“Đọc” trong thời kĩ thuật số – Vũ Thanh Hoa

VTH – Vấn đề văn hóa “nóng hổi’ trên bài viết “nóng hổi’ tại Báo Bà Rịa-Vũng Tàu Chủ Nhật ngày 11/10/2015  tại đây, mời bạn đọc nhé:

doc sach

“ĐỌC” TRONG THỜI KỸ THUẬT SỐ

Tin một cô diễn viên vừa li dị chồng, vụ thảm sát ở Châu Mỹ, vụ xâm hại tình dục ở Nam Á… chỉ trong vài giờ đã được đầu làng đến cuối ngõ bàn luận rôm rả, thậm chí người ta còn mô tả tỉ mỉ từng chi tiết li kì rùng rợn và “nhập vai điều tra, phá án” rất sinh động, độc đáo! Đó là thành quả tuyệt vời nhất mà Internet đem lại cho thời đại chúng ta, thời đại mà chỉ cần một chiếc smart phone (điện thoại thông minh) giá rẻ nằm gọn trong bàn tay, đã có thể đọc tin tức, chuyển tải những quan điểm từ một cá nhân đến một cá nhân hay một nhóm người, một tổ chức nào đó… Nhưng mặt khác, tất cả những điều đó cũng dẫn đến sự nhầm lẫn cho một bộ phận giới trẻ và cả những người đã trưởng thành, đó là ảo tưởng về giá trị tri thức và rối loạn văn hóa đọc. Không khó để gặp những “anh hùng bàn phím” thao thao bất tuyệt những tin tức sốc, độc, lạ, trên mạng, những “tác phẩm” hò vè nhảm nhí châm chọc phi văn chương thậm chí đến mức tục tĩu với niềm hân hoan cho rằng mình “sành điệu và am hiểu” kiến thức toàn cầu!

Cũng vì mục đích câu khách một cách nhanh nhất, tin tức trên mạng luôn bộc lộ sự thiếu chuẩn xác, vội vã và lối hành văn cẩu thả, sai chính tả, thậm chí “chợ búa” mà người ta quen gọi là “báo lá cải”. Đọc ẩu, đọc vội để “biết trước, theo kịp” các thông tin trên các trang mạng đủ loại thượng vàng hạ cám khiến người ta mất dần thói quen tư duy sâu sắc, cảm nhận thấu đáo mọi mặt của vấn đề. Thử gõ dòng chữ “cách thức làm trắng da” trên mạng, lập tức có vô vàn các kiểu chỉ dẫn “Đông, Tây, kim, cổ” chẳng biết đâu mà lần!

Vì thế, “báo mạng” cũng tạo ra một lực lượng bạn đọc hời hợt, nông cạn, khi có một chủ đề nào đó là xúm vào bàn tán, chỉ trích ngoài lề. Một cô gái rất rành “xu thế thời trang thu đông” năm nay, rất thạo các cách trang điểm, làm đẹp với màu son môi mới nhất nhưng lại rất ngu ngơ trước các thành tựu văn hóa nghệ thuật kinh điển của nhân loại, thiếu hụt sự tinh tế sâu sắc thuộc về tâm hồn… Một chàng trai cực kỳ am hiểu về các đội bóng ngoại hạng, về các tài tử Mỹ, Hàn nhưng lại ngơ ngác khi bàn về những công trình nghiên cứu khoa học, những thông điệp lớn lao, đầy ý nghĩa trước thời đại của mình. Hình như không khó nhận ra họ chung quanh chúng ta?

Một số ý kiến cho là nên kêu gọi giới trẻ quay lại với báo giấy, với sách đọc. Điều này đúng đắn nhưng khó khả thi. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, với công cụ tìm kiếm tiện lợi, cả một rừng tin tức trên Internet mở ra trước mắt, người ta dễ dàng tìm một mối quan tâm, mối liên hệ và cả những vấn đề thầm kín nhất. Trong khi để tìm hiểu một vấn đề nào đó thì sách, báo giấy cần công phu tìm tòi, mất nhiều thời gian và chi phí. Sách văn học, nghệ thuật có giá trị lại có chỗ đứng khá “khiêm tốn” trước sự ồ ạt chiếm lĩnh của các loại truyện tranh, truyện giải trí ăn theo trào lưu, nhu cầu thời cuộc. Gần đây, một số sách in còn bị phát hiện nội dung kém chất lượng, với những bê bối kèm theo làm ảnh hưởng đến giá trị đọc đích thực. Cũng không khó khăn gì khi nhặt ra những “hạt sạn” trong các cuốn sách in nằm đàng hoàng trên các kệ sách và được cấp giấy phép của một Nhà Xuất bản có tên tuổi.den

Đọc trên máy tính bảng, trên laptop hay đọc trên giấy trắng mực đen cuối cùng cũng chỉ là cách thức chúng ta tiếp nhận thông tin. Còn chúng ta chọn lựa thông tin và xem xét cái gì cần mở rộng, cái gì nên loại trừ hoàn toàn do ý thức của mỗi người. “Có thể sự khác biệt giữa đọc sách giấy và trên màn hình sẽ không còn khi thái độ của con người thay đổi. Một khảo sát gần đây cho thấy mặc dù phần lớn mọi người vẫn ưa thích giấy hơn – nhất là khi đọc chuyên sâu – các quan điểm đang dần thay đổi khi tablet và máy đọc sách được cải thiện và việc đọc trên thiết bị này trở nên phổ biến hơn. Tại Mỹ, sách điện tử hiện đang chiếm 15 – 20% doanh số sách.” (Theo Book Hunterclub). Đừng để màn hình điều khiển chúng ta mà hãy cố gắng làm chủ nó. Khi thế giới mạng vô cùng hấp dẫn mở ra trước mắt, người đọc cần giới hạn cho mình những thông tin gì cần tiếp cận và giới hạn cả thời lượng tiếp cận, những câu chuyện tầm phào, những bình luận vỉa hè luôn dễ dàng dẫn dắt người đọc làm nhiễu loạn thông tin chính.

Bồi dưỡng kiến thức là một việc làm hằng ngày, cần thiết cho mọi lứa tuổi. Chúng ta bình đẳng trước sách và màn hình phẳng nhưng chúng ta khác nhau ở việc đọc cái gì và đọc như thế nào. Sự tiếp cận thông tin và kiến thức là bước khởi đầu cho ý thức và sáng tạo cùng với hành động thiết thực hướng đến chân, thiện, mỹ.

VŨ THANH HOA

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu