“Chương trình quà tặng cuộc sống của VTV3” thật sự đã lấy rất nhiều truyện ngắn của các tác giả rồi cắt xén, chế biến làm giảm hẳn giá trị của tác phẩm. “Chuyện thằng Bo” là một truyện cực ngắn nổi tiếng của mình đã đạt Giải Nhất trong cuộc thi trên trang Web Hội Ngộ Văn Chương do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khởi xướng và chấm giải gồm nhiều nhà văn tên tuổi vào năm 2007, nay truyện được vẽ lại theo hình thức clip hoạt hình để “giáo dục” vừa nhạt lại vừa cụt, rất bực mình. Xin đăng lại truyện cực ngắn này kèm clip cho bà con so sánh:
- Đã không xin phép tác giả lại còn tự tiện thêm bớt, thật là quá đáng!
* Xem truyện cựa ngắn này tại Trang Hội ngộ Văn chương:
http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192/118361
* Tại Chim Việt Cành Nam: http://rongmotamhon.net/static/chimviet/truyenky/vuthanhhoa/vuthanhhoan_053chumtruyen.htm#chuyenthangbo
* Tại vuthanhhoa.net: http://vuthanhhoa.net/chuyen-thang-bo.xml
* Clip trên Youtube:
CHUYỆN THẰNG BO
Tình trạng thằng Bo đáng ngại: Béo phì độ một và có triệu chứng trầm cảm! Học lớp 3 rồi nhưng ăn nói rất ngớ ngẩn. Cô giáo hỏi: “Bố em làm nghề gì?” Bo trả lời: “Nghề sếp!” Cô cười: “Đó không phải là một nghề em ạ. Em thử nhớ lại xem mọi người xung quanh thường gọi bố em là gì?” Bo nghĩ ngợi rồi đáp: “Gọi là… đại gia!”. Cô giáo thở dài, kiên nhẫn: “Vậy mẹ em làm nghề gì nào?” Bo ngần ngừ một chút rồi tự tin hơn: “Mẹ làm nghề… phu nhân!” Cô giáo lắc đầu. Bo cố cãi: “Ai cũng bảo thế mừ…!”
Bo học càng kém. Ở lỳ trong phòng. Không ăn cơm mà đòi ăn quà vặt, chỉ tiếp xúc với cô “osin”. Bố mẹ lo lắng quá. Bố lên mạng tham khảo các ý kiến của các chuyên gia toàn cầu. Mẹ bỏ hẳn khóa học Thẩm mỹ để nhiều thời gian bên Bo hơn nhưng vẫn không ăn thua. Bo chỉ giao lưu mỗi cô “osin”. Hôm nọ, bố mang ô tô đón ông nội đến ở hai ngày với gia đình nhỏ, mong ảnh hưởng chút gì đến thằng cháu đích tôn. Ông nội giải thích rất nhiều về đạo lý, về trách nhiệm và ý nghĩa của một bé trai ngoan với dòng họ. Ông nhấn mạnh: Bố cháu là người thành đạt, mẹ cháu là một phu nhân cao quý. Cháu phải trở nên một “người xứng đáng”.
Nhưng xem ra “nước đổ đầu vịt”. Bo ngồi như phỗng, ngáp vặt rồi lại nghĩ ra “mưu” đau bụng, khó thở… làm cả nhà nháo nhào lên, thế là… thoát! Chuyên gia tâm lý khuyên gia đình đừng ép cháu điều gì. Cứ để Bo thích gì làm nấy, thích ai thì để người ấy gần gũi và tỉ tê dần dần… Chỉ mỗi cô osin chăm sóc Bo từ 21 tháng tuổi đến giờ “trúng tuyển” thôi. Cả nhà bị “loại” hết. Căn phòng riêng của Bo nhìn vào ngỡ là một góc phim trường Hollywood: người Dơi, Người Nhện, Siêu nhân, chuột Mickey, vịt Donnal… hàng chục loại máy bay, xe hơi, tàu chiến điều khiển từ xa… bố mua từ khắp nơi trên thế giới nhưng nó chẳng đụng đến. Nó chống cằm nhìn từ cửa sổ xuống con đường đông đúc, mặt buồn rười rượi. Cô osin mang ly sữa để trước mặt. Bo chỉ buông một câu: “Không uống!”. Nhớ lời bác sỹ tư vấn, cô osin nhỏ nhẹ: “Bo có muốn xuống phố chơi không?” Bo đi theo osin vẻ miễn cưỡng nhưng không khó chịu.
Một tiếng sau, trở về, Bo có dấu hiệu dễ chịu hơn. Tối hôm sau, Bo bảo osin: “Xuống phố chơi mừ…” Bố mẹ xúc động quá. Lâu lắm rồi, cu cậu mới có chút biểu hiện muốn gì. Liên tục một tuần , Bo bắt đầu cởi mở hơn với mọi người, làm các bài tập ở nhà và… ăn cơm. Đợi Bo ngủ say, mẹ gọi cô osin ra thì thầm: “Mày đưa nó đi đâu thế?” Cô osin cười cười: “Con đưa Bo đi vòng quanh phố rồi ghé vào xóm trọ của chúng con chơi tí…” Mẹ nhíu mày : Xóm trọ của dân nhập cư cực kỳ phức tạp, không khéo sinh ra đủ chuyện… Mẹ bàn: “Bo vui vẻ trở lại, có lẽ ngày mai bảo nó ở nhà, bố mẹ chở xe hơi ra khu Vui chơi giải trí lớn nhất thành phố ăn buffet!” Cô osin “dạ” rất lễ phép.
Tối hôm sau, thằng Bo hỏi cô osin: “Đi chưa?” Cô osin nhìn mẹ cầu cứu. Mẹ dịu dàng giải thích. “Hu hu hu” thằng Bo lăn ra sàn nhà “Không đi Khu vui chơi đâu!” “Con muốn gì ?” Bố tái mặt vì giận. Mẹ thì thầm: “Đừng anh. Chuyên gia bảo…” Bố nhớ ra, dịu giọng: “Thôi được. Hoãn chuyến đi Khu vui chơi”.
Bo nín khóc. Cô osin lại tung tăng dắt Bo xuống phố. Mẹ đưa mắt. Bố gật đầu. Thay bộ đồ bình dân, bố bí mật bám theo. Đi qua con đường đông. Rẽ trái vào một con đường nhỏ rồi lại rẽ phải vào một ngõ hẹp xập xệ và đông vui của dân lao động, bố thấy hai cô cháu đi chậm lại rồi dừng trước một xe hủ tiếu gõ. “Ôi dào, thằng khỉ, tưởng gì!” Bố thở phào, cười. Một thằng bé cỡ tuổi Bo, có lẽ là con của người bán hủ tiếu ra đón tiếp Bo rất thân thiết. Hai thằng kín đáo vào bụi cây ven đường, Bo cởi ngay bộ đồ “xịn” đổi bộ đồ cháo lòng của thằng kia vẻ rất thành thạo. Thằng kia ngồi nghỉ ngơi trên ghế cùng cô osin, chuyện trò rặc tiếng địa phương nghe rất rôm rả. Còn Bo, ánh mắt long lanh, hoan hỉ, vừa cầm đoạn tre gõ “cắc cắc cắc” rất hứng thú vừa chạy qua chạy lại bưng bê mấy tô hủ tiếu cho đám khách hỗn độn xung quanh. Bố còn nghe rõ cô osin ngưng nói chuyện, quay lại dặn Bo rất “trách nhiệm”: “Tranh thủ gõ và bưng bê đi nghe con. Chỉ được làm một tiếng là phải về rồi!”
29.8.2007
Vũ Thanh Hoa
Kết quả Chấm giải tại đây: http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192/118361
Bất ngờ, hehe… phần cuối mở, thả lỏng suy nghĩ, hay chị ạ, em thành fan đọc truyện ngắn của chị rồi, truyện dài tạm thời em xin chịu đã.
thật bất ngờ . thực tế có hay sẩy ra hay không? . có phải chỉ có trẻ tự kỷ, trầm cảm mới không bị tác động nhiều của môi trường sống xung quanh, sống một mình trong thế giới riêng của chúng? . còn trẻ bình thường thì sẽ noi theo các (sếp), các (phu nhân) ở bên cạnh chúng? . chắc là thế đó? .