VTH – Dòng Họ Vương tài hoa ở Nghệ An lần đầu tiên ra mắt Bạn đọc yêu thơ tuyển tập “Họ Vương Thơ”. VTH xin trân trọng giới thiệu tập sách qua lời giới thiệu của tiến sĩ Vương Cường và chùm thơ trích trong tuyển tập do chính anh tuyển chọn:
Họ Vương, thơ, tuyển tập sắp ra mắt!
Nhiều anh, em, con, cháu của họ đã tham gia nhiều tuyển tập nhà nước, nhưng chưa có tuyển tập của họ. Nay, họ Vương làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, lần đâu tiên, làm tuyển tập thơ, dự kiến, in 1000 trang, khổ 14,5 x 20,5, NXB Văn học với tên sách: Họ Vương, thơ, tuyển tập. Ý định đã 10 năm, nay mới thực hiện được, do nhiều lí do khác nhau. Ngay cái tên cũng bàn luận nhiều, có người đề xuất: Vương gia thi phả, nghe hơi…cổ. Có người lại đề xuất, Tuyển tập thơ họ Vương. Nghe cũng hiền lành, quen quen. Cuối cùng cũng 5 chữ này, được sắp xếp lại như trên, được tán thành! Ban biên tập được thành lập gồm 5 người do nhà thơ Vương Trọng làm trưởng ban. Mọi công việc đang đi những bước cuối cùng. Hiện nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã thiết kế bìa xong, tôi gửi hình ảnh bìa sách lên đây để bạn đọc, bà con, anh em, các cháu dòng họ tham khảo, góp ý. Họ Vương, thơ, tuyển tập, về kết cấu chia 2 phần, phần 1 là thơ, khoảng 500 bài, của 27 tác giả, có nhiều tác giả khá quen biết với độc giả, chủ yếu là thơ hiện đại. Phần 2 là phần lí luận phê bình thơ, trong đó chủ yếu in những bài nghiên cứu của một số nhà thơ trong họ viết và một số bài các nhà thơ, bạn đọc viết về thơ anh em họ Vương. Phần này khiêm tốn (khoảng 100 trang) vì chủ ý của BBT là giới thiệu, động viên, lưu giữ thơ của con, cháu trong họ là chính. Trước khi tuyển tập in, phát hành, theo yêu cầu của một số anh, em xa, tôi đưa lên hình ảnh bìa thơ.

Trong tuyển này duy nhất có ba bài thơ chữ Hán, của Ông VƯƠNG HIẾU, ngoài 60 tuổi, về hưu, ông bắt đầu học tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp. Ông mất năm 2009 tại quê. Có đến 5 – 7 lần ông liên tục đứng đầu trong các cuộc thi tiếng Trung của đài phát thanh Bắc Kinh. Xin giới thiệu một bài với bạn đọc:
TOẠ TRUNG CÁC THƯỢNG
Tứ thời thiên bất vấn
Bát tiết địa vô ca
Ngã toạ trung các thượng
Mục khán tận sơn ha`
Bắc đẩu ngân hà chiếu
Đối diện hữu Hằng nga
NGỒI Ở GÁC THƯỢNG
Bốn phía trời không nói
Tám tiết đất không lời
Gác cao ta ngồi lặng
Mắt nhìn thấu muôn nơi
Sao sáng và sông sáng
Trước mặt ánh trăng ngời …
(Vũ Toàn dịch)
Bức tượng
Em đã sống bình yên như tượng
Chẳng đàn ông, em chẳng đàn ba`
Mưa hay nắng
Cứ trôi
Ngoài vỏ
Nắng hay mưa
Cứ trổ
Ngoài da
Chẳng đàn ông,em chẳng đàn ba`
Em đã sống bình yên như tượng…
Anh đấy ư?
Thiên thần?
Quỷ dữ?
Ai thổi vào tượng đá một con tim
Ai biến tượng thành người
Biến đá thành em?
Những ngày tháng bình yên đã chết
Kể từ khi tượng biến thành người
Những năm tháng êm đềm cũng chết
Nỗi nông nào quay quắt trái tim ơi!
Anh là kẻ mang phép màu thượng đế
Hãy dắt em đến trước cửa người
Xin cho em trở về kiếp đá
Đá hoá thành bức tượng giống người thôi!
4 – 2006
THẠCH QUỲ
Ngẫu hứng thảo nguyên
Chiều thu nắng
thảo nguyên thiêm thiếp cỏ
xanh miên man, lơ đãng những nét nhìn
mây dịu dàng muôn muốt cánh buồm lên
dòng suối trẻ, khép môi còn mơ ngủ
Ngước mắt lên núi đồi như mời gọi
những bậc thang chưa có dấu chân người
anh bám vào đâu, có làm trượt ngã
thì cao quá nhưng sao mà dục giã
sao như mời trong những tiếng lặng im
Anh một chiều nằm giữa thảo nguyên
đầu gối núi đồi, tay khoả vào lòng suối
ve vuốt hát trên những hòn đá cuội
những dịu êm ươn ướt ngón tay mềm
anh có thể vừa co, vừa duỗi
thảnh thơi chiều nắng rụng giữa lòng tay
Đất thiên thanh, mềm dịu cũng thiên thanh
gió ngơ ngác thổi qua vùng hư ảo
anh đã biết lặng im mà giông bão
ước một đời anh cùng với thảo nguyên…
2010
VƯƠNG CƯỜNG
Tình yêu và tiếng vọng
Anh yêu em và em yêu anh
Mãi mãi.
Như nước, lửa và không khí thở
Nhưng có thực là ta vẫn mãi yêu nhau?
Năm tháng nào đã vụt lướt qua ta
Rắc cho ta mỗi người một món nợ đời phải trả
Không giống nhau
Không cho nhau
Chúng ta như người truyền đạo
Đi lang thang trong tiền kiếp của mình
Như cùng trong hai cuộc sống
Anh nuôi nỗi nhớ, anh cố lãng quên
Kí ức bịt bùng như giàn ty gôn phủ đầy trước cửa
Cát bụi đã phủ đầy khung ảnh cũ
Tháng năm…anh biết mình vô lí.
Nhưng nụ cười ơi
Cái chúa ban cho con người là linh hồn gói trong thánh thể
Hay không phải thế …có gì nữa để phải phân vân?
Em đã không bao giờ giống nữa, ngày xưa
Thế mà anh vẫn chưa thôi cuồng nhiệt
Anh chiến đấu và anh chống chọi
Chống lại em và đôi khi chống lại cả anh
Và giữa chúng ta
Xuất hiện vết chân đầu tiên
Thận trọng e dè như vết chân của cáo
Với cái mỏ dài như bói cá mổ chúng ta.
Tự do muôn năm
Tự do dối lừa ta bằng trời cao đất rộng
Anh đã không còn sức để mà đau khổ
Để mà ngạc nhiên.
Ta yêu cái bóng cuả nhau
Một khoảng sáng trên chỏm đầu thinh lặng
Khao khát ngập tâm hồn nẻo đường nào thắp sáng
Chảy về nguồn tiếng đập trái tim kia.
Ta yêu cái bóng cuả nhau
Một vực thẳm ngợp mắt nhìn tới đáy
Thân xác ta run rẩy lo âu
Không hòa nổi nhịp bài ca tâm hồn rắc rối
Ta yêu cái bóng của nhau
Vồ vập, đam mê, riết róng trong đêm
Hoảng loạn lao đi, tiếng còi xe cấp cứu
Mỗi chúng ta chỉ sáng nổi riêng mình
Ta yêu cái bóng của nhau
Đêm tối hiện như một điều cứu rỗi
Thổi những ngọn đèn thức, tỉnh, tắt trong ta
Xa lạ sao khi ta chẳng còn có bóng
Ta chìm vào tiếng vọng vô thức của đêm.
Nước mắt khóc mãi chi em?
Ngoài khí quyển lại là khí quyển
Tới những quầng khí trơ
Nơi lồng ngực lép đi trong cơn đau đói thở
Nơi bàn chân phiêu diêu
Con người không định lượng.
Cứ kiêu hãnh đi em
Ngẩng cao đầu hất cằm về phía trước
1992.
VƯƠNG THƯỜNG SƠN
(Rút trong Họ Vương, thơ, tuyển. NXB Văn Học 2012, đang in)
Nguồn vuongcuong’blog