>> Truyện ngắn, mỹ học của cái vụt qua – Bùi Vĩnh Phúc (1)
2. Trong lịch sử trên dưới 6000 năm của mình (từ những năm của thế kỷ 40 trước công nguyên với những bản văn từ thời cổ Ai Cập cho đến ngày nay), truyện ngắn, về đại thể, chỉ trải qua một số biến động lớn.
Từ những truyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại mang tính cách hoang đường, thần bí, siêu nhiên, không dựa trên hiện thực, phản ánh một quan niệm gián tiếp trong miêu tả nghệ thuật, đến thời Phục Hưng, thế kỷ XIV, qua Giovanni Boccaccio, truyện ngắn đã đi vào nghệ thuật trực tiếp, phản ánh cuộc sống với những mẫu nhân vật gần gụi trong đời thường (những lái buôn, những kẻ mang lốt tu hành nhưng có một tính cách phản diện, cái thiện, cái ác cụ thể, v.v.). Sau đó, vào đầu thế kỷ XIX ở châu Âu, truyện ngắn bắt đầu có những biến đổi căn bản. Nhưng để thấy rõ khúc ngoặt của truyện ngắn, người đọc phải chờ đến Edgar Allan Poe (1809–1849) của Mỹ với tài dựng truyện tuyệt vời cũng như khả năng lập thuyết sắc sảo của ông khi nói về thể loại này. Những truyện ngắn mang cái lõi trinh thám cùng với loạt truyện gây ấn tượng sâu sắc của Poe, kết hợp những yếu tố kinh dị, kỳ ảo hay huyền ảo, đã đưa truyện ngắn vào một khúc quanh mới.
Rồi đến Anton Chekhov, bậc thày của truyện ngắn Nga. Chekhov đã, qua những truyện ngắn đặc thù trong lối viết của mình, cắt bỏ các trạng từ, tính từ mang tính biểu cảm, thậm chí cắt bỏ luôn cả cốt truyện, chỉ trình bày một mảng hiện thực được soi chiếu bằng những vệt chiếu vừa đủ để tạo nên một cảm giác bềnh bồng của sương mù, nhưng từ đó lại làm bật lên cảm nhận về hiện thực của tâm hồn con người. Cái cảm giác này có thể còn lờ mờ, không thật rõ nét, nhưng cái ấn tượng về đời sống, về cái hiện thực bên trong ấy của hồn người cứ còn vương đọng lại mãi trong tâm trí người đọc.
Phong cách của Sherwood Anderson, và phong cách viết của Hemingway với nguyên lý “tảng băng trôi” một phần nổi bảy phần chìm (hay, sau đó, Camus — với cách viết trong “Kẻ Xa Lạ”[1] —, và thậm chí đi đến phong cách “tối giản”, “cực hạn” (minimalism) một cách tuyệt vời sau đó nữa của Raymond Carver) theo kiểu tước bỏ tất cả những gì trước đó, một cách căn bản, tạo nên sự thành công của truyện ngắn, như những câu chữ mang nhiều tính mô tả (như tính từ, trạng từ, các cụm tính từ, trạng từ, v.v.), các hình ảnh, cốt truyện, sự tràn đầy trong miêu tả, diễn đạt, v.v., làm nên cái thần thái xưa của truyện ngắn, cũng đã là sự nối tiếp phong cách Chekhov. Tuy nhiên, những nhà văn vừa nói đã tô đậm thêm cái phong cách này với những nét tài hoa cùng sự sáng tạo riêng để xác định chỗ đứng và nét đặc thù của mình. Chẳng hạn như Hemingway đã sáng tạo nên dạng truyện ngắn đối thoại nổi tiếng. Còn Raymond Carver thì đã được các nhà văn và người đọc xem là một maestro của phong cách “tối giản” (còn được gọi là “thiểu tố” hay “cực hạn”), cùng với cung cách khách quan hóa tối đa thái độ cũng như phong thái của người kể truyện. Carver đã chiếm được sự cảm phục của người đọc trong suốt nửa sau của thế kỷ XX.
Đó là chúng ta chưa nói đến Katherine Mansfield và Alice Munro, hai nhà văn kiệt xuất của truyện ngắn. Một người được gọi là Chekhov của Anh quốc, và người kia cũng được xem là Chekhov của Canada.
3. Bước đột phá gây ấn tượng gần đây nhất trong lịch sử của truyện ngắn có lẽ đã được tạo nên bởi Franz Kafka và, sau đó, Gabriel García Márquez.
Cả Kafka lẫn Márquez đều đã dùng những yếu tố kỳ diệu, huyền ảo mang đầy tính ma thuật trong những truyện ngắn của mình. Nhưng họ đã đi những bước khác nhau, với phong cách, thần thái khác nhau. Kafka, cùng với các nhà văn hiện đại khác, đã không chấp nhận việc miêu tả hiện thực một cách trực tiếp nữa. Mà nhắm vào cái nghĩa bóng, nghĩa được suy đoán của hiện thực. Từ đó, nhà văn cấp cho hiện thực tính đa trị, đa nghĩa. Nhắm vào việc làm mờ hóa hiện tượng, bôi bỏ những đường viền rõ nét của hiện thực, nhà văn đẩy người đọc vào thế phải suy giải. Có những hiện tượng được suy giải theo những con đường trái chiều, đối nghịch hẳn nhau, nhưng đều có nghĩa. Và, từ đó, những văn bản văn chương của thời hiện đại và hậu hiện đại nhiều khi có được những nét đa trị, đa nghĩa hết sức phong phú. Sự phong nhiêu, phong dật của văn chương (không hẳn theo nghĩa “Văn chương của sự phong dật” — The Literature of Replenishment của John Barth), ở một mặt ý nghĩa nào đó, cũng đã được nhận rõ từ khía cạnh này.
Cùng với Kafka, văn chương của sự biến dạng ra đời. Một thứ văn chương của huyền thoại. Của cái thực và cái mơ xoắn quyện, bồng bế lẫn nhau. Đó là văn chương của cái nghĩa bóng. Cái đằng sau, cái nghĩa bóng ấy, bỗng được đẩy ra phía tiền trường. Còn hiện thực thì được đẩy lùi về phía sau, được nhìn một cách gián tiếp. Chất Kafka của văn chương… hậu-Kafka đã được quy chiếu từ phong cách đó.
Và rồi cái bóng sừng sững của Márquez.
Márquez đối mặt với hiện thực một cách rõ nét hơn Kafka, cho dù những yếu tố hoang đường và ẩn dụ cũng đầy tràn trong truyện của ông. Ẩn dụ của Kafka bật sáng những thao thức đầy chất trí tuệ. Ẩn dụ của Márquez chập chờn và lấp lánh những hoa văn của hình tượng. Qua đó, với Márquez, người đọc như chìm vào “biển của thời đã mất” (cũng là tên một truyện ngắn của ông), nhập vào và sống một cách tự nhiên nhi nhiên với những cảnh hoang đường, kỷ ảo (thậm chí có những lúc nghịch dị) trong truyện của Márquez. Nhà văn đã thành công trong việc đưa dẫn người đọc vào những giấc mơ kỳ ảo, say đắm mà họ không muốn thoát ra.
(Còn tiếp)
BÙI VĨNH PHÚC
Nguồn tienve.org