Nắng cuối trời (26) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (25) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời 

Truyện dài kỳ

26. Bữa cơm với đầy đủ cao lương mỹ vị có vẻ làm vừa lòng ông bà nội. Chỉ có chị giúp việc quanh quẩn ra vào lại khiến ông bà khó chịu. Khi chị giúp việc dọn bát đĩa xuống bếp, bà nội ngừng xỉa răng, hỏi nhỏ Trang:

– Con lày quê ở đâu?

Nàng nói ở một miền quê nghèo gần chỗ bà ở. Bà bĩu môi:

– Không tin được tụi lày đâu, gian nắm.

– Chị ấy ở với con 3 năm rồi, chăm chỉ và thật thà mẹ ạ.

Bà hỏi lương chị giúp việc bao nhiêu một tháng, nghe nàng kể, bà nổi cáu:

– Thật phí phạm! Bằng cả lăm ló nàm ruộng!

TN3

Nàng trình bày hoàn cảnh: nàng phải đi làm đến chiều mới về, bé Chíp còn nhỏ, Tuân lại kỹ tính, nhà thì rộng, chẳng còn cách nào nếu không thuê người giúp việc hỗ trợ.

Bà đưa mắt nhìn ông, bĩu môi:

– Thảo lào con gái thành phố chỉ suốt ngày ngắm vuốt, ăn diện, không có ý thức nao động!

Ông nội có vẻ thoáng hơn, đỡ lời:

– Bà nạc hậu quá! Bây giờ ở thành phố nhà ai chả thế, con mình còn phải tham gia xã hội chứ!

Bà lườm ông, nói mát mẻ:

– Cứ tham gia xã hội cho nắm vào, chẳng vun vén chăm sóc gia đình, có ngày mất chồng như chơi đấy! – Thấy nàng vẫn im lặng, bà nghĩ cần phải cho nàng hiểu rõ hơn ý mình, nói thêm – Chị lên nhớ, nấy được người chồng tài giỏi, thương yêu vợ con như anh Tuân thì phải nàm sao cho xứng đáng.

– Vâng, thưa mẹ.

Nàng đáp nhẹ nhàng, bình thản. Nàng vẫn không hiểu vì sao cùng xuất thân làm ruộng nơi thôn quê nhưng ông bà lại tỏ ra khinh miệt và đa nghi những người lao động phổ thông nơi phố thị đến thế.

Ngày nào chị giúp việc cũng bị săm soi, để ý từng hành vi, cử chỉ, chị làm gì cũng bị bà nội bắt lỗi, đến nỗi Tuân cũng phải lên tiếng:

– Sao độ này mẹ xét nét quá.

Lúc ấy bà nội mới lộ ra ý đồ:

– Mẹ thấy ở quá tốn kém. Con cho nghỉ đi để cái Bường phụ việc nhà, mỗi tháng bồi dưỡng cho cháu có đồng ra đồng vào tiêu riêng để còn kiếm tấm chồng thành phố.

Nàng lại một phen hãi hùng quay qua nhìn chồng cầu cứu. Vốn cũng “thấm đòn” với việc “sử dụng người nhà” nhiều rồi, Tuân “hoãn binh”:

– Không đơn giản đâu mẹ. Các cháu ở nhà quê còn nhiều bỡ ngỡ với sinh hoạt gia đình ở phố. Vả lại, nó còn tuổi ăn tuổi ngủ, bắt nó làm việc nhà không dễ đâu!

Bà bĩu môi:

– Chắc anh nại bênh vợ lên mới lói thế. Ở quê nàm bao nhiêu việc lặng còn xong hết, mấy việc nhẹ nhàng lày đáng gì!

Rồi bà quay qua chỉ vào mặt Trang:

– Chị phải có trách nhiệm bảo ban cháu, hướng dẫn cho thành thạo mọi việc trong nhà được chứ có gì khó đâu !

Ông nội và Tuân đều tránh nhìn nhau. Đã đưa cái Bường, thằng Tẹt lên đến đây rồi thì chết sống chúng nó cũng chẳng về. Phương châm «chỉ có thêm chứ không bao giờ bớt» là phương châm xuyên suốt trong quá trình «thành thị hóa» cấp tốc mà gia đình họ đã dày công tính toán từ thuở Tuân cũng là «thằng Đẹt» quê mùa, liệu có khó khăn vướng mắc nào mà họ không đạp qua được chứ ?

Mấy ngày ông bà ở chơi, trong nhà không khí căng thẳng. Bé Chíp cũng không dám nhõng nhẽo như trước vì bà bảo: « Trẻ con thành phố chiều chuộng từ bé, nớn nên chỉ giỏi đua đòi», chị giúp việc thì tủi thân khóc sưng mắt, chỉ dám thầm thì với Trang vì sợ bị nghỉ việc. Nàng an ủi:

– Ông bà quen nếp sinh hoạt giản dị ở quê nên khó chịu chút. Bao nhiêu năm ông bà mới lên thăm con cháu, chị cố gắng một thời gian vậy nhé.

Buổi tối Tuân đi nhậu, hai mẹ  con Trang cùng ông nội và hai cô cậu đang ngồi xem ti-vi ở phòng khách, bỗng nghe tiếng bà nội sụt sịt khóc trong phòng ngủ. Trang sợ toát mồ hôi, vội chạy vào xem có chuyện gì, thấy bà đang lục lọi va li, giỏ xách, áo quần tung tóe khắp phòng, mặt rầu rĩ vô cùng, nàng hỏi :

– Mẹ ơi, có chuyện gì thế ạ ?

– Chết tôi rồi, chết tôi rồi… – Bà lắp bắp nói không nên lời, tay chân run rẩy.

Hai cô cậu vội chạy đến bên bà, người đỡ vai, kẻ nâng mình, tìm dầu gió tíu tít cả lên. Ông nội lo lắng hỏi:

– Có cần gọi cấp cứu không? Bà thấy trong người thế lào?

Bà xua tay, ra hiệu đóng cửa lại, rồi vừa thở dốc, vừa thều thào:

– Đừng gọi ai… tôi phát hiện ra một việc kinh khủng…

– Có chuyện gì? Bà lói ngay xem? – Ông sốt sắng.

Bà đưa bàn tay yếu ớt ra nắm lấy tay Trang, nàng hơi bất ngờ vì cử chỉ thân thiết ấy, cử chỉ mà mười mấy năm nay chưa bao giờ nàng nhận được từ mẹ chồng. Nàng cũng bất ngờ và xúc động vì vẻ yếu đuối, mong manh đáng thương của bà lúc này, hình ảnh đặc biệt chưa bao giờ nàng được chứng kiến. Bà bậm môi, chớp chớp mắt rồi mới rời rạc bảo:

– Mẹ mất… cái nhẫn hột xoàn rồi!

Hầu như tất cả mọi người có mặt đều sững sờ, không kịp nói câu nào… Cái nhẫn hột xoàn Tuân mua tận Châu Âu tặng mẹ vào dịp bà 70 tuổi mất rồi sao? Khỏi phải kể ra giá trị của nó quý đến mức nào! Trang choáng váng. Thế thì chết rồi, sẽ rất phiền toái, phiền toái cho tất cả mọi người đây…

(Còn tiếp)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (27) – Vũ Thanh Hoa

1 comment

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu