Đọc “người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa

Với những Gai thép, Ký ức bất nhã, Chiêm bao, Con hải âu lẻ bạn, Phản bội, Hai vạch, Trò khốn, Mười bốn tiếng đồng hồ… tưởng chừng Vũ Thanh Hoa (VTH) bằm, cắt, xắn vụn lãng mạn thành lát nhỏ, bỏ vào thùng rác và cùng lúc đóng gói bao bì những buồn nôn trâng tráo, những bội phản lọc lừa và đem bày bán trong “Người nhìn thấu linh hồn”.

Tập truyện ngắn, trước hết, là hiện thực cực thực những đa đoan phi lý, những dục vọng và trá ngụy. Nhân vật ở đây, đa phần đều có học, ngực đầy văn bằng, chỗ ngồi trau tria “địa vị” nhưng họ bị biến thái đến dị hợm với dị tật. Kỹ sư hóa thành tên vô lại rải đinh trên đường làm kế mưu sinh. Một anh trí thức ly dị vợ xem phụ nữ là hàng hóa đồ chơi, lú lẫn đến nỗi không nhận ra người tình một thuở nồng mặn. Lương tâm chung thủy là mặt hàng xa xỉ nên gạt tình dối vợ lừa chồng là chuyện thường ngày, nói chi những hẹn thề rồi như gió bay. Và, những cái mặt nạ rơi xuống trên sàn diễn, bày ra những cái bụng mỡ tục tằn và thô lỗ. Sống không hề dễ dàng và người đối với người bằng “môi miệng”, thiếu một cái tâm cần thiết nên rất dễ lầm với súc sinh, xào xáo ma ma người người.

Hiện thực đầy gai nhọn lởm chởm và cách kết lơ lửng đặt ra trùng trùng vấn nạn nhân sinh: tính thiện, nhân cách và văn hóa, nguồn cội của tha hóa, ý nghĩa sức mạnh của danh và lợi. Đồng tiền thúc đẩy đứa con nuôi trộm cái đồng hồ báu vật của gia đình, ma quỷ dẫn cô bé Sếu trong trắng vào con đường lầy lội, cho phép người ta mua bán thân xác như một món hàng (Ba trăm ngàn). Địa vị giục giã con người hành động khốn kiếp hèn hạ (Trò khốn), khiến trẻ thơ mang nặng mặc cảm làm con “đại gia”. Thằng Bo chỉ có thể nhận ra sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này khi khoác cái áo khó nghèo và làm việc (Chuyện thằng Bo). Nhưng địa vị và tiền bạc chưa phải là lý do chính làm con người biến chất. VTH đã đào bới trong cõi sâu tâm thức để chỉ ra nguồn cơn đích thực của những mờ mịt hỗn độn hôm nay. Đại gia Lê Trần là một ví dụ. Vì nghi hoặc, vì tự ái, ông đã dồn người yêu thương mình vào chỗ chết (Ngoại tình). Nhân vật “cô” của “OK” là một trường hợp khác khi đánh mất tình yêu của mình vì những ám thị vu vơ. Hoa hậu “Nàng” trong “Con báo gấm” đã vô tình giết chồng vì nuôi cái tâm trả thù cháy bỏng. Bên cạnh đó, một loạt “Hàng không bán, Con hải âu lẻ bạn, Ca sĩ, Hai vạch, Mười bốn tiếng đồng hồ …”ghi lại cơ man những vụ ly hôn và bội phản kiểu ”ông ăn chả, bà ăn nem” mà xuất phát điểm là lòng tham vô độ: tham dục, tham nhan sắc, tham mới lạ. Ly hôn như một đặc tính của xã hội Tiền công nghiệp để lại vô vàn hậu quả, góp phần khuấy bùn lên cái thế giới vốn đã đục ngầu vì bệnh tật, thiên tai, bạo loạn, những tranh chấp. Sống với một người và yêu một người khác là đúng hay sai? Phải chăng tiểu thuyết Le Premier Amour(1) của Véronique Olmi đã nhanh chóng lọt vào Top sách best sellers khi vừa phát hành đầu năm 2010 ở Paris vì mang lại cho bạn đọc một câu giải đáp đang làm nhức buốt bao nhiêu gia đình?

Cõi người trong “Người nhìn thấu linh hồn”thực sự lấm lem với tội ác, dục vọng, tranh chấp đố kị, hoặc nghi và quền quệt nước mắt, nước mắt của tử sinh chia biệt, của sám hối, của tình yêu vô vọng, nỗi cô đơn tận cùng, của cả áo cơm đói rách. Đạo đức văn hóa xuống cấp và đủ thứ giá trị được ngụy tạo cùng với ngụy thuyết. Giai điệu chính của“Kẻ nhìn thấu linh hồn” thực sự không êm ả với những quãng nghịch chói tai nhưng bè phụ lại là những thang âm lằng lặng xanh.

Ôi, mình đó sao? Câu hỏi chốt lại Bloggers nhen lên ngọn lửa ấm áp của tình chồng vợ ngỡ đã lụi tàn. Cái bàn tay của “cột điện” ngoan ngoản nằm trong tay tôi và lời thú nhận của nàng thắp lên một vùng tưng bừng ánh sáng của tình yêu: “Không sao anh ạ, em yêu anh từ cái nhìn đầu tiên đấy.” (Cột điện). Lời hẹn của một gã đâm thuê chém mướn bỗng có một giá trị liên thành, xác định tình yêu & sự chung thủy không hề là ảo :”Anh sẽ quay lại nếu anh còn sống.” Vâng, chúng ta có quyền hy vọng dù đó là mộtNgõ hẻm tận cùng. Lời từ chối cầu hôn của “cô” kết thúc Thời tiết xấu, thêm một lần, xác định ý nghĩa một chữ Tình không bị lây nhiễm vì danh và lợi.” Thời tiết rất đẹp. Em có thể về kịp nhưng em sẽ không về nữa. Anh hãy dành may mắn ấy cho người đàn bà khác. Em xin lỗi anh”. Tìm bạn cũng kết thúc với vận hội mới và chị, người đàn bà cô đơn không cần phải đi tìm cái nửa còn lại của mình : “Lần đầu tiên em gặp một người đàn ông chân thật như anh. Em không đi tìm nữa”.

Rồi những Con hải âu lẻ bạn, Nắng chiều lung linh, Phục kích, Sinh nhật Sếp, Đời đời kiếp kiếp… cho ta thêm niềm tin vào cuộc sống, rằng trần thế này vẫn đáng sống, chữtình vẫn thâm trọng, chữ nghĩa chưa bị đánh mất toàn phần. Giấc mơ cuối mùa nhắc nhớ chúng ta : những phút chạnh lòng rồi sẽ đi qua, người sẽ đứng dậy, đối diện với lương tâm mình. Cô bạn củaThúy, kẻ nhìn thấu linh hồn cũng đã nhận ra chân giả, giá trị cuộc sống: “Thế cũng hay cậu ạ, thật thật – giả giả, ma ma – người người phân định mà làm gì, tất cả vẫn nhòe nhoẹt ra đấy thôi» (Người nhìn thấu linh hồn).

Tập truyện “Kẻ nhìn thấu linh hồn” dù có đề cập nhiều những bạo loạn tính dục nhất thời của những cặp đôi tình cũ nhưng tuyệt không có nhân vật nào kiểu cô Sương của “Cánh đồng bất tận”, một cô gái điếm khát khao ngốn ngấu, bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này(2), cũng không có màn trình diễn tình dục kinh dị kiểu các bà vợ xúm nhau đánh, cắt cả tóc và đổ cả keo dán sắt vào cửa mình (2). Nhân vật nữ trong tập truyện cũng không ai đeo đẳng những ám ảnh ma quái để rồi “phập mạnh, đâm sâu”, “hực lên như hổ cái”, cũng không cố tình “ưỡn ngửa” theo cái cách Bóng đècủa họ Đỗ. Thực và ảo xô vào nhau. Đã có chăn chiếu giường gối nhưng tình dục trong “Kẻ nhìn thấu linh hồn” đôi lúc lại thăng hoa mà Thúy Hồng của Ca sĩ và sếp trong “Sinh nhật sếp” là những thí dụ.

‘’Viết, theo J.P. Sartre , như thế là giành lấy tự do, và muốn hay không, đó là một động thái dấn thân’’(3) VTH, hình như cũng dấn thân để soi chiếu những ngóc ngách của bản năng sinh tồn. Những mẫu mã nhân vật ở đây tươi nguyên máu thịt cuộc sống thường ngày : những sếp to sếp nhỏ tìm cách, tìm kế vùi mặt vào đùi vào ngực trẻ, những bà sắp sửa “mãn hạn” lại tung tăng đi tìm của lạ. Không, VTH không tưởng tượng, chỉ là đem cuộc đấu tranh giữa cái ngã & sự đòi hỏi thấp kém của hạ ngã phơi mặt ánh sáng thông qua biểu tượng của những cặp đôi nam nữ (tình cũ hay vợ chồng). Đây là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của tác giả khi nhân vật đa phần thuộc tầng lớp trên, rủng rỉnh đồng tiền nên giống nhau trong cái cách “ăn no rửng mỡ”. “Người nhìn thấu linh hồn”, do đó, chưa phản ánh được cuộc sống nhiều màu vẻ khác nhau mà loay hoay quanh những chuyện bội phản, ăn vụng của những sếp già khọm, những bà Thạc sĩ, trí thức đã hết mùa. Chuyện thằng Bo, Ông Còi, Ngõ hẻm tận cùng, Người dẫn hôn lễ …bước ra ngoài vòng tâm điểm đó nên có vẻ đẹp riêng.

Truyện VTH thường xoáy trên mâu thuẫn của hai tuyến nhân vật và lấy đối thoại để phát triển tình huống truyện. Kết cấu dù chưa mới nhưng góc nhìn đã không còn cũ nên nhân vật chính & phản diện xô vào nhau, hoán đổi cho nhau tạo thành không khí ma ma người người. Kẻ quyền cao chức trọng chưa hẳn là tốt và ngược lại kẻ dưới đáy xã hội cũng hung hản bần tiện không kém. Ông Còi tàn bạo còn con chó đến chết vẫn còn liếm vấn vít vào bàn tay chủ. Người đàn bà và anh đâm thuê trong Ngõ hẻm tận cùngtình nghĩa còn chán vạn hơn bọn trưởng giả học làm sang(4). Các truyện mini khá súc tích nhưng truyện ngắn có phần dàn trải, hình tượng nhân vật chưa sắc nét vì gần như thiếu vắng những độc thoại nội tâm. Cái chết của Sếu đã đóng đinh cảm nhận của người đọc vào một cột mốc nhất định. Giá như cứ để cho Sếu lang thang vô định trên cầu bờ sông gió thổi… có lẽ mở ra nhiều ngậm ngùi ngẫm ngợi hơn. Đã có khá nhiều cái chết: cô diễn viên, người chồng sám hối, cô Sếu, cả con chó của ông Còi; những cái chết như là những cú tạt ngang thật mạnh đánh vào lương tâm thời đại. Đã có những mất mát không thể hàn gắn treo lên vấn nạn nhưng đồng thời những “Nắng chiều lung linh”, một thú nhận, một hẹn lời…lại âm âm một diễn ngôn, cho ta nhiều hy vọng.

Là tập truyện đầu tay, nhưng VTH đã rất nhạy cảm và tinh tế, chị dũng cảm lột trần cái cõi ma ma người người nên “Người nhìn thấu linh hồn” gần như là một sân khấu kịch đời ta soi mặt vào và tìm thấy mình ở đó. Có lẽ đây là điểm hấp dẫn và là giá trị ngời ngời của tập truyện.

TP Hồ Chí Minh 12/12/2010

CẦM LINH
Tạp chí Văn Nghệ BRVT số 110 (4-2011)

………………………………………………………………………

1.Emilie, một phụ nữ 48 tuổi đang sửa soạn một bữa tối lãng mạn để cùng chồng, Marc, kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày cưới của họ. Mọi thứ đã được chuẩn bị, nhưng chị đã quyết định buông rơi tất cả để chạy theo một cái tin nhắn của người tình cũ thời thơ dại.

2.Trích Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư

3.Trích Qu’est-ce que la littérature, Le Temps Moderne)

4- Nhan đề một vở hài kịch của Molière

  • Các trang web Văn học giới thiệu tập truyện “Người nhìn thấu linh hồn” của VTH:

http://thuvien.hoo.vn/nguoi-nhin-thau-linh-hon/

http://nhavantphcm.com.vn/the-gioi-sach/nguoi-nhin-thau-linh-hon.html

http://nguyentrongtao.org/2011/02/24/vu-thanh-hoa-va-ng%c6%b0%e1%bb%9di-nhin-th%e1%ba%a5u-linh-h%e1%bb%93n/

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12301

http://www.datdung.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3689#axzz1HmRcF43b

http://nhasachphuongnam.com/sach/van-hoc-viet-nam/tieu-thuyet/nguoi-nhin-thau-linh-hon.html

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu