Người “Ngụy biện cho nổi buồn”

Ba mẹ tôi đều học Tổng hợp Hà Nội những năm 1959-1963, thời giáo sư Ngụy Như KonTum làm hiệu trưởng. Ba tôi học khoa Triết, mẹ tôi học khoa Sử, sau đó do ngoại ngữ giỏi, cả hai người đã chuyển qua công tác ở Bộ Ngoại Giao. Ba tôi là tham tán ở Đại Sứ Quán Ba Lan và công tác ở các nước châu Âu những năm 1966 – 1974, sau đó ông tiếp tục làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN VN tại 7 nước Châu Phi liên tiếp hai nhiệm kỳ. Năm 1975 tôi theo ba mẹ đi rong ruổi khắp nơi trên thế giới đến cuối năm 1982 mới về lại Hà Nội.

chup lai 11.5.08 011.jpg, 91 KB
VTH cùng ba mẹ ở Tanzania năm978

Học cấp 1 tại trường Quốc tế của Đại Sứ Quán Liên xô cũ, tôi chỉ được học tiếng Nga và tiếng Anh. Về Việt Nam, tôi vào học lớp 7C tại trường PTCS Ngô Sỹ Liên, phố Hàm Long Hà Nội. Khi mới về nước, tôi học “toát mồ hôi” mới theo kịp các bạn học vì cái vốn tiếng Việt của mình. Tôi nhớ có cô bạn cùng lớp khen tôi:

– Dáng cậu eo co quá nhỉ!
Tôi đã “đần thối” ra hỏi:

– Eo co là cái gì?

Cô bạn cười ngặt nghẽo và chỉ cái “phần giữa ngực và bụng” bảo:

– Là tớ khen cái phần “cong cong” này của cậu, hi hi…

Tôi cãi:

– Ơ, chỗ ấy gọi là “cái đáy” chứ?

Cô bạn được dịp cười lăn lộn, giải thích:

– Giời ạ, cái từ cậu dùng ấy bây giờ chỉ có thế hệ ông bà mình dùng thôi, sao cậu lại lạc hậu thế chứ…

Năm 1983 ba tôi chuyển về Vũng Tàu làm Giám đốc Sở Ngoại vụ và lần nữa tôi lại theo ba mẹ tạm biệt Hà Nội. Lên lớp 8, tôi tỏ ra có năng khiếu vượt trội về môn Văn và bắt đầu là dân Chuyên văn cho đến lớp 12. Tôi luôn dẫn đầu các cuộc thi Văn của tỉnh. Năm 1987 tôi đạt giải 3 HS Giỏi Văn Toàn quốc và được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Văn TP HCM nhưng tôi không thích đi dạy Văn mà tôi thích sáng tác, hồi ấy tôi đã viết nhiều và được đăng trên các báo Khăn quàng đỏ, Thiếu niên TP…

Vũ Thanh Hoa năm 1993

Tôi nói với ba mẹ:

– Con không vào Sư phạm Văn mà con thi ĐH Tổng hợp Văn ạ, con thích viết Văn…

Tôi thấy trước đây ba mẹ tôi rất ủng hộ các sáng tác của tôi cũng như rất vui khi nhắc đến những người bạn cùng học ngày xưa giờ đã là các nhà văn, nhà thơ nổi danh. Nhưng khi tôi nói ý định đi “viết văn chuyên nghiệp” thì ba mẹ tôi lại phản đối. Ba tôi bảo:

– Ba mẹ đều học Tổng hợp ra và thấy bạn bè vất vả lắm. Con đừng theo “vết xe đổ” ấy nữa, tìm cái nghề gì để có thể tự nuôi được bản thân hay chí ít thì cũng dễ xin việc…

Tôi rụt rè một chút rồi lại mạnh dạn thưa:

– Khi ở Ai cập, con đã dự thi vẽ tranh thiếu nhi Quốc Tế và đạt giải nhì, vì thế con cũng thích hội họa lắm, con đã lén ba mẹ đi dự thi tuyển vào ĐH Mỹ Thuật TPHCM và trúng tuyển rồi, vậy thì ba mẹ cho con học ĐH Mỹ thuật nhé?

Ba tôi lập tức gọi điện thoại lên ĐH Mỹ thuật hỏi (không ngờ bác hiệu trưởng ĐHMT ngày ấy lại là người quen của ông) và…sau khi biết con gái “trúng tuyển thật” thì ba mẹ tôi càng…”kịch liệt” phản đối, mẹ tôi “rơi nước mắt” bảo:

– Con gái ơi, đừng theo nghiệp văn nghệ sỹ con ạ, rồi đời con sẽ buồn khổ lắm đấy…

Sau 2 ngày “lặng im trong căng thẳng” ba tôi gọi tôi vào bảo:

– Ba mẹ hiểu con và suy nghĩ rất nhiều…

– Vâng? – Tôi hồi hộp…

– Ba mẹ thấy con nên thi vào Đại học Luật TP HCM là hợp nhất. Con “bay trên trời” nhiều rồi, hãy tập “đi trên mặt đất” con ạ.

– Nhưng con thích viết văn lắm…

– Không nhất thiết cứ phải học Văn thì mới viết Văn được, các nhà văn nổi tiếng đâu phải ai cũng tốt nghiệp ĐHTH Văn. Nếu con thực sự say mê, ở vị trí nào con cũng viết được.

Tôi lặng người…trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh các “bà” Thẩm phán, Luật sư, Kiểm sát viên, cán bộ Sở Tư pháp vô cùng nghiêm khắc và khô khan…thật khó tưởng tượng lại “gắn” vào cuộc đời của VTH… Nhưng tôi vẫn nghe ba tôi vì tôi luôn tin ông đúng.

Sau này ra đời, với nhiều thăng trầm và thử thách, tôi càng nhận thấy ba tôi đã đúng. Nghề Luật đã cho tôi sự điềm đạm, từ tốn và tư duy sâu sắc.

Có một thời gian sau khi đã dành được giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh (1993), giải Truyện hay cực ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993) tôi đã định từ giã “nghiệp cầm bút” gian nan để làm một Kỹ sư Dầu khí mẫn cán… Tôi cho tất cả các tác phẩm của mình vào một va-li dán kín lại, giấu dưới gầm cầu thang…

Năm 2002, cuộc sống riêng của tôi đổ vỡ, Văn chương lại song hành bên tôi, giờ tôi đã trở thành một người đàn bà khác, một người đàn bà với nhiều trải nghiệm… Những bài thơ và truyện ngắn dồn dập ra đời như “bù lại” khoảng thời gian sáng tác nhỏ giọt, cầm chừng ngày nào…

Gặp lại những người bạn cùng Đại học, thấy đứa này đã trở thành Luật sư danh tiếng, đứa kia mở Công Ty Luật, đứa nọ mở Phòng Công Chứng, làm Sếp ở các cơ quan chuyên ngành… Chúng luôn nhìn tôi với cặp mắt “vừa ngạc nhiên vừa thán phục” sao đứa bạn ngày xưa quen sống trong nhung lụa bây giờ lại vất vả, tần tảo một mình với hai con nhỏ và đam mê… sáng tác thơ, văn “tung tóe” khắp nơi vậy… He he.

Nhà hát lớn Sài Gòn, 4.10.2009

Nhưng Trời chẳng lấy của ai tất cả, đến với Văn chương, tôi đã được nhiều thứ: Tình cảm của người đọc, của những thế hệ đi trước như Nhà thơ Lê Huy Mậu, Tùng Bách, Hoàng Quý, Phạm Dạ Thủy… nhà văn Nguyễn Đức Thiện, Trần Đức Tiến, Hoàng Đình Quang… và đặc biệt là Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Tôi vốn kín đáo và kiệm lời nói về bản thân, Nghề Luật đã “đào tạo” tôi như thế nhưng Thơ và Văn của tôi thì không giấu được. Đọc tôi viết, người đọc luôn “nhận ra chất VTH” và họ “bắt thóp” được tôi…. Trong Thơ tôi thể nào cũng thấy bóng dáng Nỗi buồn lẩn khuất.

Tôi vừa post lên blog bài thơ “Ngụy biện cho Nỗi buồn” và tôi rất cảm động vì nhận được nhiều comment chia sẻ của các anh chị xa gần và trong ấy có một comment của nhà thơ Phạm Dạ Thủy tặng tôi bài thơ làm tôi đặc biệt xúc động. Tôi đã viết E-mail cho chị: “Em rất cảm động trước tấm lòng của chị dành cho em, từ lâu em vẫn coi chị là Một Người Chị về tuổi đời và tuổi nghề. Tài năng, sự dịu dàng và vẻ đẹp bất chấp tháng năm của chị luôn làm em ngưỡng mộ và là niềm ao ước của em…Nỗi buồn luôn làm cho những ai đủ bản lĩnh lớn hơn và đồng cảm với nhau hơn chị nhỉ, em cho rằng chính Nỗi buồn mới là “cốt lõi của mọi xúc cảm.”

Tôi xin phép chị đưa bài thơ ấy lên Entry này và một lần nữa xin cám ơn chị Phạm Dạ Thủy và các anh chị suốt thời gian qua luôn chia sẻ và đồng cảm cùng Vũ Thanh Hoa. Trân trọng.

GỬI NGƯỜI NGỤY BIỆN CHO NỖI BUỒN

Tặng VTH

VTH và nhà thơ Phạm Dạ Thủy

Ngụy biện cho nỗi buồn*
Nỗi buồn khoe nhan sắc
Buồn lại càng buồn hơn
Lặng thầm đêm trầm mặc

Em buông tay bất lực
Nhìn nỗi buồn lên ngôi
Em nghẹn ngào ngụy biện
Nỗi buồn vẫn không vơi

Đốt cháy nỗi buồn thôi
Thả tàn tro theo gió
Nỗi buồn bay về trời
Ngụy biện rơi về cỏ

Em về với ngày vui
Với bình minh rực rỡ
Nỗi buồn không còn nữa
Quang gánh đời nhẹ tênh

PHẠM DẠ THỦY

1-10-09

* Tên bài thơ của VTH

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu