ĐỌC “ CUỐI NĂM DỌN NHÀ” CỦA VŨ THANH HOA.
Vũ Thanh Hoa viết nhiều thơ tình. Thơ tình của Vũ Thanh Hoa ý mới và sâu lắng. Gần đây có một bài thơ viết về công việc đời thường của người phụ nữ, bài thơ được dư luận quan tâm, “ Cuối năm dọn nhà”, một bài thơ có tứ lạ:

Cuối năm dọn nhà
Thấy mình trong tấm ảnh cũ
Thấy mình trong chồng sách cũ
Thấy mình trong câu thơ cũ
Thật lạ
Cuối năm dọn nhà
Thấy người trong tấm ảnh cũ
Thấy người trong chồng sách cũ
Thấy người trong câu thơ cũ
Thật quen
Cuối năm dọn nhà
Nhặt nhạnh
Một cũ
Hai cũ
Rất nhiều cũ
Nhận ra
Vết sẹo góc nhà
Đột ngột nở hoa.
Vũ Thanh Hoa
Hai khổ thơ đầu diễn tả tâm trạng bâng khuâng và xao xuyến lúc nhìn những kỷ niệm gắn bó của một thời đã qua. Những điệp ngữ “ Thấy mình” “Thấy người” được lặp lại nhiều lần như thể hiện cảm xúc đang trào dâng trước hình ảnh đẹp của một thời. Nhưng tại sao “Thấy mình” trong kỷ niệm cũ thì “ Thật lạ” mà “Thấy người” trong kỷ niệm cũ thì “ Thật quen”? Có lẽ cô gái trong bài thơ đã đủ chín để nhìn lại mình ngày xưa thật lạ và vẫn còn sâu nặng với tình yêu một thời để cảm nhận người ấy “ thật quen”.
Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ để tâm hồn mình sống với kỷ niệm cũ. Không hiểu sao người con gái ấy lại lưu luyến với cái “ ngày xưa” đến vậy?
“ Một cũ
Hai cũ
Rất nhiều cũ”
Cô gái như đang đếm thời gian. Một sự giận dỗi với quá khứ chăng? Hay là cô gái đang để tâm hồn mình chông chênh với cái cũ. Những câu thơ mở ra nhiều tầng liên tưởng. Những từ ngữ đứng bên nhau, soi sáng nhau và làm bừng ngộ vể sự phức điệu của tâm hồn.
Khổ thơ cuối đến thật tự nhiên và hoàn thiện chủ đề của bài thơ:
Nhận ra
Vết sẹo góc nhà
Đột ngột nở hoa.
Khổ thơ thật đa nghĩa, nhiều tầng bậc. Có thể hiểu ở ba ý:
Hiện tại và tương lai bắt đầu từ quá khứ. Những nỗi đau làm chúng ta lớn hơn. Chẳng phải chim phượng hoàng đã phục sinh từ quá khứ đó sao? Một cái nhìn đầy triết lý và mang tính nhân bản.
Tiếp đến là một ý tưởng về hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc chẳng tìm đâu xa mà rất gần gủi với chúng ta hạnh phúc “nở hoa” từ “góc nhà” thân thương của bạn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng định nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước là những gì gần gủi thân thương;
Đất nước là nơi chúng mình hò hẹn
Đất nước là nơi em làm rơi chiếc khăn tay trong một nỗi nhớ thầm.
Cuối cùng là một triết lý nhân sinh. Vũ Thanh Hoa đã bắt gặp tư tưởng của một thiền sư hàng mấy trăm năm:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Cuộc đời thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh đó là đạo lý của cuộc đời. Có lẽ, đó là một ước mơ đẹp đáng để chúng ta trân trọng.
Đi tận cùng bài thơ ta bắt gặp một tâm thức dân tộc. Người phụ nữ trong bài thơ đã làm công việc mà hàng triệu người phụ nữ trên đất nước hình tia chớp và vùng Đông Á đã làm, đó là “cuối năm dọn nhà”. Có lẽ vì thế bài thơ gần gủi chúng ta.
Có lẽ trong một chiều giáp tết, Vũ Thanh Hoa đã nao lòng với hương xuân của đất trời và có những câu thơ thật đẹp và gần gủi; như Ngọc Châu đã từng viết:
Có một chiều chiều xuân như thế
Nắng ngập tràn lòng em ngất ngây chiều xuân.
Bình Định, ngày 07/03/2012
Thạc sỹ Đặng Cao Sửu
Cuối năm dọn nhà
Thấy mình trong tấm ảnh cũ
Thấy mình trong chồng sách cũ
Thấy mình trong câu thơ cũ
Thật lạ
Cuối năm dọn nhà
Thấy người trong tấm ảnh cũ
Thấy người trong chồng sách cũ
Thấy người trong câu thơ cũ
Thật quen
Cuối năm dọn nhà
Nhặt nhạnh
Một cũ
Hai cũ
Rất nhiều cũ
Nhận ra
Vết sẹo góc nhà
Đột ngột nở hoa.
( Vũ Thanh Hoa )
___________________________
Bài thơ trên của bạn Vũ Thanh Hoa được sáng tác theo trường phái ấn tượng (impressionism ).
Những hình ảnh như “tấm ảnh”, “mình”, “người”, “chồng sách cũ “…. và kết hợp cảm xúc như ” câu thơ cũ”, “thật lạ”, “một cũ, hai cũ, rất nhiều cũ” , “đột ngột nở hoa”.
Đặc biệt là “một cũ, hai cũ, rất nhiều cũ” không hẳn chỉ là hình ảnh, mà đó là “cảm xúc pha trộn hình ảnh.
Phải nói rằng bài thơ này rất hay. Rất độc đáo.
______________________
Trường phái ấn tượng (impressionism )
Một phong cách văn học đặc trưng bởi việc sử dụng các chi tiết và sự liên kết tinh thần để gợi lên ấn tượng chủ quan và cảm giác hơn là tái tạo thực tế khách quan.
___________
http://www.thefreedictionary.com/impressionism
impressionism = A literary style characterized by the use of details and mental associations to evoke subjective and sensory impressions rather than the re-creation of objective reality.