Đối thoại trắng (1) – Hoàng Quý

VTH – Nhiều Bạn đọc hỏi VTH về Trường ca “Đối thoại trắng” của Nhà Thơ Hoàng Quý, vuthanhhoa.net  xin trân trọng giới thiệu:

Đối thoại trắng
(Trích)
… Ai có thể vạch một ranh giới rõ ràng giữa trí tưởng tượng
và tư duy? Nó không có đâu, cái ranh giới ấy.
KONXTANTIN PAUXTOPXKI

alt
Nhà thơ Hoàng Quý (giữa) trao đổi những vấn đề văn chương với PV Truyền hình

1.
Con ngựa xanh lao lên vòm trời
Mang theo anh không yên cương
Gọi anh từ hằng hà tinh tú lấp lánh
Giằng thoát mọi lực hút
Hiến tặng vô vàn gió
Mềm mượt nhẹ nhõm gió
Đanh như gió, tất bật như gió
Anh muốn bỏ quên mọi buộc ràng để nói lời chào biệt
Cả những cuộc tình hồng hào của Tiên Dung, của Tấm, của Tô Thị
trong không gian giấc người
Rất có thể đều không níu giữ được!
Cả cây tre trăm đốt ngàn năm đeo dính những mụn mơ cổ tích
Cũng không níu giữ được!
Anh sẽ đáp lời mời gọi Tự Do
Trong những cuộc đối thoại
Cuộc đối thoại mong manh
Cuộc đối thoại với đoá hoa dường như khô xác
Từng nở tưng bừng anh

2.
Em của tôi bao ước mơ xinh xẻo
Vo từng đêm buông dưới tay mình
Em đợi đón ta
Em chờ ngóng ta
Từ hoang hoải chia xa
Của ông trước Tổ tiên
Của cha trước mẹ
Của ta, con ta trên vô tích con đường
Suốt ngang dọc nhỏ nhoi Tổ quốc
Một cuộc chờ vò võ
Một vệt chờ nhàu nhĩ
Vẹo xiêu khung cửa
Dựng vội vàng từng lóng thời gian
Tiếng mọt kẽo cà vời vợi thâu đêm
Đục chằng chịt cả phong rêu lịch sử

Ta chỉ tặng em quà – một nụ hoa bé tí
Nụ hoa có phần cánh là thuỷ chung còn phần kia máu rỏ
Tích tụ lần hồi tự tổ tiên ta
Giờ, ta dâng em lau nước mắt
Mong nguôi đớn đau em đêm trở dạ một mình
Và, che chắn những ngày đông thấu ruột
Thổi từ bao cuộc chiến chinh

Ta muốn an ủi em rất nhiều lời chim phượng
Những lời chim phượng lên men trong từ vựng là a, là b, là c …
Là con chúng mình rồi cường sinh như Gióng
Mọi ngõ ngách đâu đâu cũng dáng hình Phù Đổng
Sau cuộc hiến sinh
Cứ tưởng toàn áo cưới
Cứ tưởng ruộng cày mãi thuộc về em đấy
(Mà ruộng cày rất rẻ
Như rau dưa trong vại nhà ta!)
Em chả phải đêm đêm vò võ
Tạc niềm mong như Tô Thị tạc chờ

Em hoá đá đợi anh xin hãy chớ lo buồn
Chả lẽ màu thu dường không có thực?!
Lá đang bay, đang ngơ ngẩn bay
Chao run cả những mảnh hồn xanh xướp
Thiên lý xinh lặng lẽ tỏa bên giàn
Bao nụ cúc sẽ nở thành hoa cúc
Cô Tấm của bà rồi từ quả bước ra
Hương thơm thị cứ chờ thu mà chín…

3.
Không ai có thể mơ thay giấc mơ nghiệt ngã của anh
giấc mơ tham lam của anh
Bây giờ
Và mai nữa!

Chỉ mẹ dạy anh tiếng bập bẹ đầu đời
Cha dạy anh cách đứng
Đời dạy anh cách đi
Định số đọa anh cách chết

Trong tan hợp ngũ hành
Anh thành kẻ tự bảo vệ!

Tương lai không định sẵn cách tìm
Tương lai gợi những thuộc tính của mong ước
Tương lai như nước xiết
Nhọn như nước
Sắc như nước
Trong trẻo như nước
Cũng có thể …
Đục và váng vất như nước

Anh có tin còn ngày mai không
Những ngày mai vật vã
Có rất nhiều cám dỗ

Anh – Trang sách mở ngỏ
Hãy tự mình sang trang

4.
Ta!
Và em!
Đều sinh trong ngùn ngụt truy hoan của lịch sử giao cấu bội thực
Cả tin ta trong suốt
Cả tin sự cao cả
Sự trong suốt minh triết
Sự cao cả tinh khiết

Ta!
Và em!
Đều được mẹ cắt nhúm bằng ca dao
Tắm bằng phong ngôn
Phòng vệ bằng tục ngữ
Câu ca dao phóng túng như diều mềm yếu như diều
Phong ngôn như lụa buộc
Tục ngữ thành giáp, mộc, lao, tên
Chúng ta quen định vị tình yêu bằng những thách đố kiêu hãnh
Rằng trạch đẻ ngọn đa ta sang cưới em
Em có tin mình đoan trang như trúc
Áo phong tình vin trĩu cả cây ngoan

Xin lạy mẹ ngàn lần những nong nia huyền thoại
Con – thơm – thảo – khế – đợi- đại – bàng – ăn
Con – hiền – dịu – quá – hóa – thành – vàng – anh
Đoạn đường mở ra đã là Bụt đắp
Hạnh phúc Bụt ban
Vinh danh Bụt tặng
Có còn con chăng?
Đường trời quá rộng!

5.
Có những lúc lên đồng
Chữ rồng rắn nghềnh ngàng như ám bùa ém ngải
Câu thơ đói và câu thơ no
Câu thơ kiêu dũng, câu thơ hào hoa
Câu thơ không chối từ phẩm hạnh
Thách đố tháng ngày
Gieo một hạt vui
Chả trách móc đêm buồn, chả giận dỗi năm xô tháng dạt
Ấm lạnh chả vẽ hình khoe khối
Cứ nhẹ như sương, hồng hào như khói
Đôi lần lanh canh tiếng chuông
Chiếc chuông tí hon
được trao từ bà phù thủy gầy khẳng khiu có chiếc mũi lưỡi liềm
Làm thích thú và kinh hãi!
Có những lúc
Lòng bợt muối
Như mớ rau bấy không ai vời mua
Ý nghĩ sạm đen
Ý nghĩ héo hắt
Như ruộng diếp già ngập úng trong mưa
Ta bỏ mặc hồn ta thây kệ trước đời
Hay ta sợ đời nhiều gềnh lắm thác
Tìm chưa được nước đi thì đã tàn cờ
Xóa ván này để bày ván khác
Loài cả tin không thạo trò phù chú
Ván nào mà chả thua!
Có những phút
Ta lặng im
Như đá
Như đất xác trơ đã rã trắng
Thèm một tiếng hạc kêu xuyên thấu đêm sương
Thèm bàn tay nóng hổi của em chắn ngang mùa ngỗ nghịch
Cái mùa ngạo ngược
mọi cái đều có thể chào mời đổi chác bán mua
Không mấy ai ngượng
Không mấy ai xót
Không mấy ai đỏ mặt
Sao người ta lại nói rất to như quá nhiều người điếc
Em có nghe anh nói rõ không
Ngang dọc chờn chờn đỏ tím vàng xanh
Cười
Hát
Hò reo
Vào hùa
Và cút bắt
Em có nghe được tiếng anh không
Ăn nhậu
Làm tình
Rồi nhảy
Bôi xoá và tô vẽ
Nói dối mãi thành quen
Những con vẹt muôn màu trong chiếc lồng tao nhã
Thật thà bơ vơ
Thật thà thành khách trọ
Vườn cây thế kia sao vội đốm vàng
Lá tự úa đâu thành thu sớm được
Những ngày lá rớt rụng
Còn cố xạc xào còn chưa thấu đau
Chiều nay, chiều nay bợt bạt khói bay
Có chiếc diều kêu nhớ
Gió xơ xước cả vòm trời dạt lá…
6.
Câu thơ chảy trôi từ trái tim rung, máu và nước mắt
Chắt hằng đêm sau rất nhiều lực hút
Mảnh mai trăng và ướt mưa bay
Níu hy vọng sau mùa màng thất bát
Gìn giữ khuôn mặt ta yêu mờ tỏ trước đèn
Cả tiếng khóc cười em
Cả bước mẹ liêu xiêu trước cửa nhẫn nhịn
Chả lẽ nhạt rồi ư – câu thơ thánh tín?!
Những câu thơ mướt mát lá mầm
Những câu loay hoay
Rất nhiều đơn độc
Câu dâng em
Có hồng được môi xinh sau những phút em buồn
Câu dâng người
Có sưởi ấm được ai mỗi khi lòng trở rét
Có một ngày, một ngày
Em tô son, em chen hích chợ đời
Thích rổn rảng Hello mà không chào bằng tiếng mẹ
Thơ hoen rỉ tiếng chuông vui? Có thể
Những câu thơ hoá bụi
Chất chồng trên giá sách kia
Những câu thơ dạt xô trang trắng
Thôi đành an ủi lấy mình
Thầm ru
Chờ một tháng ngày khác!

(còn tiếp)
Hoàng Quý 

5 comments

  1. Có thể tra trong chimvietcanhnam – thư viện điện tử của kiều bào ở Pháp – tìm mục tác giả, tìm Nguyễn Chính và đọc Phê bình tiểu luận “Hoàng Quý – Người hát du ca mùa đông” sẽ cảm nhận rõ sự đặc biệt và tầm vóc của thơ Hoàng Quý.
    Cám ơn vuthanhhoa.net đã trích đăng và giới thiệu trường ca này của nhà thơ tôi ngưỡng mộ. Càng đọc, tôi càng hiểu vì sao người ta ngợi ca ông. Những nhà thơ tân cổ điển tài năng như ông chả có mấy người!
    Cám ơn bạn VTH nhé!

  2. Hôm trước mượn và đọc ké được VN Bà Rịa Vũng Tàu số 113.12.2011 thấy thơ Hoàng Quý. Thì ra ông cũng in ở tạp chí này nữa. Bài Đêm nghe gió qua vườn hay không biết diễn đạt thế nào. “Đêm nghe gió qua vườn/ Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về/ Đêm nhoi nhói nghe đời thay máu/ Có bao người nghe gió trong khuya?/ Ở phía trước con đường chướng gió/ Ta đã đi không chút e dè/ Những hy vọng rưng rưng xác lá/ Chết tưng bừng như máu hôm qua… Những câu thơ nhỏ máu. Ông là một trong số ít các nhà thơ mà trong thơ có dũng. Đối thoại trắng tôi đã đọc trên vanvn.net của Hội Nhà văn Việt nam và được nghe trực tiếp ông đọc một trích đoạn tại Văn Miếu, Hà Nội tháng giêng 2009. Sẽ là một trường ca ghê gớm. Mong cho ngày trường ca này được công bố hoàn chỉnh. Ông là một nhát khắc rất đặc biệt trên thi đàn Việt trong tháng ngày đen trắng tạp nham này!

  3. Hôm về Yên Bái, biết anh Hoàng Thế Sinh vừa “Nam tiến” vế, anh bảo Vũng tàu nhiều nhà thơ “Bố Tướng”. Anh cho cái địa chỉ vuthanhhoa.net, thế là vào được cái trang này. Gặp ngay cái chùm ảnh Vũ Thanh Hoa…20 năm sau, cười nổ quả bụng. Từ hôm nay tôi sẽ nhòm vào đây mới được.
    Hoàng Quý nổi tiếng khắp. Cả vùng Tây Bắc cũng đầy dấu chân của ông. Mà nhà thơ lại ở Vũng Tàu. Làm nhà thơ như thế thì thích lắm chứ. Nhớ lần ghé Lai Châu thăm chị Đỗ Thị Tấc, đêm lạnh đọc mấy câu chưa biết của ai: Pha Đin lau kiếm sắc/ Xuân đi ngang mặt người/ Lòng thung ai nhóm lửa/ Đã hồng hương nếp xôi. Chị Tấc quát, thơ lão Quý, mi biết à. Tôi bảo không. Chị Tấc rít một hơi thuốc lào rồi khoái trá đọc: Cấm Sơn ruộng núi như thang bắc/ Tầm xanh, thác trắng nước reo òa/ Có người em gái môi khèn lá/ Hương mặt trời ánh ướt thịt da. Đọc xong, chị bảo thơ lão Quý viết về Tây Bắc chỉ có mà hết ý, nghe chưa. Thế là từ đó tôi sưu tầm thơ Hoàng Quý. Bữa về Mường Khương gặp bác Pờ Sảo Mìn, “Cây hai ngàn lá” lại nói chuyện từng ở hơn một tuần nhà Hoàng Quý. Bác bảo thơ Hoàng Quý là “Bố Tướng”. Bác nói y sì anh Hoàng Thế Sinh. Bác kể vợ chồng nhà thơ Hoàng Quý rất quý bạn. Bà Liên vợ nhà thơ luộc chân gà cho bác Pờ uống rượu. Bác đọc cho bài “Nâng Sa Pa tràn tay” của Hoàng Quý, bài thơ tinh hoa trong tuyển “Miền mây trắng” hay không chịu được. Bác Pờ coi trời bằng vung, thế mà cứ động một câu về Hoàng Quý là phục sái cổ, nói cười như sợ người ta tranh. Vợ bác Pờ bảo, lão Mìn nhà tôi hẹn mãi chưa thấy vợ chồng anh Hoàng Quý lên chơi. Bác Pờ gắt, nó khắc lên, khắc đưa cả cô Liên lên, cứ nhốt gà cho chắc, nó hứa phét lác với tao rồi. Các nhà thơ cự phách yêu quý nhau đến thế, thế hệ con cháu như tôi phát thèm. Anh Hoàng Thế Sinh có lần bảo, Hoàng Quý là người tình của tao, lũ chúng bay đừng có xí sớn, cái thằng hói ấy ai chả mê. Thất kinh mấy cái bố này.
    Tôi đã thuộc thơ Hoàng Quý khá nhiều. Nhưng hôm nay vào trang vuthanhhoa.net mới được đọc một đoạn trường ca của ông. Tôi gửi mấy dòng này. Cám ơn chị Vũ Thanh Hoa. Từ nay tôi sẽ thường xuyên vào đây. Ở đây có một kênh về nhà thơ mà người Tây Bắc chúng tôi kính trọng.

  4. “Anh sẽ đáp lời mời gọi Tự Do/ Trong những cuộc đối thoại/ Cuộc đối thoại mong manh/ Cuộc đối thoại với đóa hoa dường như khô xác/ Từng nở tưng bừng anh”(Đối thọi trắng). “Ta đã đi không chút e dè/ Những – hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”(Đêm nghe gió qua vườn)
    Bỗng giật mình. Bỗng kinh hoàng. Tự nhiên nôn nao nhớ Thâm Tâm (1917 – 1950). Tống biệt hành Thâm Tâm viết năm 1940: “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hợi rượu say”. Cái cuộc đi mà người trí thức Thâm Tâm đã đi. Khi Thâm Tâm mất (1950) Hoàng Quý mới chào đời (10/3/1950 – Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại), nghĩa là các thế hệ của thời đại đòi Tự Do nối tiếp ra đi, vô tư một cách có ý thức ra đi vì sự tồn vong của Đất nước, của Tổ quốc bỉ ngoại bang dày xéo. Cũng có nghĩa, lòng yêu nước của họ và thế hệ những họ đáng lẽ phải được tôn vinh. Nhưng vì sao phải trở về? Có lẽ là bởi vì cái lý tưởng không có thật, cái lý tưởng họ tin tưởng và hiến thân đã bị đánh tráo. Vì thế, nên dù từng ” nở tưng bừng anh”, từng “Thì đừng bao giờ nói trở lại/ Ba năm ngày ấy mẹ đừng trông” cũng phải đến một ngày nhận ra ” Những – hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”. Hai thi nhân ra đi dằng dặc trong cuộc ra đi lớn và đau đớn. Đã đánh đổi, Và những thi phẩm bất hủ cho cuộc ra đi lớn ấy, đến Hoàng Quý đã có sự trả lời ở Đối Thoại Trắng và ở Đêm Nghe Gió Qua Vườn!

  5. Anh Văn Hán Thương!
    Cái cmt của anh được VTH đăng tải thật đúng lúc. Anh đã mở ra một gợi ý mà trước đó chưa ai nghĩ tới giữa Tống Biệt Hành của Thâm Tâm và Đêm Nghe Gió Qua Vườn của Hoàng Quý. Tôi quen biết Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, nhờ đó có nhiều văn bản rời các thi phẩm của Hoàng Quý. Là một người giảng dạy văn học, tôi bị những thi phẩm của HQ ám ảnh từ lâu. Những NHÀ THƠ CỦA TƯ TƯỞNG vốn họ khác xa những nhà thơ sáng tác bởi những cảm xúc vụn, cảm xúc nho nhỏ. Dù chỉ một bài như Thâm Tâm cũng cho ta cảm giác họ rất khác. Tôi đọc cái cmt của anh, gọi điện hỏi Nguyến Đình Chiến, anh Chiến mail cho ngay Đêm Nghe Gió Qua Vườn. Những câu “Đêm nghe gió qua vườn/ Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về” nó ám ảnh những lý giải anh mới nêu. Từ những văn bản có trong tay, tôi biết Đối Thoại Trắng Hoàng Quý khởi viết vào đêm 23/6/2007, công bố một phần nhỏ tại Ngày thơ Việt Nam rằm tháng riêng 2009 tại Hà Nội, và Đêm Nghe Gió Qua Vườn ông viết vừa mới đây 5/11/2011. Quãng đường để nhìn đúng cho một CUỘC RA ĐI và TRỞ VỀ quả là không dễ. Đúng là nó dằng dặc vì tới bảy mươi năm (Tống Biệt Hành. 1940 – Đối Thoại Trắng và Đêm Nghe Gió Qua Vườn coi như cuối 10 năm đầu thế kỷ XXI). Đúng là thật kinh hoàng!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu