Nghe cỏ tự tình đời chợt an nhiên – Phạm Dạ Thủy

 

Bài đã đăng trên nhavantphcm tại đây
Nghe cỏ tự tình đời chợt an nhiên

(Đọc tập thơ Ru Hoa của nhà thơ Phạm Dạ Thủy)

Mở gói bưu phẩm bác Bưu tá vừa chuyển tới, tôi lập tức bị hút hồn vào không gian xanh thẳm với những cánh hoa ẩn chìm trên bìa tập thơ “Ru Hoa” của nhà thơ Phạm Dạ Thủy ở Khánh Hòa gửi tặng.

Đọc tựa đề của tập thơ – “Ru Hoa”, tôi chợt bâng khuâng… bởi vì: Hoa cũng là tên chị, cũng là tên tôi mà hình như Hoa cũng là “danh từ chung” để chỉ một nửa thế giới nhân loại: xinh đẹp, đa cảm, nhân hậu và… cũng rất chi là phức tạp? Chị Ru Hoa là chị ru mình, ru Tôi hay ru cho thân phận những người đàn bà? Những người đàn bà can đảm song hành với nghiệp viết, với những nghiệt ngã của danh xưng “nghệ sĩ” và đối mặt với những  hà khắc  của đời thường…

Nhà thơ Phạm Dạ Thủy

Ngủ đi Hoa ơi
Dù đường chân trời bước chân trượt ngã
Dù khúc hoan ca ru dỗ mịt mờ
Dù ánh mắt cười giọt buồn khuất đáy
Những nhạt những nồng giấu vào câu thơ

Ngủ đi Hoa ơi
Hãy tan vào đêm vào sương vào gió
Một thoáng vô tư bứt khỏi muộn phiền
Dịu dàng yêu thương nép mình bên Lá
Nghe cỏ tự tình đời chợt an nhiên
(RU HOA)

Không phải lần đầu tiên tôi đọc thơ Phạm Dạ Thủy. Tôi đã đọc chị nhiều và gặp chị ngoài đời. Vậy mà với “Ru Hoa”, tôi vẫn thấy có hai luồng cảm xúc đan xen nhau: vừa nhất quán lại vừa bất ngờ trước tác giả.
Ngoài đời Phạm Dạ Thủy là người đàn bà mang vẻ đẹp phúc hậu, phong thái thanh lịch đậm chất “sư phạm” và lối nói chuyện dịu dàng, đa cảm của nữ thi sĩ… và “nhi nhiên” điều ấy đã “ấn định” vào thơ chị :

Trái tim ơi ngoan nào
Đừng đập nữa dập dồn vội vã
Thong thả sống tháng ngày lặng gió
Thong thả nghe thì thầm hoa cỏ
Gõ nhịp đều về phía giấc xuân xa
(NÓI VỚI TRÁI TIM)

Lỡ tay rót tràn ly nhớ
Lơ đễnh rơi thêm giọt buồn
Thế là đêm dài và lặng
Thế là mưa ngày xưa tuôn
(LẢ NGÀY)

Dịu dàng không đến mức ủy mị, tinh tế không đến mức khắt khe, chân thành không đến mức thô nhám, đấy là phong cách thơ Phạm Dạ Thủy, vì thế chị có thể chinh phục được nhiều đối tượng bạn đọc, nhiều thế hệ, dù có thể họ là những người kỹ tính:

Đi khắp nẻo
tìm lại mình không gặp
Về soi gương
xa lạ vệt khói chiều

Dòng sông cũ
trôi về miền cổ tích
Những ngóng chờ một thuở
mọc rong rêu
(TÌM TÔI)

Như tất cả những người phụ nữ trên thế gian này, Phạm Dạ Thủy yêu quý và nâng niu kỷ niệm, tôi nhớ một câu ngạn ngữ nước ngoài: “Gia tài của người đàn bà là quá khứ”, và hãy xem Phạm Dạ Thủy viết về quá khứ của riêng chị: Đó là ký ức về những tháng ngày bé bỏng, bên người mẹ tảo tần chắt chiu, và tấm lòng người con gái “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”:

Đã có lúc thơ con máu ứa
Lời mẹ ru xưa xóa vết thương ngày

Con nâng niu từng ngày có mẹ
Từng cọng rau hạt muối củ khoai…

Xuân đi rồi mùa đông cô lẻ
Mẹ xa rồi lời kinh nghiêng say!
( XUÂN ĐI RỒI)

Rồi như quy luật của đất trời, chị lại làm mẹ, lại đong đầy những hoài niệm những mong mỏi về những đứa con thân yêu của mình:

Chỉ chốc lát nữa thôi con về tới nhà
Sao lòng mẹ cứ bồn chồn không ngủ được
Thà bất chợt con về mẹ không biết để mong

Đêm dài quá
Xe tốc hành chậm quá
Nỗi nhớ con trong lòng mẹ quá đầy
Nỗi nhớ căng ra phồng lên chực vỡ
Đêm vẫn cứ đêm
(CHỈ CHỐC LÁT NỮA THÔI)

Những hồi ức cứ mở rộng đa chiều như những thước phim quay chậm về từng kỷ niệm của cuộc đời người đàn bà xinh đẹp và tài hoa : Có cả ngọt ngào, có cả đắng cay. Có khi đậm nét như “Nốt sol trầm”, có khi lại ảo mờ, huyền hoặc như “bóng cầu vồng”:

PDT1-2008
Nhà thơ Phạm Dạ Thủy và Vũ Thanh Hoa 4/2009

Người đi không trở lại
Kỷ niệm xưa cựa mình
Người đi là đi mãi
Thơ người vẫn lên xanh
Nha Trang còn neo giữ
Lời thương gửi nghìn trùng
Nốt sol trầm vẫn đỏ
Người xanh vào mênh mông
(XANH VÀO MÊNH MÔNG)

Mưa
Không xoá nổi bóng nắng bóng mây bóng cầu vồng ký ức
Lung linh thuở dậy thì, trên tay hằn dấu vết chiếc nhẫn cỏ mười lăm
Mưa
Không phai nổi lời hẹn mịt mù
Anh sẽ về để ngắm nhìn em mười tám
Môi chật nụ cười
Mắt đầy dáng núi
Tóc mềm vương sương
(ĐIỀU KHÔNG THỂ)

Thơ lục bát chỉ “điểm xuyết” trong “Ru Hoa” nhưng lại là những điểm nhấn khẳng định “tay nghề” vững vàng của Phạm Dạ Thủy. Lục bát của chị không quá phá cách nhưng lại không nhàm và tẻ mà thẳm sâu và day dứt:

Khơi ngày xưa khóc chuyện xưa
Thương sao xiên nắng sợi mưa với tình

Quanh đời giờ gió lặng thinh
Chuông chiều im tiếng câu kinh rụng vàng

Vẫn còn mắc nợ nhân gian
Trả xong một kiếp hồng nhan. Ta về…
(TA VỀ)

Đã mòn mỏi những ngày chờ
Sông đầy sóng lặng nào ngờ mất nhau

Gượng cười che vết thương sâu
Cạn lòng trơ khấc gối nhàu giấc trăng
(SAY)

Hai vai
nhẹ gánh gió mây
Trái tim dại dột
chất đầy ưu tư

Kiếp người
thoáng chốc đã thu
Tịnh không đâu dễ
mịt mù
trầm luân

Ngoái tìm
vời vợi bóng xuân
Gặp thơ ngây
khóc
nửa chừng chiêm bao
(LỤC BÁT RỜI)

Có lẽ bạn vẫn đang chờ luồng xúc cảm thứ hai của tôi trong tập thơ này. Vâng, tôi gọi là bất ngờ của Ru Hoa. Bất ngờ bởi tôi khám phá những mạch sóng ngầm ẩn trong những con chữ, giống như sự mãnh liệt giấu sau vẻ dịu hiền của người đàn bà cam phận bình yên:

Nụ hôn người gửi qua mail
Trắng như mây trắng đỉnh đèo phù vân
Đêm nằm nghe gió phân thân
Nghe tình côi cút giữa trần gian đau
(NỤ HÔN)

Người lướt qua tôi vô tình như gió
Tôi gửi lời thương theo gió vô tình
Cơn gió mỏng xô tôi vào lửa đỏ
Tôi tro tàn lời thương vẫn nguyên trinh
(GIÓ VÀ TÔI)

Hành lý vô hình chật tim
Dự cảm nỗi lo đặc quánh
Ngơ ngác chiều
Ngày cháy sém
Hụt chân
Trễ tàu

Bất lực
Đuổi theo ý nghĩ rối
Quanh co đèo dốc
Cùng đường
Cái giật mình cứu rỗi
(TRỄ TÀU)

Nhưng rồi người đàn bà ấy đã lựa chọn và nâng niu hạnh phúc quý giá không dễ gì có được của một nữ sĩ, cất những “thảng thốt, giật mình” vu vơ hay cả những nỗi đau không thể lành vào góc lặng của tâm hồn mình, tôi gặp rất nhiều khúc “tự ru” trong “Ru Hoa”:

Đã bốc hơi những mê đắm thuở nào
Tình yêu như bọt xà phòng vừa bay vừa tan
Những hẹn hò những đường mật những dịu dàng
thành khói
Thời gian không nương tay
(BỐC HƠI)

Thôi xin đừng lay thức tháng tư tôi
Xin bình yên những dấu ngày đã cũ
Xin trong veo giọt sương buồn quá khứ
Lật nhớ mà chi
Tháng tư ấy xa rồi
(THÁNG TƯ TÔI)

Đứng giữa vòng xoay
Xoay xoay xoay…
Sau một vòng lại về chốn cũ
Bao giờ thoát được
một ngày như mọi ngày một đêm như mọi đêm
Bao giờ làm mới được
cái tôi đã cũ cái tình đã xưa cái buồn đã kín
(BAO GIỜ…?)

“Ru Hoa” là tác phẩm thứ 9 của Phạm Dạ Thủy theo như giới thiệu trên bìa sách, kể từ tác phẩm đầu tay “Biển xanh không bình yên” xuất bản năm 1997. Đọc thông tin này, tôi thầm cảm phục sức viết và “phong độ ổn định” của chị. Với tuổi đời không còn trẻ và sức khỏe : “Đã qua cái thời ngồi không nằm không/ Hết lúc chân đau tới hồi lưng mỏi/ Hết mổ lần này, nội soi lần khác/ Rảnh việc cứ bày đau ốm liên miên” (TỰ TRÀO) Nhưng giọng thơ của nữ sĩ Khánh Hòa vẫn trong trẻo, da diết và ngày càng đằm thắm, đắm say lòng người… Tôi muốn kết bài viết nhỏ này bằng bài thơ Phạm Dạ Thủy viết tặng tôi (VTH) vừa để khoe niềm vinh dự nho nhỏ của mình, vừa để thấm hơn lời chia sẻ (hay là lời Hoa ru Hoa?) của người tôi vẫn hằng ngưỡng mộ và quý mến như chị gái mình:

Em buông tay bất lực
Nhìn nỗi buồn lên ngôi
Em nghẹn ngào ngụy biện
Nỗi buồn vẫn không vơi
Đốt cháy nỗi buồn thôi
Thả tàn tro theo gió
Nỗi buồn bay về trời
Ngụy biện rơi về cỏ
Em về với ngày vui
Với bình minh rực rỡ
Nỗi buồn không còn nữa
Quang gánh đời nhẹ tênh
(GỬI NGƯỜI NGỤY BIỆN CHO NỖI BUỒN – Tặng VTH)

Cám ơn “Ru Hoa” đã cho tôi nhiều cảm xúc thú vị trong chiều cuối thu năm 2011, cám ơn những người đàn bà làm thơ đã đem lại niềm tin về tình yêu, những bí ẩn vô tận của cuộc sống và của chính mỗi người khi gấp lại trang thơ…

Vũ Thanh Hoa
Vũng Tàu 27/10/2011

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu