Cho em, và cho tôi…- Hoàng Quý

VTH – Gặp một Hoàng Quý khác, trong những thi ảnh nhẹ nhàng, thanh thản về ký ức chiến tranh với ngôn từ giản dị đến mức dịu dàng… Có lẽ thông điệp của nhà thơ muốn nhắn gửi rằng: Đã đến lúc cần nhìn cuộc chiến năm xưa với một góc nhìn khác? Mời bạn đọc bài thơ mới nhất của ông vào dịp kỉ niệm ngày 30/4/2017 – Ngày đất nước thống nhất : “Cho em, và cho tôi…”, nhà thơ Hoàng Quý vừa gửi vuthanhhoa.net:

>> Mưa ký ức trên cánh đồng thơ Hoàng Quý – Vũ Thanh Hoa

Nhà thơ Hoàng Quý

Cho em, và cho tôi…

Cho 30 tháng Tư
Cho những tháng năm xa

Cho tôi về thăm
Tháng ngày đã xa
Hoa thơm còn rung
Chân trần ấu thơ
Cho tôi tìm về
Ngày tháng thoi đưa
Con đường sỏi nhỏ
Nở tím hoa mua
Cho tôi cùng tôi
Những chiều ngút xanh
Trái tim trẻ trung
Mơ cùng lãng du
Cho tôi tìm lại
Ngày đã qua tôi
Tháng năm vụng dại
Bỏ tôi cuối trời…

Cho tôi tìm quên
Dẫu mờ dấu chân
Những năm lửa bom
Khu vườn úa xanh
Xin cho được về
Cùng những chiêm bao
Khúc ca tật nguyền
Đừng dứt day tôi
Cho tôi tìm em
Những ngày tím xưa
Trái tim trẻ trai
Đã từng đớn đau
Mơ lên một lần
Và những xa xăm
Tháng năm phiền muộn
Rồi sẽ nguôi ngoai…

Xin một lần
Miền thơ ngây tìm về
Xin một lần
Miền lau tôi vút xanh
Xin cho em
Xin cho tôi
Một lần trổ hoa
Trong hoang vu kiếp người!…

23/4/2017

HOÀNG QUÝ

9 comments

  1. Là người lính, đã trải qua những tháng năm lửa đạn, người lính ấy cứ day dứt, mong một ngày gặp lại mà cũng mong một ngày không thế. Tất cả các cuộc chiến đều sẽ phải kết thúc nhưng với người lính, cuộc chiến là sự đeo đẳng đời người. Quá khứ muốn quên chẳng thể quên, quãng đời muốn nhớ mà buồn khi nhớ đến. Chỉ ao ước nhỏ nhoi “xin một lần” cho em, và cho tôi chỉ là miền lau, miền thơ ngây sao khó lắm thay. Cái đau muốn giấu mà không thể giấu, cứ dằn vặt, đay nghiến kiếp hoang vu người. Vẫn thế, một Hoàng Quý, lính chiến cứ đau đáu một nỗi niềm nhân kiếp. Câu thơ ngắn mà nhịp thơ lại rất chậm. Cái dùng dằng cứ thế giữa Hoàng Quý của quá khứ và hiện tại. Nỗi niềm Hoàng Quý sau 42 năm bật lên thành lời thay lời muốn nói tháng năm xa. Cám ơn Hoàng Quý nói hộ lòng người. Cám ơn vuthanhhoa.net đã đưa đến bạn đọc bài thơ này./.

  2. Đã lâu lắm lại được đọc thơ của thi nhân họ Hoàng. Trước hết phài cảm ơn trang web văn chương của nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa, bởi vì mỗi lần đăng thơ các tác gia tinh tuyển, thơ Hoàng Quý luôn luôn được nữ chủ nhân trọng thị cân nhắc từng chữ ngay từ lời giới thiệu. Cũng hoàn toàn tự nhiên thôi, trong những thi nhân cuối thế kỷ XX – đấu thế kỷ XXI, thơ Hoàng Quý không bỗng dưng được Trinh Đường, Ngô Quân Miện, Giang Nam, Vân Long, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Chính v.v.. và tại hải hải ngoại là Du Tử Lê dành những bài phê bình đánh giá giá trân trọng. Và mới nhất, là bài viết của Phạm Thuận Thành trên Tạp chí Nhà văn và tác phẩm số 22 tháng 3 – 4 năm 2017.
    Tuy nhiên, thưa thi sĩ Vũ Thanh Hoa, “Cho em, và cho tôi” tinh khôi của Hoàng thi sĩ đâu có là một Hoàng Quý khác. Những bài thơ nổi tiếng đề tài chiến tranh và hậu chiến tranh của ông trước đó như “Khi chiến tranh đi qua”, “Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức,”, “Thị Kính bây giờ đã mấy mặt con”, “Mắt biếc”. “Gọi người”, “Nghe mưa”… vấn là giọng điệu rất riêng, rất Hoàng Quý, thăm thẳm, nhân ái và sang trọng. Vẻ đẹp của chữ luôn luôn giản dị mà phong nhiêu, âm trầm mà trang nhã, dưới câu dưới chữ là tầng nghĩa của tư duy, của suy nghiệm và từng trải. Để mang đến được cảm giác “giản dị đến mức dịu dàng” như cách diễn đạt trong nhận định của chị chỉ có thể có ở một nội lực thâm hậu. Xin mượn trích một nhận định của cố Thi sĩ Trinh Đường “Cùng một cảnh vật ấy, trong mắt Hoàng Quý đã biến ảo như trong một thế giới khác, gây buồn sâu hơn và gợi nghĩ nhiều hơn”.
    Xin cám ơn trang văn đã giới thiệu một bài thơ hay!
    Xin cám ơn chủ nhân cho tôi nói đôi lời về Thơ của nhà thơ Hoàng Quý!

  3. Chả cần rối rít, chả cần lên gân lên cốt, chả cần ồn ào, thơ anh vẫn luôn níu kéo hệt như có ma thuật gieo trong câu chữ. Tinh tế và giản dị chừng đến tận cùng, thế mà sau câu còn muôn vàn câu. Thế mới biết không chỉ tài năng thôi đâu, cái dung lượng kiến văn và nghiệm sống nặng nhẹ thế nào thì tác phẩm của anh sẽ là câu trả lời rõ nhất.
    Bài thơ kiệm chữ, nhẹ nhàng, thanh thản mà vẫn đầy dư ba. Có thể hát lên chứ không chỉ đọc. Tôi nghĩ thế.

  4. Thật nhẹ nhõm.Thật dịu dàng. Day dứt đấy mà nhân văn biết bao. Lại nhớ những câu thơ ông viết về mùa thu chợt đến hôm nào, cũng nhẹ nhàng mà găm la5ilo2ng người: “Ngoài kia em giờ chắc/ Trải gấp tơ vàng phơi/ Cái ngày lơ đãng ấy/ Bao nhiêu la2noi1 cười”… Một trái tim nhân hậu. Một bút văn của tinh tế của bậc tài văn.
    Mong Vũ Thanh Hoa giới thiệu được nhiều thơ hay!

  5. “Tháng năm phiền muộn/ Rồi sẽ nguôi ngoai…”
    Không dễ. Nhưng đúng. Cần thế. Mong thế. Và phải thế.
    Cám ơn nhà thơ!

  6. Tôi đã đọc nhiều bài viết của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình khi viết về Thơ Hoàng Quý đều bình và trích 4 câu thơ nổi tiếng của ông trong bài “Khi chiến tranh đi qua”: Khi chiến tranh qua đi cái nhớ, cái quên/ Cái nhớ đã làm duyên, cái quên không cả thẹn/ Cái nhớ cái quên cô độc trên đời/ Như không nói ra thì không tiện, thế thôi!”. Và, không thiếu nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình e ngại khi ông viết: “Bông cúc ta từng hái ở mùa thu thu/ Khô xác 30 năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại tên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai. Hoa cúc!/ Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên/ Bia rượu đầy mồm/ Bia rượu đầy mặt/ Bia rượu tràn trên đất/ Đất trổ đầy rong rêu/ Chả vàng được nữa đâu. Hoa cúc!” (Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức – HQ viết sau 1975 ba mươi năm, vào 2005). Và bây giờ, sau 42 năm (30/4/1975 – 30/4/2017): “Cho tôi tìm quên/ Dẫu mờ dấu chân/ Những năm lửa bom/ Khu vườn úa xanh/ Xin cho được về/ Cùng những chiêm bao/ Khúc ca tật nguyền/ Đừng dứt day tôi”… v. v..
    Cuộc chiến tranh tàn bạo kia dù được nhìn dưới bất cứ góc sáng tối nào thì, người trong cuộc đồng thời là chứng nhân muốn xin “tìm quên” cũng không thể nguôi quên. Rõ ràng, ông đã gửi tới bạn đọc nguyên vẹn thông điệp ông đã viết từ 12 năm trước (2005): “Chả vàng được cho ai. Hoa cúc!”, và ngược lên trước nữa” Cái nhớ cái quên cô độc trên đời/ Như không nói ra thì không tiện, thế thôi!”.

  7. He he! Quấy rối t d nhà thơ không sợ bị phạt bạn MK nhỉ. Vui đùa chút thôi. Thơ Hoàng Quý được VTH giới thiệu đều là những bài hay. “Cho em, và cho tôi” rất giầu nhạc tính. Đọc mà như muốn hát lên. Nhẹ, buồn và dịu dàng.

  8. Thơ ông luôn gửi một nỗi niềm nhưng luôn luôn trong veo và sang trọng. Ông và thế hệ ông với chiếc ba lô cóc và khẩu AK huyền thoại đã cùng với dân tộc bước qua cuộc chiến đấu khốc liệt không cân sức diệu kỳ. Đọc “Cho em, và cho tôi” làm tôi nhớ những câu thơ trong “Nghe mưa” của ông hôm nào: “Nghe mưa, nghe mưa/ Ta ngồi nghe mưa/ Nghe mưa còn đi phù du kiếp người/ Đêm nay lại về tìm lên thương nhớ/ Ta nghe đầy trời vang những giọt mưa…”
    Cám ơn trang vuthanhhoa.net cung cấp thêm một bài thơ hay, mới của nhà thơ Hoàng Quý!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu