Bố mẹ mất sớm, là anh cả của 6 đứa em nơi vùng quê nghèo nhất nước, Sinh lặn lội lên thị xã B. ở nhờ nhà ông Tuyên, ông chú họ xa bên mẹ . Vợ chồng ông Tuyên khá giả lại không có con nên thương yêu Sinh như con đẻ. Ban ngày Sinh phụ việc ở quán ăn của chú thím, tối đi học.
Một tối học về muộn, vợ chồng chú đã lên phòng nghỉ, Sinh thấy chiếc đồng hồ vàng rất xịn ông Tuyên thỉnh thoảng vẫn đeo để trên bàn. Không kìm mình được, Sinh giấu chiếc đồng hồ vào người rồi len lén ra phòng ngoài chùm chăn ngủ…Sáng sớm, Sinh đem chiếc đồng hồ ra cửa hàng bán được 3 triệu, gửi tiền về quê cho các em ăn học.
Mấy hôm sau, vợ chồng ông Tuyên mới phát hiện mất đồng hồ. Ông bà nghĩ chắc để quên ngoài quán, khách hàng lấy. Sinh nghe ông Tuyên bảo vợ:
– Tôi không chỉ tiếc giá trị cái đồng hồ mà tôi còn tiếc vì đó là vật kỷ niệm của ông thầy dạy nghề đã tặng tôi trước khi mất…
Ông Tuyên buồn bã suốt một thời gian. Sinh hối hận quá nhưng không thể thú nhận với chú thím.
Năm tháng trôi qua, Sinh đã học xong và ông Tuyên xin cho cậu vào làm việc ở một công ty kinh doanh đồ may mặc. Sáng dạ, cần cù nên chỉ thời gian ngắn, Sinh đã được ông chủ cho làm quản lý một đại lý nhỏ ở thành phố S. Đại lý ngày một phát đạt. Mấy năm sau, Sinh được đề bạt làm phó giám đốc công ty. Cậu đi xe hơi láng coóng, tay xách lap-top, tay nghe điện thoại di động, trông thật oai phong.
Rồi Sinh mở công ty riêng và trở thành một Tổng giám đốc nổi tiếng. Các em Sinh cũng đã chuyển lên thành phố, đứa lấy chồng, lấy vợ, đứa học đại học…
Một hôm đang ngồi dự tiệc với quan khách, Sinh nhận được điện thoại của bà Tuyên :
– Chú bệnh nặng lắm rồi, con nên về gặp chú…
Sinh vội lao ra cửa, trước bao cặp mắt ngạc nhiên của các vị khách quý. Trên đường lái xe về thị xã B., nước mắt rơi nhòe đôi mắt của ông Tổng giám đốc trẻ. Đến thị xã, trời đã sáng, Sinh không về ngay nhà chú mà lái xe đến cửa hàng đồng hồ ngày nào. Cửa hàng chưa mở, cậu nhẫn nại đứng bấm chuông. Một bà già to béo, nhăn nhúm như quả táo tàu, vừa mở cửa vừa làu bàu:
– Khiếp! Có chuyện gì mà cậu khủng bố cửa hàng chúng tôi sớm thế!
– Cô ơi…Cô có nhận ra cháu không?
Bà chủ tiệm nheo mắt nhìn, lắc đầu:
– Chịu. Tôi bây giờ quên nhiều lắm, hình như cậu là ông lớn…
– Cô ơi, cháu là thằng bé năm xưa đã mang chiếc đồng hồ vàng bán cho cô. Khi đó cô đã bảo là sao lại có cái đồng hồ đẹp chưa từng thấy bao giờ ấy…
Bà già ngẩn ra một lát rồi gật gù:
– À, nhớ rồi! Cho đến giờ tôi cũng chưa mua được cái đồng hồ nào đẹp hơn . Dạo ấy tôi trả cậu mấy triệu, tôi thấy cậu bán ngay nên rất mừng…
– Bây giờ còn không hả cô?
Bà già luồn tay vào túi áo, lấy ra một chùm chìa khóa, đi vào nhà trong, Sinh nghe tiếng bà mở cẩn thận ngăn tủ bí mật nào đó. Lúc sau bà mang ra cái hộp nhỏ màu xanh, trong đựng chiếc đồng hồ vàng còn mới nguyên, bảo:
– Nó đẹp quá nên tôi chẳng dám dùng, cất đi để xem ai trả giá thật hời mới để lại…
Run rẩy vì xúc động, Sinh vội hỏi bà chủ muốn để lại bao nhiêu, bà già hơi lúng túng rồi đưa ra một cái giá bà vừa nghĩ ra . Không chần chừ, Sinh rút ngay tiền trả.
Trên đường về, thỉnh thoảng Sinh lại liếc nhìn cái hộp xanh, thầm hứa với lòng mình sẽ thú thật tất cả với chú thím…
Sinh chạy vội vào phòng trong nơi chú Tuyên nằm. Chú bây giờ chỉ còn da bọc xương, không nói được nữa nhưng vẫn nhận ra đứa cháu yêu quý. Tia vui mừng hiện ra trong ánh nhìn của chú, Sinh nắm chặt tay chú rồi vội lấy ra chiếc hộp nhỏ, cậu vừa định mở lời thì thấy đôi mắt chú khép lại…chú đã đi về cõi vĩnh hằng…
Ngày nọ, người ta thấy một người đàn ông ăn mặc sang trọng, đi chiếc xe hơi đắt tiền, dừng trước ngôi mộ ông Tuyên, anh quỳ xuống , thầm thì gì đó khá lâu , sau đó lấy ra một cái hộp nhỏ màu xanh, rất nâng niu, anh châm lửa hóa. Chắc hẳn trong đó là một vật rất quý giá.
8.6.2009
Vũ Thanh Hoa
Truyện đọc nhẹ nhàng chị ạ.
Có những việc không thể sửa chữa…