Nắng cuối trời (94) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (93) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời

Truyện dài kỳ

94. – Cô y tá ra ngoài rồi, chỉ còn ông với tôi thôi, không phải giả vờ mất trí nữa!

Trang cười nhạt. Lão V nhả cái giẻ trong miệng ra, cẩn thận nhìn ra cửa sổ rồi mới khẽ khọt hỏi:

– Cô vào tận đây tìm tôi cơ à? Cô muốn gì?

– Ông có đi đâu tôi cũng tìm ra, tôi phải đòi lại công bằng cho anh H!

Lão V uống ngụm nước, bĩu môi:

– Bọn đàn bà các người cứ động vào yêu đương là tối mắt tối mũi, cứ lo cái thân cô đi, sao phải lo cho nó làm gì!

– Tôi tìm lại công bằng cho tất cả mọi người. Cho Hân, cho Thắng và những người khác bị ông trù úm, vùi dập. Ông tưởng vào đây giả điên giả dại là thoát được pháp luật sao?

– Màn đã hạ đâu cô em xinh đẹp! – Lão V cười đểu giả – Tôi sẽ thoát đấy, cô còn đủ sức theo cho tới hết không?

k94

Trang mỉm cười. Đặt túi hoa quả xuống bàn, bảo:

– Những bằng chứng cho sự trong sạch của H tôi vẫn đang nắm trong tay. Chỉ mong ông trong thời gian ở đây suy nghĩ kỹ và hợp tác. Chào ông.

– Dù tôi có vào viện tâm thần hay trong nhà đá thì thế lực của tôi lúc nào cũng đông đảo hơn các người.

Lão V chỉ nói bấy nhiêu rồi im lặng, cảnh giác nhìn ra ngoài, phòng ai đó bước vào, Trang quay đi nhưng vẫn biết lão lại vớ lấy cái giẻ rách để nhai hay làm gì đó diễn vai bệnh tâm thần…

Trời bắt đầu vào cuối thu. Sài Gòn trở lạnh bất ngờ, Trang kéo cổ áo kín hơn. Những cơn gió khô khốc ào đến khiến nàng cảm nhận rõ hơn nỗi niềm cô độc. Nàng chợt thấy tủi thân quá chừng, những giọt nước mắt yếu mềm từ đâu bỗng len lén rơi… Ghé vào góc phố ven đường để cảm xúc lắng xuống nàng chợt nghe tiếng gọi:

– Chị Trang phải không?

Nàng quay lại…

– Toàn! Lâu quá không biết tin tức của em?

Toàn chững chạc so với trước nhiều. Khuôn mặt cương nghị, vóc dáng rắn rỏi, Trang ngắm và thốt lên:

– Em trưởng thành rồi Toàn à!

Toàn mỉm cười. Họ vào một quán café bên đường, Toàn gọi 2 li sinh tố bơ.

– Trời, vẫn nhớ chị thích món này sao?

– Quên sao được chứ, lần đầu tiên gặp nhau chị gọi món này mà!

Trang cười vang. Lâu lắm rồi nàng mới được cười thoải mái thế. May đời còn có Toàn.

– Bây giờ Toàn sống ra sao rồi?

– Em dạy văn ở một trường ngoại thành, buổi tối tranh thủ học lớp cao học, thời gian còn lại thì đi dạy thêm ở các trung tâm.

– Em đã…- Trang bỗng ngập ngừng khi thấy ánh nhìn của Toàn, chàng trai cười:

– Em chưa lập gia đình đâu, vẫn một mình thôi.

Trang không hỏi nữa. Nàng sẽ không hỏi “tại sao” hay “cô bé hồi xưa thế nào”. Hãy để kí ức ngủ yên, hãy để hiện tại bình yên. Trong ánh mắt Toàn, nàng vẫn nhận ra tình cảm sâu sắc chàng dành cho mình. Nàng lảng qua chuyện khác:

– Vậy công việc có vui không? Thu nhập có ổn không?

– Lương giáo viên mà chị, tằn tiện lắm cũng khó mà đủ sống. Đã vậy, luôn bị sức ép của việc báo cáo thành tích, nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương thức giáo dục nhưng thực chất là sinh viên sư phạm học vẹt để khi ra trường và trở thành những giáo viên lại “trả bài” học sinh bằng cách “dạy vẹt”.

– Trước đây còn làm ở tòa soạn, chị cũng đi thực tế và có viết một loạt phóng sự về vần đề này, chị hiểu lắm. Chả có thời nào mà trò đánh thầy, thầy đánh trò tay đôi và hằn học đến vậy. Nó phải xuất phát từ sự uất ức của thầy và sự thiếu nể phục của trò. Cả hai bên đều chịu áp lực nặng nề của cơ chế giáo dục hũ nút hiện nay và họ thể hiện sự ức chế ấy bằng cách làm tổn thương nhau…

– Chị biết không lại còn một bộ phận phụ huynh mới đáng sợ chứ!

– Phụ huynh cũng chóng mặt chạy theo cái vòng may rủi tù mù đó em, họ cũng đáng thương thôi! – Trang bao biện .

– Không chị ạ, chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng họ làm cho nền giáo dục thêm mục rỗng. Họ là những quan lớn, những trưởng giả học làm sang bản thân đã thiếu hụt hoặc chắp vá kiến thức và bằng cấp nên cố gắng “đầu tư” cho đời con cháu mình bằng mọi giá, họ vội vã đến mức sẵn sàng tung tiền, mua chuộc thầy cô và ép buộc con cháu học ngày học đêm, học đến trầm cảm và tâm thần phân liệt. Trong đám “thiếu gia” ấy có mấy đứa chịu khó học hành đâu, chúng quen ăn chơi đua đòi ỉ vào tiền của bố mẹ sẵn có, hống hách hỗn láo. Kết quả điểm thi cũng toàn là điểm mua hết chị à!

– Quả thật là ngay công ty của chị mấy sếp đều cho con đi du học tận trời Tây với học phí và tiền ăn ở nhiều đến chóng mặt! Không biết họ lấy tiền ở đâu mà lắm vậy mà con họ học có ra hồn không chứ!

– Ôi trời, họ cũng đua đòi cho con qua học nước nọ nươc kia để chứng tỏ giàu sang, oai phong chứ thật ra mấy nơi đó có phải trường nào cũng thi tuyển sòng phẳng và chọn lọc như những trường danh tiếng mà ta biết đâu, vả lại con cái họ qua đó cũng ăn chơi phè phỡn , phá tiền của bố mẹ bên này tham nhũng tích cóp, ăn chặn của dân. Ôi dào, bài toán giáo dục tính mãi, đáp số nào cũng sai be bét!

– Nhưng em được đào tạo từ nơi ấy và lại ném vào nơi ấy giảng dạy, em làm sao khác được chứ? – Trang băn khoăn.

Toàn nhặt một chiếc lá nhỏ bay lạc trên mái tóc Trang, cười buồn:

– Em cũng nhiều phen điêu đứng. Có một học trò học rất kém môn Văn, phụ huynh của cậu bé này lại rất có thế lực, thế là họ tìm cách tiếp cận và mặc cả với em. Ngày Hiến chương các nhà giáo và các ngày lễ tết, họ canh em ở cổng nhà để biếu quà. Em trốn đâu cũng không thoát, em đành nhận tượng trưng một chút và lịch sự bày tỏ quan điểm cứng rắn. Một lần họ tặng một quyển sổ nhỏ, về mở ra không ngờ là cái phong bì trong có 10 triệu đồng với nguyện vọng cho cháu đạt học sinh giỏi môn Văn năm nay, rồi còn gợi ý phụ đạo riêng cho thằng bé với mức học phí cao kỉ lục! Em trả lời là em có thể dạy kèm như các học sinh khác nhưng cho cháu thành học sinh giỏi có nghĩa là hại tương lai sau này của cháu.

– Thế là họ đồng ý sao? – Trang ngạc nhiên.

– Ồ không đâu chị! – Toàn cười – Sáng hôm sau cô hiệu trưởng gọi ngay em vào phòng riêng, thì thào: “Thằng bé ấy là con một cán bộ đầu ngành, vị này hỗ trợ cho trường ta từ tinh thần lẫn vật chất, chú phải nể mặt họ và cả tôi nữa chú!” Em lắc đầu đáp: “Chị ơi, làm như thế mới là không nể mặt chị, chúng mình là nhà giáo, đâu có mua bán điểm của học trò rẻ mạt thế được!”  Rồi em đưa cho cô hiệu trưởng cái phong bì, cô ấy mở ra xem và tròn mắt: “Bằng nửa năm lương của chú mà còn bảo là rẻ mạt sao?” Em không nói nữa, lập tức gọi điện thoại cho vị phụ huynh đó trước mặt cô hiệu trưởng xin phép trả lại món tiền và khẳng định lần nữa từ chối đưa con ông ta trở thành học sinh giỏi Văn.

– Thế rồi sao?

– Hì hì, em vẫn đi dạy bình thường và nhận kèm môn Văn cho cậu bé đó với mức thù lao giống các bạn khác, em không ngại gì hết.

Trang gật đầu, xúc động nói:

– Chị tự hào vì em, nhưng vẫn lo không biết em sẽ trụ được bao lâu trong môi trường ấy đây?

– Em sẽ cố gắng giữ vững phẩm chất của một nhà giáo đích thực còn nếu o ép quá em sẽ bỏ nghề, em không thể làm một con buôn đội lốt giáo viên được chị ạ!

Trang thở dài, giờ nàng mới hiểu hơn báo chí đã thống kê hơn một nửa số giáo viên nuối tiếc vì đã chọn ngành dạy học và số giáo viên bỏ nghề vẫn không giảm dù gần đây đời sống họ khá lên nhiều.

– Cô chú mua báo mới, tin mới nóng hổi đây! – Chú bé bán báo chìa tờ báo ra chào mời. Hình ảnh công ty của giám đốc V hiện ngay trên trang nhất với cái tựa to tướng: “Những khuất tất tại công ty…cần làm rõ”, bài báo phân tích nhiều khía cạnh cụ thể như: Dưới sự lãnh đạo của giám đốc V, công ty thực hiện nhiều hợp đồng không giám định hàng hóa trước và sau khi nhập, hóa đơn, chứng từ đi kèm có hiện tượng sai lệch, không phù hợp dẫn đến hàng hóa kém chất lượng thậm chí thất thoát lớn nhưng thanh tra kiểm tra bao nhiêu lần vẫn không phát hiện ra… Ký tên: Trọng Thanh! Ôi,Trang thấy cay cay sống mũi: người bạn học của mình vừa “ra đòn” đầu tiên!

(Còn nữa)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (95) – Vũ Thanh Hoa

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu