7.
Đã tàn cây, tái lạnh da người
Củi chất đầy hồn đốt hoài không nháng lửa
Giã biệt mùa thu !
Một câu hát buồn !
Trong điệu thức trầm luân tiếng gió
Từ tạ sắc may hồng
Thôi, xin lá một lần thêm
Một lần chở che cho đất đai khốn khó
Trả vía đất cây đâu tiếc lá
Mang nặng vía người ta trả cho ai ?
Thơ mộng du về phía rộng dài
Phía rộng dài bời bời lá đổ
Thơ chiêm bao về đậu cõi người
Em Tấm hả hê làm mắm con dì ghẻ …
Lỗi của ta là rất nhiều yêu
Lỗi của ta là quá nhiều say đắm
Quá nhiều cả tin
Quá nhiều hy vọng
Trước trùng vây phờ phỉnh hư danh
Cố tin rằng quả thị giấu nàng tiên
Cố tin lồng son chim vàng anh đến ở
Em cô đơn. Em chiếu chăn buồn
Quên quá nửa vòng xoay vì ta em héo úa
Như cây ! Em vời vợi buồn thu
Như đất trơ ta ủ lá em cho không đớn đau
không tiếc xót …
Lấy cả trời xanh gương lược cho mình
Em – Cội rễ của Thu Vàng thì ta quên hết !
8.
Ôi ! Nhân dân tôi
Nhân dân cô đơn
Nhân dân khiêm cung
Kham nhẫn và dịu dàng
Người là nước mà luôn thiếu khát
Người như lúa khắp ruộng nương nước Việt
Những hạt lúa dại vụng
Ấm và xót
Ngoi trên nắng
Dạt trên nước
Xác cháy trên tay chai
Xướp ráp tận ruột
Lấm láp và tinh tươm
Thơm tho sen súng
Giấc mê mẩn người
Thảng như ca dao
Xum xuê như cổ tích
9.
Ôi ! Nhân dân kiêu dũng của tôi
Nhân ái và thật tha`
Cởi mở và bồng bột
Người nâng thuyền mà nổi trôi như lá
Người bộc trực, tuyềnh toàng
Cả nghe và hiếu thiện
Tin đạo mà chở đạo
Đạo rối
Thuyền chao
Qua mỗi cửa bão giông lại đắm đuối nâng thuyền
Néo chèo theo lái
Bến yên bình một giấc tít xa
Mà người có bao giờ không nhẹ dạ
10.
Khi Tổ quốc lâm nguy
Người mài gươm tuốt giáo
Rèn ngựa sắt
Đúc trống đồng
Lớp lớp hóa thành Ông Gióng
Giáo gươm gãy vơ cuốc thay rìu
Gậy sắt gãy nhổ tre làm chiến cụ
Chả kể máu xương thương tích đầy mình
Bốn phía
Người là lá chắn !
Người thích những làn chèo lịm ngọt
Khúc lưu thủy lếnh loang vời vợi gió đồng
Một luyến nam ai, một láy nam bằng
Một vuốt chói trên ngón đờn tài tử
Những lời hằng yêu
Xanh như mạ
Dễ yếu đau như mạ
Chia sớt
Nhớ thương
Như kênh rạch chịt chằng
Nảy nót tóc đuôi gà yếm thắm
Váy túm tó xả buồn mẹ Đốp
Oan đau ẩn Thị Kính, cô Màu
Khi vụng trộm lơ lác Tuần Ty
Lúc cả ghen chiết chì Đào Huế
Thương trách ròng ròng men ủ sáu câu
Xem nỗi người phôi pha như đất !
11.
Khi nhân dân tôi đắp luỹ Sông Cầu
Vua xuống lũy như dân !
Khi nhân dân tôi họp Hội Diên Hồng
Vua ngồi giữa nhân dân !
Những rừng cọc Bạch Đằng
Như thế đứng ngàn năm vát nhọn
Bao đạo binh hung hăng
Bao chiến thuyền dữ tợn
Tan chìm
Và tả tơi !
Rồi vàng son lại cao thấp vàng son
Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn
Thương, sĩ náu kinh kỳ cửa hẹp
Phượng, nghê thiêng đội nến sân chầu
Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt
Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột
Hoa mướp vàng
Rơm rạ cũng vàng ngây
Phên rách tháng ba rào thưa ngày tám …
12.
Tôi đi tìm hồn cốt dân tôi trong mảnh gốm mảnh ghè
ẩn dưới bùn đất ấm
Dưới tán cây
Trong đá cứng
Ven núi đồi khai mê
Sau lớp lớp phù sa thiên cổ
Nâng ngắm
Tìm soi
Cố hiểu những tín xác mờ cũ
Tôi thở cùng đất đai từ mảnh tước sứt vỡ
Lặng trước thạp đồng in dấu quần hôn
Những tượng cóc cầu mùa
Bầy chim lạc mỏ tên không biệt phân cao thấp
Lưỡi cuốc đá, lao dài
Mũi tên đồng, hái sắt
Hùng vĩ binh thuyền vút vành trăng khuyết
Đi băng băng qua hoa sóng kỷ ha`
Để chạm mặt thuở hoang khai Tiên Tổ
Xin – người – hãy – nhận – ra – tôi !
Tôi ! Đứa con chắp nối cuả người
Nở từ thời trăm trứng
Da vàng
Mắt hạnh
Đen tóc
Và đỏ trầu
Lá chuối hơ mềm như kén tằm bọc ủ
Mẹ vẫn lên rừng
Cha vẫn đi khơi
Giết Giao Long và trồng khoai lúa
Vẫn hú gọi nhau ấm cả triền sông đỏ
Cần mẫn
Âu lo
Khi tùng tiệm
Khi cởi lòng phơi dạ
Quen sống vì người
Và, đắm đuối vì nhau !
13.
Hạt lúa cháy than
Đã hoá thạch từ Phùng Nguyên, núi Đọ
Giấc nguyên lúa
Tín xác gửi người sau !
Sẽ hạnh phúc tột vời có một lần hái lượm
Giữa bạt rừng rợp bóng Mẹ Tiên
Thoả sức với Cha Rồng xuôi bể
Xăm kín mình rồi kéo mặt trời lên
Sẽ run rẩy ướm gậy đồng nón sắt
Vùi cát Chử Tiên xem tắm Tiên Dung
Thư thái rước Bánh Tròn Vuông Trời Đất
Theo Lang Liêu dâng tiến Vua Hùng
Nhưng giấc mơ
Giấc mơ lúa thiêng
Trôi vừa chớm ban mai là hoá thạch !
Một giấc hiền thục đất
Trải bốn ngàn năm sinh !
…
(Còn tiếp)
Hoàng Quý
Đêm nay là một đêm đặc biệt. Tôi vừa cùng bè bạn dạo một vòng Hồ Gươm để chia tay năm cũ. Trời rét quá. Lướt mạng thì bất ngờ tìm được vuthanhhoa.net và gặp ngay một tiếng thơ mà tôi biết tác giả vào năm 2007.
Đầu thu 2007, tại hội trường Viện Âm nhac Hà Nội, sinh viên Khoa Sáng tác Trường Đại học Văn hóa chúng tôi có cuộc giao lưu với học viên khóa 1 Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Tôi lần đầu được biết nhà thơ Hoàng Quý, được nghe ông đọc thơ. Ông không đọc thơ mình trước mà đọc Dân Ca – một bài thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương. Tôi nhìn thấy nhà thơ Vũ Quần Phương rất xúc động. Thầy Văn Giá bảo chúng tôi: Các em biết vì sao một tên tuổi như Hoàng Quý không đọc thơ mình trước mà đọc thơ VQP không? Bác VQP là hiệu phó khóa 1 các em biết rồi. Đó là văn hóa ứng xử của một tầm văn hóa kính lễ một tầm văn hóa dù họ đều là các nhà thơ tên tuổi, dù chỉ học ở TT vài tháng của nhà thơ Hoàng Quý. Ứng xử ấy của ông tôi nhớ mãi!
Sáng 14/Giêng/2009 Nhà thơ Hoàng Quý nhận lời mời của thầy Văn Giá đến đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam do trường tôi tổ chức. Tôi nhớ như in cách ăn mặc giản dị của ông. Ông mặc bộ đồ quân phục cũ, là ủi phẳng nếp. Khi ông đọc bài thơ Gọi Người tất cả im phăng phắc. Giọng đọc sang và ấm. Bài thơ làm tất cả rung động: ” Đồng đội tôi giờ thưa thớt cả/ Đứa cấy ruộng quê/ Đứa tất tả thị thành/ Tôi chỉ muốn gào to trước cánh rừng xưa cũ/ Có ai về mắc võng với tôi không!”. Tôi và một vài bạn đã bật khóc ngay sau đó.
Sáng 15/Giêng tại Văn Miếu tôi và một số bạn trốn học để dự ngày thơ của Hội Nhà văn Việt Nam vì biết Nhà thơ Hoàng Quý sẽ đọc thơ ở đó. Và chúng tôi đã cùng hàng vạn người chật kín Quốc Tử Giám im phăng phắc nghe một trích đoạn hơn hai tăm câu trong trường ca Đối Thoại Trắng của ông. Ông đọc những câu thơ ông viết về Nhân Dân gây một sự rung động lớn. Thơ chúng ta chưa ai viết về Nhân Dân hay như thế, trung thực và đanh thép như thế. Đau đớn, đanh thép, rực lửa và sang trọng: ” Ôi! Nhân dân kiêu dũng của tôi/ Nhân ái và thật thà/ Cởi mở và bồng bột/ Người nâng thuyền mà nổi trôi như lá/ Người bộc trực, tuyềnh toàng/ Cả nghe và hiếu thiện…”. Tôi đã mấy lần dự các Ngày thơ Việt Nam tại miếu Văn linh thiêng nhưng chưa thấy ai đọc thơ hay đến vậy, truyền lan và gây xúc động đến vậy. Bao nhiêu là hoa tặng ông. Ban tổ chức phải đỡ hoa cho ông. Mấy đứa sinh viên nghèo chúng tôi cứ ân hận quên góp tiền mua hoa tặng ông. Cmt này nhờ chị Vũ Thanh Hoa chuyển tới ông như một lời xin được thứ lỗi cho sự chưa chu toàn ấy. Chị Vũ Thanh Hoa ạ, hai lần được nghe thơ của ông như tôi kể lại đã thay đổi nhiều , rất nhiều nhận thức và cả con đường văn chông gai mà tôi và bạn bè tôi mới chỉ bắt đầu.
Năm mới kính chúc trang của chị Hoa ngày một phong phú và mang tới bạn đọc nhiều tác phẩm tinh hoa!
Năm mới kính chúc sức khỏe và hạnh phúc tới gia đình và cá nhân Nhà thơ Hoàng Quý!
Trời ạ! Pha Lê đít chai ơi! mèo hoang đây. Cách cách nhà mi quá kém, tau hay vào websit chị Vũ Thanh Hoa. Cách cách nhà mi viết cái cmt làm tau nhớ cái bữa ở Văn Miếu quá. Bác Hoàng Quý đọc thơ và đối thoại ngắn với MC Đỗ Trung Lai xong, tau với mi chen vào không được. Bác bị bao vây do nhiều thính giả xin chụp ảnh và hỏi han. Mãi mới “túm” được. Tau vẫn nhớ bác í mặc bộ com lê, bên trong là cái áo len cổ lọ, ôm không xuể hoa, có một chị dong dỏng cao ôm hoa hộ. Tau hỏi bác mà mày cứ giật tay bảo hỏi in ít thôi. Đồ cách cách cận thị. Nhà mi vẫn tiếc vì không xin mấy dòng của bác Quý. Tau vẫn giữ trang giấy xin bác í sau khi hỏi: Bác Nguyễn Đình Chiến bảo là bác không biết uống rượu, cháu không tin. Bác cười to nhìn tờ giấy trên tay tau và bảo để bác viết và ký cho, xin chữ ký phải không. Giờ tau chép ra đây cho nhà mi đọc lại : ” Hũ rượu rắn cạp nong, hổ lửa/ Chiều nay vui bạn rót lu bù/ Đêm rã rượu giật mình tự hỏi/ Nọc độc ta mời giết chế ai chưa?”. Bác Quý viết chữ nhỏ, đẹp và đều tăm tắp. Chữ ký đẹp như chữ thảo. Nhà mi viết mầy dòng làm tau nhớ kỷ niệm hồi nào quá. Tau có tập Ngang Qua Cánh Đồng của bác Quý do bác Nguyễn Đình Chiến tặng lại. Bản in lần thứ hai của NXB Hội Nhà văn. Giá có dịp gặp bác í, tau sẽ bảo bác kí cho tau một chữ.
Mà sao mi không dẫn cái câu mi hay lẩm bẩm: “Lấy cả trời xanh gương lược cho mình/ Em- cội rễ của Thu Vàng thì ta quên hết”. Vào Kon Tum chơi với tau. Tau đang thất nghiệp đây. Tau có khối bài viết về thơ bác Quý. Nhớ đít chai và các bạn khóa mình!
Tôi đọc Đối Thoại Trắng lần đầu ở đây. Thơ trác việt đương nhiên phải của bậc trác việt, nhưng lại sờ sợ rất mơ hồ. T không dám nói là đọc hết được thơ Việt ta 30 năm qua kể từ khi ham đọc. Làm sao mà có ai đọc hết được, đương nhiên! Nhưng rõ là với riêng tôi Đối Thoại Trắng khác tất cả những gì tôi đã đọc trước đó. Nói trắng ra là Đối Thoại Trắng nó không hồng hồng, trắng trắng, nhờ nhờ, hay quen quen. Nói trắng ra là nó không véo von con vẹt. Nó không…”Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, và nó không “ghì lấy gốc sim” vv. và vv.
“Ăn nhậu/ Làm tình/ Bôi xóa và tô vẽ/ Nói dối mãi thành quen/ Những con vẹt muôn màu trong chiếc lồng tao nhã/ Thật thà bơ vơ/ Thật thà thành khách trọ…” “Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt/ Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột/ Hoa mướp vàng/ Rơm rạ cũng vàng ngây…” “Rồi vàng son lại cao thấp vàng son/ Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn/ Thương, sĩ náu kinh kỳ cửa hẹp/ Phượng, nghê thiêng đội nến sân chầu…” ” Rồi một ngày, một ngày/ Em tô son,em chen hích chợ đời/ Thích rổn rảng Hello mà không chào bằng tiếng mẹ/ Thơ hoen rỉ tiếng chuông vui, có thể/ Những câu thơ hóa bụi/ Chất chồng trên giá sách kia/ Những câu thơ dạt xô trang trắng/ Thôi đành an ủi lấy mình/ Thầm ru/ Chờ một tháng ngày khác…” Thú thực, tôi bị tê điếng. Buồn lắm, đau đớn nữa, nhưng trung thực, rất trung thực!
Hôm qua vớ vẩn thế nào lại rách việc vào truongduynhat.org nhá phải cái bài rất “bố láo hay” là “Thơ: Cái họa người Việt của lão Trương Duy Nhất. Lão Nhất viết: “Tôi nhớ lâu rồi, có lần trên tờ Văn nghệ Trẻ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nói rằng: nhà thơ là phải biết uống rượu, biết say. Nếu nhà thơ nào không biết uống rượu, không biết say thì phải xem lại cái thứ anh ta viết ấy có phải thơ không?”. Trích Tạo xong, lão Nhất bình luôn: “Tôi tin lời anh Tạo như chính thơ anh vậy!”. Hihi! Hoàng Quý không biết uống rượu, rất óc- rơ với rượu, chắc chắn trăm phần trăm. Thảo nào, thứ chữ anh Quý làm ra… không anh Tạo. Chứ không đúng à?
Đọc trong Republic: “Cộng hòa” thấy Đại triết gia Hy Lạp cổ Platon nói thế này: “Hãy choàng vào cổ nhà thơ vòng nguyệt quế rồi đuổi họ ra khỏi nền cộng hòa”. Ông Hoàng Quý yêu quý ơi, sao ông cứ viết “không biết uống rượu, không biết say”, không viết hồng hồng, trắng trắng, nhờ nhờ? Ông dại quá!
Đọc cái cmt của Khuyết Danh tự nhiên thấy buồn cho văn chương ta. Ý tứ của KD tôi hiểu là không mượn Hoàng Quý để bôi bác gì anh Tạo. Chả qua là KD cũng như nhiều người đang phải “sực” quá nhiều thứ văn không ra văn, thơ không ra thơ mà khôi hài như thế.
Tôi biết cả hai anh, và tôi xin kể ” Chuyện bây giờ mới kể” cũng là để “Rộng đường dư luận”. Là cứ nói thế, theo cái cách “phổ thông”. Cuối năm 2002, có thể nói tập thơ Ngang Qua Cánh Đồng” của Hoàng Quý thu hút văn giới Hà Nội và không riêng Hà Nội bởi sự xuất hiện một giọng thơ vạm vỡ, rất khác, lôi cuốn, mạnh mẽ, dữ dội nữa. Không phải là không có những dị ứng. Điều này bình thường. Ai lại viết ” Chỉ cánh chúng ta chẳng nghĩ lo nhiều/ Đi vào chiến tranh như đi chợ/ Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn”,người nọ chê thế. Có người bực, thậm chí phản ứng. Điều này cũng bình thường. Thì anh cứ bực mình, cứ việc khó chịu, vì nó không “quen tai” “, vì nó không “hồng hào”, vì nó không vân vân, ai cấm. Nhưng những con mắt tinh tường như Ngô Quân Miện, Vân Long, Trịnh Thanh Sơn, Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai, và nhiều nữa nhận ra ngay một nhà thơ rất tư chất, rất thi sĩ, rất tài hoa, một giọng điệu rất riêng và sẽ đi xa đã xuất hiện. Loạt bài viết, trong đó Trịnh Thanh Sơn là tiêu biểu nhất phê bình nồng nhiệt và tinh tường tập thơ này. Không thể không kể lại chuyện này, đó là một buổi chiều Nguyễn Trọng Tạo và Hoàng Quý bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội. Anh Tạo nói đại ý tập thơ NQCĐ đến chậm đợt xét Giải thưởng Hội Nhà văn, mình tiếc. Hay là Quý gửi sang Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Toàn quốc đang chuẩn bị xét giải? Hoàng Quý lắc đầu nói giải giếc mà làm gì. Họ uống cà phê, chuyện vãn. Số phận một tập thơ xuất sắc được định đoạt cách khác, cách Hoàng Quý ngạc nhiên khi biết tin Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho NQCĐ giải nhất cùng với Chuông Chùa Kêu Trong Mưa của Đồng Đức Bốn. Hội VHNT Phú Thọ giới thiệu với Ủy ban Toàn quốc tập thơ này. Thế là có chuyện. Thế là chạm nọc. Thế là chuyện bẩn ló mặt như nó từng mặt dày trong cái chợ văn chương nước ta. Một tay nhà văn mà thực ra văn chương thực chất chỉ tầm tầm kha khá so với cái mặt bằng văn Việt cách đít thế giới cả vạn cây số viết ngay một cái công văn gửi đi các Hội VHNT các tỉnh, thành để phản đối với lí do Hội VHNT của hắn không giới thiệu. Hắn rất mù, nói thẳng là “tư cách con gián”, vì tác phẩm hay “Nó lú đã có chú nó khôn”. Hành vi của kẻ đố kị bẩn thỉu thành trò cười. Lại nhớ anh Hậu, Chủ tịch Hội VHNT Thái bình sau khi đọc tập NQCĐ do HS Đỗ Dũng đưa đã phải nói rất to: Rất xứng đáng. Ngày 9/1/2003 Hoàng Qúy ra Hà Nội. Bạn văn đón ông rất đông làm ông cảm động. Ông hiến toàn bộ tiền giải thưởng tặng các nan nhân da cam. Hai giải sau ông cũng hiến tặng người nghèo biên giới, hải đảo và trẻ em khiếm thị mọi người biết rồi không phải kể lại làm gì.
Hoàng Quý chưa bao giờ nói sau lưng ai, kể cả kẻ chơi bẩn. Ông ghét các trò bẩn, các trò giấu mặt. Không chơi với anh Tạo, nhưng Hoàng Quý thường dẫn chứng thơ anh Tạo khi đàm đạo. Hoàng Quý bảo thơ anh tạo hay và cười cười bảo sức rượu cái ông này thì “quên đi”. Hoàng Quý còn nói đùa anh Tao với anh Sơn (Cố thi sĩ Trịnh Thanh sơn) là tương tửu nhân.
Với Đối Thoại Trắng tôi chỉ nói mượn thế này: “Người làm sao, kẻ chiêm bao làm vậy”! Tuyệt!
Giao thừa đón Năm mới 2009 ông Hữu Thỉnh telephon chúc tết Hoàng Quý và gia đình. Ông tán thưởng Đối Thoại Trắng, bảo Hoàng Quý đừng sao nhãng với trường ca này, yêu cầu Hoàng Quý ra đọc ở Văn Miếu. Ông rất chu đáo trợ giúp kinh phí cho Hoàng Quý chuyến ra ấy. Về Thơ, ông Thỉnh đã hành sử việc này công bằng.
Kính gửi nhà thơ Vũ Thanh Hoa và bạn đọc trang của chị!
Sau khi cmt được hiển thị, tôi đọc lại và thành thật xin lỗi về câu nhận xét Đối Thoại Trắng. Do sơ xuất tôi viết “kẻ chiêm bao làm vậy” , Xin đính chính lại cho chính xác là “Người làm sao, của chiêm bao làm vậy”. Mong được thứ lỗi!
Thưa chị Hoa, tôi đọc bài thơ viết cuối năm của chị, bài thơ hay lắm!
Lão Quý uống rượu thì chán chết! Nhớ một bận lão Quý đang làm thuê sơn bảo dưỡng bồn chứa xăng dầu bên Đức Giang, biết tin lão ở đó Nguyễn Đình Chính bảo tôi: thằng Hà a lô ngay, bảo nó anh Chính gọi sang Hà Nội xơi vịt cỏ. Nói xong Nguyễn Đình Chính bấm máy hét Lê Liên: Đừng nghịch đất nữa, thằng Quý nó đang ở đây, tao cho thằng Hà gọi rồi, vịt cỏ, vịt cỏ… Hai tiếng sau, ở một quán quen bên Hồ Tây toàn…tiếng ông Chính. Nhà điêu khắc Lê Liên rót rượu ra chén tống, bảo Hoàng Quý: Cầm ngay, nâng ngay, mày say tao cõng về nhà tao ngủ. Hoàng Quý hoảng quá mà Lê Liên thì không tha. Rồi lão Quý uống như uống…kí ninh. Nguyễn Đình Chính bảo: lão Lê Liên thấy chưa, thằng này “ngon”, rượu Nguyễn Đình Chính mời nó mới uống. Lão Chính khoái chí phét lác một hồi về rượu. Quý hôm ấy ít nói. Hắn cứ nhìn chai rượu chỉ sợ bị…mời.
Bạn bè Hà thành yêu Hoàng Quý và yêu thơ Hoàng Quý lắm. Quý có một lượng người yêu thơ Quý và thích chơi với Quý không ít chút nào. Vì không chỉ riêng thơ, người ta yêu là vì Quý trung thực, biết yêu người, biết khiêm nhường, biết giúp đỡ. Trong thơ Quý hội tụ cả vẻ đẹp lộng lẫy của chữ và thái độ sống. Đọc thơ Quý thấy cả sức lao động nghiêm cẩn, sự sang trọng và sự biết yêu. Sự “biết yêu”, nói như thế cứ như vớ vẩn, cứ như vô lý, nhưng không phải nhà thơ nào cũng có.
Hoàng Quý là người khởi xướng và cùng nhà điêu khắc Lê Liên đóng một cái thùng nhỏ quyên góp tiền để đúc tượng Hoàng Cầm. Quý ôm thùng, Lê Liên chở hắn bằng cái Hon đa cũng “nổi tiếng” như Lê Liên đến nhà ông cụ. Quý bỏ vào thùng ba trăm ngàn. Lê Liên hét vào tai Lão Bá: Thằng Hoàng Quý nó “khai đao”. Đủ tiền là em về Ngũ Xã đúc tượng ông. Bạn bè thi hữu nó hưởng ứng, còn thừa ông cứ dùng bắn… vài bi, nhé! Những người yêu Hoàng Cầm đều góp vào đông vui và hỉ hả!
Tập sách “Tuyển tập trường ca” do NXB Quân đội nhân dân in năm 1997 giới thiệu những trường ca Việt Nam không đầy đủ trong khoảng 30 năm từ Bức Thư Bắc Hải (1955) của Nguyễn Đình Thi đến Gọi Nhau Qua Vách Núi của Thi Hoàng. Có lẽ đây là một tuyển rất nỗ lực đầu tiên của một NXB, nhưng phiến diện. Tôi nói vậy vì ngoài sự giới thiệu chưa đầy đủ, thiếu hẳn sáng tác của các tác giả trước 1975 ở bờ nam Bến Hải.
Gần đây, tôi đọc được danh sách tập hợp của Đỗ Quyên (Ca na đa) – một nghiên cứu công phu của ông, rất mừng rỡ thấy hình hài trường ca Việt của chúng ta rất đồ sộ. 268 tác giả trường ca mà bước đầu Đỗ Quyên sưu tập và thống kê chứng minh sự cần thiết phải có một Tổng tập trường ca Việt Nam để đánh giá khoa học một chặng đường ra đời và chuyển động của thể loại này. Thì ra “Sầm Sơn trường hận” của Nam Trân có thể là trường ca được viết sớm nhất (1932).
Nhìn chung, những trường ca tôi đã đọc được, khoảng trên 70 tác phẩm viết theo lối kể quen thuộc, tạm coi là cũ. Nghĩa là có một cốt chuyện hoặc gần như thế, có nhân vật, có chính có phụ, có thiện có tà, có không gian có bối cảnh lịch sử hoặc rông hoặc hẹp, có nỗi niềm chút ít hoặc đậm hoặc nhạt… Thể loại khó khăn này đã có nhiều trường ca hay, có thành tựu, nhưng tựu trung sự bứt phá là chậm so với thành quả của thể loại thơ ngắn đa dạng và sôi động hơn.
Đối Thoại Trắng (qua phần đã được công bố) hình như đang bứt ra những quen thuộc ấy. Ít nhiều, trường ca này của Hoàng Quý cuốn hút tôi. Đã lấp lánh một nhãn quan khác, một bố cục khác, một bút pháp khác, một tâm cảm khác trên nền tảng và hướng nhìn không còn đơn tuyến.
Hy vọng gì để bạn đọc tìm đến với trường ca mà không thất vọng, mà đọc rồi khó bị lãng quên, không bị những tung hô ăn xổi hão huyền? Các tác giả trường ca trả lời đòi hỏi chính đáng này chứ không thể ai khác.
Đối thoại trắng chí ít đang làm cho riêng tôi thật sự bị lôi cuốn!