VTH – Nhạc ngoại lời Việt vẫn âm thầm chảy trong ký ức và trái tim người hâm mộ… mời bạn đọc bài viết về dòng chảy đầy cảm xúc này của Vũ Thanh Hoa trên báo Vũng Tàu chủ nhật tại đây:
Cố ca sĩ Ngọc lan, người để lại những ca khúc nhạc ngoại lời Việt thành công
MỘT DÒNG CHẢY CẢM XÚC TỪ NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT
Một lần đi dự đám cưới của đôi bạn trẻ thế hệ 9X, khi cô ca sĩ trên sân khấu hát: “Lãng du khắp nơi/Anh với em cùng lênh đênh quên tháng ngày/Lãng du khắp nơi/Anh ước mong được ôm em trong giấc mộng…” Tôi hơi bất ngờ, đó là bài hát tiếng Pháp ” L’aventure “ra đời từ thập niên 60, chuyển lời Việt của Vũ Xuân Hùng -Nguyễn Duy Biên với tựa đề “Lãng Du”… Và tôi nhận ra: vẫn luôn có một dòng suối thanh âm lặng lẽ chảy qua nhiều thế hệ, đó là những bài hát nhạc ngoại quốc bất hủ của kho tàng âm nhạc thế giới bằng tiếng Pháp, Anh, Nga,Trung… có tuổi đời hàng chục đến cả trăm năm được đặt lời Việt, gắn bó với các thế hệ người nghe qua nhiều giai đoạn lịch sử cùng đất nước.
SỰ DU NHẬP CỦA NHẠC NGOAI
Nhạc ngoại lời Việt gồm: nhạc chuyển ngữ tiếng Việt và đặt lời tiếng Việt trên nền nhạc ngoại. Có nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt của cả 2 hình thức này đã rất thành công trong đời sống tân nhạc của Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
Sau Thế chiến thứ I, người Pháp cùng với nền văn hóa Tây phương du nhập vào Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc phương Tây, không chỉ những sáng tác của các nhạc sĩ tiền chiến mang phong cách châu Âu mà khá nhiều các bài hát nhạc Pháp đã được du nhập. Thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy nổi lên như một hiện tượng không chỉ với những sáng tác của ông mà còn với việc soạn lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc đã trở nên phổ biến ở Việt Nam như: Em đẹp nhất đêm nay, Ôi giàn thiên lý đã xa, Những mùa nắng đẹp, Khi xưa ta bé, Khúc hát thanh xuân, Dòng sông xanh…
Ca sĩ Nguyễn Hưng cũng thành công với nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt
Ngoài Phạm Duy, còn một số tên tuổi khác như: Vũ Xuân Hùng, Lữ Liên, Trường Kỳ, Khúc Lan, Nam Lộc, Nguyễn Duy Biên, Tùng Giang… đã rất thành công khi chuyển qua tiếng Việt từ các bài nhạc Pháp như: Búp bê không tình yêu, Em đẹp như mơ, Chuyện phim buồn, Lãng du, Nói sao cho em hiểu…NS Vũ Xuân Hùng tâm sự: “Chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt không đơn giản chút nào.Thứ nhất, phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ. Kế đến, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác, điều cần nhất phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên “chế” lời. Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung”.
Trước năm 1975, một số bài hát tiếng Anh đã được các nhạc sĩ Việt Nam Phạm Duy, Trường Kỳ, Tuấn Dũng đặt lời Việt như: Người yêu nếu ra đi, Bài luân vũ mùa mưa, Không Cần Nói Anh Yêu, Yêu em bằng cả trái tim, Trưng Vương khung cửa mùa thu, Tình ca du mục… Còn ở miền Bắc, sự giao thoa văn hóa của hệ thống các nước XHCN cùng những tên tuổi thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ gạo cội được đào tạo bài bản tại Liên Xô và một số nước Đông Âu cũng chuyển ngữ thành công một số bài hát Nga bất hủ như: Triệu đóa hồng, Kachiusa, Cây thùy dương, Thời thanh niên sôi nổi, Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Ơi cuộc sống mến thương…
Đến những thập niên 80-90, thời kỳ chuộng nhạc Hoa lời Việt, những ca khúc đã gắn bó tên tuổi của thế hệ Minh Thuận-Nhật Hào, Lam Trường, Đan Trường, Lý Hải…như: 999 đóa hồng, Kiếp ve sầu, Mùa thu lá bay, Người đến từ Triều Châu, Người tình mùa đông, Xa em kỷ niệm…
VÌ SAO NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT KHÔNG CÒN THỊNH HÀNH
Có nhiều lý giải từ giới chuyên môn về sự biến mất của dòng nhạc quốc tế chuyển ngữ tiếng Việt trong những thập niên gần đây.
Theo nhạc sĩ Lê Quang: “Giới trẻ ngày nay thích hát nhạc tiếng Anh nguyên bản bởi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến. Vì vậy, công việc chuyển ngữ tiếng Việt những ca khúc tiếng Anh gần như không hợp thời. Việc chuyển ngữ sang tiếng Việt không nhiều người có khả năng làm tốt, làm hay nên người hát chọn cách thể hiện ca khúc nguyên bản là giải pháp an toàn”.
Còn theo nhạc sĩ Trần Minh Phi thì đây là một xu hướng chung của thế giới. “Không nhìn đâu xa, hãy nhìn vào nền âm nhạc của nước trong khu vực. Họ không chỉ thường xuyên chèn vào bài hát của mình những đoạn điệp khúc bằng tiếng Anh, hay đặt tên bài hát bằng tiếng Anh mà còn hát hoàn toàn bằng tiếng Anh, thay vì tiếng bản ngữ. Cho nên Vpop cũng bị ảnh hưởng và lâu dần dẫn đến hiện tượng ca sĩ không còn hứng thú hát bài hát chuyển ngữ nữa”
Ngoài ra, hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội Bản quyền âm nhạc quốc tế nên việc đặt lời hay chuyển, soạn lời cho các bài hát quốc tế trở nên phiền phức và khó khăn hơn ở khâu phát hành. Theo Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, những bài hát nước ngoài được Việt hóa phần lời phải được phép sử dụng bản quyền của tác giả. Có trường hợp người sử dụng phải liên lạc trực tiếp với tác giả để xin phép.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo, vị nhạc sĩ được giới trẻ yêu thích khẳng định : “Tuy có nhiều lý do để giải thích cho việc thiếu vắng dòng ca khúc nhạc ngoại lời Việt nhưng tôi dám khẳng định việc chuyển ngữ cho các ca khúc ngoại vẫn còn nằm trong nhu cầu và sự quan tâm của công chúng ”.
Thực tế thấy rằng, công chúng vẫn rất yêu thích mảng nhạc ngoại lời Việt nếu được người nhạc sĩ có tài, có tâm chuyển tải đầy đủ về nội dung, thăng hoa về cảm xúc để họ thưởng thức trọn vẹn nhất một tác phẩm bất hủ quốc tế.