VTH – Các nhà văn trẻ hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì khi cho “ra đời” những “đúa con tinh thần” của mình? Đó là câu hỏi của nhiều bạn đọc, và cũng là nỗi trăn trở của chính người cầm bút. Mời bạn đọc thêm vấn đề này trên bài viết của Báo Bà Rịa Vũng Tàu Chủ Nhật số 30 (ngày 21/8/2016) tại đây:
NHÀ VĂN TRẺ VÀ NHỮNG ĐỨA CON TINH THẦN
Người viết nào cũng ấp ủ mơ ước những tác phẩm của mình một ngày được xuất bản thành những cuốn sách đẹp đẽ, góp mặt ở các hiệu sách và cuối cùng là đến tận tay bạn đọc. Ước mơ chân chính ấy có thể dễ dàng với người này nhưng lại khó khăn với người khác, nhất là với những người viết văn trẻ, bởi con đường đi tưởng như bằng phẳng, lại nhiều khúc quanh co…
NỖI LO NGUỒN TÀI TRỢ XUẤT BẢN
Chuyện không mới: Người có tiền in thì chưa chắc tác phẩm có chất lượng cao, người có tác phẩm hay lại chưa chắc có tiền in. Hiện nay, những tác giả được các đơn vị làm sách “đầu tư” là nhà văn đã nổi tiếng. Nhiều tác giả trẻ, mới xuất hiện cũng vẫn được đầu tư, nếu như tác phẩm thời thượng, dễ bán, thậm chí là thứ văn chương giải trí, nhất thời hời hợt.
Nếu nhà văn là hội viên của một số Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, có thể được xét hỗ trợ một phần kinh phí nhưng cũng xảy ra nhiều lúng túng: Vì hội văn học địa phương vẫn luôn phải đề cao tính phong trào nên “cào bằng” phần hỗ trợ này để khuyến khích mọi hội viên. Và việc xoay vòng hội viên ở địa phương có sự chênh lệch rất lớn, có hội viên rất sáng giá, tác phẩm chất lượng cao, được nhiều giải thưởng ở tầm quốc gia, năng lực sáng tạo dồi dào được nhiều bạn đọc biết đến nhưng cũng có hội viên tác phẩm chỉ hơn tầm các CLB tự phát một chút. Vì có sự chênh lệch chất lượng tác phẩm như vậy, xem ra “cào bằng” tài trợ kinh phí để tránh làm mếch lòng các hội viên cũng là vấn đề cần bàn lại của các Hội VH-NT.Một số nhà xuất bản (NXB) lớn như Công ty sách Phương Nam, NXB Trẻ, Bách Việt, First News… có riêng bộ phận đi phát hiện và tìm kiếm những cây bút trẻ. Với sự đỡ đầu của các nhà xuất bản, việc ra sách trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc được nhà xuất bản chấp nhận in đồng nghĩa với việc họ phát hành phụ thuộc vào phần lớn “tên tuổi” của nhà văn. Nếu nhà xuất bản in và phát hành, những nhà văn in sách có 10% nhuận bút tính theo giá sách nhân với số lượng sách xuất bản, kèm theo vài cuốn sách biếu. Nhà văn muốn có nhiều sách hơn để tặng bạn bè thì cũng phải tự bỏ tiền ra mua sách của chính mình, tất nhiên với giá rẻ hơn so với cửa hàng sách. Vì vậy, với số nhuận bút vài triệu đồng cho cả cuốn sách, trừ đi tiền mua sách, chả còn là bao. Nhưng bù lại, nhà văn không phải lo chuyện sách của mình bán như thế nào, xử lý ra sao khi bị… ế! Còn phía NXB, họ cũng phải tính toán: Liệu tên tuổi nhà văn có bảo đảm cho việc bán sách và mang về doanh thu không? Nội dung tác phẩm, có đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả không? Chất lượng tác phẩm đang được đánh giá theo hệ quy chiếu nào?
KHI NHÀ VĂN TỰ THÂN VẬN ĐỘNG
Phần còn lại là các tác giả tự bỏ tiền túi ra in sách. Sau khi chọn NXB, tác giả gửi bản thảo để NXB đọc duyệt, biên tập nội dung và đăng ký xuất bản với Bộ TT-TT xác nhận, và ra quyết định xuất bản.
Những cái tên Nguyễn Phong Việt (Đi qua thương nhớ, Từ Yêu đến Thương, Sinh ra để cô đơn…), Anh Khang (Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Buồn làm sao buông…), Gào (Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật ký son môi, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho…), Hamlet Trương (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay, Yêu đi rồi khóc, Ai rồi cũng khác…) với cách viết gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm phù hợp với tâm sinh lý của người trẻ hiện đại, đã lôi kéo được số lượng độc giả thế hệ 9X,10X khẳng định được một xu thế văn học mới trên thị trường sách đương đại.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Trên văn đàn, thế hệ tiền chiến đã không còn, thế hệ chống Pháp thưa thớt, chống Mỹ đã nhiều tuổi. Trên mặt báo và các NXB bây giờ là những tên tuổi mới. Về mặt số lượng, họ xuất hiện đều đặn, xuất bản nhiều, một số người đã tạo dựng được chỗ đứng của mình. Nhưng nhìn chung về chất lượng, tác giả nổi lên xuất sắc rất ít”.
Một số tác giả trẻ quyết định chọn những đề tài gây tranh cãi như đồng tính, “sex” để khai thác và viết bằng thứ văn chương câu khách. Bên cạnh đó, các cây bút trẻ nhắm đến là tản văn, những câu chuyện đầy uẩn ức trong cuộc sống và bút ký về những chuyến đi. Việc chọn những chủ đề đơn giản này khiến một số cuốn sách chỉ vỏn vẹn vài chục trang giấy, từ bìa sách đến nội dung cứ na ná nhau. Người đọc cảm giác như đang xem những dòng trạng thái trên facebook, nhật ký trên blog được tập hợp lại bởi lối viết đậm chất “văn chương mạng” mà thiếu hẳn phần tư duy sâu sắc, văn phong chuẩn mực của một tác phẩm văn học đích thực. Rất nhiều doanh nhân, diễn viên, MC… cũng viết sách. Có lẽ những người này chỉ xem viết là một cuộc dạo chơi thú vị, để thỏa lòng đam mê, kỷ niệm một thời vang bóng… Và vì thế, “nhà văn trẻ” bị đánh đồng với nhau ngay trên chính kệ sách!
Văn chương là con đường dài vô tận và luôn có những bất ngờ.Dù thế nào thì vẫn hy vọng từ những tín hiệu tuy chưa thật sự ấn tượng, nổi bật về một lớp người viết trẻ đầy tâm huyết và tài năng cho tương lai văn học Việt.
VŨ THANH HOA
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu