Giọt xa – Hoàng Quý

VTH – Gọi điện Chúc Tết sớm nhà thơ Hoàng Quý và hỏi xin anh chùm thơ Xuân cho vuthanhhoa.net. Nhà thơ lật giở 4 tập thơ anh đã in với ngót 300 bài chỉ vẻn vẹn tìm được 3 bài gồm “Hơi thở mùa xuân”, “Khúc Hoa đào” và “Mùa xuân trong mắt”. Anh lại bảo, đăng chùm thơ viết về bạn anh được không? Người bạn mà anh nói là Nguyễn Đình Chiến.

Hoàng Quý – Nguyễn Đình Chiến là bạn tri kỷ. Cách ngày mất chừng một tháng, Nguyễn Đình Chiến còn gọi điện thoại cho Hoàng thi sĩ hẹn sẽ vào Vũng Tàu. Không phải bỗng dưng Hoàng Quý có ý muốn đăng chùm thơ  vào ngày 30 tháng Chạp, bởi đó cũng chình là ngày nhà thơ Nguyễn Đình Chiến ra đi mãi mãi… Được biết, giữa hai nhà thơ là một tình bạn đẹp hiếm hoi.

vuthanhhoa.com trân trọng giới thiệu 2 bài thơ riêng tặng Nguyễn đình Chiến của nhà thơ họ Hoàng vào những giờ cuối cùng của năm Đinh Dậu…

  • Vài nét về nhà thơ Nguyễn Đình Chiến: 
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến

Nguyễn Đình Chiến tuổi Nhâm Thìn, là một nhà thơ nổi tiếng của thập kỷ 80 cùng thời văn với những tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Đinh Nam Khương… Những bài thơ như “Giấc ngủ của trẻ em làng chài”, “Rừng Lào”, “Gặp lại các em”, “Trường ca – Cu – Tu Dốp và Na – Pô – Lê – Ông” khảng định tên tuổi một nhà thơ duy tình lẫy lừng của một thời đã qua. Ông mất vào khoảng 15h ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (2014) khi mới hoàn thành chương Tây Bắc của “Trường ca Điện biên phủ”.

GỌI NGUỜI

Tặng Nguyễn Đình Chiến

Bãi khách ấy có rất nhiều săng lẻ
Đêm dừng chân ngửa mặt lên trời
Cánh võng mắc như thuyền chợt đi, chợt đến
Có ai người trở lại nữa hay thôi?

Tôi từng tới rừng kia một ngày xa ngái
Hái đầy tay những trái giòn xanh
Chiều hút tầm bom, mặt mày xạm khói
Đã cười đùa toàn những chuyện huyên thuyên

bo-doi-truong-son

Trời trở rét úp thìa cho bớt rét
Túm tít xem trăng, trăng đã qua trời
Sương ướt giọt quờ tay sang võng cạnh
Trong đám chiều qua có đứa đi rồi

Tôi từng khóc một chiều bãi khách
Thằng bạn người Nùng chết tuổi thanh niên
Cơn sốt rét bất ngờ không thuốc
Bó theo người đọc tấm tăng con

Có những cuộc đời như trăng khuyết tuổi
Tất tật đem cho không toan tính điều gì
Bãi khách ấy
Vạt rừng săng lẻ ấy
Bao người đi qua…

Đồng đội tôi giờ thưa thớt cả
Đứa cấy ruộng quê
Đứa tất tả thị thành
Tôi chỉ muốn gào to trước cánh rừng xưa cũ
– Có ai về mắc võng với tôi không?!

Đường 20, Tây Trường Sơn, tháng 5/2005

GIỌT  XA

  • Nhớ Nguyễn Đình Chiến

Bạn về nơi ấy
Vạt lau trổ bông
Đường xa mê đắm
Trời trôi vệt sương
Bạn về nơi ấy
Bỏ ta lại nơi
Dở dang câu hát
Người đi
Ngợp trong dòng người…

hai au bay

Bạn ơi ta nhớ
Vầng trăng lạnh tê
Chiều buông tuyết trắng
Niềm riêng nghẹn mơ
Bạn còn chưa nói
Một câu biệt ly
Biển sôi tăm sóng
Để ta ngơ ngóng miền trời…

Tìm lên giọt xa
Cơn mưa cuối cùng
Lật trang buồn trong
Câu thơ cháy lòng
Còn kia!

Chiều nay hải âu
Chao trên sóng lừng
Bạn không còn đây
Riêng ta hát thầm
Hát thầm…
Giọt xa!…

Chiều Vũng Tàu, 18/4/2016

HOÀNG QUÝ

1 comment

  1. Tôi xuôi Yên Bái, lúc vui ôn những kỷ niệm với bạn bè, các anh, chị nơi đây nhắc tới Hoàng Quý, Nguyễn Đình Chiến. Các bạn hát “Giọt Xa”. Tôi hỏi ca khúc của ai. Các anh, chị bảo Thơ Hoàng Quý, nhạc cũng Hoàng Quý. Tôi kinh ngạc. Ca khúc phổ thơ hay day dứt, mang nỗi buồn đẫm ướt, nhưng trong trẻo lạ lùng. Biết tôi nhớ hai anh, một người còn, một người đã khuất, nhà văn HTS bảo nhắc đến người này là nhớ đến người kia. Từ thông tin HTS cho, tôi về nghỉ ở KS Đường Sắt ga Yên Bái, không ngờ được xếp ở đúng phòng 6, cái phòng mà tháng Chạp năm Tân Tỵ Nguyễn Đình Chiến làm “Vệ Nhân” (chữ của Nguyễn Đình Chiến mỗi khi song hành cùng Hoàng Quý) đưa Hoàng Quý về Yên Bái. Chị KN dặn, anh tranh thủ vào vuthanhhoa.net, cứ chọn chuyên mục Văn nhân Thi hữu là gặp Hoàng Quý đấy.
    Tôi gặp nhiều thơ Hoàng Quý đăng ở đây, cứ bần thần nhớ các anh!
    Tôi nhớ tháng 3/2003, sau khi Nguyễn Đình Chiến trong chuyến đi điền dã trước đó lấy tư liệu để viết “Trường ca Điện Biên Phủ” tìm thấy tên Liệt sĩ Hoàng Thục – anh trai nhà thơ Hoàng Quý khắc trên tường Tưởng niệm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1, đã lập tức điện báo và đón Hoàng Quý Lên Điện Biên Phủ. Anh trai Hoàng Thi sĩ an nghỉ đâu đó trong nghĩa trang này, chung với những người lính vô danh, chỉ còn tên ông khắc trên tường bia. Dẫu không có mộ riêng nhưng có lẽ cũng an ủi phần nào nhà thơ Hoàng Quý và thân thân nhân. Ngày tạm biệt Điện Biên, Nguyễn Đình Chiến và Hoàng Quý hủy vé bay, các anh về theo lối Pha Đin và thăm tôi ở Hòa Bình. Đêm bên bếp nhà sàn của gia đình tôi, Hoàng Quý đọc bài thơ “Viết trên đèo Pha Đin” còn ướt mực lúc trên đèo. Bài thơ mà Nhà văn Hà Phạm Phú phải kêu lên “Đây là khúc tráng ca của lịch sử, tình yêu”. Nó được in trên báo Văn nghệ ít ngày sau đó và ngân vang trên sóng phát thanh của Đài TNVN.
    Tôi nhớ ngược lên nữa, mùa thu, tháng 8 năm 2001 Nguyễn Đình Chiến phôn cho tôi bảo, tớ đi Đà Nẵng, Hoàng Quý đang làm thuê ở đó thúc tớ vào với Thành phố Sông Hàn. Lão ấy thúc liên tục, lại bảo, đang làm ở đây, có điều kiện đón bạn, hết việc không có tiền đón nhau đâu. Chừng 10 ngày sau Chiến phôn về đọc cho tôi chép “Thư ở Sông Hàn” và “Trong Bảo tàng Chăm” của Hoàng Quý, còn cười rất to bảo, lão Quý viết cực hay và viết rất nhanh, tớ cũng mài gãy ngòi bút mà chả được bài nào. Tôi mang xuống Hà Nội đưa cho Trần Quốc Thực, Báo Văn nghệ lên trang chùm thơ ấy chỉ mấy ngày sau đó. Nhớ mãi kỷ niệm về họ.
    Tôi đọc được cả “Gọi người” và “Giọt xa” sau đêm thức, ở đây. Rất nhớ các anh, nên kể lại một chút những chuyện cũ. Đúng như chủ nhân trang website viết: ” Giữa hai nhà thơ là một tình bạn đẹp hiếm hoi”.
    Tôi nghĩ, trang mạng này sẽ đồng hành cùng tôi từ lúc này. Và tôi sẽ có dịp kể về hai nhà thơ danh tiếng.
    KS Đường Sắt Yên Bái, 25/7/2018
    NTA

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu