
- Văn Thành Lê tên khai sinh: Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐHSP Huế. Hiện sống và làm việc tại BRVT
ĐẤT VỠ
Truyện ngắn của VĂN THÀNH LÊ
Biêng… iêng… biêng… iêng… biêng… iêng… iêng… iêng. Cả sân bóng chuyền giật mình. Tiếng chiêng phải không? Chiêng gì nhỉ? Thanh niên trên sân bóng và người già trẻ nít phía ngoài quay qua quay lại hỏi nhau. Tiếng Kinh lẫn trong tiếng người thượng. Biêng… iêng… biêng… iêng… biêng… iêng… iêng… iêng. Lại một hồi chiêng nữa gióng lên, giữa buổi chiều chập choạng. Nghe như từ phía giữa làng. Lần này nghe to, rõ ràng và dồn dập hơn. Thôi, thím Lung mất thật rồi. Đây là tiếng chiêng báo hiệu người chết của người thượng.
Vậy là lại thêm một người nữa của làng đi. Đi vào chiều mùng hai tết mới ác chứ. Sân bóng chuyền vỡ ra. Bên cạnh, chiếc đu được trồng bằng bốn cọc tre đứng chơ vơ, mấy đứa trẻ đã kịp nhảy xuống, lặng phắc. Không nói gì mà lần lượt ai về nhà ấy. Một số vào thẳng nhà thím Lung chia buồn với gia quyến.
Tôi về nhà. Tính sáng mai ra viếng và tiễn thím luôn. Giờ tôi vào chỉ tổ làm vướng chân người khác. Tục người thượng tôi không biết gì. Chỉ áy náy một điều là về trước tết mà không kịp ra thăm thím.
Thím Lung là mẹ của Linh. Linh học cùng khóa với em gái tôi. Nhưng sau lại học cùng trường đại học với tôi, nên hồi đi học anh em chơi với nhau khá thân. Làng từ trước tới giờ cũng mới có năm sáu người học đại học, bắt đầu từ thế hệ tôi, nên có gì cũng í ới gọi nhau. Tôi về nhà mới biết thím Lung ốm ba bốn tháng nay. Nghe bảo ung thư dạ dày. Nằm viện ba tháng. Cắt hết một phần ba dạ dày theo chiến thuật đi tắt đón đầu vẫn không thoát bệnh. Do về trễ lại lao vào bánh chưng bánh giày, làm giò, chẻ củi nấu bánh, dọn nhà trương đào trương quất nên tôi không kịp ló đầu ra khỏi nhà. Thầm nghĩ để chiều mùng một đi chúc tết quanh làng rồi thăm thím luôn. Nhà tôi vẫn giữ cái nếp sáng mùng một đi chúc tết anh em trong nhà. Chiều mùng một đi chúc tết bà con làng xóm. Mùng hai sẽ về quê nội quê ngoại từ sớm. Mùng ba thì bố mẹ ở nhà tiếp khách bạn bè cơ quan tới chơi, còn con cái “tùy nghi di tản”, chủ yếu là tụ tập bạn học cũ đi chúc tết thầy cô rồi ngồi ôn chuyện “lớp chúng mình rất rất vui” từ thuở nảo thuở nào.
Khi tôi và em gái tới nhà thím Lung vào chiều mùng một thì chồng thím nói thím vừa đi bệnh viện tỉnh được mười phút. Linh và anh trai đưa mẹ đi. Xe cấp cứu của bệnh viện huyện phải vào tới nhà. May mà anh trai Linh là y sĩ ngoài bệnh viện nên cũng dễ hơn. Hình như con người ta trong hoàn cảnh nào cũng cố tìm ra cái may trong cái rủi để tự an ủi mình? Ngồi uống chén nước với chú, tôi không khỏi bần thần khi nghe chú kể chuyện nhà. Năm qua đúng đại hạn. Anh trai Linh tai nạn bó bột nửa người, nằm viện ba tháng. Vừa xong thì tới mẹ Linh thêm ba tháng nữa. Linh tốt nghiệp đại học về đi chăm người ốm cũng hết năm. Đâu đã dám đi xin việc. Tưởng sang năm mới là hết hạn. Ai ngờ lúc một giờ chiều ra hè ngồi hong nắng một tí thì phải gọi xe cấp cứu luôn…
***
Làng tôi ở ngay dưới chân núi Nưa. Đây là một trong những dãy núi dài và lớn đã đi vào lịch sử với cuộc khởi nghĩa của bà Triệu từ năm 248 sau công nguyên. Bây giờ trên đỉnh núi vẫn còn đền thờ bà. Hằng năm, qua giêng từ mười sáu tới mười chín là du khách thập phương vẫn leo lên từ hai phía núi để chơi xuân và thỉnh bà.
Tuổi thơ tôi gắn liền với ngọn núi Nưa. Nhưng tôi không muốn miêu tả lại ngọn núi nữa. Có chán vạn những bài báo nói về núi rồi, không tin cứ vào google gõ mấy chữ có mà ra cả lô cả lốc. Tôi chỉ muốn kể về một trong những ngôi làng nép mình dưới chân dãy núi ấy. Đấy là làng tôi. Có khoảng một trăm năm mươi nóc nhà. Với một phần ba là người Kinh, còn lại là người thượng.
Ông nội tôi là người Kinh đầu tiên đặt chân lên mảnh đất làng ngày nay, từ những năm sáu mươi.
Sau lần cải cách ruộng đất, suýt bị quy địa chủ, anh em trong nhà vì miếng ăn cũng quay ra đấu tố, chém nhau chí chóe, tình cảm sứt mẻ, ông nội điên tiết lôi cả nhà lên xe đi vùng kinh tế mới. Thời điểm ấy, bố tôi nói, chú út còn đang nói ngọng. Bà nội gánh chú út một bên thúng, còn bên kia là mươi cân khoai lang mốc leo dốc vào làng, chú út nói bập bẹ “Ẹ ơi, ốc ao óa”.
Sau ông nội là một loạt gia đình khác dưới xuôi lên, tụ tập lại một góc, tiến sâu vào chân núi Nưa hơn. Phía ngoài là người thượng. Làng mới với hai tộc người Kinh và người thượng hình thành từ ngày ấy.
Tôi lớn lên thì chú út đã nổi tiếng ở làng với chiến tích dùng cán cuốc đập một nhát chết ngay con lợn lòi (lợn rừng) nặng gần năm chục cân. Người thượng phục xanh mắt. Từ đấy cũng thân thiện với người Kinh hơn. Và lũ trẻ người Kinh cũng bắt đầu gần gũi với lũ trẻ người thượng hơn. Chúng tôi thường lùa trâu vào núi từ tờ mờ sáng, lủng lẳng bên hông là bị cói với đùm cơm nắm muối vừng muối lạc, đứa nào sang ra thì có thêm vài con cá khô là nhất. Nước uống thì tự đào hố bên những mạch nước chảy ra từ khe núi, chỉ khoảng mươi mười lăm phút là vục mặt xuống uống ngon lành. Ngày nắng thì ngồi dưới những lùm cây cao, ngày mưa chui vào địa đạo dưới chân núi được đào từ hồi đánh Mỹ. Tuổi thơ tôi đầy những tháng ngày bình yên như thế.
Thanh niên người lớn sống cũng nhẹ nhàng. Sáng sáng ra đồng. Chiều chiều ra đồng. Hai vụ hè thu đông xuân, luân canh xen thêm vụ thu đông. Chẳng nói là khá giả hơn ai nhưng chiều nào thanh niên trẻ nhỏ cũng tụ tập về sân bóng chuyền và sân bóng đá, chạy nhảy, la vang cả một góc làng. Ngày xuân thì người Kinh hát vài điệu hò miền biển để nhớ bản quán, người thượng hát những điệu dân tộc long lanh mắt ướt. Một cuộc sống thanh bình.
Cho đến ngày, không biết từ đâu, người ta phát hiện trong núi có quặng, thứ mà sau này ai cũng gọi là vàng đen.
***
Tôi và ba đứa em nhà chú cùng mấy đứa bạn học của Linh ra viếng và đưa thím Lung về đất. Cách ngõ nhà Linh mười mét đã thấy người đứng ngồi hai bên đường kéo dài vào tận nhà. Đa số người già ở phía trong, thanh niên đứng ngồi lố nhố phía ngoài.
Ba năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi lặn một hơi không buồn sủi tăm ở xứ người. Nay về thấy lớp trẻ mới lớn lên ai ai cũng lạ. Đứa em nhà chú nói, thanh niên làng mình giờ bỏ đi nam hết. Ở nhà giờ chẳng còn ai, lần đại hội chi đoàn loa làng a lô khản giọng từ sáng đến chiều, tối đi họp còn được đúng ba người. Vậy nên không cần họp không bỏ phiếu mà tự chia nhau một bí thư, một phó bí thư, một ủy viên kiêm thư ký. Như vậy là chỉ ngày Tết thanh niên mới túa về. Về trong ồn ào với tiếng nam tiếng bắc, tóc vàng tóc đỏ, mỏ như đúc bằng gang, rộn ràng xóm trên xóm dưới. Khổ nỗi chúng có “phù phép” kiểu gì vẫn không thoát được cái dáng ngực bẹp, bụng ỏng đít beo nên tôi thấy cứ chôi chối, làm dáng không phải kiểu.
Bác thôn trưởng kêu gọi bà con đứng dậy để làm lễ truy điệu và di quan cho người quá cố. Hàng loạt chỉ thị, công văn, quyết định, điều này điều nọ từ hương ước làng tới văn bản của chính phủ được dẫn ra mở đầu cho quyết định thành lập ban lễ tang. Đứa em đứng cạnh nghiêng qua tai tôi nói “Người sống đã vật vã với trăm loại chỉ thị, điều luật nọ kia, vậy mà đến chết vẫn không hết nhỉ. Ai dám nói chết là hết”.
Tiếng con cháu khóc rộ lên khi quan tài được đám thanh niên làng khiêng lên để đưa ra xe tang. Anh trai Linh là con cả đội mũ rơm đi lùi, ra đến đầu ngõ anh ngồi thụp xuống cúi lạy để mọi người khiêng quan tài đi qua đầu rồi đặt lên xe tang.
Tiếng khóc ngày càng lớn hơn. Trời lất phất mưa như rây bột. Xe tang được người kéo người đẩy bắt đầu chuyển bánh.
***
Từ dạo phát hiện ra quặng, người ta đổ xô nhau về phía chân núi Nưa. Không chỉ người làng mà người làng khác cũng đổ về. Chân núi rộng hàng trăm héc ta rậm rạp cỏ bụi cây cối bỗng chốc thành quang đãng, lộ ra những hốc, bãi khai thác. Con người lao vào hì hục từ sớm tới khuya. Càng đào vào sâu càng gặp nhiều. Thứ quặng nặng trình trịch, đen óng lên như có ma lực với những con người vốn quần quật quanh năm không tiết kiệm được nửa triệu bạc giắt lưng. Vậy mà giờ đây, đào đào, sàng sàng, cào cào, người khỏe một ngày kiếm được cả ba bốn trăm bạc, thằng yếu xìu đi mót, đi lơ phụ cũng bỏ túi bảy tám chục ngàn. Bảo vậy ai mà không ham?!
Chỉ một năm sau ngày ăn với quặng, ngủ với quặng, bộ mặt làng thay đổi hẳn. Không qua giai đoạn quá độ, mưng mủ lên da non. Lột xác một trăm tám mươi độ. Nhà nhà vật lên bằng cốt thép bê tông. Xanh đỏ tím vàng. Tiếng xe máy chạy cho chó sủa cả đêm lẫn ngày. Loa đài đập inh tai nhức óc những bản nhạc thời thượng mang thương hiệu Mai-cơn Sến. Đến mức mở miệng là trẻ con quen miệng nhao nhao chế tác thành “Tiền là tiền nhiều khi không mà có, tiền là tiền nhiều lúc có cũng như không” hay “Yêu anh đi, nhà anh có đàn gà rù…thịt thịt thịt…” rồi “Đêm đêm rọi đèn pin vào khu giếng nhà nàng, thấy nàng đang ngồi tắm…”
Tiếng xe ô tô trọng tải lớn chạy ngày chạy đêm, bụi mù mịt đầu làng cuối làng. Làng như bọc trong một lớp bụi mờ mờ ảo ảo. Ra đường không bịt miệng bịt mũi tối về có thể khạc ra cả chén đất. Nhưng đằng sau bụi là những khuôn mặt giãn ra với những xấp tiền. Đồng tiền khiến con người không kịp nhận ra sự khác lạ của những ngọn gió mùa đông bắt đầu tê tái lạnh lẽo mạnh lên tàn bạo, về mùa hè thì nóng nực hầm hập từ bãi quặng quăng về.
Cánh lái xe thành phố chở quặng mang theo nhiều thứ văn minh mà rừng núi không có. Lạ từ thỏi kẹo cao su ăn dai dai ngòn ngọt, nhai sái quai hàm vẫn phải nhả bã. Rồi thêm những thứ cao su khác để “ăn” đàn bà con gái. Đám con gái mới lớn mơn mởn mắt tròn mắt dẹt nghe mấy chàng ba hoa chích chòe. Thế rồi dắt nhau vào địa đạo trong chân núi. Vậy là hỏng hết một đời hoa.
Nhưng làng đâu đã hết. Cho đến khi đám lái xe gạ mua cây si làng mới hỏng.
***
Xe tang ra tới ngã ba làng thì ông trưởng ban lễ tang kêu dừng lại để làm thủ tục xin đường cho hồn người chết. Sợ hồn đi lạc. Hai bên đường trẻ con người thượng đốt những ụ rơm ụ trấu con con khói nghi ngút để người chết xin lửa. Người ta quan niệm nếu không đốt, tối người chết sẽ về xin lửa, quấy rầy.
Lác đác những đám thanh niên bắt đầu tách tốp, đi lùi lại phía sau, từng đôi một hay nhóm một vài người. Thấp thoáng nghe các đoạn đối thoại ở góc này góc kia.
– Mày với nó hết rồi à?
– Xong được sáu tháng rồi. Lúc tốt nghiệp ra trường.
– Tao đinh ninh mày với nó có dứt cũng không rời được.
– Cũng lạ. Đến giờ tao vẫn nghĩ yêu nhau bốn năm mà không Tết nào về nhà tao rủ nó đi chơi mà nó đi. Cứ vào thành phố mới quấn lấy nhau.
– Sao vậy?
– Cứ như về nhà nó có thằng khác. Về nhà nó không dám công khai tao.
– Tao cứ nghĩ ra trường hai đứa mày cưới.
– Hình mẫu một người chồng của nó phải thế này thế nọ. Mà tao vẫn tay trắng.
– Không lẽ bốn năm học ở phố nó cần mày chỉ để giải quyết chuyện sinh lý?
…
– Con ấy ễnh bụng hồi làm quặng, phá đi vào nam làm công nhân lại hóa hay. Vớ được lão chồng phong độ phết.
– Phong độ gì, có mà phong thấp. Tròm trèm năm mươi rồi. Kề miệng lỗ rồi.
– Phải cách nó đến hai giáp nhỉ?
– Cỡ thế. Được cái giàu đếch chịu được. Vừa rồi hắn về mua hẳn cho bố và ông anh hai cái tay ga đấy, chạy ngọt lịm.
…
– Em áo vàng kia người làng nào nhỉ? Ngon thật.
– Hàng đóng gói chuẩn bị xuất khẩu đấy. Nghe bảo có thằng Việt kiều môi giới. Giờ về ăn Tết lần cuối với nhà.
– Mẹ, quân có tiền mắt bao giờ cũng sáng. Nhìn ngon thật. Mắt mũi mông má mềm mềm mong mỏng mòng mọng… Bố thằng có tiền nào mà chịu ngồi yên nổi.
…
– Không biết thầy nào xem giờ mà mát mẻ thật. Trời hưng hửng ấm mà vẫn có tí mưa bay lất phất cho đỡ bụi.
– Nói tới xem giờ. Làng dưới trước Tết có vụ sang mộ. Không biết xem giờ chôn kiểu gì mà ba năm rưỡi ván vẫn nguyên. Khui nắp quan tài vẫn thấy thịt dính xương. Lão bốc mộ kêu tốn không biết bao nhiêu rượu mới róc hết thịt. Buồn cười nhất là khẩu AK báng gấp vẫn còn nguyên nòng và hai viên đạn không bị phân hủy.
…
Tiếng trống tiếng kèn tiếng chiêng chập cheng ai oán. Người nhà vẫn khóc thê lương. Hòa vào đó là những tiếng tán tỉnh, tán phét của những đôi những cặp phía sau.
***
Cây si làng dễ đến trăm tuổi. Thân cây có hình thù khá kỳ quái, một thế đứng độc và trông rất “vượng”. Phải cỡ mươi đứa trẻ mới ôm hết gốc. Xưa giờ gốc si vẫn là nơi người vào làng ra làng nghỉ chân. Ấy vậy mà khi mấy tên lái xe chở quặng ở thành phố đặt vấn đề mua năm mươi triệu để chở về phố đặt trong nhà hàng hay chơi cây cảnh gì đó, mấy ông ở làng quyết bán cái rụp. Mười thanh niên lực lưỡng đào huỳnh huỵch đứt hai ngày trời. Mà lạ, đào quặng đào đá hùng hục như trâu húc mả chẳng sao mà vật có gốc si thì hai tên dính thương. Một tên bị thuổng tiện mất bốn ngón chân. Một tên bị lưỡi cuốc văng vào đầu khâu mười hai mũi. Ông chủ mua cây xòe luôn năm triệu cầm máu. Cây si đưa lên xe ô tô chạy chưa khỏi cổng làng lại nổ lốp, trì trật mãi rồi mới thoát.
Đến bây giờ ngẫm lại người ta mới bảo, đấy là điềm, đã nhắc đến ba lần mà còn bán, nên họa là phải.
Chẳng biết có phải thật vậy không. Nhưng nguyên hai năm qua người làng chết cứ như ngả rạ. Những cái chết tức tưởi không biết đâu mà lần.
Bắt đầu là cụ Hảo và cụ Hán dắt nhau đi một ngày trời xám đục màu nước dưa muối hỏng. Cụ Hảo đi vào buổi sáng. Cụ Hán xúc động nằm một chỗ căn dặn con cháu. “Thôi mẹ đi rồi, các con đừng quá lo nghĩ. Già thì đến tuổi phải đi. Tập trung lo cho mẹ chu đáo. Bố không sao đâu”. Vậy mà buổi chiều mọi người vào viếng thì thấy hai quan tài để song song trong nhà với di ảnh của cả hai cụ. Một phen hoảng hồn. Chết trùng tang trong năm đã sợ, đằng này lại cùng một ngày. Cứ như phim kiếm hiệp bên Tàu, chàng và thiếp sinh khác năm khác tháng khác ngày nhưng nguyện sẽ chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Hay là cụ ông nghĩ, đi luôn để tiện công con cháu lo một thể, sau giỗ chạp cũng tiện?
Sau hai cụ Hảo Hán là chú Kiên. Bảy năm để tang vợ, họ hàng hai bên khuyên chú lấy vợ kế. Ậm ừ mãi chú mới gật. Nhưng hành trình không trọn vẹn. Chú mới bước tới bàn thờ vợ thì dừng. Đúng hôm đi ăn hỏi. Trước khi đi, chú bắc ghế lên bàn thờ thắp hương cho vợ như để báo cáo, xin phép. Chẳng hiểu sao lúc bước xuống trượt chân, đầu đập vào cạnh tủ rồi đi luôn. Bát hương trên bàn thờ vợ cháy bùng bùng rồi vỡ. Người thì nói trượt chân. Người thì nói vợ không cho cưới nên xô ngã.
Đám tang chú Kiên vừa sang ngày mở cửa mả lại tới lão Quyết giẫm phải đinh gỉ ngoài bãi quặng. Cứ tưởng thịt lành như mọi lần. Hồi chưa sốt quặng lão làm thợ mộc nổi tiếng với giai thoại bị lưỡi bào sướt vào chân, lão sục tay vơ luôn bãi cứt trâu nhão trét vào cầm máu, nói cho mát. Cả làng nhắm mắt sợ, nói thịt lão lành như thịt trâu, lành không tưởng tượng nổi. Vậy mà lần này giẫm phải chiếc đinh gỉ, ba ngày sau uốn ván chết ngắc, không kịp ngáp.
Rồi hết chết bất đắc kỳ tử đến chết bệnh. Đang quần quật đào quặng bỗng lăn đùng ra ốm. Nhập viện mới biết ung thư giai đoạn cuối. Đụng đâu cũng ung thư. Hết ung thư phổi đến ung thư gan, hết ung thư tử cung đến ung thư tinh hoàn, rồi da rồi vú, rồi vòm họng rồi dạ dày… Còn thiếu cái móng tay là chưa thấy ung thư. Ung thư như phim Hàn. Một năm làng chết gần chục người vì ung thư. Từng bao quặng lần lượt ra đi để quy những lần thay máu, những lần xạ trị hóa chất. Chẳng tháng nào là không thấy đám tang. Đồng tiền trong nhà vơi dần, tỉ lệ nghịch với đồng tiền âm phủ ngoài đường làng dày lên hết lớp này tới lớp kia, quằn quại trong gió.
Đúng lúc cao điểm ấy thì bãi quặng có lệnh đóng cửa. Chính quyền cấm khai thác bừa bãi. Chờ công ty nhà nước về đấu thầu khai thác theo quy hoạch. Dự án là vậy mà treo gần hai năm chẳng thấy động tĩnh gì. Làm trộm lén lút chẳng thấm vào đâu, lỡ bị phát giác tịch thu nộp phạt một vố cũng hết vốn. Làng teo tóp lại. Thanh niên trai tráng cuồng chân cuồng cẳng bỏ làng vào nam ra bắc làm công nhân, cu li bốc vác… Làng lo xem ai sẽ tới lượt được khiêng ra nghĩa địa.
Đã nhiều người thử cắt nghĩa xem tại sao làng lại đến cơ sự này. Người thì nói đụng đến cây si là chết. Cây si là nơi cư ngụ của mấy hồn ma từ trước giải phóng. Giờ chặt cây ma không còn chỗ ở nên nó quấy. Họ còn quả quyết trước đây đi buôn hàng chuyến về xuôi từ tờ mờ sáng vẫn thấy cặp trai gái mặc bộ đồ trắng, đi tới gần thì cả hai dắt tay nhau đi xuống phía suối, rồi mất tiêu, chỉ để lại luồng gió lạnh toát. Người lại bảo đào quặng xẻ núi chạm vào long mạch gì đó nên động tới thiên tào địa phủ mới sinh ra dịch tử. Kẻ khoa học hơn lại kêu do ăn quặng, uống quặng nên nó tích tụ lại trong người, sinh bệnh mà chết. Cái gì cũng bán tín bán nghi. Chẳng ai hơi đâu về xác minh. Người chết thì đã chết. Người sống thì vẫn sống trong lo âu. Những cái chết hẹn giờ treo lơ lửng.
***
Xe tang kéo lên đến triền đê thì Linh khóc quá, ngất lịm đi, nằm vật xuống đê. Năm sáu người đứng lại xoa dầu giúp Linh tỉnh. Đúng lúc Linh vừa tỉnh thì chàng thanh niên đang xoa chân bóp tay cho Linh bị cô gái khác xô một cái lộn ba vòng xuống kênh mương dẫn nước vào ruộng dưới chân đê, ướt như chuột lột. Thì ra đây là anh chàng xưa tán tỉnh Linh. Không may anh chàng bị chị vợ phát giác nên ăn ngay đòn kungfu của bạch cốt tinh. Đám thanh niên không nín được một trận cười bò lăn bò càng trước khi vào nghĩa địa.
Quan tài được nâng ra khỏi xe tang và đưa xuống huyệt. Tiếng trống tiếng kèn tiếng chiêng thúc mạnh hơn. Tôi bốc một nắm đất gửi theo thím Lung. Cảm giác nắm đất vỡ ra trong lòng bàn tay. Đất vẫn như thuở tôi đi chăn trâu, tơi và xốp, sao đất làng vỡ ra bao nhiêu chuyện không tài nào hiểu được.
Tiếng trống tiếng kèn tiếng chiêng dóng lên hồi cuối kết thúc đám tang. Người đưa tiễn bắt đầu về. Chỉ còn người nhà ở lại bên mộ để cúng bái từ biệt người quá cố theo tục của người thượng.
Trên triền đê lác đác những đôi những cặp áo xanh áo đỏ áo vàng. Không biết họ nói với nhau những gì, tôi chỉ nghe thấy tiếng cười loáng thoáng. Chắc hẳn lại hẹn nhau hết Tết vào nam nhé, yêu nhau nhé, hay đại loại thế, dẫu mới gặp nhau từ lúc vào đám tang.
Tôi cũng rảo bước về. Có thể tôi còn quá trẻ để hiểu hết về đất về làng. Tôi thấy bước chân mình như nặng hơn trước những điều hiện hữu ấy, dẫu ngày mai ngày kia tôi lại phải tiếp tục hành trình của riêng mình nơi xứ người.
(Trích từ tuyển tập Văn thơ Trẻ Bà rịa-Vũng Tàu)