Đồng hương – Vũ Thanh Hoa

VTH – Gặp anh bạn hiện là Giám đốc một công ty truyền thông, anh ấy kể: Mình đi khắp nơi trên thế giới thấy người ta chỉ quan tâm người nước nào thôi và nếu có hỏi ở địa phương nào thì cũng chỉ là một câu xã giao lịch sự VTH ạ, nhưng sao nước mình cái từ “đồng hương” ấy nó thiêng quá, quan trọng quá, đến nỗi người ta có thể dùng “đồng hương” để qua lọt rất nhiều cửa, nhiều tầng, nhiều phi vụ và nó sinh ra hàng trăm hàng ngàn hệ lụy khác… Mình bảo: Em cũng thấy vậy mà không rõ vì sao, hay là nói thì rõ to, rõ thoáng nhưng vẫn chả bước ra nổi cái cổng… làng? 

Gặp một người cần nhờ vả, gặp một cô gái cần tán tỉnh, gặp tình thế khẩn cấp, hay có khi chỉ trong một cuộc vui chơi… đâu đâu người ta cũng đem từ “đồng hương” ra để sử dụng, tận dụng hoặc chính xác hơn là lợi dụng triệt để! Tôi thấy ban đầu người ta nhận đồng hương…vùng miền (Miền Nam, Miền Bắc hay… miền Trung?) Rồi tiếp theo là đồng hương…tỉnh ( Thanh Hóa, Quảng Ngãi hay Nghệ Tĩnh?) Tiếp theo là đồng hương…huyện…rồi đồng hương… xã và…rồi đến đồng hương làng, đồng hương xóm… Ôi, con cháu Vua Hùng xét ra phức tạp thấy sợ!

Đi đâu cũng chăm chăm tìm đồng hương, thể hiện một quan điểm cục bộ, bảo thủ, thiển cận, tưởng là đoàn kết nhưng kỳ thực là mầm mống của sự chia rẽ. Sẽ rất chán và nhạt khi ta chỉ chơi với bạn đồng hương, chỉ yêu đồng hương, lấy đồng hương và bảo vệ… đến cùng chỉ vì là đồng hương!!!

Nhưng những điều ấy vẫn đang tồn tại và hình như còn có xu thế phát triển mạnh.

Không thể phủ nhận được những lợi ích mà những người đồng hương đem lại cho nhau, đó là sự đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ… và phát triển thành những cộng đồng vững mạnh hài hòa nhưng nếu quá một chút, nó lại rất phản cảm.

Bạn thử ngồi trong một cuộc nhậu, một buổi trò chuyện, sinh hoạt tập thể nào đó ở nước ta, thế nào cũng không tránh khỏi chủ đề… đồng hương! Và nếu “rượu vào cao máu” khích bác vài câu, thế nào cũng có vài anh “Bất đồng hương” choảng nhau ra trò không thì cái lực lương yếu thế nhất trong bàn thế nào cũng phải im thin thít bởi bàn nhậu 5 người thì có đến 4 anh Miền Trung mà chỉ 1 anh Miền Bắc hoặc 3 anh Nam Bộ mà lọt vô 2 anh Bắc Kỳ! Thế là kháy nhau đủ chuyện và ngấm ngầm có một làn sóng cô lập hoặc công kích nhau, nhẹ thì vui vui mà nặng có khi mẻ vài cái răng!

Tôi nhớ có lần xem trên tivi chương trình thi tài năng nước Mỹ, Giám khảo hỏi một cậu bé: Bạn từ đâu đến? Cậu bé đáp: Tôi từ Hàn quốc. GK: Bạn thích gì? Cậu bé: Tôi thích Nhảy! GK: OK vậy chúng ta là bạn vì tôi cũng thích nhảy. Những người trên trái đất này thích nhảy đều là bạn tôi. Xin mời bạn cùng nhảy nhé.

Và như thế, đồng hương chỉ là đồng hương mà thôi, con người muốn là bạn tốt với nhau còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác, không biết tôi nghĩ đúng không nhỉ?

Vũ Thanh Hoa

VT – 2o10

3 comments

  1. 1- không thể tán tỉnh đồng hương: biết tẩy và lhos chạy 🙂
    2- gene không phát triển hay tiến bộ ( không qua khỏi gốc đa đầu làng

    1. Người ta lắm khi lợi dụng cái sự đồng hương ấy vì nhiều mục đích, mà đa phần là để thoả mãn lợi ích của chính họ – lợi ích vật chất

  2. Tôi vẫn nghĩ thơ em như suối mát/Lắm ưu tư trăn trở giữa dòng đời/Giàu nội lực nên cũng nhiều khao khát/Trót yêu rồi phải tiếp cuộc rong chơi/Thì em nhé, hãy tin rằng hạnh phúc/Rất nhiều khi hờ hững với nhân gian/Trời cho em trái tim và khối óc/Hẳn thế nào cũng để ít đa đoan!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu