Nắng cuối trời (36) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (35) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời 

Truyện dài kỳ

36. Trang đóng điện thoại, không trả lời tin nhắn của H. Nàng thấy lòng nặng trĩu. Tâm trạng rối bời. Có những lúc không hiểu mình đã quyết định đúng hay sai? Không biết nên đi tiếp hay dừng lại? Nhưng thế nào là đúng? Thế nào là sai? Mình có tự quyết định được hết mọi thứ đâu nhỉ? Bỏ chồng mình để yêu chồng người khác là sai hay đúng? Bỏ cơ hội thăng quan tiến chức để bảo vệ cho tình địch là sai hay đúng? Mệt mỏi quá. Nhưng mình vẫn phải đi tiếp. Không thể dừng lại.

Trang bước vào cổng trường mẫu giáo, Chíp thấy mẹ từ xa mừng rỡ, chạy ào tới ôm chầm lấy nàng. Nàng ôm con mà rơi nước mắt. Con ơi, bao nhiêu bão dông đang chờ mẹ con mình phía trước, biết mẹ còn sống đến ngày nào để chăm sóc con đây? Nàng cho xe chạy chậm trên quãng đường quen thuôc. Đến ngã ba, không biết nên đi về hướng nào. Đi thẳng sẽ về ngôi nhà bao lâu nay vẫn được gọi là “tổ ấm nhỏ” của hai mẹ con, rẽ phải sẽ trở về nhà ngoại, nơi tuổi thơ yên lành của nàng đã dừng lại cánh cửa sổ màu xanh mơ mộng để thành vợ một tổng giám đốc,còn nếu rẽ trái sẽ đến con đường tắt dẫn về nhà phó giám đốc H. Con đường nào nàng cũng thuộc nhưng chẳng con đường nào chào đón mẹ con nàng.

k36

– Con muốn về đâu?

Trang hỏi Chíp, tìm nơi con một cứu cánh.Chíp chẳng phân vân, đáp liền:

– Con muốn về nhà ông bà ngoại!

– Không về nhà mình sao? – Trang tấp xe vào lề, quay lại nhìn đôi mắt trong veo của con gái. Chíp lắc đầu:

– Không về nhà mình đâu, con sợ ba lại đánh mẹ.

Nàng lặng người. Trong ký ức thơ ngây của con đã có một vết hằn. Không biết bao nhiêu đứa trẻ Việt có những vết hằn thơ ấu như thế? Vết hằn của sự ngược đãi thô bạo trong gia đình, nơi người mẹ khốn khổ vắt kiệt mình phục dịch cho chồng con rồi nhận tất cả sự hắt hủi, ruồng rẫy của gia đình chồng và chính người chồng đã bao năm bóc lột mình. Nàng rùng mình khi nghĩ đến phải đối diện với ánh mắt long lên sòng sọc của Tuân mấy ngày qua. Ông bà nội đã về quê, hẳn anh ta sẽ kiếm cớ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nàng cho hả cơn hậm hực trong người bao lâu nay, sự căm tức khó định nghĩa. Sống với nhau cả chục năm, nàng luôn phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, đùa một câu sơ ý là anh ta “chạm nọc” ngay, cho là nàng cạnh khóe thành phần “bần cố nông” của mình. Anh ta luôn kiếm cơ hội để chỉ trích, hạ bệ những người xuất thân từ thành thị, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Có lần nàng bảo:

– Anh lạ thật, anh cũng là một trí thức được ăn học đàng hoàng mà sao anh cứ bới móc những người trí thức vậy?

– Suốt đời mình chẳng có chỗ đứng bên cạnh cái lũ đạo đức giả ấy đâu. Chúng nó chỉ già vờ tay bắt mặt mừng với mình thôi. Trong thâm tâm chúng nó vẫn coi khinh cái nguồn gốc xuất thân của mình, vẫn cho mình ra rìa khi chúng có một kế hoạch quan trọng. – Tuân nghiến răng đáp.

Nàng ngạc nhiên nhìn Tuân. Đối với anh ta, ai cũng là một con rắn độc. Cuộc sống là phải đối phó và hủy diệt nhau để tồn tại. Mọi mối quan hệ thực chất chỉ là liên kết để hưởng lợi, và anh ta cố gắng diễn thật xuất sắc để cầm phần có lợi nhiều hơn về phía mình.

Đã đến cổng nhà ông bà ngoại. Bà ngoại nhìn qua cửa sổ thấy hai mẹ con Trang, mừng rỡ chạy ra đón.

– Ôi chao, cái con Chíp yêu của bà, phải cả tháng trời rồi chưa gặp đây!

Bà ngoại ôm chặt lấy Chíp, hít hà mùi hương quen thuộc từ tóc, từ cổ cháu ngoại.

– Con chào ngoại, con nhớ ngoại. – Chíp chúm chím môi, thỏ thẻ. Nàng nhìn bà cháu ôm ấp nhau, thấy lòng dịu nhẹ đi biết bao nhiêu vất vả, lo toan chực chờ.

Đưa ly kem sinh tố cho Chíp, bà ngoại quay qua ngắm con gái. Trang tránh ánh nhìn của mẹ. Bà ngoại bỗng hỏi :

– Thằng Tuân lại đánh mày hả con?

– Dạ… con…con… – Trang lúng túng chưa biết trả lời mẹ thế nào.

– Giấu mẹ sao được, mẹ thấy mày hốc hác, tiều tụy hẳn. Khổ thân con tôi.

Mắt bà ngoại rơm rớm. Bà đưa cho nàng miếng táo vừa cắt gọt cần thận và bảo :

– Thôi đành chịu đựng vì con, vì giữ lấy cái gia đình của mình. Đàn ông bây giờ có tí chức quyền thì quay lại coi vợ không ra gì.

Trang cúi dầu im lặng. Không biết đã nên báo quyết định li hôn của mình với mẹ chưa, hay là để thêm thời gian nữa. Mẹ nói tiếp :

– Cũng có những người đàn ông trí thức thực sự yêu thương vợ con như ba mày nhưng những người đàn ông như thế quá thật thà, quá nhạy cảm nên họ khó thành đạt trong xã hội đương thời này. Họ dễ bị tổn thương bởi những trò khốn nạn và vì thế họ sẽ thất bại vì lòng tự trọng.

– Vâng, mẹ, mẹ vẫn hiểu con nhất nhưng con không giống mẹ được… – Trang muốn từ từ thông báo việc quan trọng cho mẹ.

– Mẹ con con Trang về đấy à ?

Ông ngoại vừa hỏi vừa bước ra từ phòng trong, ông bước  có phần đã chậm chạp, mái tóc dày đã hầu như trắng xóa. Ông xoa đầu Chíp, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Ngồi xuống chiếc ghế dài gần cửa sổ, ông hỏi :

– Lâu nay không thấy Trang gọi điện thoại cho bố mẹ, thế nào rồi con ?

Nàng gượng cười, biết nói sao đây cho bố mẹ khỏi buồn. Sinh con gái ra, bố mẹ nào cũng muốn con lấy được tấm chồng có công danh, địa vị, thương yêu che chở cho con mình suốt đời nhưng rồi số phận mỗi người đàn bà trôi dạt theo những vĩ tuyến riêng, biết làm sao đây…

– Thằng Tuân lại đánh con bé, đồ vũ phu!

Bà ngoại quay qua kể với ông ngoại. Ông ngoại nổi giận :

– Sao nó hèn hạ vậy, giỏi thì ra đương đầu với mấy thằng đương chức đương quyền ức hiếp dân lành, tham nhũng tham ô tài sản nhà nước ấy, lại về nhà thua đủ với người phụ nữ chân yếu tay mềm, nơi che chở phục vụ nó hàng ngày. Khốn nạn thật!

Trang im lặng. Bố nàng luôn khẳng khái và nhạy cảm. Có lẽ vì thế mà ông phải xin nghỉ hưu non, về nhà kiếm sống bằng những chuyện vặt vãnh nhưng sòng phẳng. Ông không đủ láu cá và tráo trở để tồn tại được trong guồng máy hiện tại.

– Con chịu đựng từng ấy năm là quá sức rồi ba mẹ ạ, con đã quyết định li hôn!

(Còn tiếp)

Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (37) – Vũ Thanh Hoa

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu