Nắng cuối trời (27) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (26) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời 

Truyện dài kỳ

27.  Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua. Mất cái gì chứ mất cái nhẫn hột xoàn thì ai cũng đáng nghi hết. Vấn đề là bà nghi ai mà thôi.

– Bà tìm kỹ chưa? – Ông thận trọng.

Bà thều thào:

Nục đi nục nại rồi. Bới tung cả nên rồi.

Trang ngạc nhiên:

– Bình thường mẹ vẫn đeo ở tay cơ mà?

Núc tối tháo ra cất vào túi để đi tắm. Tắm xong xem nại  không thấy đâu. Tôi quên nàm sao được chứ! – Bà quả quyết.

Trang thở dài. Nàng thấy nghi ngờ. Tại sao bỗng dưng bà lại tháo ra lúc đi tắm? Tại sao bà lại cất vào túi mà không phải chỗ khác? Mệt mỏi quá.

– Có chuyện gì thế? – Mọi người lúng túng khi nghe tiếng Tuân hỏi. Từ hôm bố mẹ vào chơi, buổi tối anh ta về sớm và không đi qua đêm. Cậu Tẹt trình bày sự việc, Tuân trợn mắt:

– Trời! Có chuyện ấy sao?

Không ai dám ho he. Tuân bảo:

– Mẹ tìm kỹ chưa? Cả nhà chia nhau tìm lại lần nữa đi rồi tôi tính.

osin1

Cả nhà lập tức cùng nhau lục lại từng vật dụng, soi gậm giường, gậm bàn, tìm tỉ mỉ những nơi khả dĩ nhất chiếc nhẫn có thể lọt xuống nhưng vẫn chẳng thấy chút hi vọng gì. Lúc này ông nội mới dè dặt đưa ra ý kiến:

– Đã ai hỏi cô giúp việc chưa?

– Tôi đâu dám – Bà nội trề môi – Chuyện lày nà chuyện nớn, chuyện tế nhị, để anh Tuân anh ấy hỏi.

Chị giúp việc được gọi lên. Chị run bần bật, mặt tái xanh, toát mồ hôi. Bà hỏi:

Nàm sao mà cô run thế?

– Cả nhà gọi con có chuyện gì ạ? – Chị giúp việc nói không nên lời.

– Bà mất cái nhẫn, chị có trông thấy cái nhẫn nào không? – Tuân hỏi ôn tồn.

– Dạ… con không để ý… con không thấy cái nhẫn nào cả ạ.

– Cô cứ bình tĩnh, chỉ hỏi thăm thôi – Ông nội đỡ lời.

– Cô thật thà thì nàm sao mà phải run thế! – Bà nhếch môi. Chị giúp việc bật khóc:

– Con không lấy bà ạ, con không biết cái nhẫn nào cả.

Bà im lặng đưa mắt nhìn mọi người. Trang vội nói:

– Chị ấy ở với chúng con 3 năm rồi, chị ấy thật thà lắm, nhiều lần con và anh Tuân để quên tiền lung tung, chị ấy đều thu dọn trả lại đầy đủ ông bà ạ.

– Nhưng cái nhẫn kim cương thì nàm cả đời cũng không mơ lổi. Tôi mà vớ được cái món ấy tôi cũng chẳng tha! – Bà nói ráo hoảnh.

Chị giúp việc òa khóc. Chị nhìn vợ chồng Trang cầu cứu rồi nức nở nói:

– Bà đừng đổ oan cho con mà mang tội. Con không làm những chuyện thất đức ấy. Bà muốn đuổi con thì con đi ngay bây giờ, bà không phải dựng chuyện!

– Tôi có lóinấy đâu mà cô đã ngoa ngoắt! – Bà lớn tiếng nạt nộ. Ông động lòng, an ủi chị giúp việc:

– Thôi, cô xuống nhà đi, bà đang sốt ruột mất của lên lặng nời, để từ từ xem nại

– Có cần báo công an không chú? – Thằng Tẹt sáng kiến. Mọi người nhất trí, nhưng bà lắc đầu quầy quậy:

– Báo công an nàm gì, om sòm nên mất mặt thằng Tuân, coi như của đi thay người vậy!

Mọi người chết sững vì tuyên bố của bà nội. Trang thấy khó thở, nàng chạy khỏi căn phòng ngột ngạt, xuống tìm chị giúp việc. Chị giúp việc vẫn đang nước mắt rưng rưng, thu dọn đồ đạc của mình vào cái túi hoa bằng vải. Nàng đưa cho chị chút tiền, bảo:

– Nhà đang rối ren, chị cứ về quê ít ngày rồi có gì tôi nhắn sau nhé. Chị không làm gì xấu thì cứ thanh thản.

– Chỉ có cô là nhân hậu, thương người mà sao đời cô cũng khổ thế? – Chị giúp việc nắm tay nàng rồi vội buông ra,  cúi đầu tạ ơn nàng và cắm cúi bước đi trong bóng đêm hun hút của Sài Gòn .

Nàng quay lên nhà. Bà nội vội hỏi:

– Con ấy đâu rồi?

– Con cho chị ấy về quê mấy ngày, sau này cần thiết thì nhắn lên lại.

– Sao cô tự động quyết định việc ấy? Tôi chết rồi chắc? – Tuân trừng mắt. Bà nội bỗng nhiên dịu giọng, bênh con dâu:

– Cho về quê phải rồi. Để cái Bường nàm việc nhà yên tâm hơn. – Bà đảo mắt, tránh ánh nhìn nghi ngờ từ ông nội và con trai, bảo – Tôi mệt muốn đứt hơi rồi, tôi đi ngủ sớm đây, mai tính tiếp được không?

Tuân chăm chú nhìn mẹ như vỡ lẽ điều gì đó nhưng Trang đứng đó nên anh ta không nói gì. Cả nhà giải tán, ai về phòng nấy. Trang đưa Chíp vào phòng ngủ của con bé. Nó nghe tin chị giúp việc về quê thì tấm tức khóc:

– Sao mẹ cho bác Lan về vậy… con ngủ với bác Lan cơ…

Nàng ôm Chíp vào lòng, thấy nước mắt mặn chát cũng đang chảy trên môi mình. Mẹ chồng, bà nội của con mình mà nàng có cảm giác như dì ghẻ trong Tấm Cám. Từ trước tới giờ cứ nghĩ những bà già nhà quê luôn hiền lành, chất phác, thương người cùng cảnh, ai dè đâu khi họ có chút may mắn, có điều kiện đổi đời, họ liền trở mặt khinh miệt thậm chí áp bức những người vốn xuất thân bần hàn một cách tàn khốc đến kinh ngạc! Đấy là một sự trả thù? Một sự chối bỏ nguồn gốc của chính mình hay đơn giản là sự ngoa ngoắt điêu toa cố hữu của những phụ nữ nông thôn thất học cả đời luôn gánh chịu những bất công, ghẻ lạnh nối tiếp các thế hệ ông bà – cha mẹ, mối quan hệ hà khắc mẹ chồng – nàng dâu, hằn sâu trong ý thức hệ của những người cha, người chồng trọng nam khinh nữ, sự phân biệt đối xử của một cộng đồng lạc hậu và bảo thủ?

Nàng nhìn xuống, bé Chíp đã ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ. Có lẽ lấy lý do con nhớ chị giúp việc mà ngủ với Chíp đêm nay luôn, sao nàng sợ phải qua ngủ với chồng quá đỗi… Lau những giọt lệ còn vương nơi khóe mắt, nàng bỗng thấy trống trải vô củng, đơn độc vô cùng… Vừa lúc ấy có tiếng tin nhắn điện thoại, sợ Chíp thức giấc, nàng vội mở máy: “Em đã ngủ chưa? Anh nhớ em quá…” Phó giám đốc H nhắn. Nàng lặng người…

(Còn nữa)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (28) – Vũ Thanh Hoa

1 comment

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu