Văn Thơ trẻ BRVT(2)

  • Lê Huyền Trang sinh năm 1988. Tốt nghiệp Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện sống và làm việc tại tp Vũng Tàu

NẾU EM CÓ ĐỦ NIỀM TIN

Truyện ngắn của Lê Huyền Trang

Lâu lắm rồi tôi lại mới say. Mà nói đúng ra là rượu làm tôi hơi chếnh choáng chứ chẳng say được. Khi tinh thần, tâm trạng đang căng cứng như dây đàn thì cái chất men cay nồng ấy càng nốc vào miệng cũng chỉ làm cho người ta càng tỉnh. Lạ thế, đời nó oái oăm vậy, muốn say mà còn không được. Cũng giống như ngày xưa khi còn thơ bé, lời mẹ ru à ơi là cánh cò bay ngay vào giấc mơ ngọt lành, êm lịm, còn bây giờ đã hơn những lần tự ru lòng mình nhưng lạ thay, vẫn thức. Càng ru càng thức, càng tỉnh. Tỉnh đến chênh chao. Tỉnh đến ngả nghiêng, chao đảo bởi gió dập sóng dồi. Đời đấy! Ai bảo là mật ngọt?!
Tình cờ tôi gặp em trong đám cưới nhà ông anh họ. Lúc mọi người còn lâng lâng với những ly rượu mừng chúc tụng đôi bạn trẻ nên duyên ngoài nhà hàng. Tôi lẩn về định “đào ngũ” khi trên người đã sặc sụa mùi men. Một đứa bé gái đang lỉnh kỉnh thu dọn hậu trường của nhà cô dâu, nhanh chóng và gọn gàng như “dân chuyên nghiệp”. Gặp tôi, em thoát sờ sợ, có lẽ là vì bộ dạng lếch thếch của một thằng đã tê tê.
– Chú là ai? Mọi người đi ăn cưới ở nhà hàng hết rồi.
– Thế em là ai? Sao không đi dự tiệc?
– Nhà cháu kia kìa, cháu không có váy đầm.
Vừa nói em vừa chỉ tay về phía căn nhà ngói bé tẹo nằm lụp xụp ngay đầu ngõ nhà anh họ tôi. Đợt nghỉ phép vừa rồi tôi cũng có lên đây chơi vài ngày, hôm nhậu thịt heo mọi anh tôi có sang nhà đó xin riềng về làm món giả cầy, rồi quay trở lại cùng tiếng chép miệng thở dài “khốn nạn thật, sống mà không ra được hồn người thà chết quách lại sướng hơn. Ông trời ác quá chú mày ạ”. Tôi cũng thở dài thườn thượt, buông một câu hỏi lảng nhách “Sống mòn hay chết mòn vậy anh?”. Ông anh hình như không quan tâm cho lắm đến câu hỏi của tôi, hoặc có nghe nhưng không nhập tâm. Anh tiếp:
– Cả mấy năm nay rồi đấy, chú ấy bị liệt toàn thân không nhúc nhích được, cứ nằm ăn ỉa tại chỗ, vợ con phục vụ, hễ nhảng ra là có chuyện. Đợt năm ngoái bão lớn tưởng chết vùi trong căn nhà tình thương xã xây cho chứ, nguyên cả cây xà gồ đè xuống bụng mà ngờ đâu vẫn sống được. Chỉ có căn nhà là nát bươm thành một đống xà bần… Mà thôi, chuyện nhà người ta, chuyện đời. Có mà nói đến mai không hết. Thôi tập trung vào chuyên môn đã chú mày.
Nói rồi anh băm chặt tiếp quày thịt đã nướng thơm loạn. Tôi nhìn về phía căn nhà kia, trong đầu hiện lên hình ảnh người đàn ông bị liệt toàn thân bất lực dính da thịt mình với giường, với chiếu.
Em tên Hiếu, Nguyễn Thị Hiếu. Anh trai của em là Nguyễn Văn Trung, em gái út là Nguyễn Thị Thảo. Em tỉ mẫn kể họ tên của mình và anh trai, em gái khi được tôi bắt chuyện làm quen. Em có làn da đen nhẻm, tóc rối vàng cạch phả ra một mùi khét nắng đặc thù của những đứa trẻ nghèo khó nơi miền quê. Tôi chạnh lòng khi biết em năm nay 13 tuổi nhưng sở hữu một thân hình của đứa bé nhà giàu chưa tròn 6 tuổi. Nhìn em chẳng khác nào một…quả cau điếc rụng nằm chỏng chơ ở góc sân nhà. Héo hon, gầy gò, xơ xác. Chỉ duy chỉ đôi mắt, vẫn lí lắc, hồn nhiên và thơ dại. Có lẽ đời em chưa đủ dài để bụi đời bám phủ?!
– Sao em không đi nhà hàng ăn tiệc cưới? Tôi lặp lại câu hỏi.Đó là Mận, một cô gái có cá tính mạnh mẽ đầy ước mơ mong muốn mang nghề mỹ nghệ của xứ Dừa đi xa hơn.
– Cháu không có váy đầm, mẹ không cho đi.
Ra là thế. Đó là lí do tại sao em không được đi nhà hàng cùng những người váy áo lượt là thơm nhức mũi bởi loại nước hoa rẻ tiền. Kể đúng là xã hội ngày càng văn hóa văn minh, đẹp trong ngày cưới giờ không còn chỉ là chuyện của cô dâu và chú rể mà những khách mời hay bà con cô bác, thanh niên trong ấp trong làng cũng đẹp rạng ngời mà…luôn chói lóa. Mấy cô chậc lưỡi bỏ ra trăm bạc để ra tiệm trang điểm, làm móng. Chả mấy khi. Nhưng khổ nỗi thợ trang điểm hì hục cả buổi trét không biết bao nhiêu phấn nền, kem lót, lên mặt mấy cô vẫn không thể che hết được vết tàn nhang, đen đúa ghi hằn lên gương mặt quanh năm phơi nắng dầm sương. Và sơn móng không biết quệt vào đâu khi móng chân, móng tay lốc ngược, xước xuôi, co ro lại như vẩy con chem chép. Gái mới lớn cũng đua nhau mặc áo lệch vai, váy hở chân, khoe đùi. Các cụ đã dạy “đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại” lại không nghe, cứ thích khoe cơ, xấu đẹp gì khoe tuốt. Khoe cả cặp giò sần sùi, to lù sổ suể cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, suýt xoa. Đến là tội lỗi!
Hỏi chuyện em tôi mới biết ba em chính là người đàn ông bại liệt ấy. Căn nhà xã làm cho gia đình em đã bị cơn bão số 9 năm ngoái đánh sập, còn ngôi nhà em đang ở là của gia đình chị gái của ba em cho mượn ở tạm. Hằng ngày mẹ em đi buôn bán rau ngoài chợ, tối đến một tuần ba buổi, mỗi buổi 2 tiếng đạp xe lên phố huyện giúp việc nhà cho người ta. Anh Trung của em năm nay 14 tuổi đã bỏ học, ban ngày đi nhặt nhạnh những thanh sắt, thanh nhôm, lon bia, vỏ hộp gom về bán cho vựa ve chai. Em và em gái tên Thảo vẫn đang đi học, một buổi đi học, một buổi ở nhà thay nhau giăt đồ, nấu cơm và chăm lo cho người ba tật nguyền. Em kể, giọng bình thản như rằng tất cả những nỗi nhọc nhằn kia đối với gia đình em là điều hiển nhiên, quen thuộc.
– Rồi nhà em có đủ ăn không? Tôi hỏi bằng giọng ái ngại.
– Có chứ. Á mà quên, buổi tối 3 anh em cháu còn đi ăn xin nữa mà. Em nói như một tiếng reo khẽ khi tìm ra bằng chứng chứng minh cho lời khẳng định trước đó của em. Có lẽ trong tiềm thức của em cái từ “đủ ăn” đơn thuần chỉ là không bị đói!
– Đi xin? Xin ở đâu?
– Cháu xin của khách du lịch thôi, chứ người làng xin mãi người ta không cho nữa. Chú biết không, hôm qua có ông tây kia cho cháu những 50 nghìn. Giàu ghê chú há… Tôi nghe giọng em thảng thốt, ngậm ngùi. Ánh mắt em nhìn xa xăm như nghĩ về điều gì cao vời vợi. Hẳn rằng đó là tương lai, là những vệt sáng lán đang le lói lên trong tâm hồn thơ dại của đứa trẻ nghèo khổ ấy.
Em kể tôi nghe về những ước mơ, từ xa đến gần. Em bảo em mong sau này trở thành bác sĩ để chữa lành bệnh cho ba, để em kiếm tiền phụ mẹ và để cả ba anh em không phải dắt díu nhau đi ăn xin khi phố huyện lên đèn. Và ngay lúc này đây em lại mơ, ước mơ giản đơn là được mẹ mua cho em cái váy đầm để mặc đi nhà hàng mỗi lần trong làng có ai đám cưới. Em líu lo, em tíu tít, em nói, em cười giòn tan trong gió chiều vi vút. Tôi mừng bởi cái nghèo, cái khổ không (hay chưa?!) cướp mất tâm hồn thơ trẻ trong em.
– Cho em này. Để mua váy đầm. Tôi xìa ra trước mặt em hai tờ 50 nghìn trước sự ngỡ ngàng của Hiếu.
– Cho…cho cháu thật á?
Tôi gật đầu, khẽ mỉm cười. Nụ cười hiền khô và lành lặn nhất từ trước đến nay, kể từ cái ngày nào không nhớ nữa tôi nhận ra đời những nét gian manh, và người thì nhạt và đắng, hệt như ly cafe đen không đường tôi vẫn thường ê a nhấm nháp.
– Ôi, chú giàu thế á? Hẳn rằng lúc này em đang nhìn tôi bằng ánh mắt là người giàu gấp đôi cái ông tây mà em ngưỡng mộ kia. Thật ra tôi không giàu. Số tiền tôi kiếm được đủ để trang trải cho cuộc sống của một thằng độc thân một cách hết sức bình dân. Số tiền tôi cho em chưa đủ cho một phần ba cuộc nhậu của mấy thằng nhìn đời qua lăng kính…đít chai như tôi. Đời thật ra cũng chẳng bất công lắm đâu, có chăng chỉ là chưa được công bằng cho lắm! Nhìn Hiếu tôi lại so sánh với con bé con ông hàng xóm của tôi. 14 tuổi, con bé ấy nặng 47 kg, to sồ sề, chỉ có mỗi việc học, ăn và…cãi trả. Ai vào nhà không biết chắc tưởng nó là công nương còn mẹ nó là ô sin thời tiền hiện đại. Mới tí tuổi đầu mà nhìn đời toàn nhìn xuống. Thề có cây cột đèn, con bé ấy mà là con tôi, tôi đánh cho tuốt xác…
Chị dâu gọi điện báo tin chị Mùi đã chết. Chết rét khi đang đi cấy ngoài đồng. Chị Mùi cùng ngõ với nhà tôi ngoài Bắc. Chị không nõn nà, xinh đẹp được như các cô thôn nữ khác mà bị dị tật bẩm sinh, một bàn tay trái của chị chỉ có một ngón cái, cộng với dáng người nhỏ bé hom hem nên trai làng chẳng ai thèm nhìn ngó. Chị ế. Ế chỏng ế chơ cho đến ngày đột nhiên bụng chị cứ thế lù lù lớn lên, to đùng to đoàng trong sự im bặt, cấm khẩu của chị, bố mẹ chị từ mặt vì không chấp nhận được một đứa con gái chửa hoang, lăng loàn, đã tật nguyền mà không chịu chót đời. Người cô đơn độc đón mẹ con chị về sống cùng cho tháng ngày đỡ quạnh hiu.
Ngày rét tháng chạp, khi nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 5 độ C kèm với giá buốt nhức nhối, chị đã chết ngay trên lối mạ đang cấy dở dang, bỏ lại đứa con gái mới tròn 5 tháng tuổi. Tôi nghe mà lòng trân tê. Em Hiếu dù gì cũng còn có mẹ và anh em, còn đứa con chị Mùi rồi sẽ thế nào đây? Thật là không dám nghĩ thêm nữa…
Những con người, những số phận ấy vẫn sống (hay chỉ là tồn tại?!) theo tháng ngày như thế nhưng dường như không phải sống giữa đời mà là dặt dẹo, lê lết bên lề đời, dưới đáy đời, và cứ thế ngoi ngóp, hổn hển, đắm đuối với số phận. Phải là số phận không? Phải hay không thì cũng nên nghĩ thế, để chấp nhận, để tin yêu, để AQ với đời. Có thể lắm chứ, ước mơ nhỏ nhoi của Hiếu là chiếc váy đầm đã có thể thành hiện thực và ước mơ xa vời kia là trở thành bác sĩ cũng có thể lắm nếu như em có đủ niềm tin và nghị lực. Tôi mong và tin rằng em sẽ chạm vào được chân trời mơ ước ấy. Còn con chị Mùi, rồi sẽ tiếp tục lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của những người thân thay vì sự ghẻ lạnh, xua đuổi. Và ước rằng nó sẽ sống cuộc đời khác đi chứ không phải là ngập chìm giữa bùn lầy buốt nhói kia…

(Trích từ tuyển tập Văn thơ Trẻ Bà rịa-Vũng Tàu)

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu