VTH – Viết về các nhà văn nhà thơ sinh sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu là ý định từ lâu của mình. Mời bạn đọc bài Giới thiệu Tác giả – Tác phẩm thơ Hoàng Quý vừa đăng trên Báo BRVT số Chủ Nhật ngày 28/6/2015 tại đây và đọc cùng vuthanhhoa.net:
MƯA KÝ ỨC TRÊN CÁNH ĐỒNG THƠ HOÀNG QUÝ
Hoàng Quý, cái tên vừa quen vừa lạ trong giới thi ca cả nước nói chung và giới Văn nghệ Vũng Tàu nói riêng. Quen, vì nhiều bài báo đã xếp Hoàng Quý vào thế hệ các nhà thơ khoác áo lính với những thi phẩm đã được lưu dấu trong lòng bạn yêu thơ và giới chuyên môn. Quen vì trong những cuộc giao lưu thơ phú hoặc lí luận phê bình với sự xuất hiện của Hoàng Quý luôn gây nên một không khí sôi nổi, náo nhiệt và khả năng nhớ thơ của bạn cũng như của mình với chất giọng đọc truyền cảm đặc biệt không sai một từ, một nhịp. Lạ, bởi sau những hoạt náo ấy, ông lại “biến mất”, không “trà dư, tửu hậu” trong các cuộc chè chén, bàn tán của các văn sĩ. Lạ bởi cuộc sống riêng hơi “khắc khổ” có phần “kín đáo” với một người luôn tôn thờ phong cách thơ sang trọng, hào sảng, tự do.
Nhà thơ Hoàng Quý sinh năm 1950. Quê quán: Hưng Hoá, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện thường trú tại Vũng Tàu. Tác phẩm chính đã xuất bản: Truyện cổ Mường Châu Phong (tập truyện 1984, 1991), Giấc phì nhiêu (Thơ, 1996), Đi bên mùa lá rụng (thơ, 2000), Ngang qua cánh đồng (thơ, 2002, 2004), Giả trang (thơ 2007).
Thơ Hoàng Quý ảnh hưởng thời đại ông sinh ra: thời chiến. Dù trong các bài thơ thơ tình, những mảnh rời kỉ niệm… đâu đó vẫn thấy ám ảnh nỗi mất mát, cô độc, day dứt đến “trắng – lạnh”:
Ta chỉ tặng em quà – một nụ hoa bé tí
Nụ hoa có phần cánh là thuỷ chung còn phần kia máu rỏ
Tích tụ lần hồi tự tổ tiên ta
Giờ, ta dâng em lau nước mắt
Mong nguôi đớn đau em đêm trở dạ một mình
Và, che chắn những ngày đông thấu ruột
Thổi từ bao cuộc chiến chinh
(Trích Đối thoại trắng – Hoàng Quý)
Nhà thơ Du Tử Lê nhận xét: “Thơ Hoàng Quý không chỉ mới, lạ ở cách nói, (mà) nó còn vạm vỡ ở cả phương diện tu từ học Bên cạnh sự giầu có về nhân-xưng- đại-danh-tự, so với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt theo tôi, còn phong phú về phương diện tính-từ . Nhưng họ Hoàng rất ít dùng. Ông loại, giảm chúng trong thơ của mình, để nỗi buồn trong sinh phần thơ ông, nổi cộm những đường- gân-liên-tưởng khác…”
Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Mưa ký ức rơi như bài hát buồn
Mưa ký ức rơi vào bông cúc cũ
Mỗi cánh hoa như một oan hồn.
(Trích Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức – Hoàng Quý)
Thơ Hoàng Quý không rườm rà về câu chữ, không khốc liệt cách tân mà phảng phất liêu trai kiêu mạn, nhưng rốt cuộc vẫn là buồn, rất buồn.”
Tôi đã đứng thẳng và khom xuống không chỉ một ngày
Đã đứng thẳng và khom xuống giữa chấp chới sát – na tối và sáng
Giữa đỏ và xanh
Giữa đen và trắng
Giữa đối nghịch và yêu thương
Đã cho
Và đã xin…
(Trích Tự khúc – Hoàng Quý)
Cũng như các văn nghệ sĩ khác, có người thích Hoàng Quý, có người không thích. Có lẽ cái cách bộc trực của một người lính trong đời thường, sự nghiêm túc và cầu toàn đến mức cực đoan trong văn chương khiến ông không được lòng tất cả mọi người nhưng điều cần ghi nhận về nhà thơ Hoàng Quý, một người có thể coi là lớp “cây đa cây đề” của văn nghệ tỉnh BRVT là sự tôn trọng và nâng đỡ những tài năng trẻ, những góp ý chân thành, từ những trải nghiệm của ông về nghiệp viết đã phần nào tiếp lửa cho các nhà thơ, nhà văn thế hệ sau như Vũ Thanh Hoa, Trịnh Sơn, Văn Thành Lê… để chúng tôi đôi khi quá mệt mỏi và hoang mang trên cánh đồng Văn chương khó nhọc lại thấy cần nỗ lực hơn và “gan góc” đi tiếp. Hoàng Quý còn rất yêu âm nhạc, tôi đã được nghe nhiều ca khúc ông sáng tác và trình bày bằng giọng ca khỏe, vang đặc biệt.
Kẻ ganh ghét rủa rằng tôi đáng ghét
Người yêu tôi chăm chú lúc tôi buồn
Với sự ghét tôi thường yên giấc
Trước niềm yêu chong mắt ở trong hồn
Cái mặt tôi chả cần ai chán nó
Cũng chả cần tô trát nó nhiều thêm
Tôi gieo hạt gặp mùa thất bát
Cánh đồng tôi đầy đắng cỏ ưu phiền
Có người nhắn rằng tôi sống vụng
Phải biết chắn che rào đón ở trên đời
Tôi không định ép tôi phải làm vui lòng họ
Tôi thế nào như thế thì hơn!
(Trích Tôi thế nào như thế thì hơn – Hoàng Quý)
Mỗi lần gặp Hoàng Quý, lại thấy ông vẫn vẹn nguyên niềm đắm say Văn chương, những ý tưởng mới, những phát hiện thú vị cho từng câu chữ, lại thấy quả nhiên Văn chương đã là tri kỷ với thi sĩ họ Hoàng, là máu thịt và đam mê vô tận. Hoàng Quý đã chắt chiu từ ký ức mình, từ những đớn đau và thất lạc, cả những tin yêu và bội tín trên “cánh đồng người” mà gieo trồng “cánh đồng chữ” giàu có bằng cốt cách của riêng ông:
Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những- hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá
Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!
(Trích Đêm nghe gió qua vườn – Hoàng Quý)
————————-
Vũng Tàu , 7/6/2015
VŨ THANH HOA
Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu CN
Tháng Tư năm nay (2015) trường THCS Thưc ngiệm Tây Ninh (dạy theo mô hình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại) mời nhà thơ Hoàng Quý trong một chương trình nói chuyện văn học chủ đề “Thắp lửa”. Ông mang đến cho thày, cô giáo, học sinh và khách mời một không khí văn học chấn động, cuốn hút chưa từng có.
Biết danh tiếng và thơ ông từ lâu, dịp gặp này tôi mới được thực mục sở thị và được nghe ông đọc thơ, nói chuyện thơ, nghe ông hát cùng các thày, cô và học sinh. Ông tự chơi đàn và hát với chất giọng cuốn hút hiếm có. Đọc thơ thì khỏi bàn, lay động và cực truyền cảm. Trường Thực nghiệm như một ngày hội. Các cháu học sinh hò reo, vỗ tay trước sức hút ông mang tới. Ca khúc “Quê hương” nổi tiếng của Giáp Văn Thạch (lời thơ Đỗ Trung Quân) ông dàn dựng chỉ trong mươi phút, hát cùng thày hiệu trưởng và các trò cuốn hút đến độ như vỡ òa sân trường. Thật tuyệt vời. Hơn cả tuyệt vời.
Xin chép vài câu đối thoại trong bữa cơm thân mật được tiếp chuyện ông:
– NM: Tôi có đọc một bài viết công phu của một Phó Giáo sư – Tiến sĩ Giáo dục đống thời cũng là một Nhà văn – Nhà phê bình Văn học viết về tập thơ “Ngang qua cánh đồng” nổi tiếng của ông, xin hỏi thực, ông thấy thế nào? Ông vui chứ?
– HQ: Tập thơ ấy có được chú ý, có nhiều người viết và đánh giá. Bài viết của Nhà văn – Phó Giáo sư tôi có đọc. Nói chung ông khen tôi nhiều quá. Ông ấy trích dẫn rồi bình thơ của tôi cứ như thiếu nhận định của ông là chả còn cái xi – nhê gì. Thế cũng là thêm một sự vui vui.
– NM: Một nữ tác giả ở tận Bắc Cạn, mới tốt nghiệp Đại học Văn hóa viết một bài giản dị khi đọc “Đêm nghe gió qua vườn” của ông thì ông thấy thế nào?
– HQ: Bài viết bất ngờ, đầy cảm xúc. Cô ấy ý tứ, nhưng hiểu thông điệp từ bài thơ.
– NM: Rất nhiều bài viết về thơ ông cả trong và ngoài nước. Ông có đọc được hết không? Thường thì đọc xong ông nghĩ gì?
– HQ: Chắc là tôi không đọc được hết. Cái hạn chế lớn nhất của tôi là không tham gia mạng xã hội. Tôi dùng máy vi tính chỉ ở “trình độ” na ná như cái máy đánh chữ, nghĩa là tôi rất tụt hậu. Nếu bài viết khen nhiều, tôi đâm ra lo vu vơ. Bài viết khen mà thực ra là một bài vô bổ về nghề văn, về học thuật, về cái sự thẩm thấu văn chương tôi thấy ngượng.
– NM: Hôm nay, ông về với Trường Thực nghiệm ông thấy thế nào?
– Tôi vui như chưa bao giờ vui thế. Giá mà tôi được một ngày ngồi khoanh tay nghe thày, cô giáo giảng như những học trò lễ phép, sôi nổi, trong trẻo và tươi tắn đến nhường kia…
(Nguyệt Minh – Tây Ninh)
Tôi là một tác giả thơ chỉ tham gia trong câu lạc bộ thơ ở tỉnh. Tôi có dự nhiều Ngày thơ do chị Vũ Thanh Hoa và nhà thơ Hoàng Quý dẫn dắt. Đọc bài viết về thơ anh Quý trên báo Vũng Tàu-Chủ nhật tôi thấy chị Hoa nói ngắn gọn và chính xác nét khái quát về nhà thơ Hoàng Quý. Tôi có đọc nhiều bài báo các tác giả thơ phe cánh cứ hay tung hô nhau bay bướm nghe đến chối tai. Cứ giản dị, mộc mạc thế này cho chúng tôi dễ đọc, dễ cảm nhận.
Cám ơn hai nhà thơ.
NGUYỄN HỮU SINH – Cựu chiến binh.
Không bỗng dưng mấy mươi bài viết (chân dung, phê bình, tiểu luận, thậm chí là luận văn tốt nghiệp ở một khoa chuyên của một trường đại học) đều gặp gỡ ở điểm chung trong nhận định: Thơ Hoàng quý vạm vỡ, giọng thơ rất riêng, sang trọng, lạ, đa thanh và phức điệu, đề tài rất rộng, tung phá, thậm chí mới/ lớn (như đánh giá của Thi sĩ danh tiếng Du Tử Lê), ngôn ngữ thơ tinh diệu, chắt lọc, rất Việt, nhiều chữ mới được sáng tạo tài tình, đóng góp và làm giầu thêm tiếng Việt v.v.. Số lượng sáng tác đến nay của nhà thơ ước chừng trên 200 bài, 2 trường ca, 2 truyện ngắn và chưa nhiều hơn 5 tiểu luận – chân dung văn học hoặc nghệ thuật. Và cũng không bỗng dưng, một nhà thơ sáng tác không nhiều (như ông tự nhận) đã thấy có sự ảnh hưởng rõ tới bút pháp một số nhà thơ “Quốc doanh”nơi này, nơi kia. Có lẽ vì vậy, trong phạm vi (quy ước số chữ) của một bài báo, bài báo của nhà thơ Vũ Thanh Hoa viết về Hoàng Quý – đặc biệt là thơ của ông, tôi hiểu là một sự khó, nhưng rất đáng ghi nhận.
Tôi cũng hay đọc tại vuthanhhoa.net và vài trang văn chương mạng, cả “Quốc doanh” và “Tư không doanh”. Trang của chị trẻ trung, vui, nhã và có sự góp mặt của khá nhiều tác giả.
Với bài “Mưa kí ức trên cánh đồng thơ Hoàng Quý” của chị, hình như cái đoạn chị nói về sự thích, không thích một nhà thơ hơi bị tự dưng chuyển sang kể Hoàng Quý rất yêu âm nhạc. Giá như trích dẫn “Tôi thế nào như thế thì hơn của ông” và chứng minh trước khi nói về sự yêu âm nhạc của nhà thơ, thì thơ trích, sẽ không bị “cô đơn”. Cứ góp ý liều thế, mong chị châm chước cho tôi, một bạn đọc, không sáng tác văn chương.
Nhân đây, tôi muốn kể rằng, bài thơ “Tôi thế nào như thế thì hơn” từng gây một số thích thú, một số bập vào thì khó chịu tốn khối giấy mực các nhà thơ, nhà phê bình ngay khi nó ra đời; “nó” có tuổi thọ và đời sống thứ hai trong rất nhiều sổ tay người yêu thơ. Có nhà văn cho bài thơ này là tuyên ngôn sống của nhà thơ họ Hoàng. Có nhà thơ bảo nhà thơ này vừa ngạo vừa kiêu. Có nhà phê bình lại phán không kiêu làm văn chương để làm gì? Có ông nhà thơ “Quốc doanh ” đọc xong cáu: “nó chửi chúng mình, láo quá, tôi sẽ báo cáo anh HT, phải ngừng kết nạp cái thắng này”, vân vân.. Nhiều chuyện hài và rất vui ! Có người kể đã hỏi Hoàng Quý những chuyện trên trên và tin đồn về ông “Quốc doanh” nọ, Hoàng thi sĩ chỉ cười.
Xin chép đầy đủ hầu bạn đọc bài thơ vừa nói thêm trên:
TÔI THẾ NÀO NHƯ THẾ THÌ HƠN
Tôi không nỡ ép tôi phải làm vui lòng họ
Tiệc rượu vắng tôi chưa hẳn bữa tiệc buồn
Thôi, đừng có phỉnh phờ xưng tụng nữa
Với mía đường tôi đỏ mặt thì hơn…
Tôi không muốn mỗi khi sai thề thốt
Những lời thề chả lẽ nói nhơn nhơn
Tai no chán những hình dung cửa miệng
Tôi không thề, nhưng đỏ mặt thì hơn!
Kẻ ganh ghét rủa rằng tôi đáng ghét
Người yêu tôi chăm chú lúc tôi buồn
Với sự ghét tôi thường yên giấc
Trước niềm yêu chong mắt ở trong hồn
Cái mặt tôi chả cần ai chán nó
Cũng chả cần bôi trát nó nhiều thêm
Tôi gieo hạt gặp mùa thất bát
Cánh đồng tôi đầy đắng cỏ ưu phiền
Có người nhắn rằng tôi sống vụng
Phải biết chắn, che, rào đón ở trên đời
Tôi không định ép tôi phải làm vui lòng họ
Tôi thế nào như thế thì hơn !…
Cảm ơn chị Vũ Thanh Hoa cho tôi góp đôi lời ./.
Anh Quý thỉnh thoảng ngồi cà phê vỉa hè với các họa sĩ Cao Vân Khánh, Văn Ngọc, Đoàn Đức ở đoạn Trương Công Định đối diện bên kia đường là Văn phòng Côn Đảo. Hơn năm nay bộ tứ vắng Văn Ngọc. Hỏi ra, Văn Ngọc mắc làm “vú em” cho cô vợ tài danh kiếm “đạn” nuôi con du học bên Huê Kỳ. Hôm nào có anh Quý là tuần cà phê kéo dài vài tiếng. Các anh nói chuyện nghề rất vui và từ tốn. Hơi lạ là ba ông vẽ lại rất quý một ông thơ. Khi tôi đọc cái tùy bút – chân dung cực hay và tinh tế “Một tinh thần yêu, một tinh thần đi như Đôn ky hô tê” của anh Quý trên Soi mới hiểu cái sự yêu quý kính trọng nhau trong Văn chương Nghệ thuật. Chả riêng trong phạm vi tỉnh, các anh ấy thuộc giới Văn chương Nghệ thuật tinh hoa và làm Văn chương Nghệ thuật tử tế. Chị Hoa nói “Viết về các nhà văn nhà thơ sinh sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu là ý định từ lâu”. Chúc chị thự hiện được ý muốn. Nhưng, xin thứ lỗi, viết về các tên tuổi cũng cần đầu tư kĩ lưỡng.
Nhà thơ Hoàng Quý không phải người sống khép kín. Năm 2007 may mắn theo học cùng anh Khóa 1 TT Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Nhiều bạn cứ thấy lạ vì anh vốn đến khi ấy đã là một tên tuổi đầy ấn tượng mà lại đi học. Anh Nguyễn Đình Toán biết anh ra học cứ ngạc nhiên chỉ Hoàng Quý rồi lại chỉ lên hàng chữ ở Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam tủm tỉm cười và bảo ông Thỉnh: Phải đổi là Trung tâm Bồi dưỡng Nguyễn Du viết văn. Ngày khai khóa được bữa cười khí thế. Ở khu lưu trú, tháng 7 nóng như rang, anh Quý thức khuya, một tay khua cái quạt giấy, một tay bút cần mẫn nhuận sắc các bài thơ bạn bè học viên gửi gắm, rồi lúc trống giờ học “phi” tới các báo: Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Tạp chí Nhà văn v.v.. gửi bài đăng cho bạn học. Rất nhiều bạn lần đầu được đăng thơ lên các báo này cảm động lắm. Anh cởi mở và hết lòng. Anh “cầm đầu” các chuyến đi thăm, quyên góp và ủng hộ các cháu ở một làng chài nghèo Hải Phòng, các cháu tật nguyền vì chất độc da cam ở Trại nuôi nấm linh chi ở Đồ Sơn của một chị thương binh. Câu lạc bộ Ca trù Thành phố Hoa Phượng Đỏ cảm động tổ chức trình diễn trọn buổi sáng đón anh và anh chị em trong đoàn. Các bộ ảnh tư liệu ngày ấy trong gia tài của hai nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và Vân Đình Hùng có hàng trăm bức. Anh chia sẻ tiền bạc giúp nhiều bạn học mặc dù chả giầu có gì, sống rất đạm bạc, giản dị. Năm ấy cả Mẫu thân và Nhạc mẫu của anh đều từ thế, anh xin về trước ngày mãn khóa. Anh viết có thể không phải là nhiều so với các nhà thơ khác, nhưng số lượng các bài thơ bậc “đỉnh” như “Ngẫu hứng qua Mường”, “Đối thoại trắng”, “Giấc phì nhiêu”, “Hà nội thu rồi khoe mắt lá răm”, “Tự khúc”, “Đêm nghe gió qua vườn”, “Mưa đêm”, và rất nhiều nữa… như lời cố thi sĩ – nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn nói về thơ anh: “Thơ của Người Thơ này là thứ thơ của bậc tài nhân!”.
Anh Quý tính bặt thiệp, sống lịch lãm. Mình lớp em út khi gặp anh chào trước với nét cười nhẹ, dễ lây. Nhiều khi được anh chào thân tình như thế cứ thấy ngượng ngại và e dè chút chút. Lúc anh ngẫu hứng nói chuyện về thơ của các tác gia kim cổ đông tây mới thấy cái tinh tế uyên bác và kiến văn rất rộng của anh. Anh Quý không lè phè như mấy ông thơ dấm da dấm dớ nên dễ nghĩ anh khắc khổ trong giao tiếp, sinh hoạt. Đọc các bài anh viết về A Khuê, Hà Đình Cẩn, Hoàng Hà, Văn Ngọc, Vũ Thanh Hoa… với văn phong uyên ảo cuốn hút của anh khó quên được. Nhiều năm, cứ mở Báo Văn nghệ hay Tạp chí Nhà văn là thấy thơ anh sáng trưng nửa trang đóng khung, chứng tỏ các báo văn rất trọng thị một thi tài đã được tôn xưng là bậc Người Hiền. Vài năm nay không thấy thơ và bài của anh trên các báo ấy nữa. Có lần thắc mắc hỏi vì sao? Anh cười cười: Hết rồi! Nhưng khi đọc (gần đây thôi) “Hạc trắng bay”, “Đêm nghe gió qua vườn”, “Mưa đêm”, “Chợt thu” mới giật mình, thì ra, một tên tuổi trong ngoài đều biết như anh dễ gì rửa tay gác kiếm. Có chăng, giữa thời nhiễu anh “ít ra đường”.
Mong là vậy để còn được đọc Thơ thật. Chứ… bây giờ rác chữ, giả, chân lẫn lộn quá !
Lần anh Quý đọc thơ ở giảng đường trường tôi, lập tức từ ấy bị thơ anh “ám” ngay:
“vở diễn có dài, rồi màn cũng khép
Dãy ghế người ra, người khác đến ngồi
Ta cứ cười ta khi màn đóng lại
Rũ phấn son đi liệu đã Con Người
Thơ đã đọc lên rồi, thơ đã…
Sau câu chữ loay hoay giả, thật hiện hình
Xin chúc những vàng thu nhóm lửa
Cháy lên ngời sau lớp bụi tro rung…”
Hay:
“Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên
Bia rượu đầy mồm
Bia rượu đầy mặt
Bia rượu tràn trên đất
Đất trổ đầy rong rêu
Chả vàng được nữa đâu: Hoa cúc!”
Thơ ám ảnh thế, nghe, đọc, nhớ rồi… thở dài. Thế thôi!
Anh Quý chơi thân với các cố thi sĩ Trịnh Thanh Sơn, Trần Quốc Thực, Nguyễn Đình Chiến. Mỗi khi ra Hà Nội anh thường có nhiều đêm văn chương với các thi sĩ cố tri. Họ có một tình bạn văn gắn bó nhiều năm. Trịnh, Trần, Nguyễn hồi còn sống thường đọc thơ Hoàng Quý, nói về Hoàng Quý với lòng yêu quý và cả sự nể phục. Một nhà thơ mà dám viết giữa cái “chợ” nhờ nhờ, nhạt nhẽo và yếm thế đến thế này thì không chỉ riêng Trịnh, Trần, Nguyễn trọng thị:
“…
Cái mùa ngạo ngược
Mọi cái đều có thể chào mời đổi chác bán mua
Không mấy ai ngượng
Không mấy ai xót
Không mấy ai đỏ mặt
Sao người ta lại nói rất to như có nhiều người điếc
Em có nghe được tiếng anh không
Ngang dọc chờn chờn đỏ tím vàng xanh
Ăn nhậu
Làm tình
Hò reo
Và cút bắt
Nhẩy cẫng
Và tô vẽ
Nói dối mãi thành quen
Những con vẹt muôn màu trong chiếc lồng tao nhã
Thật thà bơ vơ
Thật thà thành khách trọ”
(Trích: Đối Thoại Trắng – Thơ Hoàng Quý)
“…
Sợ tiếng chuông vòi või trong khuya
Sợ mặt giáp
Những dưng dửng người
Sợ bàn tay rung tít
Nhờn nhợn lạnh toát
Sợ miệng cười hít hà
Những sởi lởi chóng mặt
Sợ màu mắt không đen không nâu
Sợ những lời tro bấc”
(Trích: Mưa Đêm – Thơ Hoàng Quý)
Chua chát đến độ sự tử tế phải:
“Chôn chân anh ngâm mưa
Nhìn trân trối những vạt câm trước mặt”
(Trích: Mưa Đêm – Thơ Hoàng Quý)
Miễn bình!
Thơ Việt đương đại Hoàng Quý là nhà thơ không khoe mẽ, không ồn ào nhưng là bậc “siêu”. Mà chị Hoa nói đúng, trong sâu thắm thơ Hoàng Quý là nỗi buồn, rất buồn: “Rồi vàng son lại cao thấp vàng son/ Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn/ Thương, sĩ náu kinh kỳ cửa hẹp/ Phượng, nghê thiêng đội nến sân chầu/ Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt/ Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột /Hoa mướp vàng, rơm rạ cũng vàng ngây” (Đối Thại Trắng – Thơ Hoàng Quý).
Cũng có thể hiểu được nỗi buồn thăm thẳm trong ông, vì ông đã từng viết trước đó:
“…
Thời gian như bước ngựa
Phi trong miền chiêm bao
Trăng chưa tròn mộng mị
Đã vấp ngày xanh rêu
Ngoảnh lại bến thương hồ
Sương thoa màu phấn cũ
Bao nhiêu là ái ân
Vấp vào chiều tan chợ… ”
Thơ ông có giọng điệu rất riêng, quyết liệt mà vẫn thật trữ tình, nhiều khi như “ma trận chữ”!
Xin lỗi: Tôi chép sai một từ trong bài “Chiêm bao xanh” của nhà thơ Hoàng Quý. “Vướng vào chiều tan chợ” chứ không phải “Vấp vào chiều… Xin chép lại toàn bài theo trí nhớ, hy vọng chép đúng:
CHIÊM BAO XANH
Đã đi qua trăm quê
Và cũng chừng ấy suối
Biển vẫy sóng mơ hồ
Gọi cánh buồm nhỏ bé
Thới gian như bước ngựa
Phi trong miền chiêm bao
Trăng chưa tròn mộng mị
Đã vấp ngày xanh rêu
Ngoảnh lại bến thương hồ
Sương thoa màu phấn cũ
Bao nhiêu là ái ân
Vướng vào chiều tan chợ…
Thi sĩ Vũ Thanh Hoa viết “Chợ chiều tất tả bán mua/ Một mình xuôi phố mưa lưa thưa/ … buồn”. Một thoáng buồn riêng. Còn cái “chợ” Hoàng thi sĩ viết, tôi trộm hiểu là cái chợ… người, cái chợ… đời.
Tôi biết Hoàng thi sĩ rất tinh tế dụng chữ. Do vậy xin chép lại bài thơ này để đính chính cùng bạn yêu thơ.
Trại sáng tác Đà Lạt ở cùng phòng với Hoàng Quý. Ở trại sáng tác Nha trang thì không được bố trí chung phòng. Hoàng Quý thân tình và rất tốt với anh em. Các tác giả thơ thường nhờ Hoàng Quý xem và sửa chữa bài viết. Hoàng Quý mất nhiều thời gian cho bạn bè nhưng không phàn nàn bao giờ. Không rượu chè, không đàn đúm tào lao, Hoàng Quý trọng thị bạn nhưng sống thẳng và nghiêm ngắn. Tổng kết trại bao giờ Hoàng Quý nói hay đọc thơ đều gây hào hứng đặc biệt. Tôi không làm thơ và sự hiểu biết về thơ hạn chế. Tuy vậy, thơ ai không nói chứ thơ Hoàng Quý luôn làm tôi như bị ám. Theo tôi, Hoàng Quý là một trong những nhà thơ hàng đầu của thi đàn Việt nhưng rất khiêm tốn. Bài của chị Hoa cũng phác được đôi nét về nhà thơ Hoàng Quý.
Thi sĩ Hoàng Quý có bài thơ “Tôi Thế Nào Như Thế Ấy Thì Hơn!” thật hay. Ai cũng cảm thấy khó chịu khi bị người khác soi mói vào cuộc sống của mình. Sự quan tâm thái quá bất luận vì thương hay ghétđều làm ta khó chịu. Nhất là nhưng người nổi tiếng lại càng cảm thấy khổ sở hơn! Jean-Paul Sartre đã phải hét lên trong vở kịch Không Lối Thoát (No Exit) do ông sáng tác: Địa ngục là người khác! (Hell is the other!)
Trong vở kịch Không Lối Thoát (No Exit) Jean-Paul Sartre đã phác họa đầy đủ cái khó khăn, khổ sở trong cuộc chung đụng với con người: thực tế có những người soi mói đến cuộc sống của tôi và khiến tôi thấy mình bị cô lập, bị phân biệt, bị ghẻ lạnh và theo cách ấy đã biến tôi thàng một thằng người “không giống ai” (a particular kind of being), và chính thái độ đó làm tôi mất tự do. (The No Exit play by Sartre perfectly illustrates the difficult coexistence of people: the fact that others-and their gaze- is what alienates and locks me in a particular kind of being, which in turn deprives me of my freedom)