Hoàng Quý: Muốn bay cùng váng vất heo may…

VTH – Đã lâu không gặp nhà thơ Hoàng Quý, không cả facebook, zalo… Bất ngờ chiều cuối tuần, nhận được email của ông, chỉ vỏn vẹn :”Gửi vuthanhhoa.net chùm thơ”… Mời bạn yêu thơ thưởng thức chùm thơ của nhà thơ Hoàng Quý:

>> Cho em, và cho tôi…- Hoàng Quý
>
> Một lối đi mang tên Vũ Thanh Hoa

Chép ở Tây Hồ

Hình như ngày Nguyễn tới Thăng Long gặp một trời sen nở
Sen gặp Nguyễn hay Nguyễn vô tình gặp sen không sách nào chép cả
Chỉ nghe kể hôm ấy đầm đìa sen trong mắt thi nhân
Nên nước hồ mới thơm đến thế

Hình như đêm ấy Nguyễn đã nghe một khúc nguyệt cầm
Những đoá sen bay lên, bay lên
Bay thao thiết trong đêm ngân ngấn nước
Rồi lả tả cánh rơi trên dây tơ, trên ngón ngọc
Như lửa, như than, như một tiếng gọi người

Chuyện kể rằng khi vận nhà Tây Sơn đã cạn
Nguyễn có trở lại tìm sen
Hồ xưa, lối ấy
Chỉ gặp sen tàn trước tiết đông sang…

Tôi đứng với Tây Hồ cuối một ngày thu kiệt
Nhìn những đoá sen thắp nốt ở gương hồ
Em xuống tắm
Sao trời xuống tắm
Một mảnh trời sen Thăng Long ngang qua!…

Cho ngày đã xa

Em đã đến
Một ngày xa lắm
Áo rêu ngời rung rinh ráng pha
Em từng đến
Một ngày xa lắm
Giữa khán phòng mớ bảy mớ ba

Thuở ấy gió chưa nhiều toan tính
Gió liêu trai quấn quýt như người
Thuở ấy thơm trăng
Sao biếc mắt
Thắp hồng hào men hương tinh khôi

Kết quả hình ảnh cho PHỐ PHÁI

Thuở ấy có một loài chim phượng
Bay rộn ràng thơm cơi trầu thơm
Thuở ấy tưởng tươi xanh như lá
Và trong veo năm tháng thảo hiền

Rồi thuở ấy trầm trôi như nước
Mắt đâu đây
Mộng mị đâu đây
Thuở ấy đã phôi pha, em ạ
Chim phượng bay đi
Mây trắng trở về…

Những người đàn bà đan lưới

Họ vẫn ngồi ở đấy
Mấy mươi năm tôi đến nơi này họ vẫn ngồi ở đấy
Dưới bóng những cây dương
Trên nền cát khô và bỏng
Đứa bé rúc đầu bú vú một người mẹ
Bàu vú căng lấp lánh ánh sáng vảy cá
Trên môi người mẹ loe loé đốm lửa thuốc rê
Thơm khen khét…

Họ vẫn đôi khi khe khẽ hát
Bài hát cũ kĩ và buồn
Tay thoăn thoắt luồn rồi thắt nút
Họ đan bình minh lên những mắt lưới
Đan ước mong và hoàng hôn lên những mắt lưới
Những ô vuông chập chờn
Những ô vuông nút thắt bốn góc
Cuộc trường chinh của họ
Trong những ô vuông và những ô vuông!

Họ vẫn ngồi kia khẽ hát
Bài hát cũ kĩ, và buồn
Người hát trước là bà của họ
Xa nữa là cụ cố của họ
Những người đàn bà trước họ đã hát và lặng im đâu đó trên những doi cát
La liệt
Từ nấm mồ này đến nấm mồ kia hệt những ô vuông
Mặt trời đi qua bỏng rát mỗi ngày
Những hoàng hôn từng chiều tạm biệt họ
Để lại bóng tối

Họ chỉ ùa dậy tươi cười chạy ào ra bến
Khi những chiếc thuyền mang chồng, con họ trở về
Với cá, tôm và bạch tuộc…
Đôi khi là những con mực tươi nguây nguẩy nhấp nhoá mắt lưới
Nhưng, cũng không rõ bao lần
Họ đờ đẫn nhìn ra biển xa
Sau bão
Nhớn nhác bóng một con thuyền
Hoặc gãy gập ngay bên bờ sóng…

Họ vẫn ngồi ở đấy
Dưới rặng dương
Trên nền cát khô bỏng
Đứa bé bú no moi cát đắp cơn mơ của cát
Những người đàn bà đôi khi khẽ hát
Bãi hát cũ kĩ
Bài hát rất buồn
Trước đó là những người bà
Xa nữa là những cụ cố
Tay không ngừng đan không ngừng thắt nút
Họ đan bình minh lên những mắt lưới
Đan ước mong và cả hoàng hôn lên những mắt lưới
Thành những ô vuông
Dài những ô vuông
Như cuộc trường chinh của họ!…

Thu trong phố Phái

Ông đã đi rất xa
Thu vẫn thơm toan, thơm sơn dầu, thơm sáp
Phố trầm mặc hoe hoe
Nắng nở bừng mấy vạt

Mái nghiêng ngiêng
Cột điện nghiêng nghiêng
Chỗ ấy Hàng Buồm
Góc kia Hàng Cót
Những Hàng Mắm, Bát Đàn, Bông Nhuộm, Hàng Khay…
Phố mềm trước âm vang nét bút
Muốn bay cùng váng vất heo may
Lại chạm lá rơi xào xạc…

Ông đã đi xa
Đã đi rất xa
Gửi lại giấc trầm ngâm nắng cúc
Hà Nội thu vừa mộng vừa đi
Trong hơi thở phập phồng phố Phái.

HOÀNG QUÝ

12 comments

  1. Sau “Hoàng Quý – Người xác lập giọng điệu từ thi phẩm đầu tiên” của nhà nghiên cứu văn học Phạm Thuận Thành và chùm 5 bài thơ đặc sắc của Hoàng Quý in trong 2 số Tạp chí Nhà văn và tác phẩm đầu và cuối 2008, đến hôm nay mới bất ngờ đọc được ông trong trang vuthanhhoa.net. Xin cám ơn nữ sĩ chủ trang đã giới thiệu để tôi và nhóm bạn yêu thơ Hoàng Quý của Hà Nội lại được đọc thêm những thi phẩm rất riêng giọng điệu Hoàng thi sĩ.
    “Chép ở Tây hồ” thật liêu trai. “Cho ngày đã xa” buồn trong vắt. “Những người đàn bà đan lưới” – một lối kể chỉ vài chi tiết lựa chọn đắc dụng mà lan buồn sang ta vòng xoáy số phận những người phụ nữ sống, chết, vui, buồn cùng biển. “Thu trong phố phái” sánh ngang với rất nhiều bài thơ hay nhất của nhiều tác giả lấy cảm hứng từ tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái.
    “Những đoá sen bay lên, bay lên
    Bay thao thiết trong đêm ngân ngấn nước
    Rồi lả tả cáng rơi trên dây tơ, trên ngón ngọc
    Như lửa, như than, như một tiếng gọi người”

    “Thở ấy gió chưa nhiều toan tính
    Gió liêu trai quấn quýt như người”

    “Đứa bé bú no mơ cát đắp cơn mơ của cát
    Những người đàn bà đôi khi khe khẽ hát
    Bài hát cũ kỹ
    Bài hát rất buồn”

    “Họ đan bình minh lên những mắt lưới
    Đan cả ước mong và hoàng hôn lên những mắt lưới
    Thành những ô vuông
    Dài những ô vuông
    Như cuộc trường chinh của họ”

    Ông đã đi rất xa
    Gửi lại giấc trầm ngâm nắng cúc
    Hà Nội thu vừa mộng vừa đi
    Trong hơi thở phập phồng phố Phái”

    Có những câu thơ, những bài thơ truyền sang ta “lửa của chữ, than của chữ”. Không dám lạm bình!

  2. Lâu quá rồi không được đọc thơ anh. Đọc chùm thơ trong vuthanhhoa.net vừa đăng lên thích lắm anh ạ. Chúc sức khoẻ anh và gia đình. Mà anh gửi các trang văn đăng nhiều nhiều chút. Không ít bạn đọc như tôi nhớ thơ, nhớ người thơ. Bữa nào về Bạc Liêu a lô nha anh.
    (Viết thêm: Tôi khoái, đọc Những người đàn bà đan lưới cho má tôi nghe. Má tôi bảo, mày bảo ổng sao viết như ổng thuộc đời má và bạn má vậy. Bả vẫn đan lưới thuê anh ạ. 60 tuổi bảo má tôi bỏ thôi, má tôi không chịu. Bạn bè Bạc Liêu nói, lúc viết cái com nhắn ông về chơi chứ ông ấy hẹn cà rịch cà tang. Đức Nam nói tháng 9 anh đi Đắc Nông phải không. Hắn còn bảo rủ rê mãi ổng mới chịu).

  3. Năm ngoái VC có mang cho 2 số Tạp chí Nhà văn và tác phẩm có in bài viết về anh, số cuối năm có in 5 bài thơ của anh. Mà sao lâu lắm anh không ra Hà Nội. Nguyễn Trần Thái vừa réo mới đọc 4 bài thơ của anh trên vuthanhhoa.net. có 2 bài đặc sắc về Hà Nội. Tuấn vào đọc ngay. Rất sướng. Thế là anh lại thêm vào dòng chảy thơ mình “Chép ở Tây hồ” và Thu trong phố Phái” tặng riêng cho Hà Nội. Em nói luôn, sau cái “Bên sen nghe tiếng sâm cầm” đẹp rung rinh, nay cái chuyện dã sử Nguyễn Du 2 lần tới Thăng Long vào thơ anh lại thêm vẻ một lần nữa đẹp liêu trai thơm men cho huyền sử. Viết về Tây hồ mượn tích ấy và viết như thế thì thật là bút hoa thượng thừa. Cái bài “Thu trong phố Phái” cũng xin mạo muội nói luôn, không thiếu thơ hay lấy cảm hứng từ hội hoạ Bùi Xuân Phái. Nhưng, “Thu trong phố Phái” đứng hàng đầu. “Phố mềm trước âm vang nét bút”, “Ông đã đi xa/ Gửi lại giấc trầm ngâm nắng cúc/ Hà Nội thu vừa mộng vừa đi/ Trong hơi thở phập phồng phố Phái”. Không thể hay hơn được nữa. Thay mặt những người con Hà Nội cảm ơn quà chữ của thi sĩ. Em đã coppi 2 bài này. Đã hẹn hoạ sĩ Nguyễn Trần Thái chiều nay ghé thăm gia đình danh hoạ Bùi Xuân Phái. Sẽ đặt “Thu trong phố Phái” lên bàn thờ cụ. Sẽ thay anh đốt một nén hương tưởng nhớ cụ.
    PTK và ĐTL nói anh và chị ra Hà Nội vào tuần tới. Nếu đúng như thế, em và Ngyễn Trần Thái sẽ đi đón.
    Chúc sức khoẻ anh, chị và các cháu!

  4. Thơ thật hay và cũng thật sang trọng. Tôi có đọc thơ Hoàng Quý chửng trên trăm bài trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, trên Tạp chí Văn, trên tạp chí Nhà văn, và trên Tạp chí Nhà văn và tác phẩm. Thật tiếc chưa có tập thơ nào của ông trên kệ sách của mình.
    Cách nay khá lâu, có đọc “Chợt thu” của ông trên vuthanhhoa.net. Một thi phẩm mùa thu bậc nhất trong vô vàn các thi phẩm viết về mùa thu. Tôi rất thích và đọc đi đọc lại “Những người đàn bà đan lưới”. Cách kể rất lạ. Cái hình mắt lưới như những ô vuông thắt nút bốn góc, những nấm mồ la liệt nối những ô vuông và những ô vuông. Hình ảnh đứa bé moi cát đắp cơn mơ của cát thật day dứt, và… đắng. Chưa có bài thơ nào viết về kiếp sống phập phồng đầy chịu đựng, lo toan và sợ hãi tai hoạ ập xuống họ (những người đàn bà đan lưới) lại hay và gây xúc động như bài thơ này. Dưới những câu thơ còn bao nhiêu câu thơ chảy cuộn ngầu trong đó.
    Hai bài “Chép ở Tây hồ” và “Thu trong phố Phái”, thiết nghĩ rằng, đó là hai thi phẩm trong những thi phẩm tuyệt tác viết về Thăng Long văn hiến trên thi đàn Việt. Hai thi phẩm này cô súc tuyệt đối, kiệm chữ tuyệt đối. Kể cả “Chợt thu” của ông cũng thuộc hàng ngũ những thi phẩm hàng đầu.
    Xin cám ơn trang văn vuthanhhoa.net!
    Xin cám ơn thi sĩ Hoàng Quý!

  5. Trởi ạ. Lại được đọc thơ Hoàng Quý. Sao trốn đâu biệt tăm vậy. Lão đừng ly dị chúng ta, nha.
    Hồi nào lão viết:

    “Ngoài kia em giờ chắc
    Trải gấp tơ vàng phơi
    Cái ngày lơ đãng ấy
    Bao nhiêu là nói cười
    Đời người thăm thẳm mắt
    Bao mùa thu, chợt thu
    Cúc mấy lần hớn hở
    Mà tơ vàng chưa khô…”

    Đọc mà phát thèm. Giờ lão lại viết:

    Thuở ấy có một loài chim phượng
    Bay rộn ràng thơm cơi trầu thơm
    Thuở ấy tưởng tươi xanh như lá
    Và trong veo năm tháng thảo hiền”

    Thơ thế ai mà chả tưởng liền anh mới mười tám đôi mươi!

    Cả chùm 4 bài thơ vuthanhhoa.net đăng lên, bài nào cũng hay. Minh Lê đặc biệt thích 2 bài viết về Hà Nội phố Phái và Hà Nội Tây hồ. “Những người đàn bà đan lưới” là bài thơ rất đặc biệt với lối kể, cách chọn lựa và dụng chi tiết, thi ảnh đã thành đặc sản chỉ có ở Hoàng Quý. Và, có lẽ, chưa có bài thơ nào viết về những người phụ nữ vùng chài lại độc đáo và nhiều day dứt đến vậy trên thi đàn xưa nay.
    Muội xin chúc mừng “Lão” đồng môn với chùm thơ mới nhất, nha!

  6. Cháu là bạn đọc khoảng vài năm nay trên trang văn của nhà thơ Vũ Thanh Hoa. Bài thơ đầu tiên của bác mà cháu được đọc là “Và chúng ta – Hãy cùng cài băng tang lên ngưc” và bài thơ tiếp ngay sau đó là “Như dòng sông lặng lẽ”. Cả 2 bài bác Hoàng Quý đều viết khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế. Âm vang từ 2 bài thơ ấy theo cháu trong những lần tổ chức ngày thơ hoặc sinh hoạt văn học của trường Đại học văn hoá. Cháu nhiều lần được các bạn yêu cầu đọc hai bài thơ ấy. Cháu đã tìm và được đọc thơ của bác nhiều hơn trên chimvietcanhnam, vuthanhhoa.net, phongdiep.net, trannhuong.com, dutule.com, rồi trang của bác nguyễn Trọng Tạo cùng nhiều trang báo in và báo mạng khác. Cháu chưa đủ vốn sống và vốn kiến thức để đánh giá tác phẩm. Tuy nhiên, sức hút và sự ám ảnh từ “Đối thoại trắng”, “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc”, “Viết ở Loa thành”, “Mùa xuân trong mắt” và rất nhiều nữa đủ để cháu nhận biết một tiếng thơ rất riêng với giọng điệu rất riêng, tiếng Việt gan chắt tinh tuý, lập tứ độc đáo, thi ảnh khác thường… Với những bài thơ bút pháp trữ tình là chủ thể thì thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn Việt, chữ Việt, văn hoá Việt. Cháu không hiểu bằng cách nào, thơ của bác luôn toát lên một giọng thơ sang trọng, lich duyệt. Cháu nghĩ rằng, để viết được những câu thơ với ngôn ngữ tinh vi và đẹp dường kia, những câu thơ với thi ảnh có lúc bất chợt lông lẫy và như có bùa mê trong đó, hẳn bác phải lao động chữ rất lao lực. cộng với phông kiến văn dài rộng. Đọc trong một bài viết về bác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, thấy ông nói, đại ý: thơ ông (Hoàng Quý) không có thứ thơ dở, thơ trung bình mà chỉ có thơ hay đến rất hay. Một nhà thơ với tác phẩm danh tiếng “Trường ca Cutuzop” tốt nghệp hạng ưu Học viện Gorki như Nguyễn Đình Chiến viết đánh giá thán phục ấy hẳn là ông đã đọc và thấu hiểu thơ của họ Hoàng!
    Chùm thơ mới này của bác cháu rất thích. Đặc biệt 2 bài với 2 góc nhìn sâu Thăng Long – Hà Nội. Riêng “Những người đàn bà đan lưới” càng đọc càng bị ám ảnh mà bác đâu có phải dụng nhiều chi tiết về những người phụ nữ với vòng xoáy số phận vần vũ. “Đứa bé bú no moi cát đắp cơn mơ của cát”, “Họ đan bình minh lên những mắt lưới/ Đan ước mong và cả hoàng hôn lên những mắt lưới/ Những ô vuông chập chờn/ Những ô vuông nút thắt bốn góc”,”Những người đàn bà trước họ đã hát và nằm im đâu đó trên những doi cát/ La liệt/Từ nấm mồ này đến nấm mồ kia hệt những ô vuông”… Vòng xoáy những số phận hiền nhẫn mà dưới đáy trong dằng dặc những ô vuông như những mắt lưới, không dứt.
    Giữa mùa chữ nhộn nhạo, được đọc những bài thơ hay đúng là Thơ chả có nhiều. Chao ôi, hậu hiện đại! Vâng, xin thưa cứ cách tân, cứ đả đảo nếu muốn và cứ cổ xuý, có ai cấm cản ai đâu. Nhưng, cứ phải HAY, nếu không chắc chắn là rác, rác chữ. Nhân viết những dòng bày tỏ này khi được đọc từ vuthanhhoa.net giới thiệu một chùm thơ hay, mới của nhà thơ Hoàng Quý, mạn phép các nhà cho cháu được chép nguyên văn tiêu đề lời phẩm bình của thi sĩ danh tiếng Du Tử Lê khi giới đánh giá và giới thiệu một seri thơ Hoàng Quý, ông viết: “Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi trước sạt/ lở chữ. nghĩa hôm nay”. Chỉ riêng tiêu đề ấy thôi đã là đánh giá sòng phẳng.

  7. Cả chùm thơ của Hoàng thi sĩ gồm 4 bài thơ nữ nhà thơ Vũ Thanh Hoa vừa võng đào lên trang văn của chị đều hay. Các bạn văn đã bình, mỗ không dám thêm đường thêm muối. Dẫu vậy, vì mỗ thấm đòn kinh doanh sách đất Hà thành, lúc rảnh rỗi (sách ế, Thơ ế câm ế ngấm, rất rảnh rỗi) mỗ cũng đọc, đọc nhiều là đằng khác. Chỉ xin quệch quạc vài dòng với riêng “Thu trong phố Phái” thôi, nếu khí không lọt tai các nhà anh, nhà chị hãy rộng lòng coi như lời dở ngô thằng bán sách, đừng chấp.

    Nhà thơ đóng đinh:

    “Ông đã đi rất xa
    Thu vẫn thơm toan, thơm sơn dầu, thơm sáp”

    Và lại viết:

    “Chỗ ấy Hàng Buồm
    Phía kia Hàng Cót
    Những Bát Đàn, Bông Nhuộm, Hàng khay…
    Phố mềm trước âm vang nét bút”

    Chỉ dẫn trích bấy nhiêu, chứ tuyệt thi này nếu dẫn trích thì… toàn bài.
    Lời bình của thằng bán sách là mỗ: Thưa Hoàng Tiên sinh, khi tôi đọc đến câu “Phố mềm trước ấm vang nét bút”, trộm nghĩ, Chưa ai diễn đạt phố Phái đẹp rưng rưng chữ đến thế. Phố của Phái MỀM TRƯỚC ÂM VANG NÉT BÚT của trầm ngâm Phái. Phải thế. Thế mới Phái. Và, cũng trộm thưa, chữ của Hoàng thi nhân cũng ÂM VANG NGHĨA CHỮ đấy ạ. Chữ của Hoàng thi nhân rồi còn thơm sách, thơm trong lòng người Hà Nội. Khi các danh sĩ thi lễ trước nhau, họ lấy đức hoạ, đức chữ kết giao!
    Vâng, “Hà Nội thu vừa mộng vừa đi/ Trong hơi thở phập phồng phố Phái”. Hà Nội của Phái, của Hoàng Thi nhân, của tôi, của chúng ta vẫn, sẽ “vừa mộng vừa đi”. Chứ cái Hà Nội đương kia là Hà Nội… vá đấy ạ.
    Xin cảm ơn Hoàng thi nhân dâng tặng Hà Nội một phố Phái bất diệt trong rưng rức chữ họ Hoàng!

  8. “Chỉ nghe kể hôm ấy đầm đìa sen trong mắt thi nhân
    Nên nước hồ mới thơm đến thế”

    “Những đoá sen bay lên, bay lên
    Bay thao thiết trong đêm ngân ngấn nước
    Rồi lả tả cánh rơi trên dây tơ trên ngón ngọc
    Như lửa, như than, như một tiếng gọi người”

    “Em xuống tắm
    Sao trời xuống tắm
    Một mảnh trời sen Thăng Long ngang qua!…”
    ——

    “Thuở ấy gió chưa nhiều toan tính
    Gió liêu trai quấn quýt như người”

    “Thuở ất thơm trăng
    Sao biếc mắt
    Thắp hồng hào men hương tinh khôi”
    ——

    “Họ đan bình minh lên những mắt lưới
    Đan ước mong và hoàng hôn lên những mắt lưới
    Những ô vuông chập chờn
    Những ô vuông nút thắt bốn góc”

    “Những người đàn bà trước họ đã hát và lặng im đâu đó trên những doi cát
    La liệt
    Từ nấm mồ này đến nấm mồ kia
    Hệt những ô vuông”

    “Đứa bé bú no moi cát đắp cơn mơ của cát”

    ——

    “Ông đã đi xa
    Thu vẫn thơm toan, thơm sơn dầu, thơm sáp
    Phố trầm mặc hoe hoe
    Nắng nở bừng mấy vạt

    “Phố mềm trước âm vang nét bút
    Muốn bay cùng váng vất heo may
    Lại chạm lá rơi xào xạc”

    “Ông đã đi xa
    Đã đi rất xa
    Gửi lại giấc trầm ngâm nắng cúc
    Hà Nội thu vừa mộng vừa đi
    Trong hơi thở phập phồng phố Phái”

    Chao ôi! Đó là tấm lòng, đó là vàng của chữ, là tiếng Việt tinh hoa, là chữ bậc tài nhân.
    Thốt nhớ, nhà thơ Lê Đạt khảng định CHỮ BẦU LÊN THƠ, sự tuyên dương hăng hái Chữ của Thơ, cho Thơ, với Thơ ngày nào của Lê Đạt là thế chăng? Thế mới biết lao động chữ với những thi tài nào có dễ dàng. Xin lỗi, la liệt những ông thơ, bà thơ, trước chữ đừng múa may ồn ĩ, đừng ngông ngáo múa gậy trong bị. Tôi thấy các thi tài kính trọng bạn đọc thành kính với chữ chứ đâu có vung vít phập phời tuyên xưng cãi nhem nhẻm. Trinh Đường hồi còn sống có riêng cả một bàn thờ hương khói cho Chữ , cho Thơ cơ mà.

  9. Trang vuthanhhoa.net giới thiệu một chùm thơ hay nữa của nhà thơ Hoàng Quý trên chuyên mục văn nhân thi hữu. Rất đáng quý và cám ơn con mắt xanh của nữ nhà thơ luôn nồng nhiệt
    băc cây cầu văn chương nối đến bạn bè!
    Đọc chùm thơ của Hoàng thi sĩ, tôi rất thích. Chỉ muốn nói thêm ý này, thơ viết về các tác phẩm và tác gia hội hoạ rất khó. Hầu hết có hay cũng chỉ ở mức chuyển tải cảm xúc và đôi nét chấm phá tình cách người hoạ sĩ và hình hài tác phẩm của họ. “Thu trong phố Phái” thì khác. Đọc bài thơ này của Hoàng thi sĩ không những thấy hồn Phái, tinh thần Phái, màu sắc Phái, niềm yêu thương rưng rưng của Phái qua tranh phố Phái, mà thi phẩm bỗng hoá thành một bức tranh rạo rực thứ hai do Hoàng Quý là ngưởi pha màu phóng bút khoát hoạt trên toan trong bảo tàng tranh Phái. Thật tuyệt!

    Hoàng Quý còn có một bài thơ rất hay nữa cũng viết tặng một hoạ sĩ danh tiếng còn rất trẻ, là Văn Ngọc, viết cách nay 18 năm, vào năm 2001. Xin chép ra đây để bạn bè cùng đọc:

    THƠ TẶNG

    1.
    Anh lặng trước mặt toan
    Vật vã mọi nẻo nguồn ký ức
    Thời gian, không gian tụ như ráng chiều

    Con đường băng đi tựa một vết bầm đỏ
    Vết bầm hoen sâu
    Mây treo như thạch đọng
    Đất đai hoang huỷ màu

    Người hoạ sĩ trầm luân từng khối nặng
    Vật vã tìm châu…

    2.
    Bố cục gai góc bất luận cũ hay mới
    Cái cũ ngỡ chừng xưa, cái mới chắc gì tươi
    Nhát bút lách mặt toan những hình dung siêu thực
    Hoang vu trong mê lộ đời người

    Dọc một vệt
    Phạc ngang một vệt
    Đây mặt nạ ta. Đấy mặt nạ đời
    Những thớ gỗ gồ thô trụi trơ xương cá
    Tôi đẽo gọt người
    Tôi đẽo gọt tôi

    Người hoạ sĩ sau một ngày cật lực
    Ôm tấm toan bay và vòm trời!…
    2001

    Chúc sức khoẻ Nhà thơ Hoàng Quý cùng quý quyến!
    Cám ơn trang văn Vũ Thanh hoa!

  10. Rất quý trọng anh bởi cái tâm công dân, và cái tài thơ ca của Hoàng Quý, nên tôi thường cho là thơ anh ở cấp độ và xứng tầm thi sĩ, và anh là một trong những gương mặt đáng nể trọng của thi ca Việt Nam đương đại. Tôi đã đọc Hoàng Quý ít nhất 4 tập thơ: “Giấc Phì Nhiêu” (NXB Văn Học, 1996), “Đi Bên Mùa Lá Rụng” (NXB Văn Học, 2000), “Ngang Qua Cánh Đồng” (NXB Hội Nhà Văn, 2002; tái bản, 2004), “Giả Trang” (NXB Văn Học, 2007)… và 2 trường ca: “Đối thoại trắng” (2004), “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc” (2011). Nay được đọc 4 bài thơ nầy của thi sĩ họ Hoàng trên trang vuthanhhoa.net, tôi nghĩ đây là những bài anh mới viết gần đây và thấy 2 bài viết về Hà Nội: “Chép ở Tây Hồ” & “Thu trong phố Phái” có những nét mới, nhưng cả 4 bài đều giữ được một phong cách (styl) riêng, độc đáo, mới lạ, “không giống ai” cả về nội dung trữ tình lẫn thi pháp_ nghệ thuật thơ ca, đã ổn định trong thơ va anh. Và tôi lại BẢO LƯU những cảm nhận về thơ anh của tôi trước đây (Cho phép tôi được nói khái quát, không trích dẫn):

    _ Về NỘI DUNG TRỮ TÌNH, thơ anh hòa quyện giữa một cái tôi trữ tình cá nhân ngang tàng, phóng khoáng, cháy bỏng mà nhân hậu, nhạy cảm với một cái tôi trữ tình công dân yêu thương mặn nồng, hữu trách với Tổ Quốc, Nhân Dân. Hai cái tôi trữ tình nầy được biểu hiện bằng một giọng thơ riêng, lạ, một tình cảm nồng nàn, say đắm cùng những liên tưởng bay bổng, bất ngờ rất Hoàng Quý. Thi sĩ họ Hoàng có những câu thơ, bài thơ găm sâu về thân phận con người, nhân dân làm người đọc rạo rực, bồi hồi trăn trở và những câu thơ, bài thơ lắng sâu về Tổ quốc đất nước làm xúc động, đồng điệu, khơi dậy, bừng lên tình yêu đất nước quê hương kín sâu ở mỗi người…
    Đề từ cho tập thơ “Ngang Qua Cánh Đồng”, anh đã viết “Cái hạt thơ anh gieo, tôi gieo với biết bao khó nhọc có thể sẽ nên cây mà cũng có thể thui chột như chưa từng hiện hữu…”. Hạt thơ … gieo với biết bao khó nhọc. Vâng, sáng tác thơ là một lao động sáng tạo đặc thù đầy cá tính trong cô đơn và tân khổ của nhà thơ. Thơ là niềm vui, là nỗi buồn, là vết đau, là cơn co giật, là phút thăng hoa, là hoài bão khát vọng, là mồ hôi, nước mắt, kể cả là tim óc, máu thịt (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ “tâm huyết”) của nhà thơ và của nhân dân đã sản sinh ra mình (“Nhân dân sản sinh ra nhà thơ để nói hộ nhân dân những điều mà nhân dân không nói được”- Gamzatôp) . .. Với phong thái tao nhã nhưng phong thế lại vật vã, với tấm lòng trong trẻo, một thái độ ứng xử nhất quán, thẳng thắn, rạch ròi nhưng luôn luôn đằm thắm, vị tha và nhân hậu trước trùng vây tối sáng cuộc người, bằng tài năng và nghiệm sống của chính mình thơ của họ Hoàng luôn luôn gây những bất ngờ, dào dạt cảm xúc, nhiều khi khác thường, những rung động mãnh liệt với thi hình, thi ảnh, ngôn ngữ, hình tượng thơ độc đáo, khác lạ, trí huệ…
    Còn về ngôn từ trong thơ Hoàng Quý thì lạ lẫm, táo bạo, tưoi rói, đắc địa, biến ảo, nhiều khi lẫm liệt, đặc biệt rất nhiều từ “lệch chuẩn” làm người đọc vừa sửng sốt, vừa thú vị. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người (chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới thành thơ để mọi người thích. Chẳng hạn, trong bài “Những người đàn bà đan lưới”, anh viết:
    Bàu vú căng LẤP LÁNH ánh sáng vảy cá
    Thơm KHEN KHÉT…
    … Những ô vuông CHẬP CHỜN
    Anh lắp ghép những từ ngữ cũ kỹ để tạo thành từ ngữ mới mẻ, lạ lùng, có “hồn chữ quẫy cựa”, có sức biểu nghĩa phong phú, sức biểu cảm lắng sâu, thi hình biến ảo, thi ảnh bất ngờ…

    Và, ai cũng biết TỨ THƠ là một yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại.Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên có nhiều cách diễn giải. Theo tôi, “tứ” được hiểu như là một phương thức để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với bức tranh tâm trạng – tình của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ – từ.. Cả ba yếu tố đó – tình, từ, ý – thông qua phương thức tứ, tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm. Vì vậy, tứ được coi như xương cốt của bài thơ và là tiêu chí bậc nhất để phân biệt Thơ và “cái giống thơ” nhưng “không phải thơ” như vè, văn vần, khẩu hiệu minh họa, tuyên truyền cổ động… hoặc bài “ráp vần, xếp chữ” của nhiều người “chơi thơ” hiên nay mà thôi, Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”.
    Mỗi bài thơ của Hoàng Quý đều dệt kết đan cài và hội tụ quanh tứ với bút pháp nội tĩnh ngoại động (hoặc ngược lại) hài hòa, tinh tế, nhuần Việt, đầy sinh khí, huyền ảo (nhiều khi uyên áo, ảo diệu, mộng mị) giữa tình, từ, ý trong toàn bài. Có lẽ chính “tứ” tạo nên giọng điệu rất riêng, dữ dội mà không chói gắt, quyết liệt mà mà vẫn ấm nồng, sáng giá, cùng nhịp điệu, nhạc điệu khoát hoạt ẩn trong thơ tạo nên dư ba. Cấu trúc sáng tạo, khác thường riêng anh có thể biến những câu không vần, ngắn dài không đều nhau của anh (như trong 4 bài thơ trên) hóa thành THƠ và là thơ hay.

    Ngoài 4 bài thơ trên, tôi đã đọc khoảng 300 bài thơ trong 6 tập thơ kể trên của Hoàng Quý. Mỗi bài là một thi phẩm đúng nghĩa. Tiếng thơ vạm vỡ, tình thơ cô nén, mạch ngầm gợi nghĩ, giọng thơ sang trọng, ngôn ngữ trong trẻo, đa thanh, biến ảo, rất nhiều ma lực, tứ thơ vững chãi.

    Xin trích lại đánh giá của cố Thi sĩ – Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn về Hoàng Quý và Thơ Hoàng Quý thay cho lời kết của comment nầy: “Hoàng Quý là một thi sĩ tài năng bẩm sinh, giọng thơ rất riêng đầy ma lực và khác thường, một giọng thơ độc đáo, một tâm tưởng độc đáo và thi pháp độc đáo. Thơ của nhà thơ tài năng và lãng tử này rồi sẽ còn phải bàn đến vào lúc những giá trị thật của thi ca được định giá sòng phẳng. Hoàng Quý là nhà thơ luôn mang nghĩa cử của một thi sĩ đích thực trong cái không gian sống đã chen chúc nhiều tệ hại”.
    (Bảo lưu từ bài viết “NGHĨ NGẮN VỀ THƠ HOÀNG QUÝ, LTMK, Tuần báo VĂN NGHỆ, 20/2018)

    Xin mạn phép lạm bàn. Cảm ơn trang vuthanhhoa.net, cảm ơn Hoàng thi sĩ, cảm ơn tất cả.

  11. Anh Nguyễn Thụ chép thêm một bài thơ hay nữa của nhà thơ Hoàng Quý viết tặng danh họa trẻ tuổi Văn Ngọc. Rất đáng quý. Nguyễn Thụ đánh thức trí nhớ tôi. Bài thơ này tôi đã đọc, rất thích , và thuộc ngay sau khi bài thơ in trên Tạp chí Nhà văn, có lẽ chừng 17 hay 18 năm trước. Giờ anh Thụ ghi rõ năm Hoàng thi sĩ viết năm 2001 là thông tin bổ ích.
    Tuy nhiên, chỉ là sơ xuất rất nhỏ khi gõ phím viết com, câu cuối bài THƠ TẶNG xin phép anh Thụ cho tôi hiệu đính lại để bạn đọc yêu thơ Hoàng Quý có văn bản chính xác và hiểu đúng nghĩa chữ.

    Câu kết là:
    ….

    ” Người họa sĩ sau một ngày cật lực
    Ôm tấm toan bay vào vòm trời!…”

    Bay VÀO…

    Sau lao lực kiệt cùng của sự sáng tạo tạo nên tác phẩm tặng con người, người họa sĩ ấy (Văn Ngọc) hòa tan trong tác phẩm của mình thăng hoa cùng vĩnh cửu. “Người họa sĩ sau một ngày cật lực/ Ôm tấm toan bay vào vòm trời…” Câu kết thật đắt!

    Tôi rất thích các bình luận, càng thấu hiểu và yêu hơn thơ của nhà thơ mà tôi ngưỡng mộ.

    Chúc sức khỏe Hoàng thi sĩ và gia đình. Mong sẽ được đọc nhiều bài thơ hay nữa của ông!
    Cảm ơn nữ nhà thơ Vũ Thanh Hoa, người bắc cây cầu văn chương không biên giới. Và xin chị cho gửi tới bạn đọc dòng hiệu đính nhỏ này.
    Cảm ơn anh Nguyễn Thụ!

  12. Tôi biết nhà thơ Hoàng Quý ở trại sáng tác Bến Tre tháng 7/2006. Nhà thơ Mai Liễu giới thiệu anh với chúng tôi. Thực ra tụi tôi đọc anh rất nhiều trên Văn nghệ và Tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt nam những năm ấy dù chưa biết người. Cứ hình dung anh cao to vì tiếng thơ vạm vỡ, nhiều khi dữ dội, ai dè người rất thư sinh, đọc thơ như lôi gan ruột ra, rất cuốn hút, nhớ thơ tuyệt vời. Anh có thể đọc hàng trăm bài thơ của nhiều tác giả, kể cả thơ dịch. Khi có yêu cầu giúp sửa bài, anh sẵn sàng thức thâu đêm, trao đổi rất tận tình. Bạn hữu nói vui, cứ nhờ anh chữa bài, thơ sẽ thành hay hơn ngay lập tức.
    Khoảng gần trung tuần tháng 7 năm 2011 đoàn anh xuống Đất Mũi. Tôi có công việc ở Cà Mau, hay tin đoàn có anh nên tìm sang khách sạn đoàn lưu trú. Hầu hết người trong đoàn sau bữa cơm tối đi nhậu đâu đó. Túm được anh đang ngó lơ ngơ, vui quá. Anh bảo, mới ngoài Đất Mũi về. Tôi mời cà phê, anh từ chối. Anh rủ tôi ra bến sông gần đó duỗi chân trên cát ngắm Cà Mau dưới anh điện chập chờn đêm. Anh ghi chép gì đó vào sổ tay chăm chú tới mức như là quên cả tôi. Mãi sau tôi hỏi anh ghi gì vậy, anh cười bảo sẽ viết cái Những ngân bùn trên mũi chân Tổ quốc. Quay về sảnh khách sạn, anh chép cho tôi đoạn đã viết, và bảo Thạch đọc thử xem được không. Không ngờ, chừng 2 tháng sau, trích đoạn trường ca Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc đã vang lên trên sóng chương trình tiếng thơ của Đài PTTN Việt Nam giữa thời điểm ông láng giềng tê hại cắt cáp, đâm tàu ngư dân, đâm tàu cảnh sát biển ta, lớn lối đe dọa, khiêu khích… Và cũng thật bất ngờ, cái đoạn anh chép hỏi tôi xem được không chính là khúc kết của trường ca.
    Nhân đọc chùm thơ mới của anh trên vuthanhhoa.net, xin chép nguyên văn đoạn sẽ thành cái kết tuyệt vời của trường ca như đã nói trên. Với tôi, anh là nhà thơ đúng như Trịnh Thanh Sơn viết mà anh Lê Thiên Minh Khoa dẫn: Một tài năng bẩm sinh, giọng thơ rất riêng đầy ma lực…
    Đây là đoạn trở thành khúc kết trường ca anh viết sau đó mà tôi vẫn giữ làm kỷ niệm:

    Ai là bạn
    Hãy đến với chúng tôi xoải chân trần trên cát
    Lắng tiếng trở mình thao thức phù sa
    Nghe đất thở dưới tán rừng châu thổ
    Sưởi làn hương thắp Tết ông bà
    Xin bạn cứ ruổi rong thỏa thích
    Trước vòng cung đầy nắng nước non tôi
    Cùng vỗ chiêng cồng
    Như vỗ những mặt trời nho nhỏ
    Sẽ gặp đàn chim cổ tích bay ra
    Bạn thử ướm bàn chân tõe ngón
    Những bước bùn, bước mẹ, bước em tôi
    Bạn sẽ hiểu vết bùn như máu đọng
    Trên vai trần, trên tóc khét cha tôi
    Tôi sẽ hát bạn nghe
    Những làn chèo võng đêm thị rụng
    Nhịp với trống quân trống quýt trống cò
    sẽ thở khúc nam ai
    Sẽ mở điệu nam bình
    Sóng sánh sông Hương nối thuyền tình tím áo
    Sẽ hát dưới vòm trời thăm thẳm
    Trước rộng dài bát ngát Cửu Long
    Ôn ý chí anh hùng đi khẩn đất
    Mở rộng dài cho câu lý bay lên
    Tiếng cồng âm dương
    Điệu hát
    Giọt buồn
    Đều hồn quê tôi đấy
    Nó là hồn thiêng
    Và, nó cũng hồn người
    Ai là bạn sẽ tìm ra thơm thảo
    Xoải chân cùng ngang dọc nước non tôi
    Một đất nước
    Giặc tan lại tới hồ trả kiếm
    Nhân dân tôi không trả oán bao giờ
    Lẽ nhân nghĩa tự hóa rừng kiếm sắc
    Kết như tràm, như đước ngút ngàn kia…

    Chúc trang văn nhà thơ Vũ thanh Hoa giới thiệu nhiều tác phẩm hay.
    Qua vuthanhhoa.net xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới nhà thơ Hoàng Quý và gia đình!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu