VTH – “Một nền âm nhạc phát triển không thể vắng bóng những nhóm nhạc lừng danh” – đó là suy nghĩ của mình khi thấy các nhóm nhạc Việt Nam ngày càng giảm đi về số lượng (và có lẽ cả chất lượng). Mời bạn đọc sâu hơn về vấn đế này trên bài viết đăng trên Báo Vũng Tàu chủ nhật số 27 ngày 31/7/2016 của Vũ Thanh Hoa tại đây:
ĐỈNH CAO VÀ THOÁI TRÀO CỦA CÁC NHÓM NHẠC VIỆT
Thông tin nhóm nhạc 365 tan rã từ 30-7 đã làm nhiều người hâm mộ nhạc Việt hụt hẫng, tiếc nuối. Bởi lẽ, đây là nhóm nhạc khá thành công hiện nay và khá hiếm hoi khi trụ lại được ở một thị trường nhạc Việt đầy bất ổn.
Giới chuyên môn tính trung bình tuổi đời của một nhóm nhạc Việt là 5 năm, thời gian vừa đủ gây “thương nhớ” cho một thương hiệu nhạc rồi lại chứng kiến cảnh “đường ai nấy đi” với đủ những thông tin vui buồn, bất ổn và nó báo hiệu một thời kỳ thoái trào của các nhóm nhạc Việt.
THỜI HOÀNG KIM CỦA CÁC NHÓM NHẠC VIỆT
Bản thân tác giả bài viết này đã từng say mê theo dõi những chương trình ca nhạc lớn có sự tham gia của những girlsband (nhóm nhạc nữ) ở miền Bắc như: Tik Tik Tak, Tam Ca 3A, Tam ca Con Gái, 5 Dòng Kẻ… Còn ở miền Nam, nếu Tam ca Áo Trắng, 3 Con Mèo là những cái tên quen thuộc với thế hệ những người sinh năm 1970 (7x), 8x thì Mây Trắng, Mắt Ngọc, H.A.T lại là những người đẩy mạnh trào lưu girlband lên một tầm cao mới với lượng khán giả hùng hậu gồm các giọng ca thế hệ cuối 8x và 9x. Về các boysband (nhóm nhạc nam), những cái tên như: Quả Dưa Hấu, 1088, Sài Gòn Boy, AC&M, MTV cho đến The Men, V.Music, 365… đã khiến bao fan nữ thổn thức bởi các chàng trai với vẻ bề ngoài nam tính cũng như giọng hát nổi trội, cá tính đã mang lại không khí sôi động, nhiều màu sắc cho thời kỳ hưng thịnh của nhạc trẻ Việt Nam.
Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của xu thế nhạc Âu – Mỹ đã thổi luồng gió mới vào những nhóm nhạc Việt thời kỳ đó, tạo nên những phong cách hiện đại, năng động, chinh phục giới trẻ Việt đang khao khát hòa nhập thị hiếu nhạc quốc tế. Có thể nhận ra thấp thoáng chút gì đó của Spice Girls (Anh quốc) trong nhóm Tik Tik Tak, TLC và 3 Con Mèo; một chút gì của Boyzone (Ireland), Blue (Anh quốc), Backstreet Boys (Hoa Kỳ)… trong Quả Dưa Hấu, MTV… Những nhóm nhạc Việt đã mang lại đời sống tinh thần mới mẻ cho công chúng yêu âm nhạc nước nhà. Khán giả đón nhận họ như một sự đa dạng thú vị trong lối trình diễn, phong phú về hình ảnh và giọng điệu, không chỉ ở tầng lớp thanh niên mà cả những người lớn tuổi vốn rất sành nhạc ngoại, yêu thích những nhóm nhạc lừng danh thế giới thập niên 80, 90 thế kỷ trước.
THỜI THOÁI TRÀO CỦA CÁC NHÓM NHẠC VIỆT
Nhưng thời huy hoàng của các nhóm nhạc Việt đang dần lùi xa. Có thể điểm qua một số nguyên nhân: Trước tiên là thị trường băng đĩa, video đã không còn thịnh hành khi mà khán, thính giả có thể nghe nhạc bằng nhiều phương tiện và ứng dụng trên mạng internet. Ngoài ra, thị trường biểu diễn ngày càng khắc nghiệt. Một bầu sô cho biết, nếu phải chọn nghệ sĩ cho một đêm diễn sự kiện thì họ sẽ chọn ca sĩ đơn lẻ hơn là nhóm ca, bởi chi phí để trả cho nhóm bao giờ cũng cao hơn, “trong khi hiệu quả thì chưa chắc hơn”. Hơn nữa, một sự thật cần phải thừa nhận là, ở Việt Nam, nhiều thành viên các nhóm nhạc đều muốn tách ra hát riêng khi bắt đầu nổi tiếng. Lý do là khi hát riêng, họ sẽ nhận được các hợp đồng độc lập và không phải chia cho công ty quản lý lẫn các thành viên của nhóm.
Để níu chân các thành viên trong một nhóm nhạc, các công ty quản lý thường “trói” họ bằng các hợp đồng dài hạn. Ở Hàn Quốc, hợp đồng thường kéo dài từ 7 – 10 năm cùng những điều khoản phạt rất nặng nếu phá vỡ hợp đồng. Ở Việt Nam, các ca sĩ khi tham gia nhóm nhạc chỉ ký hợp đồng từ 3 – 5 năm. Chính vì thế, khi đến hạn hợp đồng, cũng là lúc có chút tiếng tăm, các thành viên trong nhóm thường tan rã vì không thống nhất được các điều khoản với công ty quản lý.
Thế nhưng, có một thực tế là bản thân các nhóm nhạc Việt cũng chưa nổi bật về bản sắc nên chưa vượt lên hẳn về tầm cỡ trong khu vực chứ chưa nói rộng ra thế giới. Vì vậy, khi đứng chung trong nhóm, một vài thành viên có vẻ nổi bật về cá tính nhưng khi chuyển qua hát riêng, họ lại khá đuối và nhạt nhòa. Nếu như trước đây, một số nhóm nhạc Việt có chút gì hao hao với các nhóm của Âu, Mỹ, Trung Quốc, thì nay lại dễ bị đem so sánh với các nhóm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, những nhóm nhạc Hàn Quốc có hẳn một nền công nghiệp âm nhạc phát triển, những nhà quản lý tài ba cũng như những giọng ca được đầu tư kỹ lưỡng từ kỹ nghệ trình diễn cho đến hình thể bắt mắt đã khuynh đảo thị trường âm nhạc toàn cầu, còn các nhóm nhạc Việt thì chưa có điều kiện như thế.
Một nền âm nhạc phát triển không thể vắng bóng những nhóm nhạc lừng danh. Những cuộc thi nhạc gần đây đã xuất hiện những nhóm nhạc đầy triển vọng như chương trình X-Factor: The Wings, Dolphins, SGirls… nhưng họ rất cần những nhà quản lý và tổ chức chuyên nghiệp để dẫn dắt họ vững vàng phát triển theo xu thế của thời đại nhưng vẫn giữ bản sắc riêng của nhạc Việt.
VŨ THANH HOA
Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu Chủ Nhật