Tự chán trước khi thiên hạ chán

VTH – Không phải ai cũng tiết chế được mình, điều này càng cần thiết trong lĩnh vực Nghệ thuật…

Năm 1989, trước khi làm xong tập cuối cùng của phần 4 bộ phim truyền hình nhiều tập “Bạch tuộc” (La Piovra), nam diễn viên Michele Placido, người thủ vai thanh tra cảnh sát Carado Catani, lại được mời tiếp tục tham gia trong những phần tiếp theo.

Thế nhưng, anh đã kiên quyết yêu cầu những người chủ phim phải cho nhân vật của anh được hy sinh ngay ở tập cuối phần 4. Tất cả đã ngạc nhiên nhưng không ai thuyết phục được Placido đổi ý. Và thế là những phần tiếp theo của “Bạch tuộc” (cho tới nay đã có tới 10 phần, phần cuối được công chiếu vào năm 2001) đều vắng bóng Placido. Bản thân anh đã tâm sự: “Mọi việc đều có giới hạn của nó. Không nên để thiên hạ chán mình…”.

Nghiệp chướng

Michele Placido sinh ngày 19/5/1946 tại thành phố Ascoli Satriano trong một gia đình tương đối khó khăn. Cậu bé Michele đã phải học trong trường dòng rồi mới đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đi lính về, Placido vào làm ở cơ quan cảnh sát thành Rome. Chính trong lực lượng cảnh sát, anh đã chuẩn bị cho mình cả về tinh thần lẫn các kỹ năng cho nghề diễn viên sau này. Theo chính lời anh kể, ngay từ nhỏ anh đã thích nghệ thuật. Và rất mê diễn kịch. Chính vì thế nên khi có điều kiện là Placido ngay lập tức xin vào học ở Học viện Nghệ thuật sân khấu. Năm 1969, anh thủ vai đầu tiên trên sàn diễn.

Từ năm 1972, Placido bắt đầu tham gia đóng phim. Vai đầu tiên của anh là trên màn ảnh nhỏ, trong phim truyền hình Chàng trai. Cũng trong năm 1972, Placido tham gia phim nhựa Bỉ vỏ Peresa. Tác phẩm điện ảnh đã giúp Placido nổi tiếng khắp Italia là phim hài Chuyện tình dân gian (1974) của đạo diễn Maria Monicelli. Sau đó, anh liên tiếp được các đạo diễn Italia mời tham gia phim của họ, trong số này phần nhiều là phim hài.

Michele Placido (AFP Photo / Alberto Pizzoli)

Michele Placido.

Cũng phải nói rằng, ở những bộ phim hài, Placido chủ yếu chỉ diễn lại sự hấp dẫn của chính bản thân anh, khá đơn điệu và trùng lặp. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, nghệ sĩ đã cố gắng đa dạng hóa phong cách nghệ thuật của mình và tham gia vào các bộ phim khác nhau của những đạo diễn lớn… Năm 1991, Placido đóng vai một sĩ quan nhảy dù Xôviết trong bộ phim của đạo diễn Nga Vladimir Bortko Vết gãy Afghanistan…

Một mình chống lại mafia

Placido trở nên nổi tiếng toàn cầu sau bộ phim truyền hình nhiều tập Bạch tuộc của Đài Rai Uno (RAI 1): anh đóng vai thanh tra Catani trong suốt mấy mùa phim liền (từ năm 1984 tới năm 1989). Bộ phim này được công chiếu trong thời điểm Italia phải đương đầu với cuộc chiến mới chống lại mafia với nhiều phi vụ đụng độ gay cấn trong đời thực giữa cảnh sát và giới tội phạm.

Vì thế, những gì diễn ra trong phim đã rất dễ tìm được những âm vọng nóng hổi trong thực tại. Bạch tuộc đã được Đài RAI 1 phát sóng lần đầu vào ngày 11/3/1984. Loạt phim này sau đó đã được chiếu đi chiếu lại không chỉ một lần ở Pháp, Đức, Liên Xô, Việt Nam (qua giọng thuyết minh của nhà báo Trần Bình Minh, hiện là Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) và đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Thành công vang dội của phim Bạch tuộc, nhất là của 4 phần đầu, trước hết là nhờ những tình tiết gay cấn, quyết liệt và đầy hấp dẫn trong sự đối đầu giữa thanh tra Catani với tay trùm mafia Tano Cariddi. Nghề thanh tra đã không chỉ làm Catani hao tổn sức khỏe, trí óc mà còn phá hoại cuộc sống gia đình của anh.

Cả hai người thân yêu nhất của anh, vợ và con gái, sau này đều bị mafia sát hại. Cuộc sống của Catani trong cuộc chiến chống mafia trở nên phức tạp hơn khi trong quá trình điều tra những hoạt động tội ác của mafia, anh đã nảy sinh tình cảm với nữ bá tước Raffaella Pecci Scialoia hay tên thân mật là Titti, vốn cũng là một nạn nhân của mafia…

Bạch tuộc không chỉ là một bộ phim có sức lôi cuốn lớn đối với khán giả mà ở một mức độ nhất định, đã mang tính dự báo. Chỉ ba năm sau khi phần 4 được phát sóng năm 1989, hai thẩm phán đứng đầu cuộc chiến chống mafia của Italia là Paolo Borsellino và Giovani Falcone đã bị sát hại…

Placido kể: “Tại đảo Sicilia, vào những giờ truyền hình phát phim Bạch tuộc, người dân ở đây cũng không rời màn ảnh nhỏ như ở khắp mọi nơi trên đất nước Italia. Thì có gì lạ trong chuyện này, có thể họ xem đó như phim hài, hoặc xem đó như một chương trình hướng dẫn hành động (cười).

Nhưng tôi tin rằng mafia cũng thích xem phim hình sự: có thể những phim về giới tội phạm lại làm cho chúng thích hơn những loại phim khác vì đấy là môi trường hoạt động nghề nghiệp của chúng. Trong bất luận trường hợp nào, không có ai trong đám mafia giận tôi hoặc dọa bắn tôi vì việc tối nào trên màn ảnh nhỏ tôi cũng xả súng không thương tiếc hạ gục hàng chục tên cướp…”.

Placido cho rằng, một nhân vật như thanh tra Carado Catani luôn là một vận may đối với người nghệ sĩ. Nhờ tham gia đóng phim Bạch tuộc, Placido đã làm quen được với nhiều gương mặt lớn và có được chỗ đứng của mình trong điện ảnh. Placido cho rằng, nếu không có vai thanh tra Catani có lẽ tới bây giờ anh vẫn chỉ là một diễn viên sân khấu thuần túy.

Người ta kể rằng, khi trong phần 4 của phim Bạch tuộc, thanh tra Catani đã bị sát hại bởi các phần tử mafia, đại sứ quán Italia ở Moskva đã nhận được vô số những lá thư đầy giận dữ của các quý bà Xôviết yêu truyền hình, cho rằng, những người làm phim đã quá tàn nhẫn khi để một nhân vật mã thượng như vậy phải ngã xuống!

Và sau này, mặc dầu còn 6 tập phim Bạch tuộc nữa được thực hiện nhưng Placido đã không xuất hiện vì anh cho rằng, với thanh tra Catani, dù có yêu nhau đến mấy thì thế cũng là quá đủ rồi. Thậm chí trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, Placido còn nói thêm là, anh cảm thấy hơi “tức” khi khán giả chỉ nhớ anh qua vai thanh tra Catani: “Mọi việc đều phải có giới hạn của nó. Nếu tôi không quyết tâm nói không khi đó với những phần tiếp theo của Bạch tuộc thì có lẽ tới bây giờ trên màn hình vô tuyến tôi vẫn tiếp tục đuổi nhau với các phần tử mafia… Và một khi tôi đã 60 tuổi rồi thì chắc Bạch tuộc sẽ trở thành phim hài: còn gì hài hước hơn khi một ông già lục thập mặt đầy nghiêm trọng vừa thở dốc, vừa chạy theo mấy tên mafia?!”.

Tuy nhiên, không phải ai ở Italia cũng thích phim Bạch tuộc và Placido. Thủ tướng Silvio Berlusconi chẳng hạn, rất khó chịu với Placido vì mỗi khi ông đi công cán ở nước ngoài, ông rất hay bị hỏi về người diễn viên đã đóng vai thanh tra Cattani. Và trong quan niệm của ông Berlusconi, phim Bạch tuộc đã tạo nên hình ảnh tiêu cực về Italia trên thế giới. Placido lại cho rằng, ông Berlusconi đã lầm lẫn: “Thanh tra Catani đã cho thấy ở đất nước chúng tôi vẫn có những người kiên trì đấu tranh chống lại cái ác và muốn làm việc gì đó tốt đẹp cho đồng loại. Khác với một số chính khách thường chỉ quan tâm tới sự thành công của cá nhân mình!”.

Sáng tạo không mệt mỏi

Dù rất nổi tiếng trên màn bạc, nhưng với tư cách nghệ sĩ biểu diễn, Placido vẫn coi sân khấu là thánh đường của nghệ thuật: “Đó mới là nghệ thuật đích thực. Trên sân khấu bạn không thể diễn đi diễn lại 20 lần như khi làm phim và khán giả nhìn thấy rõ bạn từng bước. Nếu bạn phạm sai lầm, nếu bạn diễn tồi, người ta ngay lập tức sẽ không tha thứ cho bạn. Điện ảnh có thể ngốc nghếch và tẻ nhạt với những kỹ xảo đặc biệt tràn ngập, nhưng khi đó khán giả chỉ bị mất tiền mua vé và không phải ám ảnh gì trong đầu, nhưng nhà hát, đó là một điều hoàn toàn khác. Nhà hát không chấp nhận thái độ giả dối đối với người xem, bởi khác đi người ta sẽ ném cà chua trứng thối…”.

Vì yêu sân khấu nên hiện nay song song với việc dựng phim, Placido vẫn tiếp tục đạo diễn cho nhiều vở kịch… Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Placido bắt đầu đi làm đạo diễn phim. Placido coi việc chuyển sang làm đạo diễn là một bước thay đổi tự nhiên, cũng giống như một số cầu thủ giỏi khi đứng tuổi rồi thì quay sang làm huấn luyện viên và huấn luyện rất tốt.

Bộ phim đầu tiên mà Placido dựng là Cà chua. Placido còn là biên kịch của một số phim và từng được nhận giải thưởng David Donatello cho phim Chuyện tình hình sự. Năm 1994, Placido được trao giải Felix cho cho phim hay nhất với Lamerica… Placido từng là thành viên ban giám khảo liên hoan phim quốc tế Venice năm 2006. Khi đó chủ tịch ban giám khảo là nghệ sĩ Pháp lừng danh Catherine Deneuve…

Tại liên hoan phim quốc tế Moskva tháng 6-2011, Placido đã mang tới bộ phim Vallanzasca, thiên thần của cái ác nói về tên tội phạm khét tiếng Vallansaska và băng nhóm của y. Theo quan điểm của Placido, “thể loại phim hình sự trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên hấp dẫn. Nhưng kể về các tên tội phạm, đó là nghĩa vụ của các đạo diễn”.

Anh tâm sự: “Tôi đã đọc tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt mấy lần rồi mới bắt tay vào làm phim… Tôi cho rằng, trong con người có tới 80% cái xấu và chỉ 20% cái tốt. Tất cả các nhà văn lớn, từ Shakespeare tới Dostoyevski đều đã vạch ra những cái đen tối đó trong bản năng con người. Và tại sao chúng ta lại làm việc ác? Vallanzasca, thiên thần của cái ác, đó là một trường hợp hiếm hoi, khi đạo diễn được kể về cuộc sống của một tên tội phạm hiện vẫn đang thụ án trong tù… Tôi đã tiếp xúc với Renato Vallanzasca. Đó là một kiểu người rất có duyên, rất dễ chịu nhưng đồng thời cũng rất tàn bạo. Tôi đã phải rất thận trọng để thấu hiểu và để không bị y lối cuốn… Vallanzasca đã không ngờ là bộ phim tàn nhẫn đến thế. Vợ y kể lại rằng, sau khi xem phim, y đã không trò chuyện với ai suốt cả một ngày đêm và khóc rất nhiều…”.

Hiện nay, Placido đang đạo diễn một bộ phim mới ở Pháp với những diễn viên tuyệt vời như Daniel Auteuil và Mathieu Kassovitz… Những diễn viên này chưa từng bao giờ xem phim Bạch tuộc nhưng họ vẫn tin vào Placido như tin vào một đạo diễn giỏi!

Placido không thích nói về chuyện đời tư của anh: “Tôi đâu phải là Bill Clinton, nói chuyện đời tư của tôi làm gì? Tuy thế, tôi cũng có những thời điểm vô cùng phức tạp, đến nỗi chính tôi nhớ lại cũng không dễ. Việc gì phải ôn lại trong trí nhớ những chuyện buồn?!”. Tuy Placido kín tiếng, nhưng công chúng cũng vẫn biết rằng, anh đã hai lần cưới vợ, có 6 người con. Người con gái cả Violante Placido cũng là nghệ sĩ

Khánh Thiện

Theo cand.com

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu