Vương Cường : Phác thảo Thanh Chung

Đọc “Bay qua giấc mơ” tập Truyện ngắn, NXB HNV. H. 2012 của Thanh Chung.

>> Vũ Thanh Hoa vô thức gọi tên mình…
>> Đọc Thơ của dòng họ Vương
>> Nghĩ về thơ: Vì sao thơ bị cũ hóa?

Năm 1998 có một người phụ nữ mang theo hai đứa con nhỏ từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trong hành trang của chị chỉ có 2 bằng đại học ngoại ngữ, tiếng Pháp chính quy và tiếng Anh tại chức. Đó là Thanh Chung (TC). Lúc này nền kinh tế thị trường nước ta đã và đang tìm đường hội nhập và tác động vào đời sống bằng cả 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Nhưng sự kết hợp không dễ gì suôn sẻ giữa “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình” nên mặt trái của thị trường tác động mạnh mẽ hơn. Trong hoàn cảnh đó, sống giữa Hà thành, nuôi được hai con học tập nên người kể cũng là đáng nói lắm rồi. Nhưng TC không dừng lại đó. Không chỉ tìm kiếm cái ăn, cái mặc, nuôi hai con học hành tử tế mà chị còn học thêm Tài chính thương mại ở một trường đại học. Thanh Chung đã đi bước tiếp không thể nói là không bất ngờ: chị thi và trở thành trợ lý tài chính – Qũy Dân số LHQ tại NewYork (NY) và trợ lý kiểm toán – Quy Nhi đồng LHQ tại NY. Vậy là 10 năm nay chị cùng với 2 con sống và làm việc xa quê hương, đất nước.
Mười năm đó chị đã từng đi đến nhiều quốc gia có nền văn hóa khác nhau. Thanh Chung vẫn giữ trong mình một người phụ nữ thuần Việt với văn hóa Việt Nam rất mở. Vừa tiếp thu vừa đào thải. Nhưng chị không chỉ có thế. Con người ấy, văn hóa ấy, vốn sống phong phú và những trải nghiệm ấy chắc chắn trái tim không bình yên phải cất thành lời. Tham gia mạng xã hội, chị đã viết và lập tức trở thành một blogger nhanh chóng nhiều người biết tiếng. Giữa hàng triệu blogger chị vẫn giữ được giọng riêng của mình. Nhiều bạn đọc say mê chị đến mức, đôi lần chị đi công tác xa nơi chưa có mạng internet, đã gõ cửa chờ đợi đọc chị, xen chút lo lắng. Chị viết blogs nhưng không phải nhật ký thông thường mà chị kể những câu chuyện bằng văn phong tự nhiên, rủ rỉ mà tinh quái, có khi có và có khi không có cốt chuyện, thế mà vẫn cuốn hút và quyến rũ. Bởi vì từ trong sâu xa của những câu chuyện bình thường ấy, có một cặp mắt của người phụ nữ và hai đứa con nhỏ, thấp thoáng văn hóa Việt Nam trước một thế giới toàn cầu hóa. Cặp mắt ấy có khi long lanh nước mà như cười, như khóc. Chị đã đi từ blogs đến văn chương. Những vẫn đề chị để cập đến dường như chẳng có gì to tát nhưng hình như ai cũng có và ai cũng gặp những vui buồn ấy.

Nhà văn Thanh Chung và nhà thơ Vương Cường

Năm 2009, Thanh Chung xuất hiện lần đầu với 16 truyện ngắn và bút ký cùng ba người bạn thân: Kim Oanh, Lâm Cúc và Hoài Vân trong tập “Tin nhắn một chiều” NXB Hội nhà văn. Tập sách vừa ra đời lập tức được dư luận quan tâm. Nhà văn Nguyễn Quang Lập – người nổi tiếng nhiều hơn sau khi viết blogs, trong lời tựa, đã có những nhận xét dí dỏm và đúng thần với từng tác giả. Với Thanh Chung, NQL viết: “Thanh Chung thảng thốt về sự mất, văn chị là văn buồn, cái nỗi buồn bỗng dưng. Nỗi buồn đang đang có bỗng dưng không, đang phúc bỗng dưng họa, đang đôi bỗng dưng một chập chờn trên tất cả các trang văn, có vẻ như chị đang cố tình nói với mọi người rằng chị viết ra là để kể chơi vui, không không đời chị khô ng phải vậy”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – một trong những nhà thơ hòa mình vào mạng internet đầu tiên cũng như Nguyễn Quang Lập, nhờ đó, anh tô đậm hơn sự nổi tiếng của mình. Từ blogs Nguyễn Quang Lập đã trình làng văn ba tập sách, Nguyễn Trọng Tạo trình làng tập thơ “Em đàn bà” cũng nổi tiếng không kém. Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Trọng Tạo đã trình làng một lối viết mới mà những ai tham gia mạng mới thấu hiểu hơn giá trị văn học của nó trong thời đại mới, thời đại công nghệ thông tin. Nguyễn Trọng Tạo nói về văn Thanh Chung: “Thanh Chung viết nhiều, viết đều, viết khỏe. Văn blogs của nàng dù là ký ức hay bịa đặt đều làm cho người ta tin là nó đã như thế, sẽ như thế. Một đời sống Việt Nam quá vãng hay hiện tại được nhìn từ Mỹ mà không phải Mỹ. Thanh Chung là một người Việt chân thật hoặc ít nhất bằng văn bằng văn blog nàng cũng đã xây đắp được điều đó. Nàng là người thích đùa, nhưng nàng buồn, và thường vượt qua được nỗi buồn bằng thông minh và kiên nghị. Vì thế mà văn của nàng từ sắc đến sâu sắc”.
Đó là những nhận xét khá tinh tế của hai nhà văn, nhà thơ lão luyện trên văn đàn. Tôi lại thấy như đậm hơn, độc lập hơn ở tập truyện ngắn in riêng: “Bay qua giấc mơ”. Thanh Chung hay viết về tình yêu, nhưng không phải tình yêu đầu đời chớm nở mà là tình yêu cuối đời người. Trong “Tình thư”, tình yêu giữa người đàn ông có học, một nhà nghiên cứu văn hóa và người phụ nữ có hoàn cảnh thật trớ trêu. Người đàn ông có người vợ đáng quý và đang nằm liệt giường. Người phụ nữ lại có chồng nhưng lại sống li thân. Hai hoàn cảnh đó gặp nhau. Họ viết cho nhau cả ngàn bức thư. Trong những bắc thư đó, lại là sự quan tâm nhiều đến người vợ hay người chồng của mình. Thế nhưng, người đọc dễ dàng phát hiện ra tình cảm của họ đã là sự tiệm cận với tình yêu. Nếu hai người đó yêu nhau thì chắc chắn người đọc cũng thấy phải thế và nhẹ lòng. Nhưng họ đã không đi tiếp, chỉ để lại trong lòng độc giả những tình cảm trong sáng, thanh cao. Ở truyện ngắn “Lá nghiêng” một người đàn ông đã ở chặng cuối cuộc đời, con cái đã lớn, vợ đã già thương xuyên lên chùa, bỏ ông một mình, trong chuyến đi hội thảo nước ngoài ông đã gặp lại người yêu đơn phương thuở trước. Người đàn bà đã yêu, yêu đến mức phải đi xa sang tận nước người để quên đi mối tình riêng ấy. Người đàn bà ấy đã có chồng “là người đàn ông tốt bụng” người nước ngoài vừa mất, bà lại mang căn bệnh rút thời gian sống ngắn lại. Người đọc nhận ra điều đó, còn ông thì không. Họ ở bên nhau có hai ngày, hai ngày thật ngắn ngủi chỉ có hạnh phúc được chứng minh.
Viết đẩy đến tình trạng chênh vênh trong tình cảm như thế khác nào người đứng trên dao. Vậy mà Thanh Chung đứng được! Phải làm chủ ngòi bút lắm để người đọc vẫn thấy có đời sống thực mà thấm đẫm tình yêu con người đầy chất nhân văn xen lẫn trách nhiệm công dân, tôn trọng hạnh phúc riêng của nhau. Yêu mê mẩn mà có khi lại tỉnh. Câu chuyện đầy chất thơ. Đọc rồi tiếc và chấp nhận. Thanh Chung đã gửi được cái thông điệp con người cần lắm tình yêu và tôn trọng tình yêu cũng như trách nhiệm với tình yêu. Thanh Chung nói với mọi người, tình yêu đẹp đến phút cuối cùng, không cần biết sự đời ngang trái ra sao. Hãy biết tiếp nhận và nhâm nhi từng khoảnh khắc tình yêu đang có. Thanh Chung còn giữ được vẻ bình thản như có nụ cười nhòa nước mắt đau đớn chảy vào trong ở truyện ngắn “ Thư gửi Ena” hay “Thư gửi người đến sau”. Không chỉ tình yêu truyện ngắn TC còn quan tâm nhiều vấn đề xã hội nữa. Dù chị quan tâm điều gì thì cao hơn hết vẫn là tình người. Văn trong sáng và bình dị.
Khi muốn viết vài dòng cảm nghĩ về tập “Bay qua giấc mơ” tôi đã đề nghị tác giả gửi cho mình vài thông tin riêng. Bởi tôi biết trong những tình tiết một số truyện ngắn của Thanh Chung có tiếng vọng của cuộc đời tác giả. Tôi đã không nhầm. Cái quý của Thanh Chung là không hận tình riêng hay đúng hơn vì tình riêng chị đã thấy cái gì như giống nhau của người khác và Thanh Chung khai thác mô tả nó như một hiện tượng xã hội. Ý nghĩa nhân vân là chỗ ấy. Điều tôi rất mừng là dù hoàn cảnh nào thì truyện ngắn của Thanh Chung không hề bế tắc. bi lụy. Sức sống của con người thật lớn lao. Điều này cho thấy ở Thanh Chung có một thế giới quan đúng đắn. Đời người có thể có lúc bế tắc nhưng cuộc đời thì không. Cuộc đời vẫn tự tìm lấy đường đi, như cây tìm về ánh sáng. Bạn có thể gặp lại nhận xét này của tôi ở tất cả các truyện ngắn của Thanh Chung. Tôi chỉ làm mỗi một việc thử phác thảo Thanh Chung qua trang văn. Và tôi tin chị sẽ còn viết được. Thậm chí có thể hay hơn nếu như biết khắc đậm hơn các tình tiết, tâm lý nhân vật, loại bỏ sự sơ lược trong vài truyện ngắn như “ Bay qua giấc mơ”, “Gai hoa hồng”, invisible”…

Đọc văn của những nhà văn tham gia cuộc chơi toàn cầu như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Chung và một số nhà văn khác, tôi không dám khẳng định nhưng trong tôi vẫn có cái ám ảnh giao thừa của văn thời kết thúc bút bi sang bàn phím đã có nhưng đổi thay nhất định trong phương pháp sáng tác. Thông qua các cuộc giao lưu, nhà văn và bạn đọc gặp nhau, vui vẻ nhận ra nhau, chờ đợi nhau, thôi thúc nhau mà ngày xưa thật khó lòng có được. Chính vì vậy mà nhà văn cầm bút luôn luôn được tiếp nhiên liệu từ độc giả. Văn chương thường ngắn gọn và vẫn mang đầy đủ thông điệp cần gửi tới người đọc. Thời gian của những con người trong thế giới toàn cầu hóa bay vun vút, họ chỉ còn ít thời gian tựa vào văn chương tìm sự sẽ chia. Nhân vật được xây dựng cũng có khác. Bỏ qua tất cả những gì bên ngoài sự kiện, giữ lại những gì không bỏ được và mã hóa thông tin tối đa. Bạn thử đọc “Bay qua giấc mơ” của Thanh Chung xem có thể chia sẻ với những ý nghĩ trên của tôi không?

Vương Cường
Nguồn :cuongdlna.vnweblogs.com 

1 comment

  1. Bài viết này cho Xuân Thu hiểu thêm nhiều về Thanh Chung và văn phong của chị. Cảm ơn Vũ Thanh Hoa và nhà văn Vương cường. Trân trọng.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu