
VTH – Nhà thơ Xuân Thu vừa ra mắt Bạn yêu thơ tập thơ mới của mình với tựa đề rất “dân dã” và gây “tò mò” : Bờ tre cuốc gọi. Anh đã gửi tặng tôi nhưng rất tiếc tôi vẫn chưa được cầm sách trên tay. Xin giới thiệu một bài viết về tập thơ này trên Blog của anh:
>> Nhà thơ Xuân Thu đọc “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa
>> Nửa xưa níu kéo, nửa nay gọi mời – Xuân Thu
CÓ MỘT XUÂN THU ĐA TÀI VÀ ĐA TÌNH
Cháu trai tôi mới về làm việc ở nhà in. Một tuần trước dịp kỷ niệm lần thứ 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cháu vể khoe: “Chú Xuân Thu làm thơ hay thật. Anh em công nhân nhà in cứ chuyền ta nhau đọc bản thảo “Bờ tre cuốc gọi” mà chú ấy đang in ở đấy theo giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà văn”.
Chả phải bây giờ mới có người khen thơ Xuân Thu. Sau tập thơ đầu tay “Hương bưởi” mang đậm dấu ấn nơi xuất xứ để anh chủ tịch xã họ Đỗ chuyển hẳn sang nghiệp văn chương, khi tập thơ thứ hai “Trung du” khi ra lò, cánh nhà báo yêu thơ như chúng tôi đã đã “nhìn thấy” một mạch nguồn cảm xúc dồi dào ở cây bút mới nay. Từ những sáng tác đầu tay ấy đến nay cũng đã mười bốn năm có lẻ, lão thi sĩ “quê gốc” Đan Phượng, “quê ngọn” Đoan Hùng đã có gia tài chữ nghĩa không hề khiêm tốn chút nào là 14 đầu sách cả văn và thơ, trong đó 13 cuốn do các nhà xuất bản trung ương ấn hành. Đó là chưa kể bút ký, truyền ngắn, tản văn, tùy bút, tiểu phẩm và…thơ lẻ, lão này in tứ tung trong Nam, ngoài Bắc.
Cách đây trên dưới hai chục năm, hai khái niệm vi tính và ngoại ngữ còn khá xa lạ, thậm chí còn là thứ xa xỉ với rất nhiều người. Cơ quan nào mua được cái máy vi tính về là phải sắm thêm điều hòa nhiệt độ, lắp cửa kính để bảo quản và sử dụng cho an toàn. Chiếc máy tính lúc nào cũng phủ vải hoa trong căn phòng tiện nghi, có đến mấy lần cửa khóa, then cài. Lúc ấy, Xuân Thu làm chủ tịch xã Chí Đám, người ta đã đồn đại về một ông “xã trưởng” ở Phủ Đoan từng mở lớp dạy vi tính, dạy tiếng Anh cho con trẻ làng quê – tiếng tăm cứ nổi như cồn, tựa một số ông chủ tịch xã bây giờ biết lái xe hơi! Rồi Xuân Thu lên huyện làm cán bộ tuyên giáo, rồi trưởng phòng văn hóa. Nhiều người lại bất ngờ thấy lão ta ôm đàn ghi-ta hát như lên đồng, sáng tác một mạch mấy bài hát kiểu “huyện ca”, “xã ca” làm “nhạc mục” cho anh em tuyên truyền mỗi khi huyện nhà có việc. Hiện giờ, đó đây ở Đoan Hùng, các đội văn nghệ vẫn dàn dựng, đài truyền thanh huyện vẫn thường phát ca khúc của “nhạc sỹ” bất đắc dĩ này.
Xuân Thu quả là người đa tài đáng quý!
Trên chục năm nay, chuyển hẳn sang nghiệp văn chương, từ lính trơn đến đương kim Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, sức viết của cây bút họ Đỗ càng thăng hoa, giọng thơ càng lắm nỗi niềm ám ảnh. Đọc anh, từ “Khúc đồng dao” – 2008 đến “Bờ tre cuốc gọi” – 2012, thấy lắm nỗi niềm, nhiều nhớ nhung, tiếc nuối. Thằng cháu áo thợ nhà tôi về nhà cứ ao ước mình làm được nhưng câu thơ, bài thơ như của chú Xuân Thu để tặng bạn gái. Chả biết cậu ta đọc “Bờ tre cuốc gọi” bao lần mà nhớ vanh vách “thơ tình” của bậc cha chú như các bài: Tiếng gọi anh đầu đời, Đoản khúc một chiều mưa, Bói hoa, Đền em, Ru chay, Mùa giáng sinh buồn, Người đến sau, Nhan sắc, Cái giấc đêm qua…Khi nổi hững, hắn đọc cho tôi nghe một đoạn rất tâm trạng, chẳng biết lấy từ bài thơ nào trong tập “Bờ tre cuốc gọi”:
“…Từ buổi gặp em tôi lạc giữa cơn mê
Hồn vía bay đi chỉ còn lênh phênh xác
Cõng một chữ Yêu lê bước tìm nhan sắc
Thăm thẳm đường đời xa lắc một miền Em…”
Tôi biết Xuân Thu rất yêu hoa nhã my của miền cao nguyên đất đỏ ba-zan. Chả thế mà anh lấy hoa này định danh cho trang weblog và trải lòng trên mạng của mình:
“…Xòe bàn tay nâng bông nhã my
Úp mặt vào hoa tôi rưng rưng chực khóc
Lặn lội kiếm tìm suốt một đời khó nhọc
Gặp hoa rồi mà lòng vẫn chưa tin…”
“Bờ tre cuốc gọi”- tên bài thơ được lấy làm tên tập thơ – có cái tứ rất hay, nên từ “cảm” đến “nghĩ” cứ như một lẽ tự nhiên mà đầy triết lý, nhiều khắc khoải:
Chẳng cành cao, cũng chẳng bay
Bờ tre cuốc gọi tàn ngày, trắng đêm
Gọi cho sông cạn đá mềm
Gọi cho sắc sắc qua miền không không
Gọi cho nên vợ nên chồng
Gọi cho con bế, con bồng à ơi…
“Cuốc cuốc” khản giọng, tàn hơi
Người ơi! Nghe thấy một lời thì thưa?
Giọng thơ thật da diết. Điệp từ “gọi”, gọi “khản giọng tàn hơi”, rồi “nghe thấy một lời thì thưa” thì thấy thương quá. Chả thế mà ở bìa 3 Xuân Thu đã giữ hồn người đọc bằng hai câu lục bát đề từ rất gợi: “Cuốc kêu rạc cả hoàng hôn/ Tôi lần trong cõi cô đơn gọi người” cơ mà.
Xuân Thu đúng là kẻ đa tình rất đáng yêu!
Dẫu vậy, cũng phải nói thêm điều này: “Khúc đồng dao” là tập thơ “lộc phát toàn tính”. “Bờ tre cuốc gọi” có cả những bài thơ thể tự do. Nhưng theo tôi, lục bát vẫn là thế mạnh, là đặc sản mà tác giả có thể dành cho người đọc. Bởi nhiều khi, đọc chục bài lục bát còn có cái để nhớ hơn cả chín tập văn xuôi.
Có thơ hay để người “trong ngành” khen nhau, phục nhau đã quý; nhưng có thơ hay để những người lao động bình thường thích và thuộc thì càng quý hơn. Cứ bảo thơ hay mà không ai thuộc, chẳng ai nhớ thì thật là khó hiểu! Xin chúc mừng Xuân Thu qua tập thơ mới “Bờ tre cuốc gọi này”.
Nguyễn Sản – Phó TBT Báo Phú Thọ
Cảm ơn Vũ Thanh Hoa thật nhiều. Sẽ gửi ngay nha!
Nghe Cuốc Kêu Cảm Hứng
(Nguyễn khuyến)
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng.
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ,
Thâu canh ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
____
Sáng nay ở Hà Nội nhiều người kêu Quốc lắm kìa!