Tìm “một nửa” trên mạng xã hội – Vũ Thanh Hoa

VTH – Viết trên mạng ngót chục năm, trải nhiệm bao nhiêu là bi hài. Mình có dịp viết một bài về văn hóa kết bạn làm quen trên Mạng xã hội, mời bạn đọc nhé:silly

dan ong va dan ba1

TÌM “MỘT NỬA”TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Hẹn hò qua mạng đã không còn xa lạ ở các nước phát triển. Một nghiên cứu mới đây cho biết hơn 1/3 cuộc hôn nhân ở Mỹ xuất phát từ hẹn hò trực tuyến. Theo đó, các cặp đôi thường là những người có học, công việc ổn định và khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng của họ kéo dài hơn so với những cặp hẹn hò theo cách thông thường. Phải chăng người ta dễ dàng bộc bạch trên màn hình phẳng để tìm sự đồng điệu tâm hồn, sở thích hơn ngoài đời thực?

Trong vai người phụ nữ độc thân đăng ký tham gia kết bạn trên một số trang mai mối, se duyên online, tôi đã “trải nghiệm” vào một thế giới khá phức tạp và những mảng sáng, tối bất ngờ.

Những giá trị ảo lấn át giá trị thật

Mỗi tài khoản đăng ký thưởng có ảnh đại diện, thông tin cá nhân nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng “người thật” bên ngoài. Có người “đi tìm một nửa” còn giải quyết cả khâu “oai”: thống kê dài dằng dặc các loại văn bằng: Đại học, cao học; học vị Giáo sư, tiến sĩ hay chức vụ: Giám đốc, quản lý… nhưng đến khi nhắn tin trao đổi thì viết toàn lỗi chính tả hoặc sử dụng ngôn ngữ teen của mấy em PTTH, đọc rất ngô nghê, nực cười. Có người chụp ảnh rồi dùng phần mềm chỉnh sửa toàn diện, trông đẹp như người mẫu nhưng lúc gặp bên ngoài mới “té ngửa” với nhan sắc “Ngưu ma vương”.

Mại dâm, lừa đảo trá hình

Các trang mạng hẹn hò còn là nơi ẩn náu hoạt động mại dâm : “Em gái nhà nghèo hình thức ưa nhìn tìm người có điều kiện kinh tế bao bọc, cưu mang” ,“Em trai mới lớn khỏe mạnh muốn tìm chị gái nhiều tuổi để tâm sự, chia sẻ…” kèm theo là những hình ảnh khiêu gợi, khoe hàng trắng trợn đến tục tĩu. Và một mối nguy cơ đằng sau những lời tán tỉnh trên mạng ảo đó là lừa đảo. Nắm được tâm lý một số quý bà, quý cô muốn “đổi đời” bằng cách kết hôn với Việt kiều hoặc người nước ngoài, một số đối tượng chủ động kết bạn, dàn dựng nhiều kịch bản đánh vào lòng trắc ẩn của phụ nữ, sau thời gian tạo dựng được lòng tin, sẽ dụ dỗ “con mồi” chuyển một số tiền vào tài khoản của chúng! Một số kẻ còn mạo danh công an, bộ đội, cán bộ ở những cơ quan có uy tín gạ gẫm chị em nhẹ dạ, sau khi lừa tình còn ẵm luôn ví tiền, điện thoại, xe máy của “người yêu”. Không phải nạn nhân nào cũng dám tố cáo với cơ quan pháp luật hoặc chia sẻ với cộng đồng vì sĩ diện. Lợi dụng yếu điểm này, những trò lừa đảo trên mạng vẫn tồn tại và biến tướng không ngừng.

Avatar A

Văn hóa làm quen trên mạng

Điểm dễ nhận thấy là “kỹ năng làm quen”trên mạng xã hội của “phái mạnh” xứ mình khá… yếu. Chưa qua “màn chào hỏi” đã quan tâm quá sâu đến những thông tin thuộc về “đời tư tế nhị” của người nữ như: Số điện thoại, địa chỉ nhà, rồi thu nhập bao nhiêu, ở riêng hay ở chung với bố mẹ… Nếu là gái chưa chồng thì: Em yêu bao nhiêu người rồi, những người trước như thế nào, vì sao phải chia tay? Nếu phụ nữ li hôn đã có con thì chồng cũ có nuôi hay chu cấp cho con không, chồng cũ có thường liên hệ nữa không? Chưa kể nếu thấy “cò cưa” không hiệu quả còn buông lời khiếm nhã, xúc phạm.
Có bao điều thú vị để mở đầu cho buổi chuyện trò, có thể bàn về cuốn sách, bản nhạc hay bộ phim đang thịnh hành. Có thể hướng đến một mối quan tâm, gợi mở một chủ đề, tìm sự đồng cảm xuất phát từ nghề nghiệp của đôi bên. Những thông tin như số điện thoại hay địa chỉ nhà, khi chưa đủ thân quen cũng đừng quá tò mò, gây phản cảm. Nếu mối giao lưu chẳng “có hậu” như ý muốn thì cũng nên để lại ấn tượng tốt đẹp sau cùng.
Thiết nghĩ lựa chọn kết bạn trên mạng xã hội là một lựa chọn hợp xu thế ở thời kỷ nguyên số, nhưng cần trang bị kỹ năng giao tiếp văn minh, ứng xử lịch thiệp. Mạng ảo nhưng cũng phản ánh khá rõ nhân cách thật khi tham gia vào một mối quan hệ, sớm muộn cũng bộc lộ văn hóa, quan điểm sống và mục đích của mỗi người.

12/3/2016
VŨ THANH HOA
Bài đăng trên báo BRVT ngày 17/3/2016

1 comment

  1. Có thể ví von như một canh bạc, có người chơi cho vui, có người chơi vì nghiền hay tư lợi. Có người luôn muốn gian lận và tháu cáy, có người giả bộ ngu ngơ thả con tép câu con tôm hùm (?)
    Ảo là cuộc đời, ra khỏi lũy tre xanh, bờ đại dương. Là nơi ta có thể học khôn hay học xảo trá. Đừng trách ảo mà trách chính ta, nếu lỡ lầm lẫn hay thất bại. Cái gì quá đẹp, quá hào nhoáng trên ảo thường là cái áo áo của giả dối. Dùng common sense mà nhận xét.
    Ảo là đời sống, là chọn lựa, nên cũng cần bản lãnh và sáng suốt 🙂
    Chúc mọi người vui

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu