Trịnh Sơn với Mưa đêm của Hoàng Quý

Mưa đêm

Những hạt mưa ru dím
Gõ rạc rời trên tán lá đen
Anh bước vào thành phố
Như gã lạc loài quên tuổi quên tên

Lặng thinh anh lề phố một mình
Đèn đường cháy lom lom hắt vũng màu ướt át
Những vạt người trôi… và trôi… trôi câm trước mặt
Những chiếc xe bưng bít
Đỉnh thánh đường chờm một vệt úa hoen

Cái thành phố anh mơ xa xăm
Trong căn hầm nhột nhạt
Trong ngày tối luồn rừng xuôi thác
Trong cơn đói bủng vàng
Sau loạt bom và những lần sống sót

Anh sợ đêm trôi tuột
Sợ tiếng chuông vòi või trong khuya
Sợ mặt giáp
Những dưng dửng người
Sợ bàn tay rung tít
Nhờn nhợn, lạnh toát
Sợ miệng cười hít hà
Những sởi lởi chóng mặt
Sợ màu mắt không đen không nâu
Sợ những lời tro bấc

Anh hốt hoảng nhớ quên còn mất
Một ngày thu nghèn nghẹn hoa vàng
Gió rụng phấn bay bay
Tiếng gà ngân thao thiết
Tóc hương nhu thơm buổi chậm chiều
Mái chèo khua váng vất
Cuối cồn bồi rưng rưng khói lên

Mưa đêm
Phố nhồn nhột mưa đêm
Rơi ru dím dưới quầng đèn thũng nước
Chôn chân anh ngâm mưa
Nhìn trân trối những vạt câm trước mặt…

Áp thấp, đêm12 rạng 13/ 8/ 2013
Hoàng Quý

>> Bao mùa thu, chợt thu… – Hoàng Quý

Nhà thơ Hoàng Quý trong một lần bàn về VHNT

LỜI BÌNH “MƯA ĐÊM” CỦA TRỊNH SƠN:

Nhà thơ trẻ Trịnh Sơn

Đọc một lần, thấy Thi sĩ Hoàng Quý vốn cao ngạo, khinh bạc trò đời của chúng ta vẫn còn “sợ” nhiều quá. Những cái sợ rất mông mênh, mơ hồ mà rất chi tiết, cặn kẽ. Làm nên sự dễ thương, lóng lánh của thơ:
Sợ màu mắt không đen không nâu
Sợ những lời tro bấc
Và ngôn ngữ rất mới, rất lạ: ru dím, trôi câm, nhồn nhột, thũng nước,… Mới và lạ không phải ở chỗ kỳ công “vặn” chữ như các nhà làm thơ miệng mồm điêu ngoa, mà là mới và lạ trong cách dụng tứ. Sử chữ như sử kiếm. Kiếm sắc là kiếm không làm trầy xước thương tật cho người mà vẫn làm đau người. Thế mới tuyệt. Thế mới tài.
Mưa đêm, phản chiếu cái nhìn ngày. Người không chỉ nhìn mưa đêm, người đang thấm mình trong muôn nổi mưa gió cuộc người.
Đọc hai lần, thấy sợ mưa. Bản chất thi nhân luôn gắn liền với đa cảm sầu và bị cho là yếu đuối. Không, sợ chính là cách đối mặt với nỗi sợ hiền lành và trong sáng nhất. Lấy tâm dưỡng khí, lấy khí hóa chất, lấy chất vận hành bốn bề trời cao biển rộng. Những Hugo, Bairon, Dumas,… không phải đã sợ yêu đến nỗi yêu chí mạng đó sao? Lão Tử, Trang Tử, Krishnamurti, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn chẵng nhẽ có không mà không có trọn vẹn đó sao?
Đọc lần ba, thấy thèm mưa quá đỗi. Thánh đường, vỉa hè, người, xe,… loang loáng vẻ quyến rũ trần gian. Ta không vào địa ngục thì ai vào.
Đọc lần bốn, lần năm và chắc chắn nhiều lần sau nữa. Thi phẩm hút người.

Xin chúc mừng Thi sĩ Hoàng Quý vừa có một họa phẩm lấp lánh hiếm hoi giữa đen trắng bền bệt thời nay. Buồn và sâu. Sầu và thương. Màu của thơ. Sắc của người. Hương của đời. Tiếng của thánh thần. Tao ngộ.

13/ 8/ 2013
Trịnh Sơn.

22 comments

  1. Tác giả lấy bối cảnh của bài thơ là mưa đêm. Mưa tự nó đã là biểu tượng buồn, của phân ly, đổ vỡ, của thời gian lê thê, của những u trầm, và đêm, đêm là cô đơn, là chết chóc….chữ ‘ru dím’ diễn tả một cái gì lạnh lẽo, sắc nhọn cắm vào lòng:

    ‘Những hạt mưa ru dím’

    Đêm đen, mưa đen, còn gì thê thiết hơn! Đến không biết mình là ai, không còn cảm xúc. Dật dờ như chiếc bóng. Cô đơn. Cô độc:

    ‘Anh bước vào thành phố
    Như gã lạc loài quên tuổi quên tên
    Lặng thinh anh lề phố một mình’

    Bóng người trôi trên đường qua nhau, những hình khối bưng bít, những đèn đường loe lóe trong cơn hấp hối bởi trời mưa, và giáo đường ủ rũ, biểu tượng của niềm tin chỉ nhờ nhờ một màu thảm hại:

    ‘Đèn đường cháy lom lom hắt vũng màu ướt át
    Những vạt người trôi… và trôi… trôi câm trước mặt
    Những chiếc xe bưng bít
    Đỉnh thánh đường chờm một vệt úa hoen’

    Cái tàn nhẫn giữa mộng và thực. Đường phố hôm nay sao lạnh lùng dù không hoang vắng. Và còn sợ hơn, những ánh mắt sắc lạnh, bạc ác. Sợ giả dối thành câu cửa miệng. Sợ bàn tay của trái tim lạnh tóat như thần chết. Bỗng dưng sợ người:

    ‘Cái thành phố anh mơ xa xăm
    Trong căn hầm nhột nhạt
    Trong ngày tối luồn rừng xuôi thác
    Trong cơn đói bủng vàng
    Sau loạt bom và những lần sống sót
    Anh sợ đêm trôi tuột
    Sợ tiếng chuông vòi või trong khuya
    Sợ mặt giáp
    Những dưng dửng người
    Sợ bàn tay rung tít
    Nhờn nhợn, lạnh toát
    Sợ miệng cười hít hà
    Những sởi lởi chóng mặt
    Sợ màu mắt không đen không nâu
    Sợ những lời tro bấc’

    Hiện tại tàn nhẫn, chỉ còn i kỷ niệm đẹp như mơ trong ngày cũ, nhưng rồi không biết người xưa có còn như mộng tưởng hay không? Thật bi đát. Anh tự hỏi:

    ‘Anh hốt hoảng nhớ quên còn mất
    Một ngày thu nghèn nghẹn hoa vàng
    Gió rụng phấn bay bay
    Tiếng gà ngân thao thiết
    Tóc hương nhu thơm buổi chậm chiều
    Mái chèo khua váng vất
    Cuối cồn bồi rưng rưng khói lên’

    Biết đi đâu, về đâu khi niềm tin đã mất? “It’s only terrible to have nothing to wait for.” Erich Maria Remarque, Điều khủng khiếp nhất là khi không còn gì để hy vọng, chờ đợi.

    Phố nhồn nhột mưa đêm
    Rơi ru dím dưới quầng đèn thũng nước
    Chôn chân anh ngâm mưa
    Nhìn trân trối những vạt câm trước mặt…
    (Áp thấp, đêm12 rạng 13/ 8/ 2013
    Hoàng Quý)

  2. Anh sợ đêm trôi tuột
    Sợ tiếng chuông vòi või trong khuya
    Sợ mặt giáp
    Những dưng dửng người
    Sợ bàn tay rung tít
    Nhờn nhợn, lạnh toát
    Sợ miệng cười hít hà
    Những sởi lởi chóng mặt
    Sợ màu mắt không đen không nâu
    Sợ những lời tro bấc
    ___________________

    Bài thơ này hay ở chỗ lột tả được tâm trạng khắc khỏai. Nếu như đêm thể hiện những ngày tăm tối, ly tán của tình người, tình đời thì đêm cũng là nơi cho niềm cô đơn, nỗi sợ hãi ẩn náu. Đêm để không còn sớm mai phải nhìn thấy mặt người nham nhở !

  3. Tuy vậy, tác giả là người yêu cuộc sống, chối từ ly tán, giả tạo và chết chóc. Sợ hồi chuông báo tử cho niềm hy vọng, trong sâu thẳm vẫn còn mong một bình minh tươi sáng:

    “Sợ tiếng chuông vòi või trong khuya”
    (Hòang Quý)

  4. Anh hốt hoảng nhớ quên còn mất
    Một mùa thu nghèn ngẹn hoa vàng

    Hay kinh khủng! Chói buốt kinh khủng!Một thi phẩm để đời nữa của Hoàng Quý trong cái nhộn nhạo “giữa đen trắng bền bệt thới nay”(Trịnh Sơn).
    info

  5. Mưa đêm, phản chiếu cái nhìn ngày (Trịnh Sơn). Hoàng Quý không chỉ trong Mưa đêm mà trong loạt tác phẩm sừng sững của ông với cá tính thơ rất mạnh, thái độ sống trung thực, lòng yêu con người, lẽ phải, dân tộc, Tổ quốc tha thiết cùng với tài năng đích thực phản chiếu qua thơ ông như sử ký.
    Đọc ông đúng là đọc cuộc đời này!

  6. Nhà thơ Vũ Thanh Hoa luôn mang đến cho bạn đọc những bất ngờ, những thi phẩm xuất sắc. Tôi là một người mê đắm thơ Hoàng Quý. Thơ ông có thể mang đến những tình yêu, thiên nhiên, con người, cuộc đời trong trẻo nhất. Và thơ ông cũng mang đến những tình yêu, nỗi niềm và những day dứt lớn. Ông là một nhà thơ sáng giá trên Thi đàn Việt đương đại. Không lẫn vào số đông. Không bị những vinh quang làm mờ mắt. Ông đứng cách xa tất cả bằng một khoảng cách vừa đủ. Ông là nhà thơ đặc sắc và đặc biệt nhất giữa nhôn nhạo đời này!

  7. Sau Đêm nghe gió qua vườn và bây giờ là Mưa đêm, thơ Hoàng Quý không trốn tránh hiện hữu. Mà chỉ duy nhất ông với tài năng của một thi sĩ cự phách mới có thể hát lên tiếng hát trung thực và đồng điệu đến số đông đang phởn, hát đồng ca hoặc rúm ró!
    Xin cám ơn nhà thơ!

  8. Để nhận biết chân dung Thơ Hoàng Quý, nên chăng, cần sơ phác hành trình thơ của ông.
    Năm 1984 Hoàng Quý xuất hiện với Truyện cổ mường Châu Phong, 100.000 bản in bán hết veo trong Giỗ Tổ Hùng Vương cùng năm. Năm 1991 NXB Kim Đồng tái bản.
    Bẵng đi 12 năm, tháng 7 năm 1996, tập thơ đầu tiên Giấc phì nhiêu chào bạn đọc cùng lời bạt trân trọng của một tên tuổi là thi sĩ Vân Long chào văn đàn. Tìm được một bản của tập thơ này vô cùng khó.
    Năm 2000 Đi bên mùa lá rụng nối tiếp hành trang thơ Hoàng Quý. Lúc này thơ ông đã là tình yêu nồng nàn trong lòng nhiều người thơ, và bạn đọc yêu thơ.
    Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Phan Hách trân trọng mời Hoàng Quý in tập Ngang qua cánh đồng tại NXB do ông phụ trách. Ngang qua cánh đồng cùng tác giả luôn luôn có vị trí đặc biệt trong các cuộc tao ngộ của giới văn chương Hà thành và nhiều trung tâm văn chương khác. Giải nhất của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng cho ông và tập thơ này. Và dĩ nhiên, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Ngang qua cánh đồng được in lần thứ hai năm 2004. Thế mà tìm được tập thơ như mò kim đáy nước.
    2007, tập thơ Giả trang tiếp tục mang giọng điệu riêng, đặc hữu Hoàng Quý, gây hưng phấn trong bạn đọc Hoàng Quý.
    Có lẽ, các tập thơ đã in của ông thì cũng giống với mọi sự in. Bởi in sách là việc làm ít có ngoại lệ với mọi tác giả. Vấn đề là ở chỗ, thơ Hoàng Quý luôn có một lượng bạn đọc tìm kiếm mà nhà thơ thì an nhiên và có chút gì đó quá ư lặng lẽ. Người như chỉ nheo mắt và mỉm cười trước các trò vẽ mặt sâu khuyên đã thành nạn dịch trơ tráo, nhâng nháo và đứt giây thần kinh xấu hổ. Ba giải thưởng văn chương nhà thơ đều tặng cho: Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin, Mái ấm người nghèo biên giới và hải đảo, Trường dậy trẻ em mù.
    Nếu ai đã đọc các thi phẩm: Ngẫu hứng qua mường, Khi chiến tranh đi qua, Tự khúc, Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức, Ảo ảnh, Đi bên mùa lá rụng, Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm, Giấc Phì nhiêu, Giả trang, Có những lúc, Đêm qua có tiếng chim vít vịt, Đối thoại trắng, Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc…nhiếu nữa, và gần đây là Đêm nghe gió qua vườn thì sẽ hiểu sâu hơn những day dứt và dồn nén cô đặc trong Mưa đêm.
    Xin cám ơn thi sĩ Vũ Thanh Hoa đã nhanh chóng cập nhật Mưa đêm còn tươi nét mực của Hoàng Quý!
    Cám ơn nhà thơ trẻ Trịnh Sơn đã bình Mưa đêm thật minh trí !
    Cám ơn nhà thơ Hoàng Quý, nhà thơ yêu mến không chỉ riêng tôi !
    NĐK.

  9. Tôi tự nhận là người đọc chăm chỉ vuthanhhoa.net. Thời đại kĩ thuật số, các blog, web có thể đăng kí dễ dàng. Nhưng thú thật web văn chương tỏ ra kinh viện một mùa, hay chỉ là nơi quảng cáo mình, nơi khoe mẽ rồi tạp nham, thậm chí như cái diễn đàn la ó chửi bới văng mạng thì đều chán dần hoặc kinh hãi. Vuthanhhoa.net theo tôi là trang mạng tươi trẻ, sang, bài vở khá đa diện, cởi mở mà vẫn nghiêm túc nên tôi thích, thế thôi.
    Hơn một ngày Mưa đêm được đăng tải cùng lời bình Trịnh Sơn, tôi đọc, rồi lại bị níu kéo, lại đọc lại.
    “Anh hốt hoảng nhớ quên còn mất
    Một ngày thu nghèn nghẹn hoa vàng”
    Thơ buốt chói (không nói quá hay, điều này rõ rồi). Một thế giới hiện hình đang khỏa lấp chôn vùi thô bạo mọi vẻ đẹp ngàn đời. Nhưng ở đây nó không có hy vọng văn minh hơn. Bộ mặt một xã hội ta hy vọng hiện đại, no ấm, tốt đẹp kì lạ thay lại xuống cấp thê thảm không riêng gì văn hóa. Càng lúc càng thấy sự tha hóa, sa đọa. Người sống với người nhợt nhạt hơn, thủ đoạn hơn, tàn nhẫn, vô cảm và ác hơn. Đó là sự thật của thế giới người.
    Không chỉ như người chép sử kí, Mưa đêm còn là tiếng thất thanh cảnh tỉnh con người!

  10. Mưa đêm hay bất cứ bài thơ nào của Hoàng Quý dẫu dung lượng ngắn hay dài thì cơ bản là xạ quang từ cả hai mặt sáng và tối của cuộc sống thông qua tích ngiệm của chính ông, hiện hồn ngồn ngộn lên trang viết. Tôi ngờ rằng ông sẽ không đồng tình khi ví thơ ông như sử kí. Mặc dù về khía cạnh nào đó có thể thi ca chiếu rọi ít nhiều những thịnh, suy, vui, buồn… của một trang sử.
    Với Mưa đêm, tôi rất đồng tình với suy nghĩ của bạn Trịnh Thái Hồ “là tiếng thất thanh cảnh tỉnh con người”. Xin trích dẫn để chứng minh: Thuộc giai đoạn sáng tác đầu, bài Một thoáng hội mường ta sẽ vô cùng cảm khoái vì thơ ông đọc mà có thể nghe được âm thanh cực kì sinh động vang lên từ chữ: “Lách cách leng kheng xà tích xà tang/ Vòng cổ vòng tay chói sáng lấp loáng/ Vừa nhịp ống ép khung khinh lên tiếng/ Đã rộn ràng đuống chọi cắc cung khoang”. Nhiều năm sau, thơ ông như những tự sự, những cuộc thoại. Vẫn giọng điệu và nghệ thuật tuyệt luân rất riêng đặc hữu Hoàng Quý, nhưng chiều sâu cảm xúc càng ngày càng như những dư chấn: “Ta cả tin, ta rất nhiều hy vọng/ Kiên tâm trồng những tháp cát lên mưa/ Mê mải thúc những con tàu rỉ sét/ Phăm phăm hành khất – thế nhân – buồn”(Đi bên mùa lá rụng). “Em hóa ngỗng, hóa công, hóa thiên nga, phù thủy/ Lông ngỗng đau lòng huyền sử Mỵ Châu/ Quạ đổ cả chậu màu đâu hóa thành công đẹp/ Thiên nga một ngày gãy cánh trắng phau/ Mụ phù thủy chứng minh lòng tốt/ Táo tặng Bạch Tuyết thơ ngây giấu thuốc độc không màu/ Anh thổi kèn thì tôi đánh trống/ Cuộc giả trang chóng mặt tinh cầu/ Khi đời chán muốn cuộc chơi thành thật/ Tôi, anh, và…/ Đã giả trang nhau”(Giả trang)… Thế đấy, sự tươi tốt, tử tế, thơ không thể không reo vui, sự tha hóa không thể che chúm bằng son phấn, thơ của những con người thực tài và ngay thẳng không và dứt khoát không đồng lõa dối lừa.
    Vốn là một người lính tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh giải phóng từ 16 tuổi, trước những biến hình, đỏ đen chóng mặt, ông đã đồng hành sự thật dẫu rất đau đớn: “Những hy vọng rưng rưng xác lá/ Chết tưng bừng như máu hôm qua” (Đêm nghe gió qua vườn).
    Và với Mưa đêm, trọn vẹn chữ Người viết hoa, bài thơ “là tiếng thất thanh cảnh tỉnh con người” !

  11. Anh hoang mang, anh hối tiếc, anh tự hỏi cuộc chia ly với người con gái ấy trong mùa thu vàng đau đớn năm xưa, giã từ quê nhà yêu dấu để lao vào lửa đạn, có còn mang trọn vẹn ý nghĩa của hy sinh, hay chỉ còn là cơn ác mộng của đớn đau, ly tán?

    ‘Anh hốt hoảng nhớ quên còn mất
    Một ngày thu nghèn nghẹn hoa vàng
    Gió rụng phấn bay bay
    Tiếng gà ngân thao thiết
    Tóc hương nhu thơm buổi chậm chiều
    Mái chèo khua váng vất
    Cuối cồn bồi rưng rưng khói lên’
    (Hòang Quý)

  12. Không hối tiếc. Tôi tin nhà thơ cũng không hối tiếc. Cuộc chiến tranh giữ nước đã làm xong bổn phận lịch sử của nó. Sau chiến tranh chúng ta hy vọng một trang sử mới. Tất nhiên! Nhưng sự tranh giành, tha hóa, suy đồi là tiếng chuông nhức nhối. Và nhà thơ – những nhà thơ chân chính và những con người chân chính luôn nhìn thẳng sự thật và trung thực trước sự thật.
    Mưa đêm là một bài thơ nói về điều ấy!

  13. Nếu một chiến-sĩ-nhà-thơ đã làm xong bổn phận của mình với đất nước, với lịch sử thì chúng ta sẽ không bao giờ nghe được giọng thơ đầy u uất.

  14. Trời sinh nhà thơ có dự cảm về lịch sử. Họ sống trước người đương thời, thấy trước người đương thời, sống lâu hơn người đương thời, và có khi họ sẽ chẳng bao giờ chết.

  15. Tôi đọc thơ Hoàng Quý nhiều năm. Bản giao hưởng thơ ông ngoài những vạm vỡ chủ đạo có không ít quãng lặng với những day dứt, ưu tư, những giai điệu buồn, những cay đắng. Tôi chia sẻ và tán đồng ý kiến: “Trời sinh nhà thơ có dự cảm về lịch sử. Họ sống trước người đương thời, thấy trước người đương thời…”. Lịch sử gồm cả hai mặt tối và sáng. Bằng trực giác khác thường và linh cảm thiên phú, những nhà thơ tài năng luôn đi trước đám đông.
    Bỗng nhớ những câu thơ ông viết đã lâu, viết giữa lúc kinh tế đất nước toàn tô màu mãn nguyện, viết khi triệu triệu con người hớn hở, vỗ tay phát lửa trước vô vàn các diễn văn hoan hỷ:
    “Có những lúc lên đồng
    Chữ rồng rắn nghềnh ngàng như ám bùa ém ngải
    Câu thơ đói
    Và câu thơ no
    Câu thơ kiêu dũng
    Câu thơ hào hoa
    Câu thơ không chối từ phẩm hạnh
    Thách đố tháng ngày
    Gieo một hạt vui
    Chả trách móc đêm buồn
    Chả giận dỗi năm xô tháng dạt
    Ấm lạnh chả vẽ hình khoe khối
    Cứ nhẹ như sương hồng hào như khói
    Đôi lần lanh canh tiếng chuông
    Chiếc chuông tí hon của bà phù thủy gày khẳng khiu có chiếc mũi lưỡi liềm
    Làm thích thú và kinh hãi
    Có những lúc lòng bợt muối
    Như mớ rau bấy không ai vời mua
    Ý nghĩ sạm đen
    Ý nghĩ héo hắt
    Như ruộng diếp già ngập úng trong mưa
    Ta bỏ mặc hồn ta thây kệ trước đời
    Hay ta sợ đời nhiều ghềnh lắm thác
    Tìm chưa được nước đi thì đã tàn cờ
    Xóa ván này để bày ván khác
    Loài cả tin không thạo trò phù chú
    Ván nào mà chả thua!”

    Và ông lo âu:
    “Rồi một ngày, một ngày
    Em tô son, em chen hích chợ đời
    Thích rổn rảng hélo mà không chào bằng tiếng mẹ
    Thơ hoen rỉ tiếng chuông vui, có thể
    Những câu thơ hóa bụi
    Chất chồng trên giá sách kia
    Những câu thơ dạt xô trang trắng
    Thôi! đành an ủi lấy mình
    Thầm ru chờ một tháng ngày khác”

    Bởi vì ngay trong năm tháng phấn khích ấy ông đã thấy:
    “Cái mùa ngạo ngược
    Mọi cái đều có thể chào mời, đổi chác, bán mua
    Không mấy ai ngượng
    Không mấy ai xót
    Không mấy ai đỏ mặt
    Sao người ta lại nói quá to như rất nhiều người điếc
    Em có nghe được tiếng anh không
    Ngang dọc chờn chờn đỏ tím vàng xanh
    Cười
    Hát
    Hò reo
    Vào hùa
    Và cút bắt
    Em có nghe được tiếng anh không
    Ăn nhậu
    Làm tình
    Bôi xóa
    Và tô vẽ
    Nói dối mãi thành quen
    Những con vẹt muôn màu trong chiếc lồng tao nhã
    Thật thà bơ vơ
    Thật thà thành khách trọ”

    Giờ đọc Mưa đêm của ông, tôi chia sẻ những đắng cay trong từng con chữ!
    Cám ơn nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa giới thiệu một bài thơ hay nữa của thi sĩ Hoàng Quý cùng lời bình hào hứng và mẫn cảm của nhà thơ trẻ tuổi Trịnh Sơn!

  16. Ông thơ này ghê thật. Mưa đêm – đau lòng, cay đắng, và hay! Một bức tranh hiện thực. Một sự thật tàn nhẫn. Một tiếng lương tri cảnh báo con người!

  17. Thơ Hoàng Quý tôi đọc được khá nhiều. Hoàng thi sĩ nằm trong số ít ỏi các nhà thơ bậc nhất đương đại. Mấy bữa trước tôi được đọc bài giới thiệu thơ ông của thi sĩ danh tiếng Du Tử Lê trên dutule.com. Thơ ông lần đầu tiên lên tiếng trong cộng đồng văn chương hải ngoại, gây một sự sửng sốt và lớn. Mưa đêm cùng lời bình Trịnh Sơn cũng được đăng trân trọng tại đây. Giờ thì biết Hoàng Quý và thi sĩ Vũ Thanh Hoa đều sinh sống ở TP. Vũng Tàu. Giá khi có điều kiện nữ thi sĩ giới thiệu một trang tinh tuyển về thơ của thi sĩ họ Hoàng thì rất tuyệt!

  18. Nhân đọc “Tình ca” của Olga Berggoltz” trên vuthanhhoa.net, tôi may mắn được đọc “Mưa đêm” của nhà thơ danh tiếng Hoàng Quý. Quả là ” danh thi bất nghị kiến” (thơ của bậc danh thi chỉ cần đọc dẫu chưa được trò truyện). “Mưa đêm” chỉ có thể là thứ thơ của bậc chính nhân tài nhân!

  19. Thơ quá hay, hay dữ dội. Chữ nghĩa bậc thầy. Dưới chữ là bão. Người xưa nói trần gian là địa ngục (địa ngục trần gian). “Mưa đêm phản chiếu cái nhìn ngày”… “Ta không vào địa ngục thì ai vào” (Trịnh Sơn). Lời bình sắc nhọn. Người ta nói vui rằng ông không bắn pạc – khọoc, ông chơi đại bác. Không ngoa !

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu