Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức – Hoàng Quý

VTH – Hoàng Quý là bậc “sư huynh” của tôi vì khi còn làm ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, anh thường đến Sở Ngoại Vụ chuyện trò với ba tôi khi ấy ba đương nhiệm là Giám Đốc Sở Ngoại vụ Tỉnh BRVT.  Anh bảo: “Dạo ấy con bé Hoa cao và gầy nhẳng, khoanh tay chào tử tế rồi  lại chạy biến đi chơi …”
Thế rồi cũng chính Hoàng Quý là người viết lời bạt cho tập thơ đầu tay của tôi – Nỗi đau của lá (tập thơ được tặng giải 3 về VHNT của UBND Tỉnh BRVT năm 2004-2009).
Hoàng Quý có một biệt tài hiếm có là anh thuộc lòng không sót một câu chữ nào trong tất cả các tác phẩm của mình (kể cả trường ca) và đọc bằng một giọng đọc hào sảng, truyền cảm, lắng đọng ám ảnh như chính thơ anh.
Xin giới thiệu chùm thơ anh vừa gửi Vuthanhhoa.net: 

Nhà thơ Hoàng Quý – ảnh VTH

*Nhà thơ Hoàng Quý. Sinh năm 1952. Quê quán: Hưng Hoá, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện thường trú tại thành phố Vũng Tàu.

*Tác phẩm chính đã xuất bản: Truyện cổ Mường Châu Phong (tập truyện 1984, 1991), Giấc phì nhiêu (Thơ, 1996), Đi bên mùa lá rụng (thơ, 2000), Ngang qua cánh đồng (thơ, 2002, 2004), Giả trang (thơ 2007).

*Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Vĩnh Phú lần thứ nhất (1984), Giả nhất thơ của UBTQ LHCH VHNT Việt Nam (2003, cho tập thơ Ngang qua cánh đồng), Giải thưởng 10 năm VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ nhất (2004), Giải thưởng văn học Bộ đội Biên phòng (2008).

 Tự khúc

Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới
Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời
Tôi đã ngắm, đã tìm và đắm đuối
Trong hoang mang những Cánh- Đồng – Người

Những cánh đồng ngổn ngang và xanh tươi
Ông đã cày, cha đã cày, ta đã cày và con ta cày xới nữa
Gieo xuống những gì, gặt hái những gì
Trong phì nhiêu có nắng, bão, nước và lửa

Một ngày
Một năm
Một trăm rồi một ngàn năm
Cày xới, gieo trồng, bón chăm đâu có gì lạ?
Trên đĩa đèn loang loáng của kiếp người
Lúa ấy
Ngô khoai ấy và hoa trái ấy
Chất chồng cả máu và mồ hôi
Không có gì lạ!
Cả đam mê say và tỉnh
Không có gì lạ!
Cả nước mắt và tiếng cười
Không có gì lạ…em ơi!

Tôi đã đứng thẳng và đã khom xuống không chỉ một ngày
Đã đứng thẳng và khom xuống giữa chấp chới
những sát – na tối và sáng
Giữa đỏ và xanh
Giữa đen và trắng
Giữa đối nghịch và yêu thương
Đã cho và đã xin…

Tôi đã đến, đã gieo trồng và vun quén
Trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời
Tôi đã nhìn đau đáu
Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người…

1996

Giấc phì nhiêu

Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người. Em đâm đuống, em trỗ ống, ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. Đây là non xanh, kia là thung xanh, con trâu thở hơi sương tung bọt dãi dưới vòm tre kẽo kẹt. Thằng bé đánh cù con cù quay tít. Ông ké già, bà ké già tóc xoà như cước vẹo xiêu men đắng men nồng. Vũ trụ bơ thờ hương lửa. Ta và em đắm nhìn mê sảng giấc phì nhiêu.

Nín nhìn chiếc đèn kéo quân xoay, quan xoay, lính xoay, quản tượng xoay, kẻ sĩ xoay vòng vo ngây dại, lũ nông ngư xoay chèo xoay lưới, con cá ngoắt đuôi xoay đuổi không cùng. Em tha thiết, em tươi nồng vũ trường chớp xanh chớp đỏ. Chợ chạ người anh khoe sức lực điền kẻ xem người trả. Em nhìn ta đăm đắm như buồn một thuở, thánh thót loang dài nước mắt phì nhiêu.

Giật mình tỉnh thức: – Ô! Chỉ là cơn mê. Cơn mê của mộng si níu giữ. Cuối bờ kia gầm gừ sóng phủ, biển vẫn xanh cái xanh hoang như chưa bao giờ xanh thế, gió vẫn rung reo thao thiết đến vô cùng. Con thuyền ra khơi và lưới, và cá. Vũ trụ phập phồng cái ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên. Giấc phì nhiêu của em, của ta không là gì cả. Hiện và xóa. Không là gì cả! Không là gì… một nhúm phì nhiêu.

1996

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Những câu thơ cay đắng nhất
Mang rất nhiều rủi ro

Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ
Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa
Đạn găm đầy hình hài
Nỗi đau không nói được

Bông cúc ta từng hái ở mùa thu
Khô xác gần 30 năm trong ba lô cóc cũ
Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh
Chả vàng được cho ai – Hoa cúc!

Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên
Bia rượu đầy mồm
Bia rượu đầy mặt
Bia rượu tràn trên đất
Đất trổ đầy rong rêu
Chả vàng được nữa đâu – Hoa cúc!

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Mưa ký ức rơi như một bài hát buồn
Mưa ký ức rơi vào bông cúc cũ
Mỗi cánh hoa như một linh hồn

2002

Hoàng Quý, Bùi Đế Yên, Nguyễn Hữu Quý,Vũ Thanh Hoa, Lê Huy Mậu, Lưu Trọng Phú  23/11/2011 tại Vũng Tàu

Gặp tiếng gọi đò

Day dứt loang xa
Đẫm ướt sông kia
Em gọi mãi đò mà đò bằn bặt
Con đò ham chơi
Con đò phiêu du
Trôi về bến nào mù khơi tít tắp

Thao thiết trên sông
Đứt nối bên dòng
Tiếng gọi chồn chân người chờ bến nước
Chiều nay chợt gặp
Một tiếng đò ơi…
Mà như sóng vỡ
Ướt đẫm bờ tôi
Như, em từng gọi
Tôi – trong – dòng – đời

2003

Chợt cúc

Sáng nay
Một bông cúc vừa nở
Chả biết nó thuộc giống cúc gì
Quên hỏi người cho cúc!
Người tặng khóm non từ mấy tháng trước
Cắm đại ở góc vườn
Tưới đôi ba lần
Rồi thôi
Rồi quên
Sáng nay
Một đóa nở
Như vàng chớp
Như nắng nhen
Chợt nhớ người cho cây
Chợt nhớ heo may trời người
Chợt nhớ câu thơ “Mùa thu vào hoa cúc” (1)
Thu rồi!
Mà ta quên!

2007
_________
(1) Một câu thơ của Xuân Quỳnh

 

Ngang qua cánh đồng

Đi suốt cả bon chen gặp cánh đồng mình đồng sau gặt nước về như nước mắt. Còn nặng lòng ư cây trái của ta? Hoa vông đỏ một trời lửa đuốc! Em gói chờ mong trong hạt vàng thu, ta gọi cánh đồng, đồng vang tiếng ếch

Gặp lại ta
Gặp mặt trăm năm
Ta gặp ngây thơ bướm trắng trên đồng
Ta gặp cầu ao con chuồn ớt đỏ
Mải mê hát mãi những lời dung dăng

Ta đếm trăng tròn
Ta mòn trăng khuyết
Giọt mồ hôi mặn cả lốt trâu đi
Những mùa gieo vãi
Những chiều chim về
Cây cau đẫm mỏi dưới vòm sương khuya
Rặng tre lá trút nói lời đón đưa
Ta tìm ta lại
Ta tìm cố tri!

Đi suốt mùa bon chen chạm cánh đồng mình. Đêm trở dạ những chùm sao ngũ sắc. Nghe đất thở phập phồng cổ tích. Ngang qua cánh đồng gặp giấc phì nhiêu!

Đối thoại trắng

(Trích)
… Ai có thể vạch một ranh giới rõ ràng giữa trí tưởng tượng
và tư duy? Nó không có đâu, cái ranh giới ấy.
KONXTANTIN PAUXTOPXKI

3.
Không ai có thể mơ thay giấc mơ nghiệt ngã của anh
giấc mơ tham lam của anh
Bây giờ
Và mai nữa!

Chỉ mẹ dạy anh tiếng bập bẹ đầu đời
Cha dạy anh cách đứng
Đời dạy anh cách đi
Định số đọa anh cách chết

Trong tan hợp ngũ hành
Anh thành kẻ tự bảo vệ!

Tương lai không định sẵn cách tìm
Tương lai gợi những thuộc tính của mong ước
Tương lai như nước xiết
Nhọn như nước
Sắc như nước
Trong trẻo như nước
Cũng có thể …
Đục và váng vất như nước

Anh có tin còn ngày mai không
Những ngày mai vật vã
Có rất nhiều cám dỗ

Anh – Trang sách mở ngỏ
Hãy tự mình sang trang

Hoàng Quý

21 comments

  1. Tôi đọc Vũ Thanh Hoa đã lâu. Website của chị rất thú vị. Chị ở VT mà giới thiệu thơ Hoàng Quý ít quá. Thơ Hoàng Quý tuyệt vời. Thơ ông luôn thấm cảm tới bạn đọc ở từng tầng ngôn ngữ. Dưới các tầng ngôn ngữ lại truyền đi những thông điệp về số phận người. Giọng thơ ông rất riêng, sâu, và độc đáo. Tôi đã có may mắn được nghe ông đọc Đối Thoại Trắng ở Văn Miếu, Hà Nội rằm tháng Giêng năm 2009. Ông đọc một trích đoạn mấy trăm câu. Tôi và rất nhiều người bàng hoàng trước thơ ông hôm ấy. “Chả vàng được cho ai- Hoa cúc!”, “Chả vàng được nữa đâu – Hoa cúc!”, “Tôi đã nhìn đau đáu/ Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người”. Đề nghị VTH giới thiệu nhiều hơn về Hoàng Quý hoặc các bài viết về nhà thơ này. Cám ơn chị!

  2. Thơ hay thật. Chữ nghĩa cứ như không. “Em gói chờ mong trong hạt vàng thu, ta gọi cánh đồng, đồng vang tiếng ếch”, “Giọt mồ hôi mặn cả lốt trâu đi”… Thật buồn! và cũng thật lung linh chữ.

  3. Trước khi viết một cái com về trang thơ Hoàng Quý, hãy xin chúc mừng chủ Website Vũ Thanh Hoa v/v chị được tặng một cái giải thưởng văn nghệ của Liên doanh Dầu khí.
    Tôi rất thích đọc thơ Hoàng Quý. Tôi thuộc rất nhiều bài trong tập Ngang Qua Cánh Đồng của ông. Thơ Hoàng Quý rất hay, ấn tượng, ám ảnh và sang trọng. Tôi thích thơ hay nhưng phải sang trọng. Thơ bây giờ nhiều cẩu thả và ít dần sự lịch duyệt của ngôn ngữ, đó là điều đáng buồn. Ngôn ngữ thơ Hoàng Quý lịch duyệt, trong vắt và sang trọng. Ở cả những thi phẩm đầy giận giữ của ông vẫn lịch duyệt và sang trọng. Nhưng hình như ông ít viết lục bát và ít viết thơ tình. Đạt Ma ở Hà nội có nói với tôi về một bài thơ mới viết của Hoàng Quý, bài Đêm Nghe Gió Qua Vườn. Anh ấy đọc loáng thoáng, rất thích. Nếu chị Hoa có tư liệu về bài thơ này đăng cho chúng tôi thưởng thức thì thích quá.
    Xin cám ơn được đọc thơ hay!

  4. “Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên/ Bia rượu đầy mồm/ Bia rượu đầy mặt/ Bia rượu tràn trên đất/ Đất trổ đầy rong rêu/ Chả vàng được nữa đâu – Hoa cúc!”. Thơ thi bá đọc sướng thật!

  5. Đọc Thơ Hoàng Quí là đọc chính mình, chính cuộc đời này. Và hơn hết, dường như khi viết, không áp đặt một chủ đề tư tưởng, vậy mà tứ thơ cứ “phát tiết” được bộc lộ qua những “chất liệu” HQ dùng. Tôi mò mẫm trong ngôn từ HQ như người thợ mỏ mỗi lần phát hiện ra “một vỉa quặng. Bao chứa dung lượng của quá khứ và hiện tại. Kí ức thức nhớ tìm về dĩ vãng xa lắc, sẻ chia và và cảm thông cho muôn dục vọng khát cháy của con người…
    Tôi gọi đó là “Những Dòng Thơ Ma Ám”.
    Nguyễn Nhuận Hồng Phương

  6. Lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương rất đúng. Thơ Hoàng Quý càng đọc và ngẫm càng khám phá được những vỉa quặng quý bao chứa nhiều giá trị của đời sống. Tôi kính trọng thái độ sống trong nội hàm thơ của ông. Tôi đã đọc Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc đăng ở trang mạng Nguyễn Trọn Tạo. Một thái độ công dân đáng kính!

  7. Thái độ sống, thái độ công dân – sự thực dụng làm điều này ngày càng khô hạn. Chỉ một số ít nhà thơ bày tỏ thái độ sống, thái độ công dân can đảm không vo ve. “Chỉ cánh chúng ta chẳng nghĩ lo nhiều/ Đi vào chiến tranh như đi chợ/ Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn”… “Khi chiến tranh đi qua cái nhớ, cái quên/ Cái nhớ đã làm duyên, cái quên không cả thẹn/ Cái nhớ cái quên cô độc trên đời/ Như không nói ra thì không tiện, thế thôi!”v.v. Thơ hậu chiến Hoàng Quý viết như vậy. Có thể trích đẫn rất nhiều trong các tập thơ của ông.
    Thơ tình Hoàng Quý theo tôi là khác thường, khác người. “Em ạ, lại một mùa cải trổ/ Bãi đồng mê mướt sắc vàng mơ/ Hoa nở! Mà sao hoa đắng đót/ Nụ thắp xanh xao cả lối về”. Có lẽ Hoàng Quý viết thơ tình không nhiều. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng thơ tình của ông chứa đựng cả nỗi thi nhân, nỗi đương gian. Nó không tình tình tính tính tinh tinh như thơ tình lối cũ. Nó không bờ môi bờ mắt bờ mi. Hình như ông chú trọng cái nội hàm đời chứ không quan tâm cái vờn vĩ ngoại thể. Có thể là thế chăng?

  8. Anh Thái bàn về thơ tình của bác Hoàng Quý hay quá. Mấy câu anh Thái trích dẫn em chưa biết. Sẽ hỏi các bác nhà thơ quen tìm bài này. Seri thơ bác Quý chị Vũ Thanh Hoa chọn “độc” thật!

  9. Anh Thái ơi! Em thích bài Gặp tiếng gọi đò. “Con đò ham chơi/ Con đò phiêu du/ Trôi về bến nào mù khơi tít tắp”… “Tiếng gọi chồn chân người chờ bến nước/ Chiều nay chợt gặp/ Một tiếng đò ơi/ Mà như sóng vỗ/ Ướt đẫm bờ tôi/ Như em từng gọi/ Tôi – trong – dòng – đời”. Thơ như một tiếng ngân vậy!

  10. Ngôn ngữ thơ Hoàng Quý thật lạ. Có gì đó sau mỗi dòng, mỗi câu ám vào người ta, gợi nghĩ và trò chuyện như tâm giao, có khi lại như sự độc thoại. Tôi có cảm giác ông viết rất kĩ, kĩ đến từng chữ mà không bợn gượng, không cầu kì, không sáo ngôn, chau chuốt và nhẹ nhõm, gần gũi nhưng không ồn ào, sang trọng mà vẫn phóng túng. Những tín hiệu của thứ thơ lây sang được người đọc chỉ có ở những nhà thơ thực tài. Một cảm gác nữa là vốn sống của nhà thơ đầy ắp, từng trải và phong phú. Ông tài tình chọn lựa rút từng sợi đời sống và biết cách làm cho nó phát quang lên, vang lên qua chữ. Một thứ chữ rất sang và ám ảnh.
    Cám ơn nhà thơ Vũ Thanh Hoa đã giới thiệu thứ thơ đích thực!

  11. Trước khi đến Trại Sáng tác Vũng Tàu, qua Hà Nội, nhà thơ Y Phương dặn tới nơi nhớ tìm Hoàng Quý. Rồi ông cho số đt.
    Không ngờ HQ nhận lời dự ngày khai mạc trại viết. Thấy đồn thổi ông là người kiêu bạc. Chỉ 15 phút gặp, thì ra không phải vậy. Sự giản dị trong tiếp xúc và đôi câu hỏi thăm của ông làm tôi thở phào, nhà thơ bặt thiệp và rất dễ gần. Ông rất cởi mở. Kiến văn rộng. Một người hùng biện. Ông đọc thơ thì tuyệt với trí nhớ khác thường. Ông nghe thơ bạn bè, và nếu có yêu cầu sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi, những người dự trai viết cuối năm 2oo9 đều yêu quý và thường nhắc về thơ, về ông.
    Tôi vào vuthanhhoa.net lại được đọc thơ ông. Đọc thơ ông như đọc kiến giải về cuộc đời này. Đọc thơ ông là đọc chính mình trong đó.

  12. Biết thi tuyệt của Bá Bá lâu rồi anh Phùng Phương Quý ơi. Tôi sưu tầm được cả 4 tập thơ của Bá Bá đấy. Chỉ “cáu” là Bá Bá không có thơ dở. Chị Thanh Hoa nếu “túm” được thơ dở của Bá Bá cứ đưa lên mạng. Tôi mà vớ được sẽ “trị” cho Bá Bá một phát. “Ma chữ” trong thơ Bá Bá cứ như không. Cũng “cáu”!

  13. Với Hoàng Quý, thơ hàm chứa một nỗi buồn thật lạ. Tôi đọc thơ ông khá nhiều và luôn bị một cảm giác ám ảnh sau chữ. Ông có nhiều bài thơ buồn bàng bạc và cô liêu, như “Gặp tiếng gọi đò”, như “Mang theo mùa đông”, “Một chiều chuồn chuồn bay” và nhiều nữa. Với tôi, ông khác các nhà thơ cùng thế hệ không phải là làm mới trong hình thức diễn đạt, cấu trúc câu, cách nói lạ tai… mà ông mới ở cách nghĩ và biết cách diễn đạt nó một cách sang trọng, lịch lãm và nhiều khi khác thường gây hiệu ứng gợi nghĩ nhưng vẫn dễ chịu, nhuần nhị chứ không phô. Phong cách tân hình thức tới ông đã chuyển động không còn đơn điệu, không còn đơn tuyến với ngôn ngữ giầu có, thỉ ảnh đa tầng, nhiều sáng tạo.
    Trong đời sống văn chương đã thấy nhiều đổi mới đáng mừng, nhiều nhà thơ mới tài năng, nhưng cũng đầy rẫy nhiễu nhương và dị dạng, hình như ông thu mình lại. Không thấy ông vướng vào cái không gian văn chương nhốn nháo “thằng chết cãi thằng khiêng” chợ búa trên thi đàn.
    Web đã giời thiệu một chùm thơ hay của Hoàng Quý!
    Nên luôn có những chùm thơ hay, giới thiệu được nhiều thơ hay!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu