NHỮNG CHIẾC CÚC
thơ Vũ Thanh Hoa
những chiếc cúc như tràng hạt xếp hàng
mở dần ngực nắng
tóc em cuộn mùa thu ngái ngủ
mưa cúi mình ăn năn
đừng nhắc lá đang úa vàng
bình minh ngả màu khổ hạnh
đừng tô màu mây trắng
đêm cứ dài cho đủ chiêm bao…
thắp nguyện cầu trên những ngón tay
lạc vào câu kinh nhắm mắt
sáng mai
em thành người đãng trí
tỉ mẩn cài từng chiếc cúc
hàng hàng tràng hạt
vô tri
21.2.2011
(Bài thơ in trong tập thơ Lời cầu hôn đêm qua, NXB Hội Nhà Văn 2012)
LỜI BÌNH CỦA VÂN ĐÌNH HÙNG:
Thi ảnh trong bài thơ dính đến cửa thiền. Vật dụng của người tu hành dùng hàng ngày để răn mình qua mỗi vòng lăn 108 lần lặng lẽ. Nhưng phía sau dãy tràng hạt xếp hàng là ngực nắng, chính nó lại chứa bên trong, phía sâu kia, ngay sát gần, một trái tim, một nhịp đập, một sống, một hy vọng, một khắc khoải, một đợi chờ.
Những một ấy ở bài thơ này giấu khá kỹ. Giấu trong ngái ngủ, giấu trong chiêm bao, giấu trong mắt nhắm và cả trong sự ngẩn ngơ của người đãng trí. Thế là bồng bềnh, thế là phiêu dạt, thế là… thinh không. Tự thinh không mắt nhắm buồn đăm đắm… ăn năn.
Từ mở ngực nắng đến cài hàng hàng tràng hạt, ở khúc giữa, trường đoạn quay chậm có bình minh khổ hạnh, có thắp nguyện cầu trên những ngón tay. Tuyệt nhiên không thấy lửa mà những con chữ kia vẫn sưởi cho người viết, phả quang nhiệt cho cả người đọc rồi theo lời dụ mị lạc vào câu kinh nhắm mắt. Cho người đọc thỏa sức tưởng tượng, thỏa sức bay bổng bay la theo mách bảo của thinh không, cứ như bị thinh không cầm nhịp vậy.
Tứ thơ khởi nguồn từ những chiếc cúc… áo. Rồi nghĩ nó là những hạt tròn ruột rỗng, được xâu thành chuỗi đủ anh hùng Lương Sơn trong đó. Bất ngờ hạt Yến Thanh rơi ra mà chuỗi tràng kia không tuột. Hạt Yến Thanh đại diện Lương Sơn, thay cho người mang tên sông, đại diện cho Tống triều rực rỡ văn hoa. Men rạn Tống triều, tôi đã từng viết thế cho một việc khác, về một thời vàng son văn bút thi ca, chớp mắt đã cả ngàn năm trôi. Trong lớp mờ men rạn lại có một nhân vật thứ hai nương cửa thiền mà vẫn chưa dằn được sân si, người ấy họ Lỗ. Những điều dẫn này như nét nguệch ngoạc vẽ gà thêm cánh, rắn thêm chân vào thơ, vào những chiếc cúc, chẳng ăn nhập gì. Thế nhưng lớp men rạn Tống triều đã giúp tôi đẩy những cảm xúc nhọc nhằn của mình khi phải đọc những dòng chữ nhẹ tênh của bài thơ kết bằng hai chữ vô tri. Vô vi nữa, theo tôi chợt nghĩ. Mẹn rạn Tống triều được làm từ tro của rơm nếp mới, ủ điêu luyện bằng bí truyền nhà nghề. Mặt men trên sản phẩm gốm rạn hồn nhiên, bóng vô tư, cho một cảm nhận sang trọng của hoa văn trầm mặc trong hình hài cong cong duyên dáng của các vật dụng thường nhật.
Cũng như các chữ thơ nói trong Những chiếc cúc: nào thì ngực nắng, nào là bình minh màu khổ hạnh, có cả mây trắng ngừng bay bởi mùa thu ngái ngủ… Thế nên cái sự vẽ thêm chân, thêm cánh kia như song hành với cái thật, cái đọc được bằng văn bản. Chúng tựa nhau, nương nhau.
Duy có điều khi đọc: tỉ mẩn cài từng chiếc cúc/ hàng hàng tràng hạt/ vô tri thì tri không vô, không phải là không vào nhưng phương ngữ phương Nam. Vô ở đây nguyên nghĩa là không, không trọng lượng. Không vô là không không, không thể không. Thế thôi.
Cúc cài tỉ mẩn là hành vi cài cẩn thận để có một sự chắc chắn. Cài nó giống như khóa. Tỉ mẩn tương đương với chặt. Khóa chặt! Định là thế mà không được mà không đành. Bởi những hàng hàng vô tri kia vốn dĩ nó là vô vi. Những gì sau đấy chỉ có tác giả biết và những người đọc tiếp những bài thơ ra sau Những chiếc cúc biết. Chắc chắn là có các bạn và tôi nữa.
Những cảm nhận về bài thơ này của nhà thơ Vũ Thanh Hoa dễ gây ra sự miên man trên, như đã viết, và bạn đã đọc. Hết bài rồi mà hàng hàng tràng hạt cứ xõa đầy, xõa tràn không dứt trong nhịp mõ nhẹ thoảng, cầm canh cho sự rơi không trọng lượng, không nghỉ, không ngừng, không không – sắc sắc… ảo diệu!
Ngày 8/3/2012_Vân Đình Hùng