VTH – “Cây tam cúc” là một trong những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm mà tôi rất yêu thích, mời quý vị cùng đọc lại bài thơ nhân dịp xuân về qua lời bình của nghệ sĩ Vân Đình Hùng:
Cây tam cúc
Hoàng Cầm
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.
Đứa được
Chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.
LỜI BÌNH CỦA VÂN ĐÌNH HÙNG:
Bài thơ Cây tam cúc của thi sỹ Hoàng Cầm trụ vững với thời gian. Gần 50 năm, từ khi ra đời đến nay, nó được bạn yêu thơ đón nhận, và làm hao giấy, tốn mực khá nhiều của các nhà phê bình, nghiên cứu lý luận, đặc biệt là những người nghiên cứu và yêu thơ Hoàng Cầm. Một nhà thơ đại diện cho vùng văn hóa Kinh Bắc giàu truyền thống.
Ăn cơm tấm ấm ổ rơm. Câu cửa miệng của người dân quê thường nói vậy. Hơi ấm ổ rơm phả từ câu thơ trong bài Cây tam cúc của thi sỹ Hoàng Cầm. Nó ấm hơn bởi hai chữ rút trộm, mà rút trộm của nhà mình. Cậu bé giấu mẹ, giấu cha, rút trộm rơm trải ổ thay chiếu để các bạn và người Chị hàng xóm chơi bài tam cúc, trò chơi con trẻ có sức hấp dẫn cả lớp người lớn tuổi. Vì vụng trộm mà ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì, rơm thơm thôn nữ, thật tinh khiết. Có lẽ thời gian ngừng trôi sau chữ đương thì !
Từ góc nhìn thơ bé, nhưng đã in hình được vẻ đẹp thôn nữ với mùi hương mộc mạc từ hơi tóc ấm thơm mùi con gái đã làm cậu bé Bùi Tằng Việt (tên khai sinh của nhà thơ) đa cảm xao xuyến. (Thi sỹ Hoàng Cầm đã từng thú nhận mình có một tội là yêu quá sớm!).
Những con chữ của bài thơ mà người đọc cảm nhận được ngoài nghĩa đen còn có một lớp nữa nằm ngay phía dưới. Đó là dòng chảy ngầm dẫn dòng thơ lan tỏa, gây tác động nhiều chiều vào người đọc. Đó là một xã hội thu nhỏ thời ấy, ở nông thôn. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhân vật Chị và Em, giữa những người chơi bài với tướng điều, sỹ đỏ, tịnh vàng. Màu vàng son vương triều qua những cây tam cúc cũ đã cong mép…
Giữa bài đã có Chị gọi đôi cây/ Trầu cay má đỏ. Một cây trầu cay, một cây má đỏ mà thành đôi. Đôi cây, đôi lứa, đúng đôi. Má Chị ửng hồng khi gọi đôi ở ván bài con trẻ trong trò chơi tam cúc làm ổ rơm thêm ấm, làm cậu Em phải mượn việc ghé cây bài để tìm hơi tóc ấm. Cho nên mới Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi. Đây có lẽ là câu thơ hay nhất của bài. Vừa như muốn thời gian ngừng lại nhưng có phần nũng nịu, e dè, vừa như nuối tiếc vừa như ước ao.
Em muốn đưa Chị về quê mà phải đổi xe hồng, kết xe hồng thật sang trọng. Chữ kết có hai nghĩa. Cuối mỗi ván bài tam cúc, người cầm cái, còn đôi xe hồng, ngả bài, gọi là kết xe hồng. Nhưng kết xe hồng còn có nghĩa nữa là kết xe hoa, mời Chị lên xe hoa Em vừa kết để Em đưa Chị về quê Em! Cách nói ấy vẫn thấy trong cách nói ý nhị của người dân quê, không muốn nói thẳng ý định của mình. Tục tảo hôn ở nông thôn Việt cổ vẫn còn, vẫn thịnh hành lúc đó. Vậy ước nguyện của thi sỹ lúc trẻ ấy, trong bài thì rõ quá, cần gì phải bàn thêm! Nhưng ước muốn vẫn chỉ là điều ước. Do vậy câu thơ mới sống lâu đến thế! Mãi đến tận bây giờ đọc lại Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi, vẫn thấy dưng dưng.
Cuối bài là Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi kết thúc trò chơi tam cúc trẻ thơ làm người trong cuộc bâng khuâng đứng ở khúc rẽ nhìn theo gọi đôi đau đớn. Xe hoa đón Chị là võng mây, võng trôi từ từ, thật chậm, thật nhẹ trước mắt Em. Ngựa quan đi trước, võng Chị theo sau. Phận Chị đã có khúc ngoặt, vì đã lọt mắt quan đốc đồng. Lễ rước dâu thật khác lạ trong mắt nhân vật Em thẫn thờ gọi đôi.
Tình yêu và xa cách – chủ đề muôn thuở cho đề tài tình yêu mà nhiều loại hình nghệ thuật đã thể hiện. Trong thi ca, đề tài này từng có thời chiếm độc tôn trên thi đàn. Gửi tình yêu thơ ngây của mình trong canh bạc con trẻ chắc chắn thua cuộc bởi sự non nớt, ngờ nghệch. Bài thơ Cây tam cúc của thi sỹ Hoàng Cầm có đời sống riêng từ khi nó ra đời. Nó đã bay cao hơn, xa hơn bởi ma trận chữ vi diệu khi chúng đứng cạnh nhau thành một bài thơ toàn bích. Cái se lạnh lúc chia tay, cái khắc khoải tiếc nuối lặn thật sâu, thật sâu trong cõi lòng những người vẫn còn yêu, không chừa yêu, lẩm nhẩm gọi đôi như người mộng du.
Hòa Lạc, 16/11/09 – Vân Đình Hùng