Mênh mông khoảng trống – Vũ Thanh Hoa

MÊNH MÔNG KHOẢNG TRỐNG

Xã hội càng phát triển, tỉ lệ li hôn càng cao và đặc biệt rơi nhiều vào những gia đình trí thức sống tại các đô thị. Theo thống kê gần đây, Bắc Mỹ và phần lớn các nước Tây Âu, có từ 40% đến 50% các cuộc hôn nhân lần đầu trong những năm 1990 kết thúc với việc ly hôn. Ở nhiều nước châu Á, tỷ lệ ly hôn hiện cũng đã đuổi kịp các nước Âu Mỹ, Hàn Quốc hiện đã trở thành nước có tỷ lệ ly hôn cao thứ ba toàn cầu.

Nhìn nhận về thực trạng này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thế hệ người lớn tuổi thì cho rằng: “Thời nay bọn trẻ không quý trọng tình nghĩa như xưa, yêu nhau theo cảm tính hoặc tính toán thực dụng, rồi lấy nhau vội vàng và sau đó lại chia tay cũng vội vàng!” Thế hệ @ lại lập luận: “ Quan điểm về tình yêu và kết hôn bây giờ cởi mở độc lập hơn trước, công cuộc bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ rệt, người phụ nữ có tri thức và độc lập về kinh tế, do đó họ chủ động nhiều hơn trong việc kết thúc hay duy trì một mối quan hệ gia đình.” Quan điểm nào cũng có những dẫn chứng thuyết phục nhưng có một sự thật không phải bàn cãi: li hôn đã tạo nên một vết thương khó lành cho cả hai phía và nếu đã có những đứa trẻ từ cuộc hôn nhân ấy, sẽ là những đắng đót ám ảnh suốt đời.

Bắt đầu cho cuộc sống hôn nhân, đôi nam nữ thường trải qua một thời gian “tìm hiểu” nhau, và khời đầu là một tình yêu được nảy nở, đón nhận và nuôi dưỡng. Mà để “nảy nở” ra thứ tình cảm đặc biệt ấy, có muôn vàn tình huống. Có người vừa nhìn thấy đối tượng đã như bị “sét đánh”, đã lập tức “phải lòng” đến mất ăn, mất ngủ. Kẻ thì là “bạn bè bình thường” có đến mười mấy năm, đột nhiên một ngày nhận ra mình đã yêu người ấy tự lúc nào… Lại có những mối tình “phát sinh” từ những ngang trái, éo le khiến dư luận ngăn cản, thậm chí dèm pha nhưng đôi bên vẫn bỏ qua tất cả để được bên nhau dù ngắn ngủi… Thế rồi cũng qua những “bồi hồi lãng mạn” ban đầu, đôi lứa nào cũng phải đi đến bước tiếp theo; đó là gắn bó bên nhau, chung sống lâu dài.

Thời nay chuyện sống chung trước đám cưới thậm chí có con rồi mới kết hôn đã không còn quá xa lạ. Và từ đây, những bất đồng, xung đột mới dần dần hình thành. Những bí ẩn, thú vị, hấp dẫn ngày nào thì nay đã luôn hiển hiện, trần trụi với “mặt trái gồ ghề” thường nhật và “dấu yêu xưa” cũng trở nên “bình thường” đến độ nhàm chán. Nhưng đó chưa phải là nguyên cớ chính của một sự sụp đổ. Những tất bật bởi “cơm áo gạo tiền” hay những va chạm của “cái tôi cố hữu” sẽ dần được điều chỉnh, sẽ dần được hòa hợp giữa đôi bên nếu tình yêu thật sự vẫn còn, tình yêu chính là chất xúc tác để tạo nỗ lực cho hai người vượt lên duy trì mối quan hệ. Ai đó nói rằng: “Tình yêu chỉ có một nhưng những thứ na ná tình yêu thì có vô số”. Có lẽ lúc này, những tình cảm bồng bột theo bề nổi hoặc sự tính toán thiệt hơn cho ván bài mang tên hôn nhân sẽ bắt đầu lộ diện. Cuộc sống gia đình khi chỉ còn cãi vã, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không khí gia đình luôn căng thẳng đến nỗi nhiều người ví như “địa ngục” thì có lẽ giải pháp chia tay một cách đàng hoàng, tử tế là tốt hơn. Nhưng rất tiếc, nhiều cặp đôi đã coi “người cũ” là kẻ thù, biến cuộc chia tay thành oán hận. Không ít những vụ án trả thù ghê rợn mà nạn nhân chính là người yêu, là cha mẹ những đứa con của hung thủ.

Mới thấy,khi kết thúc một mối tình, yếu tố văn hóa tác động không nhỏ. Tôi đã chứng kiến một số người có đủ bằng cấp, học vị cao sang nhưng sau khi li dị, ngồi lê la khắp nơi để nói xấu, kể tội vợ, chồng cũ với những lời lẽ rất khó nghe. Có những gia đình, sau li hôn, khở sở nhất là những đứa trẻ hàng ngày phải nghe những lời nhiếc móc nặng nề từ hai bên nội, ngoại và từ chính những người sinh ra chúng. Tâm hồn ngây thơ non nớt phải hứng chịu những cơn hận thù của cha với mẹ, mẹ với cha sẽ để lại những vết sẹo khiếm khuyết khó lành: “Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp/Khi thanh âm cũng bất lực như lời” (Khúc mùa thu – Hồng Thanh Quang).

Ở Nhật Bản, ngoài các công ty chuyên tổ chức đám cưới thì nay cũng đã có cả các công ty chuyên tổ chức lễ ly hôn. Lễ ly hôn tại Nhật Bản cũng được tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong lễ ly hôn này, vợ chồng cũng thề sẽ không bao giờ gặp nhau (và gây đau khổ cho nhau) nữa. Nghe có vẻ lạ kỳ đối với nhiều người nhưng đó chính là thái độ ứng xử văn minh, của những người trân trọng quá khứ của chính mình và những người liên quan. Nếu đã phải rời xa thì hãy để cho nhau ấn tượng sau cùng tốt đẹp nhất.

VŨ THANH HOA (NGUYỆT CHI)

Nguồn báo Bà Rịa Vũng Tàu Chủ Nhật 29/5/2016

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu