào ở hải ngoại hoạt động được và trong khoảng 5-10 năm tới sẽ không còn nơi cho nghệ sĩ hoạt động”. (iHay.vn)

Ngoài sự cởi mở của các cơ quan quản lý văn hóa, sự đón nhận của khán thính giả nước nhà, còn một lý do nữa kéo các nghệ sĩ hồi hương đó chính là mức cát-sê hiện nay cho ca sĩ hải ngoại thường cao ngất ngưởng. Con số từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đô cho một liveshow mà các bầu show vẫn chịu chi, rõ ràng đây là khoản “kiếm” không nhỏ khi so sánh với thị trường âm nhạc ở hải ngoại – chỉ sôi động theo mùa và chủ yếu là những ngày cuối tuần. Quang Lê – một trong những ca sĩ khá đắt show ở hải ngoại nhận định: “Thị trường văn nghệ trong nước chưa bao giờ sôi nổi như lúc này. Một ngày xem báo thấy không biết bao nhiêu thông tin làm liveshow, ra mắt album mới, dự án làm phim… Bây giờ, khán giả cũng quan tâm nhiều hơn đến nghệ sĩ, sẵn sàng bỏ tiền đến xem bộ phim, chương trình họ yêu thích. Có thể nói đây là giai đoạn mà làng giải trí Việt đang “ăn nên làm ra“. (iHay.vn)

Có thể thấy sự xuất hiện của dòng nhạc xưa cùng với những giọng ca một thời lừng danh đã làm cho đời sống âm nhạc Việt thêm nhiều gia vị, phong phú và sống động hơn. Nghệ thuật luôn là yếu tố xóa nhòa những định kiến khác biệt, hóa giải tâm tư của tầng lớp khán giả lớn tuổi và cho lớp trẻ hiểu biết hơn về một ký ức đã qua.

nha bangkieu

Các biển tên phố Hà Nội trong ngôi nhà của ca sĩ Bằng Kiều tại Mỹ

Sự ra đi của mỗi người nghệ sĩ đều có một lý do riêng nhưng ngày trở về quê hương của họ đều có cùng tâm tư chung nhất: Đó là người làm nghệ thuật luôn có khát vọng được biểu diễn ngay tại tổ quốc mình, trước đồng bào của mình. Ở nơi có tuổi ấu thơ và thời thanh xuân đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Có thể thấy dù đi xa có đến mấy chục năm nhưng trong trái tim họ vẫn đau đáu niềm nhớ thương cố hương. Ca sĩ Bằng Kiều, một người con của Hà Nội đã gắn biển tên những con phố “Ngô Sỹ Liên”, “Quốc Tử Giám”, “Trần Quý Cáp”, “Hàng Bông”, “Cửa Nam” ngay trong khu vườn của gia đình mình trên đất Mỹ. nam ca sĩ tâm sự trên trang cá nhân: “Vài góc nhỏ để các bạn có sang chơi với mình thì đỡ nhớ Hà Nội nhé”.
Tôi chợt nhớ lời một ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, xin mượn để kết bài: “Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen, phiêu dạt nơi phồn hoa cát bụi, đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi/ Nước qua cầu thời gian trôi mau, nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu…”

VŨ THANH HOA

Nguồn : Báo BRVT Chủ Nhật

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu