Vắng cô liêu một vắng cười – Vân Đình Hùng bình “Noel vắng”

NOEL VẮNG
Vũ Thanh Hoa

Đêm máng cỏ lang thang Noel lạnh
Chúa xa xôi. Trăng lẻ bóng gần
em đóng đinh nụ cười đá trắng
treo trên Thánh giá tim hoang

chuông Giáng Sinh mười hai giờ vọng
điện thoại reo khắc khoải buồn
gió tê buốt mong manh nhớ
vô tình sương gợi giấc đông

phố chật đèn người chen chật phố
vắng cô liêu một vắng cười
mây tan chảy mây tràn trên má
văng vẳng kinh cầu xa ngái xa…

25.12.2007

LỜI BÌNH CỦA VÂN ĐÌNH HÙNG:

Bài thơ viết trong cô đơn của người ngoại đạo, nhưng dòng chảy Giáng sinh đã cuốn tác giả cùng dòng người đi xem lễ nửa đêm, mừng Chúa Hài Đồng ra đời trong máng cỏ để sau này là Chúa ngôi hai cứu rỗi nhân loại. Bắt đầu là tiếng chuông Giáng sinh, rồi phố chật đèn người chen chật phố. Con chiên ngoan đạo thì hướng lên đỉnh tháp cao vời mà làm dấu thánh, mà Amen, những mong ánh hào quang tự nhiên hiển hiện cho riêng mình quang ảnh Chúa Hài Đồng. Chúa Hài Đồng đã ra đời từ hơn hai nghìn năm trước, ngày ấy được người công giáo lấy làm ngày khởi đầu, ngày mốc để bắt đầu kỷ nguyên sống, bắt đầu dòng chảy của Dương lịch.
Ba khổ tứ tuyệt biến thể làm nhịp bài thơ đi bất ngờ, gây cảm giác thú vị cho người đọc. Những câu sáu chữ tự dưng “đắt” hẳn lên khi được đặt cạnh câu bảy chữ tứ tuyệt. Đắt bởi chữ thiếu gây nên. Chữ thiếu ấy làm nhịp thất ngôn tứ tuyệt cũ có sự biến đổi trong hình thức, biến đổi cả nhịp nhạc của thơ nữa. Điều này thơ ở khổ hai của bài đã như một minh chứng rồi. Đêm Noel, Chúa thì xa, Trăng cũng xa, nhưng gần hơn Chúa, và trăng thì hiển hiện màu bàng bạc. Thi ảnh ấy là sự lồng ghép cảm xúc. Đêm Noel thường không có trăng. Nhưng trăng trong lòng thi nhân thì lúc nào cũng mọc.
chuông Giáng Sinh mười hai giờ vọng/ điện thoại reo/ khắc khoải buồn/ gió tê buốt/ mong manh nhớ/ vô tình sương/ gợi giấc đông.
Câu mở khổ hai dẫn ở trên là câu bảy chữ, ba câu sau có sáu nhịp ba, mỗi câu sáu chữ, hai nhịp. Đọc mà thấy cái đảo phách, đọc đã thấy thiếu, thấy vắng rồi. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, cách nhả chữ này gây hiệu quả “vắng” thật rõ. Và đến vắng cô liêu một vắng cười là hai nhịp ba nữa mà riêng tôi nghĩ là hai nhịp ba đắt nhất bài để tấu khúc vắng trong đêm Noel, thơ. Nhịp trước vắng cô liêu là chữ cũ dùng để dẫn, nhưng một vắng cười là một phát hiện, một chữ mới ít gặp, nên đắt! Cặp đôi nhịp ba này nương tựa nhau gây hiệu quả thật bất ngờ.
Câu kết: văng vẳng kinh cầu xa ngái xa… là câu thơ theo nhịp cũ, cách dùng chữ trong khá nhiều bài thơ tiền chiến của các đấng bậc trong làng thơ Việt. Nhưng nó xuất hiện ở đây lại như một sự hoài cổ, xa xăm, thi ảnh khá gợi. Gợi cái sự vắng – như chủ đề của bài thơ và để cài then chủ đề vắng của đêm trăng lẻ bóng gần.
Thơ Vũ Thanh Hoa luôn có sự tìm tòi, không dụng công, dụng ý. Con chữ như bất chợt, chín tới rồi rụng vào thơ chị. Những trái chín đã ướp đã quện đủ hương đất, vị trời, vị nhân thế… làm bừng thơm một khổ thơ, một câu thơ hay một nhịp thơ… trời ban tặng. Chữ thơ Vũ Thanh Hoa viết như không, như thật dễ, nhưng đâu có thế và khi đọc lên đâu có thế. Rồi người đọc có thể tự hỏi làm sao tác giả lại có cái cảm xúc ấy để tìm để gieo vào sự đồng cảm của bạn đọc? Thật khó trả lời! Ngay chính tác giả cũng không thể lý giải nổi. Chỉ biết rằng cái cảm xúc đến thế nào, thì con chữ nó ra thế nấy, tự nhiên như trái chín rụng xuống vườn vậy.
Noel vắng là một bài thơ không nằm ngoài cách viết riêng có thương hiệu Vũ Thanh Hoa. Nó gây hiệu quả một vắng cười cho độc giả thơ chị. Một vắng cười. Hai vắng gì nữa nhỉ?… Không biết đêm Noel ấy, biển ngoài xa có cô đơn và vắng như thiếu, như thao, như thức chờ một cánh buồm le lói phía chân mây.

Đêm Noel năm 2011_Vân Đình Hùng

3 comments

  1. Cái ông Nhà thơ – Nhiếp ảnh gia Vân Đình Hùng sắp thành nhà Vũ Thanh Hoa học đến nơi rồi. Lão cầm máy, cầm bút đều rất “oách”.
    Nữ sĩ Vũ Thanh Hoa có “Cuối năm dọn nhà” cực hay. Tôi thách Vân thi sĩ viết lời bình cho bài thơ ấy hay bằng thơ của nữ thi sĩ đấy. Phần thưởng môi quả tim đàng hoàng!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu