VTH – Từ hồi ở nước ngoài, gia đình tôi đã nuôi nhiều thú cưng. Sau này về Vũng Tàu vẫn giữ niềm vui ấy. Nhưng khoảng năm 1994-1995, Vũng Tàu còn rất hiếm hoi những bác sĩ thú y có tay nghề thật sự. Tôi nhớ hồi ấy con chó nhỏ của tôi bị ốm, chạy chữa nhiều nơi, gần như tuyệt vọng thì có người mách tôi đến một nữ bác sĩ đang công tác tại Chi Cục Thú Y Tỉnh BRVT. Thì ra chị ấy ở gần nhà mình, tôi lập tức mang con cún đến ngay. Cửa mở, nữ bác sĩ xuất hiện, một chị xinh đẹp, thanh mảnh, vui vẻ. Sau khi tư vấn nhiệt tình, chị tiêm một mũi thuốc và dặn tái khám, con vật cưng đã khỏe mạnh ngay sau đó. Nếu ai cùng chung tâm trạng, sẽ hiểu sự biết ơn của người nhà “bệnh nhân” đối với bác sĩ thế nào vì khi đã nuôi thú cưng, chúng đã như một thành viên thân thiết trong gia đình vậy.
>>Chuyện đời muôn thuở – Hội An
>>Hiến xác – Hội An
Sau đó nhiều năm tôi mới ghé tư gia nhà thơ Lê Huy Mậu và mới biết nữ bác sĩ năm xưa là phu nhân của anh – Chị Hội An, và biết chị cũng tham gia viết truyện ngắn, làm thơ, viết báo. Quả thực văn chương là một cơn say đặc biệt. Nếu như chị Hội An chú tâm vào chuyên môn của mình, nâng cấp phòng khám thú y từ thời BRVT còn rất ít những bác sĩ giỏi như chị thì bây giờ có thể đã là một đại gia có tiếng. Phong trào nuôi thú cưng hiện nay thật đa dạng, phổ biến và có những người chỉ bán vật dụng cho thú cưng thôi đã không ngừng hốt bạc.
Nhưng chị Hội An đã trót yêu văn chương và quý trọng nghề cao quý nhưng cũng vô cùng nhọc nhằn này, chị viết từ những điều xảy ra chung quanh, từ tình yêu đối với gia đình, xã hội. Văn chị cũng giống như chính tác giả: nhân hậu, bao dung, thành thật và có cả… bao đồng! Nhiều người cứ nghĩ chị may mắn là vợ của ông nhà thơ nổi tiếng nhưng tôi lại nghĩ đó là một thiệt thòi. Biết đâu chị đã được nhìn nhận tài năng công bằng hơn nếu không vì cái bóng của nhà thơ Lê Huy Mậu che khuất chăng?
Có thể do cái tâm của một thầy thuốc nên chị Hội An hay động lòng trước những hoàn cảnh xảy ra quanh mình. Chị sẽ lên tiếng ngay, hành động ngay nếu thấy đó là việc bất công, có người cần giúp đỡ mà không tính đến việc thiệt hơn, đó là phẩm chất quý không phải người cầm bút nào cũng có.
Mời bạn đọc thơ và một truyện ngắn của nhà văn Hội An trên vuthanhhoa.com:
- Nhà Văn Hội An
Tên thật: Nguyễn Hạnh Nhung
Sinh năm 1957
Quê quán: Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An
Tốt nghiệp Đại học nông nghiệp 2 Hà Bắc năm 1978
Hiện sống và làm việc tại TP Vũng Tàu - Tác phẩm:
– Mang nặng kiếp người
Tập truyện ngắn NXB Hội Nhà văn in năm 2011
– Khu rừng cuộc đời
Tập truyện ngắn NXB Hà Nội in năm 2016
– Đang in: Sáu đời sếp- Tập truyện ngắn.
– Có truyện ngắn và tạp bút in trên các báo ở trung ương và địa phương.
Anh hùng thời Co vi
(Tặng TMH, nhóm TOT và các nhóm từ thiện)
Tôi gọi em là anh hùng thời Co vi
Dù em chẳng màng đâu danh hiệu to tát thế
Em nói chỉ góp chút sức mình nhỏ bé
Giúp bà con nghèo trong dịch giã mà thôi.
Khi giặc Co vi tràn khắp nơi
Nhà em vùng ven, cạnh xóm trọ nghèo thất ghiệp
Khi tổ chức, chính quyền chưa ai lo kịp
Vậy là em xắn tay áo lên thôi!
Chẳng cô đơn đâu, sau lưng em bao người
Những tấm lòng vàng tiếp thêm sức lực
Người gửi tiền, người gửi rau, lương thực…
Chia rất nhiều bếp nghèo lại ấm áp như xưa.
Nhiều bữa hàng về đến em đêm mưa
Cân gạo, chia rau mình em tất tả
Mấy chục phần quà…Đêm yên lặng quá
Tiếng xe cứu thương vọng lại xa xa.
Có nhiều lần xe ba gác chẳng qua
Đành chỉ một mình em đi tải gạo
Xe máy đầy, gạo che ngưởi táo bạo
Tôi ngắm tấm hình bỗng thấy xót xa.
Em nhắn mấy chị đừng có lo nha!
Che kín khẩu trang, em phòng cẩn thận
Nếu em lơ là để mình lây nhiễm
Ai đủ khỏe làm tiếp tục giúp dân?
Bao người như em, khi đất nước cần
Nhà báo, MC, danh ca, nghệ sĩ…
Tạo “chợ không đồng”, “bếp ăn tử thiện”…
Ngọn lửa ấm lòng, san sẻ yêu thương.
Việc em làm giản dị, chẳng phô trương
Là soi sáng nghĩa nhân, là anh hùng cao quý!
Hạt bỏng ngô của tôi
Truyện ngắn
Vừa xong một đợt công tác vất vả, tôi được cơ quan cho nghỉ vài ngày. Tôi vui vui nhẩm tính trong đầu: Vậy là thứ 2 tuần tới mới phải đi làm. Mình sẽ có mấy ngày được thư giãn. Sẽ dọn dẹp nhà cửa, sẽ tới thăm bà cô già yếu mà lâu rồi không ghé, sẽ đi cắt may kiểu áo vừa chợt thích, sẽ nghe lại những bản nhạc yêu thích mà bận bịu không dám rớ tới…Tuy nhiên, rồi có một sự kiện tới làm tắt đi mọi hào hứng trong tôi.
Ngay buổi trưa ấy đi làm về, chồng tôi chìa ra tờ báo với một thoáng ngập ngừng:
– Có … có tin về Hoàng.
Tôi lật nhanh các trang và dừng lại ở một bài báo nhỏ trong trang thời sự, theo đó đoàn thanh tra bắt đầu làm việc sau một sự cố nghiêm trọng xảy ra tại một xí nghiệp thuộc Công ty X. Đó là một cơ quan quản lý khai thác khoáng sản tầm cỡ quốc gia mà tôi chưa từng đặt chân đến, cũng không liên quan gì đến nghề nghiệp của mình. Vậy mà chồng tôi biết là tôi rất quan tâm đến nó bởi Hoàng là một trong những ông sếp quan trọng ở công ty này. Không có được anh trong cuộc đời nhưng tôi đã dõi theo từng bước đi của anh, hồi hộp trước những thay đổi, vui mừng trước những tiến bộ và cả âu lo trước những dự cảm chẳng lành.
Tôi và Hoàng học chung một lớp đại học. Anh chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng có vẻ khôn lớn chững chạc hơn tôi rất nhiều. Ngay khi lơ ngơ vào năm thứ nhất, anh đã được chú ý, được bầu làm bí thư chi đoàn của lớp. Không chỉ vì học giỏi và thông minh, có lẽ còn vì anh nói hay, lợi khẩu, anh thuyết phục được mọi người bằng cả lòng nhiệt tình và sự duyên dáng của mình. Tôi biết, không chỉ mình tôi thích ngắm khuôn mặt vuông vức điển trai ấy, ngọn lửa tuổi trẻ bập bùng trong đôi mắt to, sâu, đều đặn trong sáng ấy. Cả cách anh vung tay, cả giọng nói truyền cảm của anh nữa. Tôi cũng chẳng hiểu đã bằng cách nào tôi có thể chiếm giữ được tình yêu của anh trong mấy năm trời. Tôi: một đứa con gái trời cho mọi thứ đều khiêm tốn: cả trí thông minh, cả thước tấc và sự hấp dẫn nữ tính. Có thể vì anh hợp với tôi ở đặc điểm thích hát, thích đọc. Những cây thuỳ dương, trở về Surientô, chiều Maxcơva, làng tôi…, những đồi gió hú, Jên erơ, cuốn theo chiều gió, Ana karênina…trở thành một phần trong đời sống gian khổ nhưng thơ mộng của chúng tôi hồi ấy. Nhưng trong đám con gái, đâu phải mình tôi thích đọc, thích hát? Có thể vì anh quá cảm động bởi những tình cảm tôi dành cho anh, sự chăm sóc tận tình mà những đứa con gái nhõng nhẽo không thể nào có được. Đêm, tôi dành mươi phút để viết về anh trong nhật kí. Ngày, tôi chép hộ anh những bài học mà vì bận bịu công tác anh đã bỏ dở. Hoặc giặt giúp anh cái áo, đơm hộ cái khuy, lọ thuốc mắt, viên thuốc cảm… Tôi luôn có đúng lúc những thứ mà anh cần. Bạn bè trêu chọc, gọi anh là Hoàng tử, còn tôi là Hoàng hậu mặc dù tên tôi là Huyền, không dính dáng gì đến chữ nào trong đó. Ý chúng nói là tôi như mẹ, như chị của anh vậy. Mặc chúng. Tôi vừa hạnh phúc, vừa thắc thỏm, thi thoảng như hụt hơi giữa đám đông bạn gái lúc nào cũng như muốn vây lấy anh. Năm thứ 2, nghỉ hè xong, tôi gần như ngạt thở khi nghe anh thổ lộ: Anh nhớ em nhiều lắm, rồi nắm lấy bàn tay run rẩy, ướt đẫm mồ hôi của tôi.
Trong giấc mơ tôi bây giờ vẫn thường xuyên gặp lại cảnh cũ: Đó là một chiều mùa thu gió heo may, có 2 đứa nắm tay nhau đi dưới tán cây bàng cổng trường. Lá vàng, lá đỏ bay rợp trời trông ngoạn mục như một đàn chim lạ sặc sỡ chao liệng. Hay một sớm mùa đông rét mướt với sương mù bảng lảng giăng mờ con đường tới giảng đường qua một khu ruộng trồng bắp cải. 2 kẻ vụng dại chạy đuổi nhau cho ấm lên. Sương đọng li ti trên tóc, sương kết hạt cườm long lanh trên những lá rau. Cảnh vật lung linh huyền ảo như trong vườn cổ tích. Trong những bức tranh đó có tiếng cười trong vắt trẻ trung của 2 chúng tôi tạo nên những vui vầy mà nếu thiếu nó chắc hẳn mấy năm học xa nhà sẽ tẻ nhạt hơn rất nhiều.
Gần ra trường, chúng tôi vẽ ra viễn ảnh tương lai trong đó có cả 2 người: Sẽ về Viện khoa học( Nhờ tình yêu của anh, tôi cũng nâng được mình lên trong học hành), sẽ ở lại trường làm giáo viên, sẽ cùng về một cơ sở …Rồi một trong những mô hình vun đắp ấy cũng hình thành song đã không có tôi.
Tôi cũng không hiểu mình đã tồn tại qua những ngày hãi hùng ấy ra làm sao nữa. Anh lấy vợ, lấy vì chiều ý gia đình cho một ơn nghĩa từ trước. Chuyện ấy quá rối rắm phức tạp và tôi cũng không muốn tìm hiểu kỹ. Anh -một người mạnh mẽ như vậy lại có thể khuất phục dễ dàng lấy người mình không yêu ư ? Anh – người luôn tạo ra niềm tin nơi người khác, luôn hướng người ta sống theo ý tưởng lại có thể cẩu thả đến thế khi chọn một nửa của mình? Tôi chết điếng trong lòng. Tôi gần như gục ngã…
Rồi cũng không hiểu bằng cách nào tôi đă sống lại từ từ. Rất lâu sau đó tôi đã có thể tươi tỉnh để đi nhận công tác ở một nơi thật xa anh. Có thể vì tôi đã vịn vào câu nói nhẹ như một hơi thở trong đêm chia tay: “Trong tim anh chỉ có mỗi mình em thôi”. Rồi tôi cũng yên tâm để lấy chồng bởi không còn nhiệm vụ phải lo lắng cho anh nữa. May mắn sao chồng tôi là một người nhân từ và hơn tôi khá nhiều tuổi. Anh dịu dàng, nhẫn nại và từ tốn. Anh đã thay đổi vị trí “hoàng hậu” và “hoàng tử” khi tôi yêu Hoàng. Sống với anh thật dễ chịu, nhưng đâu đó trong sâu thẳm lòng tôi, Hoàng chưa bao giờ mất đi chỗ đứng của mình. Đã nhiều lần tôi tự nhủ là sẽ không mất công dõi theo Hoàng nhiều đến thế nhưng tôi đã không làm được.
Tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu và được giữ lại trường làm cán bộ phòng khoa học, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác Đoàn trường như sở trường trước đây. Anh có tên trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của trường. Tiếp tục học lên, anh đã hoàn thành chương trình và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, mấy năm sau là luận án tiến sĩ. Tình yêu anh trong tôi giờ đây như một hòn than hồng ủ trong lớp tro kín. Từ khi lấy chồng, cô bạn thân cùng lớp khuyên tôi không tiếp tục thư từ với anh nữa. Tôi nghe theo và thấy lòng cũng được thanh thản hơn. Tuy nhiên rồi một biến cố đến gạt đi lớp tro ủ kín hòn than hồng trong tôi: Anh li dị vợ khi con gái anh lên 7. Tôi bào chữa cho anh trong ý nghĩ của mình. Không thể bắt anh sống với người không yêu thương lâu đến thế.
Rồi tôi nhận được thư anh gửi về địa chỉ cơ quan. Anh nói anh buồn và cô đơn. Anh muốn được tôi chia sẻ như trước đây từng thế. Anh muốn kể cho tôi nghe, giải thích mọi điều… Anh mời tôi đi nghỉ Đà lạt một chuyến nếu có thể. Tôi nghe tim mình lại vấp rối lỗi nhịp như trước. Tôi phân vân, nghĩ ngợi… Cơ quan tôi có một chi nhánh ở gần đó. Tôi có thể tạo ra một chuyến công tác hợp lí. Con trai tôi cũng đủ lớn để có thể vắng mẹ dăm ngày. Tôi đứng trước gương nhìn lại dung nhan vốn không ưa nhìn lắm của mình. Đã có nhiều nếp nhăn li ti xuất hiện quanh đuôi mắt. Nước da tôi vốn không được trắng nay xạm lại nhiều hơn, hình như có vài vết nám khá rõ …Tôi muốn giữ lại nguyên xi hình ảnh cũ của mình trong anh. Tôi cũng nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi cùng nhau trong một nơi không có gì ngăn cản. Tôi nghĩ đến chồng mình. Chẳng biết anh có nhận ra sự bối rối và bất thường nhiều hơn trong vài ngày nay của vợ không. Dù không dành tình yêu nhiều cho anh nhưng tôi đã luôn khuôn mình trong bổn phận. Bởi thi thoảng vẫn nhận ra tiếng thở dài khe khẽ, kín đáọ từ anh nên tôi kịp dừng lại trước một ý định nổi loạn nào đó… Sau rất nhiều đắn đo như thế tôi từ chối Hoàng với một chút tiếc nuối. Và sau này tôi tự cám ơn mình đã sáng suốt.
Rồi Hoàng kết hôn một lần nữa. Lần này là một cô sinh viên trẻ hơn anh đúng một con giáp. Tôi chẳng ngạc nhiên. Tôi biết là anh vẫn còn nguyên sức hấp dẫn như cũ với đám con gái nếu không nói là hơn vì bây giờ anh hơn ngày xưa sự từng trải và chút hào quang của học vị. Người ta thường chuyển từ yêu thương sang hận thù, còn tôi thì không. Tôi mừng cho anh kèm theo một chút ghen tị với người con gái được làm vợ anh. Theo tôi, đó là người hạnh phúc nhất trần gian.
Một thời gian sau anh viết thư cho tôi báo tin anh có 2 tin vui : Điều đầu tiên là anh có thêm đứa con trai với người vợ mới. Điều thứ 2 là anh chuyển công tác tới công ty X. Tôi viết thư lại cho anh là tôi chỉ chúc mừng một nửa còn chuyện chuyển công tác từ cán bộ nghiên cứu sang cán bộ nghiệp vụ bình thường với một ngành không gần gũi lắm với chuyên môn được học chẳng có gì đáng mừng. Anh không trả lời thư tôi. Và tôi tự hiểu bây giờ trong đời sống đã có rất nhiều sự trái khoáy không tương thích về công việc như vậy. Chẳng biết đây là sự cố gắng thay đổi của anh hay là sự phân công của tổ chức? Tôi bắt đầu hồi hộp lo lắng cho anh nhiều hơn nhưng rồi mọi sự đã suôn sẻ cho đến tận bây giờ. Anh thay đổi vị trí công tác mấy lần nhưng đều có vẻ là sự “lên chức”. Tôi mừng và tự hào về anh mặc dù thời gian gần đây chúng tôi đã không liên lạc với nhau.
* * *
Hoàng lĩnh án 20 năm cho tội vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái và ăn hối lộ. Tôi đã úp mặt vào tờ báo in kết quả xử án mà khóc nấc lên, không kìm giữ nổi cả khi chồng mình đang có mặt trong phòng. Tôi đau đớn tê dại cả người như mình vừa bị đánh. Chồng tôi ý tứ tránh ra ngoài để tôi được một mình với nỗi đau riêng. Ngay khi lấy tôi anh đã hứa sẽ để yên cho tôi dần quên chuyện cũ nhưng có lẽ anh cũng không ngờ tôi lại nặng lòng với quá khứ lâu đến thế.
Tôi sắm một ít quà cáp vào trại giam thăm Hoàng. Chồng tôi không cản. Anh thông cảm với tôi. Anh cũng muốn tôi có thời gian để sắp xếp lại những mảnh vỡ trong lòng. Đường khá xa. Ngồi trên tàu, tôi có thời gian nghĩ ngợi thêm mọi điều. Sau bài báo đầu tiên ấy còn có hàng chục bài tiếp theo phân tích về những sai phạm trong kinh doanh và quản lý ở Công ty X. Tôi luôn mong những sai trái đó không thuộc lĩnh vực Hoàng quản lí. Nào nhập về một số lượng lớn máy móc trang thiết bị lạc hậu, không sử dụng được tốn tiền tỉ của nhà nước để đổi lấy một ít nào đó tiền hoa hồng. Nào đấu thầu sai nguyên tắc nên kết quả công trình thì “dổm”, tiền nhà nước tốn hơn nhiều so với dự kiến và chui bớt một phần vào túi cá nhân. Nào chi tham quan nước ngoài, chi hội nghị lãng phí khủng khiếp. Nào sắm xe con toàn loại tiền tỉ… Nhưng rồi tôi đã thất vọng. Tất cả những sai phạm này đều trực tiếp hoặc gián tiếp có Hoàng. Có một phiên toà ngay trong tôi giữa trái tim và bộ óc. Như một luật sư và một vị chánh án, chúng cãi vã nhau suốt cả quãng đường làm tôi mệt lử. Luật sư thì bảo vệ, bào chữa cho Hoàng là nằm trong cùng một ê kíp, chẳng thể đứng ngoài, máy móc xa lạ với tầm hiểu biết, sao biết lạc hậu hay không, chi nọ chi kia chủ yếu là bộ phận nghiệp vụ… Nhưng vị chánh án nghiêm khắc phản bác lại. Đó là tại vì tâm đức không sáng. Nếu cương quyết từ chối lợi lộc, mọi sự sẽ khác liền à. Chất dũng cảm, thẳng thắn khi hoạt động Đoàn ngày xưa của anh ở đâu? Hay biết đâu cả động cơ khi chuyển công tác đã không còn trong sáng? Năm tháng, tiền bạc, địa vị, chức tước có thể làm thay đổi nhiều người, sao tôi cứ đinh ninh Hoàng của mình vẫn trung thành với quá khứ? Tôi xót xa và tiếc cho Hoàng, cho cả tôi nữa. Tiếc một hào quang lung linh, xót một niềm tin bị vụn vỡ.
Vượt qua một chặng tàu, một chặng xe và một quãng xe ôm, rồi tôi cũng đến được nơi cần đến. Tôi ngồi chờ nơi phòng khách của Trại. Trước mặt là khoảng sân trát xi măng có lưới chơi bóng chuyền, có bồn hoa cây cảnh. Thôi thì dù sao, vào đây anh cũng còn được thư giãn, có thời gian để thấm thía mọi điều. Hoa bông trang, hoa dâm bụt bình thản khoe sắc, không cần biết lòng người vui hay buồn. Một con bướm sặc sỡ nhởn nhơ chấp chới trên mấy bụi hồng. Nắng vàng trên sân như rót mật. Cảnh vật thanh bình đến nỗi không thể nghĩ đây là nơi trú ngụ của những con người vừa làm những việc tày trời hoặc vừa gây tội ác với đồng loại. Tôi ngồi chờ Hoàng với một chút xao động, bâng khuâng, mong mỏi, ngại ngần…Tôi lấy tấm gương con trong túi ra soi lại khuôn mặt mặc dù biết điều đó bây giờ không còn quan trọng…
Hoàng được báo có khách và đang bước ra trên lối đi rải sỏi. “ Hoàng tử” của tôi giờ mệt mỏi, nặng nề trong tấm áo sọc. Anh bước đi chậm rãi, đầu cúi xuống. Mái tóc anh đã bạc từng mảng, khuôn mặt điển trai cũ giờ mập hơn với khá nhiều nếp nhăn trên trán và những túi mỡ nặng nề quanh mắt. Tôi tưởng tôi sẽ oà khóc khi gặp anh, nhịp tim sẽ hỗn loạn. Nhưng không, không hiểu sao tôi đã bình tĩnh được.
– Huyền, sao biết chỗ anh mà tới –Anh mừng rỡ một thoáng rồi bối rối.
– Em hỏi người ta, dễ biết mà –tôi nói dối. Thực ra, để đến được đây tôi đã phải hỏi rất nhiều người, nhờ rất nhiều thông tin.
Anh nắm lấy tay tôi:
– Em khoẻ không? Chồng con thế nào?
– Em thường, chồng con em cũng bình thường. Còn anh sao?
Không phải tôi mà là anh bật khóc. Những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, ân hận, tiếc nuối. Tôi biết anh đang xúc động, đang bất lực khi không thể có trước tôi tư thế của ngày xưa. Tôi bình tĩnh an ủi anh (Thật lạ là tôi có thể bình tĩnh được):
– Thôi, mọi chuyện rồi cũng qua. Anh giữ gìn sức khoẻ nhé. Em mong sau này anh sẽ làm lại…
Tôi cũng không ngờ mình tỉnh táo thế. Tuy nhiên, tôi nói mà không tin lắm vào lời mình. Có thể làm lại được ư ? Có những giới hạn cuộc đời mà nếu lỡ bước qua thì thật khó lòng về lại điểm xuất phát. Và đâu phải dở dang nào cũng tiếp nối được.
Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc. Cố không nhắc hiện tại, cũng cố không nói tương lai. Ngày xưa chỉ mong gặp nhau là líu lo, sợ không đủ thời gian để nói chuyện. Sao bây giờ nói với nhau lại khó khăn thế này.
Tôi trao tận tay túi quà cho anh. Túi quà mà tôi biết khác xa rất nhiều với những quà cáp trong thời gian làm sếp anh đã nhận. Không phải những phong bì gọn gàng tiền đô, không phải những món hàng sang trọng xa xỉ. Chỉ là thực phẩm và nhu yếu phẩm thông thường. Khi đã mất tự do, người ta không còn đối diện với những nhu cầu lớn lao mà phải lo cái lặt vặt tối thiểu.
Tôi nhìn theo bàn tay vẫy của anh sau cánh cửa sắt cổng trại, buồn bã, đắng đót nhận ra tôi vẫn còn thương anh nhưng đã không phải là tình yêu ngày cũ.
Chuyến về hình như tôi thanh thản hơn. Con đường vẫn vậy nhưng cảm giác không còn quá dài như khi đi đến.
Chẳng hiểu sao, về đến nhà, trước sự hỏi han quan tâm của chồng tới Hoàng, tôi lại bật khóc. Người đàn ông lặng lẽ vuốt ve bờ vai vợ mình, bởi biết là khó lòng dỗ nín ngay đứa trẻ con khi vừa bị mất đi món đồ chơi quý. Và người vợ cứ để cho những giọt nước mắt được tự do tuôn rơi, rửa trôi mọi điều …
– Con đâu anh?
– Thằng bé đi học Anh văn.
Xa con mới 2 ngày mà tôi nhớ nó biết bao. Ngày sinh con, đã có lúc tôi ước ao vô lý là nó giống Hoàng, ước nó là con của Hoàng. Nhưng giờ đây và cả mai sau, con chồng tôi và con Hoàng, đứa trẻ nào sẽ lớn lên thanh thản hơn, sẽ không giật mình khi bất chợt có ai đó nhắc về người cha của nó? Cả 2 cô vợ cũ và mới của Hoàng nữa. Đến tôi còn xáo trộn thế này, họ đã sống sao trong những ngày này và cả sắp tới? Tôi bỗng thấy thương cảm cho những người đàn bà mà mình từng ghen tị …
Chợt nhớ một câu ngạn ngữ của Trung Quốc “ Cầm một hạt bỏng ngô trong tay giá trị hơn ngàn con đại bàng bay trước mặt”. Tôi đã mải mê dõi theo con đại bàng bay qua một đoạn đời mình mà bất công với người đã và đang sẻ chia cùng mình mãi mãi. Cho đến tận khi con đại bàng gãy cánh… May mà chưa xảy ra điều gì nghiêm trọng. Tôi đưa mắt tìm kiếm… Kia rồi! Hạt bỏng ngô của tôi đang hí húi nhấc vào nhà chiếc xe đạp của con vừa đi học về. Tấm lưng rộng của anh che gần kín khuôn cửa. Tôi biết, tấm lưng rộng rãi vững chắc ấy sẽ còn che chắn mãi cho mẹ con tôi trên đường đời.
Tôi lau khô những giọt nước mắt rồi bất giác nhìn lên đồng hồ. Đã muộn quá chưa? Có còn kịp để tôi chuẩn bị cho chồng con một bữa ăn tối chu đáo ?
HỘI AN