VTH – Gặp lại cô bạn gái thời cùng đoạt giải “Tác phẩm Tuổi xanh của Trường Nguyễn Du và Báo Tiền Phong năm 1992-1993” trên Face book, bao nhiêu kỉ niệm ‘thời thiếu nữ dung dăng’ lại bổi hổi ùa về… thấy bạn vẫn viết đều, viết hay còn “mắn đẻ” liền hai năm ra hai tập truyện ngắn dày dặn, thật đáng nể quá! Vuthanhhoa.net trân trọng giới thiệu với Bạn đọc tập truyện “Theo dấu loa kèn” xuất bản năm 2011 của nhà văn Kiều Bích Hậu:
>> Vì văn chương tôi cảm ơn đàn bà – Kiều Bích Hậu
“Theo dấu loa kèn”- con thuyền trôi trên dòng sông lãng mạn
Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Tp. HCM trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách thứ 4 của nhà văn Kiều Bích Hậu – cuốn sách được coi là khác lạ so với lối viết sắc sảo và chuyên về giới truyền thông của tác giả – người từng đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 2007. Trong cuốn sách thứ 4 của chị – “Theo dấu loa kèn”, yếu tố hiện thực huyền ảo được thể hiện mới mẻ, gây ngạc nhiên đi cùng với không khí nông thôn dưới con mắt quan sát khác biệt, tinh tế của tác giả đã hiện lên với vẻ đằm thắm và kỳ ảo, luôn bất ngờ, với hiện thực đan xen quá khứ, mà thói đời và hệ lụy cô đặc lại cho bạn đọc một hình dung hoàn toàn khác về vùng quê tưởng như quá quen thuộc với ký ức. Bên cạnh đó, bức tranh tươi tắn trẻ trung mà khắc nghiệt của thành thị như những nét chấm phá nguyên màu nổi bật trong bức tranh kỳ ảo ấy.
“Theo dấu loa kèn” giống như con thuyền đưa chúng ta trôi trên dòng sông lãng mạn, đầy mộng mị nhưng cũng lắm ghềnh thác khiến con thuyền chòng chành và nghiêng ngả.
Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những cảnh đời ngang trái và nhiều nước mắt. Đó là một người đàn bà bỏ lại mẹ già và con thơ nơi quê hương mà lưu lạc xứ người tìm đường sống như trong “Lạc Loài”; đó là tâm trạng dằn vặt và ai oán của một người phụ nữ không có khả năng sinh con nên luôn bị chồng đay nghiến như nhân vật Bận trong “Bản năng Mẹ”,…
Tuy nhiên, không vì thế mà “Theo dấu loa kèn” mất đi sự tươi tắn, yêu đời, tinh nghịch mà chúng ta thường thấy trong văn phong của Kiều Bích Hậu. Ở đây, độc giả có thể thưởng thức những bức tranh tuyệt mỹ được vẽ bằng một kiểu ngôn ngữ liêu trai như trong truyện ngắn “Thung Nắng”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz” hay “Mùa Sen”.
“Theo dấu loa kèn”, một bức tranh nhiều màu sắc và đầy cảm xúc đối lập nhau giữa thực và ảo, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và đau khổ,… Tất cả như một món cocktail của Tạo hóa đã được hòa trộn với những hương vị độc đáo, riêng biệt trong tác phẩm Theo dấu loa kèn.

Nhận định thêm về tác phẩm của một số chuyên gia:
* Kiều Bích Hậu như càng viết càng cao tay tổ chức tình huống, càng thong dong đẩy đưa giọng kể và sắp đặt vén khéo các chi tiết ấn tượng, trong sự chi phối ngặt nghèo về dung lượng truyện ngắn hiện đại.
Và Hậu đã nối được sợi dây tơ tinh tế giữa nhiều chi tiết tưởng chừng chẳng liên quan, nhưng lại được giăng mắc hợp lý, hợp tình. Và sau mỗi chi tiết, đều ẩn hiện đâu đó nụ cười tinh quái của người viết.
Chợt nghĩ, Hậu có chiều khao khát vẻ đẹp hiện đại của bóng đá tấn công. Nếu không, đã chẳng có những tên truyện thẳng căng như một quả penalty!
(Phó Giáo sư-Tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái)
* Truyện “Cầu Gon” có chi tiết ông kĩ sư ngã vào máy trộn bê tông mang thịt xương làm nên cây cầu cực hay! Nó thực sự là một biểu tượng mĩ học ám ảnh mà tôi chưa được gặp trong những tác phẩm đã đọc cả trong nước và quốc tế.
(Nhà văn Đỗ Tiến Thụy)
* Ngôn ngữ của Kiều Bích Hậu hiện đại, trau chuốt như một người con gái kỹ lưỡng trong việc trang điểm. Văn chị ngày càng mạnh mẽ, sắc sảo. Tôi nghĩ rằng, nếu tiếp tục theo đuổi đề tài đô thị, với khả năng của mình, chị sẽ còn gặt hái thành công.
(Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm)
* Truyện “Cầu Gon” trong tập sách này cực kỳ đặc biệt, gần như không nhận ra đấy là Kiều Bích Hậu viết. Ngôn ngữ quyến rũ, đầy nhục cảm, nhưng cũng giàu chất thơ.
(Nhà báo Nguyễn Minh Tâm)
* Tôi thích đọc văn của Hậu, đề tài rất mới, tràn đầy hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng văn phong lại đẹp như một bức tranh.
(Nhà báo Minh Hồng)
“Theo dấu loa kèn”- con thuyền trôi trên dòng sông lãng mạn,…
Vâng. Văn, thơ, nhạc đôi khi đưa vào cõi mộng mơ, thanh thoát, êm đềm như sông nước mùa xuân, mây trôi lơ lững, để lòng mình trải rộng, chợt nhớ thương nhành liễu thuở quê nhà,…
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=uPQ3tL24kj