>> Nắng cuối trời (19) – Vũ Thanh Hoa
Nắng cuối trời
Truyện dài kỳ
20 . – Anh không thể kể vào lúc này. Anh bận rồi, liên hệ em sau.
H tắt máy. Trang bần thần. Nước mắt nàng hình như đã đông cứng. Ôi, những tổ ấm Việt đương thời! Nhìn xa thì cứ ngỡ những gia đình nhỏ ấy sung túc, tiện nghi, bù đắp cho một thời đói khổ, túng thiếu. Nhưng nhìn sâu vào mỗi “tổ ấm” ấy, đều chi chít những vết răng nham nhở của con quái vật đương đại!
Nơi này chồng lừa vợ, vợ lừa chồng; nơi kia là bản hợp đồng ráo hoảnh với sự ngã giá rợn người; nơi nọ là sự chịu đựng đến kiệt sức trước cơn lốc tiền bạc, quyền lực, những ăn thua, đua đòi xa xỉ! Phải chăng xa xỉ thời nay không có điểm dừng, xa xỉ thời nay không phải là anh xài bao nhiêu cho một lần sắm sửa, du hí, thác loạn. Xa xỉ thời nay chính là đem trái tim mình đặt cọc cho một tình yêu chân thành không vụ lợi, xa xỉ ấy có ngày trắng tay, khánh kiệt, đau đớn, bẽ bàng?
Gọi điện thoại xin phép bác Trưởng phòng nghỉ ốm, nàng ngồi vào máy, gõ tiếp những dòng chữ đầy tâm trạng vào nhật ký “Chạy đua”… điện thoại lại đổ chuông, nàng ngạc nhiên vì thấy số của Tuân.
– Cô hôm nay có đi làm không?
– Anh hành hạ tôi hôm qua như thế, tôi chưa đi cấp cứu là may rồi, tôi đang mệt mỏi lắm không làm gì nổi.
– Tôi đã đọc hết các tin nhắn trong máy của cô nhưng bây giờ đang có việc gấp, tạm gác chuyện tối qua lại…
Nàng ngạc nhiên. Chuyện gì mà anh ta có thể “để dành” cả cơn thịnh nộ sau khi xem trộm tin nhắn nhỉ? Bất ngờ ghê.
– Chuyện gì?
– Bố mẹ tôi vừa nhắn sẽ có mặt tại Ga Sài Gòn vào 5 giờ chiều nay, cô lập tức đi chợ mua thức ăn, bảo chị Huệ giúp việc tiếp đón các cụ thật chu đáo cho tôi.
À ra thế. Sinh trưởng trong một gia đình bần nông ở một huyện nghèo vùng sâu vùng xa, sau khi thi trượt đến hai lần đại học, Tuân nhập ngũ rồi xuất ngũ. Kiên trì thi đại học lần thứ ba, được cộng thêm số điểm ưu tiên vùng miền và đã qua quân đội, Tuân trúng tuyển vào một trường đại học công lập tại Sài Gòn. Khỏi phải nói niềm tự hào của cả dòng tộc to lớn đến nhường nào vì bao đời làm ruộng, nay mới có một người được lên tận thành phố phồn hoa bậc nhất ấy học đại học!
Vén áo chùi những giọt mồ hôi trên trán, mẹ Tuân bảo:
– Anh làm nở mày nở mặt dòng họ mấy đời “chân đất, mắt toét”. Thế là từ nay mẹ anh đi đâu cũng ngẩng cao đầu với xóm làng, Mụ Dẹo với lão Mưng vốn khinh miệt nhà mình từ bấy đến nay có mà tức chết đi được nhé!
Còn bố Tuân thì bảo:
– Bố mẹ anh cả đời tằn tiện lam lũ để nuôi nấng đàn con nheo nhóc. Bây giờ anh đã đỗ đại học, có cực khổ thêm cỡ nào bố mẹ cũng cố gắng để anh an tâm học hành , sau này ra đời phấn đấu làm quan cho cả họ được nhờ.
Lời dặn dò ấy của bố mẹ nơi nhà tranh vách đất năm nào cứ đeo đẳng mãi Tuân. Ra trường, mục tiêu đầu tiên của anh ta là kiếm cho được hộ khẩu Sài Gòn.
Gặp Trang trong một lớp học ngoại ngữ, thấy cô phóng viên trẻ đẹp, ngây thơ xuất thân từ một gia đình hầu hết là giáo viên, cũng không khấm khá gì về kinh tế, Tuân lên ngay kế hoạch tán tỉnh, và cưới bằng được nàng để nhập hộ khẩu Sài Gòn.
Ban đầu ba má Trang cũng chẳng ưng cái thằng quê một cục, nói chuyện thì nhát gừng rặt giọng địa phương, mắt nhìn thì lấm la lấm lét, nhưng sau thấy anh ta tỏ ra chịu khó, kiên trì đến cùng để “cưa đổ” từng người trong nhà, đám cưới đã diễn ra đúng như kế hoạch của Tuân.
Có hộ khẩu thành phố, chịu khó làm nhân viên quèn trong một công ty nhà nước với đồng lương ba cọc ba đồng,Tuân nhanh chóng tạo dựng các mối quan hệ, tranh thủ học các lớp nghiệp vụ, các lớp cao cấp chính trị để trang bị đầy mình những chứng chỉ, bằng cấp cần thiết. Sau đó anh ta chuyển từ cơ quan nọ sang cơ quan kia, từ phòng nọ sang phòng kia, và cứ mỗi lần di chuyển như thế, anh ta lại leo lên dần mấy bậc thang thăng tiến cho đến khi tới vị trí Tổng Giám đốc hiện giờ.
Mỗi lần về quê, là một dịp để khẳng định với thôn xóm mức độ thành đạt, xa hoa của mình. Chiếc xe ô-tô láng coóng vừa đến đầu làng, trẻ con, người lớn ùa ra cứ như đón rước người hùng về. Mâm cao cỗ đầy được bày ra, Đàn ông sẽ ngồi mâm trên, đàn bà chỉ ăn thừa hoặc ngồi mâm dưới đất cùng với lũ trẻ con. Đàn ông nói gì cũng đúng, cũng là mệnh lệnh. Đàn bà chỉ nghe và phục vụ. Nếu đàn bà cả gan cãi lại hoặc phản đối thì chuyện chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ cũng bình thường như kiểu như bố dạy con hư vậy. Ông nội đánh bà nội, bố đánh mẹ, anh trai đánh chị dâu, anh rể đánh chị gái, điều đó đã diễn ra hàng ngày như một sinh hoạt gia đình, nên việc Tuân đánh đập vợ mỗi khi trái ý là hoàn toàn hiển nhiên.
Trong con mắt họ hàng , làng xóm, Tuân là “quý nhân” tài giỏi, thành đạt, là chỗ dựa cho cả xóm làng. Lời anh ta nói như thể một mệnh lệnh, những nhận định anh ta đưa ra luôn gần như lẽ phải. Nhưng “thống lĩnh” cũng phải “đau đầu, nhức óc” để nghĩ ra được nhiều kế sách làm thế nào để “hợp thức hóa” đuợc những “anh cu, chị đĩ” chân quê trở thành những “quân bài” biết làm việc trong một nơi có trên có dưới, có tổ chức, có kỉ luật! Ai cũng nghĩ cứ “nhờ bác Tuân” là đổi đời cơ cực, tối tăm thành tương lai ấm no, hạnh phúc. Cứ nghĩ “vào tay bác Tuân” là có thể từ giã con trâu, cái cày để ra áo cổ cồn, cà vạt bước vào phòng máy lạnh với giàn vi tính hoành tráng, xe đời mới, nhà cao tầng… dù những “thằng cu, cái đĩ” ấy đứa thì học hành lêu lổng, ăn tục nói phét, mới tí tuổi ranh đã con bế con bồng, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết nhưng đề đóm, bài bạc, văng tục chửi bậy thì thành thần. Thế là từ ông gác cổng, cậu lái xe, chị tạp vụ cho tới trợ lý riêng, cứ nghe cất giọng lên là biết “đồng hương, đồng khói” của Tổng giám đốc Tuân rồi!
Hôm nay ông bà nội từ quê lên thăm, tất nhiên là phải sao cho mát mặt “quý nhân của dòng tộc” chứ! Trang nhớ lại những lần chồng sĩ diện với xóm làng, họ hàng hắt hủi vợ mà hãi hùng! Nàng thở dài tính toán xem sẽ mua gì, làm món gì để chuẩn bị cho bữa cơm đón tiếp thì điện thoại lại đổ chuông…
(Còn tiếp)
Vũ Thanh Hoa