Nhạc Việt: Nghe và xem – Vũ Thanh Hoa

VTH – Mình sẽ tham gia góc nhìn riêng về Văn hóa – Nghệ thuật Việt, mời bạn xem bài mới trên báo Bà Rịa Vũng Tàu số 34 (1184) hôm nay: Chủ Nhật ngày 27/9/2015 tại đây

 NHẠC VIỆT: NGHE VÀ XEM

Nhạc Việt lâu nay hình như vẫn có hai trường phái khán giả, dù có lúc tưởng ranh giới ấy đã gần như nhạt nhòa, nhưng thực ra nó vẫn luôn tồn tại, đó là trường phái coi trọng “nghe” và xu hướng cổ vũ nhiều cho phần “xem” của các ca sĩ.

Với những ca sĩ được cho là thuộc dòng nhạc “giải trí” như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Đông Nhi, Sơn Tùng… Khán giả vẫn chờ đợi ở họ nhiều những “chiêu trò mới” khi xuất hiện hơn là giọng hát. Và, vì thế, những nghệ sĩ này luôn phải nỗ lực tạo ấn tượng mới, thay đổi liên tục style (dù có thể chỉ là kiểu tóc, trang phục) cộng với sự dàn dựng sân khấu ngày thêm hoành tráng và sự tiếp sức của dàn vũ công “khủng”. Sân khấu nhạc Việt hôm nay không khó để xem một tiết mục ca sĩ vừa hát vừa múa võ, múa cột, múa lửa và thậm chí cả… nhào lộn trên không!

1. Ca si Hồ Ngọc Hà
Ca si Hồ Ngọc Hà trong một tiết mục biểu diễn

Ngay ở thị trường âm nhạc đình đám như US-UK hay gần hơn là Nhật-Hàn, các nghệ sĩ  đã rất coi trọng cả hai yếu tố nghe và xem như Katy Perry, Taylor Swift, Rihanna, Chris Brown… hay GACKT, G-Dragon… Ngoài giọng hát trời phú (mà vẫn còn nhiều bình luận trái chiều) phải khẳng định sự thành công phủ sóng toàn cầu của họ không thể thiếu vai trò của hiệu ứng sân khấu hiện đại và những màn vũ đạo tuyệt vời. Các bậc “tiền bối” như Michael Jackson, Madonna, Jenifer Lopez… đã nhận ra rất sớm xu thế này và họ đã kết hợp giữa chất lượng nghệ thuật và  công nghệ giải trí cực kỳ thành công và thuyết phục kể cả những khán giả khó tính nhất.

Nghệ thuật ngày nay là một sự tổng hợp dung hòa giữa các yếu tố giác quan: thính giác, thị giác và còn cả xúc giác! Hội họa, Kiến trúc, Âm nhạc, Điện Ảnh đã không còn đứng riêng lẻ mà giao thoa cùng nhau, sân khấu hiện đại còn có sự trợ giúp cả  những kỹ xảo công nghệ hình ảnh 3D, 4D… Người ta thưởng thức nghệ thuật không chỉ nghe bằng radio, cassette, đĩa CD như thời xa xưa nữa mà người ta xem TV, qua Internet… Ngay những hình thức âm nhạc hàn lâm cổ điển như Opera, Ballet cũng đã phải kết hợp với lối trình diễn hiện đại, với hiệu ứng sân khấu sáng tạo bứt phá để lôi kéo khán giả ngày nay vào rạp, nhất là khán giả trẻ.

Trở lại với nhạc Việt, còn nhớ nhiều năm trước, có một nhạc sĩ tên tuổi đã từng gọi dàn vũ công phụ họa cho các sĩ là dàn “tập thể dục vụng về” nhưng chắc chắn quan điểm của các nhạc sĩ bây giờ đã khác xa. Với sự phát triển chóng mặt của truyền thông và sự lan tỏa của thông tin toàn cầu, khả năng tiếp cận xu thế mới của âm nhạc thế giới với khán giả Việt đã toàn diện và nâng cao rất nhiều.

2. Sự kết hợp giữa vở ballet cổ điển Hồ Thiên nga với kỹ thuật đồ họa 3D
Sự kết hợp giữa vở ballet cổ điển Hồ Thiên nga với kỹ thuật đồ họa 3D

Quan niệm bảo thủ về “đẳng cấp âm nhạc” của ca sĩ là cầm micro, đứng một chỗ trình bày bài hát, style chủ yếu là váy áo dài hay veston  đơn điệu đã có phần nhàm chán. Ngay cả những ca sĩ theo dòng nhạc quen gọi là “nhạc đỏ” cũng đã “lột xác” rất nhiều. Không thể phủ nhận hiệu ứng của sự kết hợp giọng ca của ca sĩ với kịch bản, vũ đạo, ánh sáng, phong cách trình diễn. Với sự trợ giúp của các chuyên gia dàn dựng sân khấu, thiết kế trang phục được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước với những ý tưởng đầy năng động sáng tạo, nghệ sĩ Việt đã “chiêu đãi” người nghe những “món ăn tinh thần” gần đến sự “mãn nhãn”.

Nhưng xét cho cùng thì điều chính yếu của một ca sĩ vẫn phải là giọng hát. Dù có đầu tư cầu kỳ đến đâu về ngoại hình, phụ kiện  hoặc phong cách trình diễn với màn vũ đạo điêu luyện nhưng giọng hát không khá hơn các “danh ca karaoke nghiệp dư” thì cũng khó chinh phục được những khán giả có trình độ thưởng thức đích thực. Người ta bỏ tiền ra mua vé, bỏ thời gian ra xem truyền hình một chương trình ca nhạc trước hết là để “nghe” ca sĩ hát, sau đó mới là ngắm họ. Còn nếu chỉ để “xem”, họ sẽ đến các chương trình biểu diễn thời trang hoặc các cuộc thi hoa hậu, hay các sân khấu tạp kỹ… Và một khi đã là ca sĩ “ruột”, ca sĩ đã được người nghe ngưỡng mộ và “nằm lòng” thì dù có thể không hoàn hảo về nhan sắc, không cần quá nhiều chiêu trò phụ trợ, họ vẫn được khán giả nhớ thương suốt một quá trình dài, khi huy hoàng đến tận lúc phôi pha.

Vì thế, ca sĩ Việt cần không ngừng tôi luyện về kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện trước hết là về giọng hát và cần biết kết hợp với phong cách trình diễn sân khấu một cách thông minh, sáng tạo để không lạc hậu với các nghệ sĩ trong khu vực và thế giới.

VŨ THANH HOA
Báo Chủ Nhật ngày 27/9/2015

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu