Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị gần xa và VTH gửi lời cám ơn chân thành đến Thạc sỹ Đinh Hà Triều.

ĐINH HÀ TRIỀU
Vũ Thanh Hoa tâm sự: “Tôi viết Văn làm Thơ từ khi 8 tuổi và chủ yếu dựa vào bản năng”. 8 tuổi, ai chẳng viết theo “bản năng“….! Người trong cuộc bao giờ cũng khiêm nhường, nhưng người “ngoại vi” như tôi có thể nghĩ đó là một thiên ân, thiên bẩm, “thông minh vốn sẵn tính trời” ở nàng thơ Vũ Thanh Hoa.
Vẫn nhớ đâu đó có lời khuyên là đối với phụ nữ- nhất là với những phụ nữ nổi tiếng- người biết ga-lăng không nên bộc tuệch về tuổi tác thực của họ. Phải biết xem đó như là một điều răn sợ . Biết vậy! Nhưng thôi! Vì Vũ Thanh Hoa “là người phụ nữ Việt Nam hiện đại” (Lời giới thiệu của TTVHNN Đông Tây) mà đã hiện đại thì luôn hướng về cái thực hơn, tự nhiên hơn, tư duy hơn nên tôi cũng xin được hồn nhiên điểm qua một số cột mốc thời gian trên hành trình thơ của một bạn thơ mới quen biết, trước tiên qua blog.
37 tuổi, Vũ Thanh Hoa trải lòng qua “Nỗi đau của lá ” (NXB Hội Nhà văn, 2006). Một cách tình cờ, tôi dừng lại khổ kết bài “Trăng trối “: Thời gian chẳng ưu ái một ai / Vạn vật cứ đổi thay, trái đất chẳng ngừng quay /Chỉ có nỗi buồn em mang xuyên thế kỷ /Sống trọn kiếp người, ta chẳng có được nhau..” – đau đáu một cảm thức về sức chảy trôi nghiệt ngã của thời gian, dằng dặc một nỗi cô đơn thực tại, một cháy bỏng khát khao hạnh phúc đời thường
40 tuổi , Vũ Thanh Hoa trình làng “một thông báo, một giới thiệu và một… thú nhận” (Trần Ninh Hồ) với tập thơ: “Trong em có người đàn bà khác” (NXB Hội Nhà văn – 2009). Lướt qua các bài thơ trong tập, điều để lại ấn tượng nhất trong tôi vẫn là cái mong manh bất định của kiếp người, của tình yêu, hạnh phúc. Như vậy là dù đã “khác” nhưng nguồn mạch thơ Vũ Thanh Hoa tận thẳm sâu trong tiềm thức vẫn là một dòng nhất quán: “Vừa rơi chiếc lá đầu tiên/ Nắng chưa kịp thức nỗi niềm riêng chung/ Đã nghe chiếc lá cuối cùng/ Giấu trong tĩnh lặng cả rừng xót xa/ Trả trời một giấc mơ hoa/ Dấu môi hôm ấy nghĩa là phù du ” (Chiếc lá)
Bài thơ khai đoan “24 giờ” -như nhà thơ Trần Ninh Hồ nhận xét- “đã hiện lên một tâm trạng đa chiều đôi lúc hốt hoảng lo âu về tình yêu “. Chẳng phải thế sao, khi cố nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng đã từng thấp thỏm “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói “?
Phố thị, công việc, sinh nhai …với biết bao nhiêu thứ bà dằng dây dợ khác tưởng chừng đóng hộp đời sống nội tâm, tình cảm của con người, tách con người khỏi chính cái bản lai chân diện mục của mình: “Cho tôi bình yên năm phút/giữa đời xoay những vòng xoay/ngẩn ngơ những gì được mất/ tôi gặp tôi với một tôi “. Không ai có thể dửng dưng với lời khẩn khoản “Xin một phút được rời xa phố thị/những bon chen mua bán bạc màu/ Xin một phút không hồ nghi suy tính/ Anh tin em và em tin anh “. Không chỉ ao ước an lạc trong cõi đời, người thiếu phụ còn khát khao tìm sự an lạc trong cái miên viễn của cõi trời ‘thả hồn theo làn mây trắng/thì thầm tôi với mình tôi ” (Năm phút). Phải chăng cảm thức về cái tự do, vĩnh hằng của “ngàn năm mây trắng…” định hình trong thơ Thôi Hiệu hơn một nghìn năm trước mãi mãi còn nguyên sức quyến dụ đến hôm nay?
Xưa, Bà Chúa thơ Nôm “Trơ cái hồng nhan với nước non ” thì nay người thiếu phụ của thế kỉ XXI “trút bỏ xiêm y/lau phấn son rực rỡ/….lặng lẽ ” để rồi buông một tiếng thở dài “ngày/ tháng/năm/ qua…”. Mỗi dòng thơ chỉ đơn côi một chữ, nghe như từng giọt nước mưa thẩm thấu qua bao tầng đá vôi để rồi gõ nhịp thời gian thạch nhũ.
Sao người đời đông đúc đến vậy mà nỗi cô đơn cứ hiện hữu từng đêm, đến nỗi có lúc, người thơ trách cả đấng siêu nhiên: “hình như Chúa cũng nhầm/ nặn ra chúng ta lúc nhúc” (Nhầm). Nổi loạn ư? Chẳng phải là đúng sao khi “Sóng tình dào dạt mắt môi ” thì người ta có quyền “Mặc cho đức hạnh mồ côi một mình”. Bởi “cớ gì trời bắt người xinh/Cớ gì trời để một mình…./ bơ vơ ” (Một mình) trong khi “trăng vô tình len cửa/ mơn man gió vô ý lướt môi/ mềm da thịt ” (Nằm một mình). Tôi chợt nghĩ, nhân vật trữ tình ở đây đã nhập vào mạch tình dào dạt từ người thiếu phụ trong Khuê oán (Vương Xương Linh), Xuân oán (Lý Bạch), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm), Hồ Xuân Hương,…đến thơ Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư…
Có thể ai đó sẽ vặn tôi rằng, đối với một nàng thơ hiện đại như Vũ Thanh Hoa tôi lại liên hệ nhiều đến thế, khoe mẽ chăng? Muôn ngàn lần không! Nếu tinh ý, sẽ thấy Vũ Thanh Hoa hiện đại nhưng không hề tách khỏi mạch nguồn truyền thống, từ điệu thơ lời thơ đến cả cách nghĩ suy và xúc cảm. Vũ Thanh Hoa nhuần nhuyễn đến từng mi-li-mét trong thể lục bát – điệu hồn dân tộc. Chị sử dụng nhiều thành ngữ, quán ngữ, cách nói ước lệ, nhiều câu tiểu đối, điều này có uyên nguyên của nó. Cứ xem kiểu Vũ Thanh Hoa nối nhịp cầu kim cổ trong những dòng thơ sau:
Một mình xuôi phố ngược xe
Phố dưng dửng nắng phố se sẽ buồn
(Lục bát phố)
trải trên tơ lụa dịu dàng
nuột nà vóc ngọc mơ màng bờ vai
(Đêm vĩnh hằng)
Đong phiêu diêu trả phiêu diêu
Nghênh môi sểnh mắt chín chiều một đau
(Chợ chữ)
Mày nghiêng mắt ngả một giây
Ngờ đâu vay trả vơi đầy trăm năm
……
Ngọt chia đôi đắng chia hai
Chau mày duyên nợ đoạ đày áo hoa
( Duyên nợ)
Cách viết trên đã khảm vào thơ Việt từ truyền thống cho tới tận bây giờ. Do đã nằm sâu trong kí ức cộng đồng nên lối viết này vừa quen thuộc nôm na vừa hàm súc, gợi ra cả một kí ức văn hoá cộng đồng . Thêm nữa các cụm từ ấy, tạo nên một nhạc tính rất đặc trưng, chững chạc, cân đối bên cạnh những dòng thơ tiến gần đến dòng chảy của mạch tâm tư cá thể, từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc với tất cả những bất định của nó:
vớt mùa
nhớ
quên
vương vãi
ký sinh trườn dậy
ký sinh giãy chết
hoài niệm vỡ tan giữa viện bảo tàng
góa phụ âm thầm
đếm
mảnh
vết thương
(Kí sinh)
Hướng về quá khứ để hiểu sâu hơn hiện tại, hướng về tương lai, em kì vọng ở anh: 24 giờ vờn quanh tờ lịch mỏng/ lạy trời/ anh đừng là dị bản (24 giờ). Không thể nào khác được vì “Làm thế nào để em không yêu anh” ? Đơn giản, khi thì nhờ vào Phép lạ – “Em viết tên Anh vào trang vở/ Gấp nâng niu em cất riêng mình/Một ngày nhớ em mở ra nhìn trộm/dòng tên Anh đã hoá Bài thơ “- rất nữ sinh trung học. Khi thì cất tiếng Ru xa: Ru anh hai nửa địa cầu/Đêm choàng hai mảnh tím màu buồn tênh/dấu nằm nghiêng phía lênh đênh…Em sợ lắm chứ, vì rất có thể “anh phiêu diêu trong hằng hà ảo giác/ hoàn hảo những người đàn bà/ thất lạc/em” (Người đàn bà hoàn hảo).
“Thương nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo em cũng qua” . Người chị chung tình từ muôn năm cũ đã truyền cho người em hôm nay cái quyết tâm truy cầu hạnh phúc: “chúng mình như vợ chồng lạc nhau/ tìm lại/ lang thang suốt bao thế kỉ/qua rừng hoang qua sa mạc qua mùa đông qua mùa nắng “. Xuân Quỳnh đã từng quyết liệt của tình yêu: “Dẫu xuôi về phương bắc/ dẫu ngược về phương nam/Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương ” (Sóng). Thế mới biết hạnh phúc lứa đôi bình dị tự nhiên nhi nhiên nhiều khi phải trả bằng một cái giá “siêu giá”. Siêu giá nên “siêu thăng” trong hạnh phúc “mỗi lần ngủ với nhau mình như hai người mới / bồng bềnh bay ngút ngát cánh linh hồn / giọt men lạ ủ hương quen ngấm tầng tầng máu thịt / thanh bình anh tọa lạc cõi tiên em ” (Mỗi lần ngủ với nhau), để rồi lan man mãi trên từng trang “Nhật kí” những đêm: “chăn gối ngủ/ kỉ niệm thức/thân thể gọi/ không anh…” vì biết “Làm thế nào để em không yêu anh ?” – “Không anh sáng chỉ còn trưa/ Trưa còn lại tối với mưa đầy trời ” (Không anh)!!!
Nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn có lần khái quát hiện đại hoá thơ là sự chuyển động tự thân theo những tiếng gọi : thực hơn! tự nhiên hơn! giàu chất nghĩ hơn. Trong em có người đàn bà khác có lẽ hội đủ những phẩm chất ấy, thể hiện được nét đẹp hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian, nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu.
Nhưng tại sao nhiều bài thơ, tập thơ cách tân, hiện đại lại chưa được công chúng đón đợi như tập thơ Vũ Thanh Hoa. Nhiều ý kiến đã xới lên vấn đề tế nhị này. Trong bài viết thay lời tựa, nhà thơ Trần Ninh Hồ bộc bạch: “Tôi quí tập thơ này dù tất cả đều là … thơ tình, cái vùng thơ lâu nay gây không ít… chấn thương cho bạn đọc!” Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ghi nhận: “VTH là một nhà thơ độc đáo trong giới thơ nữ. Tình yêu và tình dục được thể hiện không che giấu, táo bạo nhưng tinh tế ” :Lướt môi bất tận chân dài/ Tay đan tay ngả đền đài phục sinh/ Thiên thai lặng phút rùng mình/ Vòng ôm cuốn sóng cuộn chìm đam mê ” , Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khẳng định : ” Thơ hiện đại nhiều người làm rất khó đọc. Thơ VTH hiện đại nhưng dễ đọc. Đọc thơ VTH ta thấy tác giả là một người đàn bà đích thực, và là một nhà thơ của hôm nay…”.
Tôi nghĩ phải chăng cái dễ đọc và độc đáo ở tập thơ này là ở chỗ Vũ Thanh Hoa đã kết hợp một cách nhuần nhị giữa nỗ lực cách tân và tính truyền thống, từ trong cảm thức lẫn hình thức thể hiện. Chị ” từng trải và nồng nàn, chân thành và chân thật nhưng lại nhận biết cái ranh giới mong manh của cái giả – chân trong nghệ thuật” (Trần Thiện Anh) nên tuy bứt phá, dám “khoả thân tim” mình đốt ngọn đuốc sáng nhân văn dẫn người đọc đến nhiều vùng “cấm địa” của thơ truyền thống nhưng vẫn bảo tồn một cách thông tuệ những nét đẹp nghìn đời của người phụ nữ Việt trong tình yêu: thật đằm thắm, dịu dàng, thật hồn hậu dễ thương, thật chung thủy.
Sau thành công của tập thơ, một bài thơ nhỏ của Vũ Thanh Hoa vừa đăng trên Blog vẫn bộc lộ cái cảm thức thời gian ấy mặc dù Vũ Thanh Hoa sử dụng một tông khác, một cách nói tưng tửng, nói chơi chơi: “đi ngược, phía em/ gặp bé con ngơ ngáo / dễ thương /đi ngược /phía anh/ gặp/ chàng đẹp trai / hay lạ ” ( Đi ngược). Dòng thời gian cứ như nước mắt chảy xuôi, tự thương mình ta hãy ới nhau “Nào thì đi ngược/ đi ngược ! ” mặc dù “có thể vội có thể là không kịp/…./ừ thì thôi/ừ thì thôi/ ừ thì thôi ” !
QUY NHƠN, 01/01/2010
ĐINH HÀ TRIỀU