Nắng cuối trời (37) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (36) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời 

Truyện dài kỳ

37. Trang nói xong câu ấy mà không dám ngẩng mặt lên. Nàng sợ nhìn thấy nỗi đau trong mắt mẹ, tia thất vọng trong mắt cha. Nhưng không nói bây giờ thì để đến bao giờ mới nói chứ? Bệnh tình không cho ai nhiều cơ hội. Nhưng nói xong rồi lại thấy ân hận. Trời ơi! Giá mình không bao giờ phải thông báo với cha mẹ những điều không lành thế này…

– Con nghĩ kỹ chưa?

Nàng giật mình nghe bố hỏi. Nàng nhớ, khi nàng quyết định kết hôn với Tuân, bố cũng hỏi câu này. Nhưng khi ấy nàng là cô gái ngoài hai mươi tuổi còn bây giờ nàng đã là người đàn bà trưởng thành. Lần này nàng tự tin hơn với quyết định của mình. Nó là sự chín muồi trong một quá trình sống, đã có bao day dứt, trăn trở và lựa chọn.

– Con suy nghĩ rồi ba ạ. Con cũng đau đớn lắm nhưng con không thể chịu được sự xúc phạm hàng ngày thêm nữa. Con cố gắng mười mấy năm trời cho êm cửa êm nhà, cho bề ngoài như một gia đình hạnh phúc.

Mẹ rơm rớm nước mắt. Bà đã linh cảm việc này từ lâu nhưng vẫn luôn mong chờ nó đừng xảy ra. Mẹ vẫn là một người bà, người mẹ Việt, vẫn luôn nghĩ khi gia đình tan vỡ phụ thuộc vào người vợ là chính. Người vợ phải luôn hàn gắn và gìn giữ mái ấm và nếu như có trục trặc gì xảy đến, thì người vợ sẽ bị chê cười trước tiên. Nghĩ đến con gái mình sẽ mang tiếng “bị chồng bỏ”, các cháu mang tiếng “bố mẹ li dị”, bà thật sự lo lắng. Bà thì thào:

– Nếu đã chịu được từng ấy năm, sao không cố gắng thêm chút nữa hả con, mày đâu còn trẻ trung gì, hay là…

– Mẹ bảo sao ạ? – Trang ngạc nhiên hỏi lại.

– Hay là con sinh thêm một đứa nữa đi, may ra thằng Tuân nghĩ lại… – Mẹ rụt rè đưa ra ý kiến, tránh nhìn nàng.

k37

Trang nhìn mẹ. Mình là con gái mẹ sinh ra, bú từ bầu sữa mẹ, mẹ nuôi dạy trưởng thành, nhưng sao tư tưởng của mình không thể thống nhất với mẹ được nữa rồi. Thế hệ mình không thể chọn giải pháp: “Cố chịu thêm một chút, sinh thêm một đứa con” để níu kéo một ông chồng, đó là giải pháp những người phụ nữ Việt vẫn thường chọn từ lâu nay nhưng có lẽ nó đã đến hồi “cáo chung”. Cắt bỏ một khối u hoại tử chẳng phải một giải pháp tốt hơn là ngồi chờ nó đục khoét, di căn len lỏi vào từng vi mạch trong cơ thể để rồi chết dần chết mòn, tàn tạ và mục rữa? Nàng lắc đầu:

– Bà ngoại ơi, những đứa cháu của bà đâu phải sinh ra vì những ý đồ tầm thường của mẹ nó, để rồi thay vì được hưởng yêu thương nâng niu, chúng lại trở thành nạn nhân, trở thành nhân chứng cho một thứ ung nhọt xấu xa luôn phải che đậy, bưng bít…

Bà ngoại lặng im, vòng tay ôm Chíp vào lòng, bà xót cháu lắm. Ông ngoại nhìn con gái, thở dài. Ông biết tính Trang, nó coi dịu dàng thùy mị vậy chứ thừa hưởng khí chất ngay thẳng, bền bỉ của ông. Hồi nhỏ, có lần ông đã đánh đòn oan con gái, nàng để cho ông đánh xong mới đứng dậy, nén khóc, nói:

– Ba đánh oan con rồi, không phải con làm vỡ cái bình bông mà là mẹ làm đó.

– Sao giờ con mới nói?

– Con để ba ân hận suốt đời không đánh con nữa.

Nói rồi Trang mới òa khóc. Và cũng từ đó trở đi không bao giờ ông đánh con gái nữa, ai ngờ đâu từ ngày nó lấy chồng, lại bị cái thằng chồng vũ phu ấy đánh đập tối ngày, mà con gái mình có phải là đứa hư thân mất nết đâu. Cơn tức giận bừng bừng lên, ông ngoại chạy vào phòng, lấy điện thoại gọi cho Tuân, không ai kịp can ngăn:

– Alo, Tuân đấy hả. Vợ chồng anh chị sao lại đến nỗi phải li dị?

Đầu bên kia Tuân trả lời sao đó, ông ngoại gắt:

– Sao anh lại trả lời tôi như vậy. Con gái tôi tôi hiểu chứ. Anh là trí thức mà lại đánh vợ không tiếc tay như vậy sao?

Ông ngoại bực mình gác máy. Bà ngoại vội chạy đến hỏi:

– Nó trả lời ông thế nào.

Ông ngoại lắc đầu, ngồi xuống ghế thở dốc rồi bảo:

– Nó bảo đấy là cách nó dạy vợ. Ở quê nó người ta dạy vợ như thế là truyền thống rồi, nó kể tội con Trang nghe khủng khiếp quá…

– Nó bảo con Trang tội gì?

– Nó bảo con Trang hỗn láo, lười biếng, điêu toa, ngoại tình…

Bà ngoại cũng mệt mỏi ngồi xuống ghế, lấy tay chấm nước mắt. Trang thấy có chút ân hận. Hay là mình đề cập chuyện li hôn với bố mẹ đường đột quá chăng, để bố mẹ phải buồn thế này?

– Ba mẹ biết con thế nào mà. Con không còn tình cảm với con người ấy nữa. Con xin lỗi ba mẹ.

Ông ngoại gật đầu. Ông thường gật đầu khi tán đồng con điều gì đó. Bà ngoại im lặng. Không khí trầm lắng và buồn. Bỗng chuông điện thoại của Trang dồn dập. Tiếng Tuân:

– Cô còn ở đó làm gì? Về nhà chỉ dẫn cái Bường nấu cơm, cháu nó chưa quen việc.

Trang nghe giọng kẻ cả của Tuân mà thấy tức cười. Anh ta vẫn không hình dung được là nàng sẽ bỏ anh ta thật sự. Bao nhiêu năm quen thói gia trưởng trong nhà, việc nàng đòi li hôn có lẽ đối với anh ta chỉ là chút phản kháng yếu ớt của người đàn bà trong gia đình. Nàng bảo:

– Tôi không về ăn tối đâu. Cả nhà anh muốn làm gì thì làm.

Nói đoạn nàng tắt máy. Nàng đoán là Tuân có lẽ sẽ điên tiết đến mức đập bể món đồ nào đó trong nhà. Ông ngoại bảo:

– Con cứ để Chíp ở đây với ông bà, con cần làm gì cứ làm đi con.

– Vâng, con cám ơn ba mẹ.

Nàng ngước lên nhìn cha. Bao giờ cha mẹ cũng là nơi nương tựa cuối cùng của con. Nàng đi men theo con phố chính. Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc, người ta nhích dần từng phút để di chuyển. Trong dòng người bon chen tấp nập kia ai về hội tụ, ai đang ra đi? Mình hiểu cái giá đắt phải trả cho tự do, cho được sống đúng với con người mình, mình sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn trước mặt.
Bỗng điện thoại rung lên báo hiệu tin nhắn: “ Em đang ở đâu? Anh nhớ em lắm. Đừng im lặng nữa, trả lời anh đi em” – Là H. Ôi, mình cũng nhớ H quá, mình phải làm sao đây…

(Còn tiếp)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (38) – Vũ Thanh Hoa

2 comments

    1. Đã viết xong phần 38, đã post lên vuthanhhoa.net. Truyện bản quyền độc nhất trên vuthanhhoa.net và tác giả vẫn đang tiếp tục viết từng kỳ tiếp theo bạn nguyen dai ạ!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu